Công văn 149/UBCK3 của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước về việc hướng dẫn thành lập, cấp giấy phép hoạt động cho công ty chứng khoán và cấp giấy phép hành nghề cho cá nhân
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
thuộc tính Công văn 149/UBCK3
Cơ quan ban hành: | Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước |
Số công báo: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Số hiệu: | 149/UBCK3 |
Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Công văn |
Người ký: | Nguyễn Đức Quang |
Ngày ban hành: | 02/11/1999 |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | |
Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Lĩnh vực: | Chứng khoán |
tải Công văn 149/UBCK3
CÔNG VĂN
CỦA UỶ BAN CHỨNG KHOÁN NHÀ NƯỚC SỐ 149/UBCK3
NGÀY 2 THÁNG 11 NĂM 1999 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN THÀNH LẬP,
CẤP GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG CHO CÔNG TY CHỨNG KHOÁN VÀ
CẤP GIẤY PHÉP HÀNH NGHỀ CHO CÁ NHÂN
Kính gửi:
- Các Bộ cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Các Tổng công ty nhà nước thành lập theo Quyết định số 90/TTg, 91/TTg
- Các tổ chức tín dụng
Thi hành Nghị định số 48/1999/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 1998 của Chính phủ về chứng khoán và thị trường chứng khoán, Quyết định số 172/1999/QĐ-TTg ngày 19 tháng 8 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức tín dụng thành lập công ty chứng khoán và tham gia niêm yết chứng khoán; và để cụ thể hoá Quy chế tổ chức và hoạt động của công ty chứng khoán ban hành kèm theo Quyết định số 04/1998/QĐ- UBCK3 ngày 13 tháng 10 năm 1998 của Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước hướng dẫn thêm một số điểm sau đây:
I. VỀ TRÌNH TỰ THÀNH LẬP VÀ CẤP GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG
KINH DOANH CHỨNG KHOÁN
1. Đối với các công ty chứng khoán trực thuộc các tổ chức tín dụng:
a. Xin phép Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc thành lập công ty chứng khoán trực thuộc;
b. Sau khi có sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng quản trị của tổ chức tín dụng ra quyết định thành lập công ty chứng khoán trực thuộc;
c. Nộp hồ sơ xin Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy phép hoạt động kinh doanh chứng khoán;
d. Đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật hiện hành;
e. Công bố việc thành lập và Giấy phép hoạt động theo quy định tại Điều 11 Quy chế về tổ chức và hoạt động của công ty chứng khoán (ban hành kèm theo Quyết định số 04/1998/QĐ-UBCK ngày 13 tháng 10 năm 1998 của Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước).
2. Đối với các công ty chứng khoán liên doanh:
a. Các bên hoặc một trong các bên liên doanh nộp hồ sơ xin Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán;
b. Sau khi thẩm định hồ sơ, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy phép thành lập và hoạt động cho công ty chứng khoán liên doanh;
c. Công bố việc thành lập và Giấy phép hoạt động theo quy định tại Điều 11 Quy chế về tổ chức và hoạt động của công ty chứng khoán (ban hành kèm theo Quyết định số 04/1998/QĐ-UBCK3 ngày 13 tháng 10 năm 1998 của Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước).
3. Đối với các công ty chứng khoán khác:
a. Nộp hồ sơ xin Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp Giấy phép thành lập công ty chứng khoán;
b. Nộp hồ sơ xin Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy phép hoạt động kinh doanh chứng khoán;
c. Đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật hiện hành;
d. Công bố việc thành lập và Giấy phép hoạt động theo quy định tại Điều 11 Quy chế về tổ chức và hoạt động của Công ty chứng khoán (ban hành kèm theo Quyết định số 04/1998/QĐ-UBCK3 ngày 13 tháng 10 năm 1998 của Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước).
II. VỀ HỒ SƠ XIN CẤP GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG
KINH DOANH CHỨNG KHOÁN
Hồ sơ xin cấp Giấy phép hoạt động kinh doanh chứng khoán được thực hiện theo quy định tại Điều 31 Nghị định 48/1998/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 1998 của Chính phủ về chứng khoán và thị trường chứng khoán và Điều 6 Quy chế về tổ chức và hoạt động của Công ty chứng khoán (ban hành kèm theo Quyết định số 04/1998/QĐ-UBCK3 ngày 13 tháng 10 năm 1998 của Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước). Trong đó, một số điểm được cụ thể hoá như sau:
1. Điều lệ công ty chứng khoán gồm những nội dung chính sau:
a. Tên, địa chỉ trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện (nếu có);
b. Hình thức tổ chức và thời gian hoạt động;
c. Mục tiêu và ngành nghề kinh doanh;
d. Vốn điều lệ (vốn đầu tư, vốn pháp định đối với công ty chứng khoán liên doanh); quản lý vốn điều lệ trước khi chính thức nhận Giấy phép hoạt động;
e. Họ tên, địa chỉ của thành viên đối với công ty chứng khoán trách nhiệm hữu hạn; tên, địa chỉ của cổ đông sáng lập đối với công ty chứng khoán cổ phần; tên, địa chỉ trụ sở chính của tổ chức tín dụng thành lập công ty chứng khoán trực thuộc; quốc tịch, địa chỉ, đại diện có thẩm quyền của các bên liên doanh đối với công ty chứng khoán liên doanh;
f. Phần vốn góp và giá trị phần vốn góp của mỗi thành viên đối với công ty chứng khoán trách nhiệm hữu hạn; số cổ phần mà cổ đông sáng lập cam kết mua, loại cổ phần, mệnh giá cổ phần và tổng số cổ phần được quyền chào bán của từng loại đối với công ty chứng khoán cổ phần; tỷ lệ góp vốn pháp định, phương thức, tiến độ góp vốn pháp định của các bên liên doanh đối với công ty chứng khoán liên doanh;
g. Quyền và nghĩa vụ của thành viên đối với công ty chứng khoán trách nhiệm hữu hạn, của cổ đông đối với công ty chứng khoán cổ phần, của tổ chức tín dụng thành lập công ty chứng khoán trực thuộc đối với công ty chứng khoán trực thuộc, của các bên liên doanh đối với công ty chứng khoán liên doanh;
h. Cơ cấu tổ chức quản lý; số lượng thành viên, thành phần, nhiệm vụ, quyền hạn và nhiệm kỳ của Hội đồng quản trị (nếu có); nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng giám đốc (Giám đốc), (và của các Phó Tổng giám đốc đối với công ty chứng khoán liên doanh);
i. Người đại diện theo pháp luật của công ty chứng khoán; người chịu trách nhiệm chính về hoạt động của công ty chứng khoán tại Trung tâm giao dịch chứng khoán (nếu công ty đăng ký là thành viên Trung tâm giao dịch chứng khoán), tại các chi nhánh, văn phòng đại diện (nếu có);
j. Thể thức thông qua quyết định của công ty chứng khoán; nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ;
k. Nguyên tắc hoạt động, nguyên tắc tài chính của công ty chứng khoán; mức vốn khả dụng;
l. Những trường hợp thành viên (hoặc cổ đông) có thể yêu cầu công ty chứng khoán trách nhiệm hữu hạn (hoặc công ty chứng khoán cổ phần) mua lại phần vốn góp (hoặc cổ phần).
m. Các loại quỹ và mức giới hạn từng loại quỹ được lập tại công ty chứng khoán; nguyên tắc phân chia lợi nhuận, trả cổ tức, chịu lỗ trong kinh doanh; quỹ bổ sung vốn điều lệ;
n. Chế độ kế toán, kiểm toán và lưu giữ sổ sách chứng từ...;
o. Nghĩa vụ báo cáo với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và công bố thông tin cho khách hàng;
p. Quan hệ lao động trong công ty chứng khoán;
q. Các trường hợp giải thể, trình tự giải thể và thủ tục thanh lý tài sản công ty chứng khoán;
r. Thể thức sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty chứng khoán;
s. Chữ ký của người đại diện theo pháp luật hoặc tất cả thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; của người đại diện theo pháp luật đối với công ty cổ phần; của người đại diện theo pháp luật của công ty chứng khoán trực thuộc các tổ tín dụng; của người đại diện theo pháp luật hoặc của người đại diện có thẩm quyền của các bên liên doanh đối với công ty chứng khoán liên doanh.
t. Các nội dung khác của Điều lệ công ty chứng khoán do các thành viên, các cổ đông, các bên liên doanh thỏa thuận hoặc do tổ chức tín dụng thành lập công ty chứng khoán trực thuộc quy định nhưng không được trái với các quy định của pháp luật.
2. Bản thuyết trình về cơ sở vật chất kỹ thuật và phương tiện phục vụ cho việc kinh doanh chứng khoán của công ty gồm các nội dung:
a. Trụ sở kinh doanh: Công ty phải nộp do Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước giấy tờ chứng thực về trụ sở giao dịch của công ty (Giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc hợp đồng thuê nhà hay các giấy tờ hợp lệ khác chứng minh quyền sử dụng hợp pháp địa điểm làm trụ sở công ty) cùng với bản thuyết minh hiện trạng trụ sở làm việc.
b. Phương tiện phục vụ cho việc kinh doanh: Công ty phải kê khai rõ tính năng, tác dụng, tình trạng, trình độ công nghệ của trang thiết bị sử dụng và việc bố trí các thiết bị phục vụ việc công bố thông tin tại trụ sở công ty.
3. Dự kiến nguồn vốn và phương án tổ chức và hoạt động kinh doanh của công ty chứng khoán gồm các nội dung:
a. Giới thiệu về các tổ chức đứng ra thành lập công chứng khoán:
- Hoạt động kinh doanh: phải là đơn vị đang hoạt động có hiệu quả, liên tục có lãi và phải có kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính hay đầu tư.
- Tình trạng tài chính: có tình hình tài chính lành mạnh;
- Mục đích thành lập công ty chứng khoán;
- Các lợi ích kinh tế - xã hội trong việc lập công ty chứng khoán.
b. Giới thiệu về công ty chứng khoán được thành lập:
- Tên công ty chứng khoán (nêu cả tên gọi chính thức, tên giao dịch, tên tiếng Anh, tên viết tắt), vốn điều lệ, cơ cấu sở hữu công ty, việc huy động vốn điều lệ;
- Các loại hình kinh doanh xin cấp Giấy phép hoạt động;
- Khả năng đáp ứng của công ty chứng khoán đối với các điều kiện thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật: điều kiện về hình thức pháp lý, về vốn, về cơ sở vật chất kỹ thuật, về nhân sự;
- Mục tiêu và các bước phát triển đặt ra cho công ty chứng khoán;
- Cơ cấu tổ chức hoạt động của công ty chứng khoán;
- Việc tuyển dụng lao động.
c. Phương án hoạt động kinh doanh của công ty chứng khoán: mô tả các hoạt động dự kiến kinh doanh của công ty, đối tượng khách hàng, các hoạt động đầu tư, các dịch vụ dự kiến cung ứng cho khách hàng...
d. Phương án tài chính: cơ cấu sở hữu, phương thức huy động vốn, các nguồn vốn, phương thức sử dụng vốn, kế hoạch đầu tư trang thiết bị tài sản cố định bao gồm văn phòng và các trang thiết bị phục vụ cho hoạt động kinh doanh, doanh thu và lãi dự kiến trong một (01) năm hoạt động đầu tiên, các chi phí liên quan tới quản lý và hoạt động, trích lập các quỹ...;
4. Hợp đồng liên doanh của công ty chứng khoán liên doanh phải có các nội dung chủ yếu sau:
a. Quốc tịch, địa chỉ, đại diện có thẩm quyền của các bên liên doanh;
b. Tên công ty chứng khoán liên doanh;
c. Nơi đặt trụ sở chính của công ty chứng khoán liên doanh;
d. Mục tiêu và phạm vi kinh doanh;
e. Thời hạn hoạt động;
f. Vốn đầu tư, vốn pháp định, tỷ lệ góp vốn pháp định, phương thức, tiến độ góp vốn;
g. Số lượng thành viên Hội đồng quản trị và số lượng cán bộ, tỷ lệ cán bộ của mỗi bên;
h. Các nguyên tắc tài chính: hạch toán, lập và sử dụng các quỹ;
i. Tỷ lệ chia lãi, lỗ cho mỗi bên tham gia liên doanh;
j. Quyền và nghĩa vụ của các bên;
k. Các điều kiện sửa đổi, chấm dứt hướng dẫn; điều kiện chuyển nhượng; điều kiện và trình tự kết thúc, giải thể doanh nghiệp; thủ tục thanh lý tài sản;
l. Thủ tục và luật áp dụng, cơ quan giải quyết tranh chấp giữa các bên từ việc thực hiện hợp đồng liên doanh;
m. Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng liên doanh.
5. Công ty chứng khoán Việt Nam nộp cho Uỷ ban chứng khoán Nhà nước ba (03) bộ hồ sơ xin cấp Giấy phép hoạt động kinh doanh chứng khoán.
Các bên hoặc một trong các bên liên doanh nộp cho Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước bốn (04) bộ hồ sơ xin cấp Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán của công ty chứng khoán liên doanh phải được làm thành hai (02) bản, một (01) bản tiếng Việt và một (01) bản bằng tiếng Anh.
6. Tổ chức tín dụng thành lập công ty chứng khoán trực thuộc, các thành viên sáng lập công ty chứng khoán trách nhiệm hữu hạn, các cổ đông sáng lập công ty chứng khoán cổ phần và các bên liên doanh thành lập công ty chứng khoán liên doanh chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các nội dung kê khai trong hồ sơ xin cấp Giấy phép hoạt động của công ty chứng khoán (Giấy phép thành lập và hoạt động đối với công ty chứng khoán liên doanh).
III. VỀ VIỆC CẤP GIẤY PHÉP HÀNH NGHỀ
1. Hồ sơ xin phép hành nghề được thực hiện theo quy định tại Điều 13 Quy chế về tổ chức và hoạt động của công ty chứng khoán (ban hành kèm theo Quyết định số 04/1998/QĐ-UBCK3 ngày 13 tháng 10 năm 1998 của Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước). Các chứng chỉ chuyên môn do Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cấp gồm:
a. Chứng chỉ khoá đào tạo cơ bản về chứng khoán và thị trường chứng khoán;
b. Chứng chỉ khoá học luật áp dụng trong ngành chứng khoán;
c. Chứng chỉ khoá học phân tích và đầu tư chứng khoán;
d. Các chứng chỉ khác theo yêu cầu của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước trong từng giai đoạn cụ thể.
2. Những người có đủ các chứng chỉ nêu trên muốn được cấp Giấy phép hành nghề phải tham dự kỳ kiểm tra sát hạch do Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức. Giấy phép hành nghề được cấp cho cá nhân đáp ứng các điều kiện theo quy định hiện hành và đạt yêu cầu kiểm tra.
3. Giáy phép hành nghề chỉ có giá trị trong thời hạn ba (03) năm kể từ ngày cấp. Sau thời hạn đó, người hành nghề phải tham gia kiểm tra sát hạch lại để được gia hạn Giấy phép. Thời hạn mỗi lần gia hạn tối đa là ba (03) năm.
Trong quá trình thực hiện, các Bộ, ngành, các địa phương, các Tổng công ty, các tổ chức tín dụng có vướng mắc cần phản ánh về Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước để nghiên cứu giải quyết.
Lược đồ
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây