Thông báo 71/TB-VPCP 2019 kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với lãnh đạo TP. HCM
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
thuộc tính Thông báo 71/TB-VPCP
Cơ quan ban hành: | Văn phòng Chính phủ |
Số công báo: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Số hiệu: | 71/TB-VPCP |
Ngày đăng công báo: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày đăng công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Loại văn bản: | Thông báo |
Người ký: | Mai Tiến Dũng |
Ngày ban hành: | 22/02/2019 |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | |
Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Lĩnh vực: | Chính sách |
tải Thông báo 71/TB-VPCP
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ Số: 71/TB-VPCP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 22 tháng 02 năm 2019 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Ngày 12 tháng 01 năm 2019 tại Trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh về kết quả 01 năm thực hiện Kết luận số 21-KL/TW ngày 24 tháng 10 năm 2017 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24 tháng 11 năm 2017 của Quốc hội; kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và một số kiến nghị đề xuất của Thành phố. Đồng chủ trì cùng Thủ tướng Chính phủ có đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. Cùng dự buổi làm việc với Thủ tướng có lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng; các Ủy ban của Quốc hội: Ủy ban về các vấn đề xã hội, Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Quốc phòng và An ninh; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Lao động, Thương binh và Xã hội, Y tế, Tổng Thanh tra Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và đại diện lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ.
Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo Thành phố về kết quả 01 năm thực hiện Kết luận số 21-KL/TW ngày 24 tháng 10 năm 2017 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24 tháng 11 năm 2017 của Quốc hội; kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, một số kiến nghị, đề xuất của Thành phố và ý kiến phát biểu của các đồng chí chủ trì và các đại biểu dự họp, Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Trong những năm qua, nhờ sự chung sức đồng lòng và nỗ lực của nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và sự phối hợp, hỗ trợ hiệu quả của Trung ương và các địa phương với tinh thần “Thành phố vì cả nước, cả nước vì Thành phố”, Thành phố Hồ Chí Minh đã ngày càng phát triển, năng động, hiện đại, giàu bản sắc, đạt nhiều thành tích to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng đô thị, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, là trung tâm kinh tế lớn nhất và có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của đất nước. Tăng trưởng duy trì ổn định ở mức cao, đóng góp khoảng trên 23% GDP của cả nước; là hạt nhân của vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, đóng góp trên 66% GDP cho Vùng. GDP bình quân đầu người đạt gần 6 nghìn USD. Lượng kiều hối mỗi năm đạt khoảng 5 tỷ USD, chiếm 50% cả nước. Thành phố đóng góp 1/3 giá trị sản xuất công nghiệp, 1/5 kim ngạch xuất khẩu cả nước; thu hút đầu tư nước ngoài đứng thứ 2 cả nước với chất lượng ngày càng được nâng cao; luôn đi đầu phát triển khoa học công nghệ xây dựng thành phố thông minh; quan tâm phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Thành phố là một trung tâm văn hóa lớn của cả nước có gần 20 di tích được xếp hạng và nhiều di sản văn hóa phi vật thể, làng nghề thủ công truyền thống. Năm 2018 Thành phố đón hơn 7,5 triệu khách quốc tế; 29 triệu lượt khách nội địa (từ chỗ thu hút 180 nghìn lượt khách quốc tế năm 1990) với trên 1.250 doanh nghiệp lữ hành, trên 2,1 nghìn cơ sở lưu trú với trên 50 nghìn phòng (có 20 khách sạn 5 sao và 20 khách sạn 4 sao).
Thành phố là một trung tâm khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo theo hướng sản xuất - kinh doanh có hàm lượng khoa học và công nghệ cao với trên 1 triệu trí thức tham gia vào tất cả lĩnh vực trong đời sống xã hội, nhất là tại các trung tâm nghiên cứu, giảng dạy tại các cơ sở giáo dục (45 trường đại học và 30 trường cao đẳng, trên 125 phòng thí nghiệm, 270 tổ chức khoa học công nghệ), trên 760 nhóm cá nhân, tổ chức khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang hoạt động trên nhiều lĩnh vực, chiếm hơn 42% số lượng startup cả nước.
Năm 2018 Thành phố đã đạt được kết quả quan trọng trên các lĩnh vực: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 8,25%, đạt trên 1,3 triệu tỷ đồng (tốc độ tăng trưởng GDP cả nước là 7,08%). Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực; khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 62,4%, khu vực công nghiệp và xây dựng 22,9%, khu vực nông nghiệp 0,7%. Tổng thu ngân sách Nhà nước đạt trên 378 nghìn tỷ đồng, tăng 8,63% (cao hơn tốc độ tăng thu ngân sách cả nước là 7,8 %). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2018 đạt trên 1,05 triệu tỷ đồng, tăng 13,0% so với năm 2017 (cao hơn tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ cả nước 11,7%). Trên 44 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (chiếm 33,6% của cả nước). Tổng vốn đầu tư xã hội đạt gần 466 nghìn tỷ đồng, tăng 20,3%, chiếm 35% GRDP. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký và mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2018 đạt 7,39 tỷ USD tăng 11,8%. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân từng bước cải thiện; giải quyết việc làm cho trên 312 nghìn lượt người; giảm gần 22 nghìn hộ nghèo và trên 27 nghìn hộ cận nghèo.
An ninh, quốc phòng được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Việc tổ chức nhiều sự kiện đối ngoại trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đã thể hiện vai trò và vị thế ngày càng được nâng cao của Thành phố không chỉ trong nước mà còn cả trong khu vực, quốc tế.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực và những kết quả đã đạt được trên các lĩnh vực của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố Hồ Chí Minh trong những năm qua, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của cả đất nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thành phố còn một số tồn tại, hạn chế và khó khăn thách thức. Tốc độ phát triển của Thành phố đang có xu hướng chậm lại so với các đô thị trong nước và các thành phố trong khu vực ASEAN. Tăng trưởng đầu tư chậm lại, nhất là khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài. Năng lực cạnh tranh chưa tương xứng lợi thế của Thành phố. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Thành phố vẫn “dậm chân tại chỗ” ở vị trí thứ 8. Công tác quy hoạch còn nhiều bất cập, đặc biệt cơ sở hạ tầng giao thông, đô thị và hạ tầng xã hội. Nhiều dự án hạ tầng lớn bị chậm tiến độ như Dự án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, Dự án Metro tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên, Dự án chống ngập úng, Dự án bến xe Miền Đông, Dự án Bình Thạnh...; nhiều dự án dở dang chưa được triển khai thực hiện. Tình trạng úng ngập, ô nhiễm môi trường chất thải, khói bụi và tắc nghẽn giao thông có xu hướng tăng. Tiến độ cổ phần hóa DNNN thực hiện rất chậm; công tác quản lý nhà đất, tài sản công bộc lộ những hạn chế, bất cập. Vẫn còn tình trạng chỉ định thầu, chỉ định bán tài sản và chuyển nhượng quyền sử dụng đất sai quy định, gây thất thoát tài sản. Việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và tổ chức thực hiện còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành. Việc theo dõi, giám sát xử lý sau thanh tra đối với một số vụ việc chưa được chặt chẽ. Công tác tuyên truyền, quán triệt các quy định của Đảng và Nhà nước về phòng chống tham nhũng chưa được sâu rộng, chưa tạo được sự chuyển biến căn bản về nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức có chức vụ quyền hạn. Tình hình an ninh, trật tự và tội phạm như: cướp, trộm cắp tài sản, “tín dụng đen”, tội phạm hình sự nghiêm trọng, tội phạm sử dụng công nghệ cao, buôn bán ma túy có yếu tố nước ngoài, các hoạt động kích động biểu tình ở một số nơi, tuyên truyền xuyên tạc, đưa tin sai sự thật trên internet, mạng xã hội có biểu hiện diễn biến phức tạp.
II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỜI GIAN TỚI
Cơ bản nhất trí với ý kiến phát biểu của đồng chí Bí thư Thành ủy và báo cáo của lãnh đạo Thành phố về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018, kế hoạch, nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Đề nghị Thành phố tiếp thu ý kiến đóng góp của các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Bí thư Trung ương Đảng, các Bộ, ngành, các đại biểu dự họp và thực hiện tốt một số nội dung sau:
1. Tiềm năng, tiềm lực của Thành phố còn rất lớn, nhất là người dân có truyền thống yêu nước, cách mạng và tinh thần luôn luôn đổi mới, sáng tạo. Trên tinh thần “Thành phố vì cả nước, cả nước vì Thành phố”, Ban thường vụ Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố phải tập trung chỉ đạo quyết liệt mạnh mẽ hơn nữa các giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Thủ tướng Chính phủ, các Ban, Bộ, ngành tiếp tục quan tâm phân cấp, giao quyền để Thành phố chủ động thực hiện các nhiệm vụ.
2. Tập trung thực hiện kế hoạch hành động với các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, hiệu quả, cụ thể để triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng XII, Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24 tháng 11 năm 2017 của Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP và số 02/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ X và Nghị quyết của Thành ủy, Hội đồng nhân dân thành phố, phấn đấu hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2019, tạo nền tảng vững chắc cho những năm tiếp theo.
3. Làm tốt công tác quy hoạch phát triển của thành phố, vùng; thực hiện quy hoạch đô thị để mở rộng không gian phát triển, mở rộng đô thị theo hướng phát triển dịch vụ, công nghệ cao, trung tâm khởi nghiệp quốc gia; xây dựng đô thị vệ tinh theo hướng liên kết vùng; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Đề án xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh.
4. Thành phố cần tiên phong trong đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; coi đây chính là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện tốt mô hình chính quyền đô thị để chủ động thực hiện các chính sách thúc đẩy nguồn lực, huy động và sử dụng hiệu quả, giải quyết vấn đề môi trường, nhân lực cho công cuộc phát triển. Thành phố phải phát triển hơn nữa kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn minh đô thị.
5. Đẩy nhanh quá trình xây dựng chính quyền điện tử theo Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ. Thực hiện cơ chế một cửa liên thông, nhất là liên thông giải quyết hồ sơ công việc trên môi trường mạng; kiểm soát tốt công tác phối hợp của các đơn vị trong quy trình liên thông.
6. Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, dịch vụ công. Quyết liệt cơ cấu lại, sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn Thành phố theo phương án và lộ trình đã được phê duyệt; bảo đảm công khai, minh bạch, gắn cổ phần hóa với việc niêm yết trên thị trường chứng khoán, chống thất thoát, tham nhũng, lợi ích nhóm. Triển khai đồng bộ, hiệu quả Luật quản lý, sử dụng tài sản công, bảo đảm quản lý công khai, minh bạch, hiệu quả. Kiên quyết thu hồi các tài sản sử dụng sai đối tượng, sai mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức; tổ chức xử lý tài sản đúng pháp luật, công khai, minh bạch, không để lãng phí, thất thoát tài sản công.
7. Triển khai quyết liệt các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; thực hiện tốt Chương trình cải cách hành chính của Thành phố giai đoạn 2018-2020. Tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra công vụ và hoạt động cải cách hành chính; chấn chỉnh, xử lý kịp thời các kết quả sau kiểm tra, thanh tra. Phấn đấu tỷ lệ giải quyết đúng hạn trên cổng thông tin một cửa điện tử của Thành phố đạt trên 90%. Tiếp tục thu hút mạnh các dự án FDI công nghệ cao; đồng thời tạo mọi thuận lợi để phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp. Phấn đấu đến năm 2020 có trên 400 nghìn doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn Thành phố.
8. Tập trung phát triển công nghiệp theo hướng ưu tiên đầu tư phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng cao, công nghiệp phụ trợ. Thúc đẩy đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất, chủ động tham gia và vận dụng thành quả của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cao năng suất lao động, phát triển các ngành công nghiệp mới có lợi thế. Chuyển đổi hoạt động của doanh nghiệp theo hướng ưu tiên thu hút các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất; hạn chế phát triển các dự án sử dụng nhiều lao động giản đơn.
9. Thành phố cần xây dựng các chương trình hành động để giải quyết căn bản những dự án lớn hiện nay như giao thông, nhà ở xã hội, tái định cư. Chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ dự án để đưa vào sử dụng (sân bay Tân Sơn Nhất, Dự án Metro tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên, Dự án chống ngập úng, Dự án bến xe Miền Đông,... ). Đồng thời, triển khai quyết liệt tổng thể nhiều giải pháp để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ gắn với chỉnh trang đô thị, giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, úng ngập nước, ô nhiễm môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Các khu đô thị mới cần chú trọng quy hoạch giao thông hạ tầng, môi trường sinh thái góp phần giảm ùn tắc giao thông.
10. Quan tâm về các lĩnh vực văn hóa - xã hội. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao, công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người lao động; bảo đảm an sinh xã hội. Thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa y tế, giáo dục. Thu hút và tạo điều kiện thuận lợi phát triển nhà ở cho công nhân và thiết chế văn hóa tại khu công nghiệp, khu chế xuất.
11. Tập trung xử lý những vấn đề bức xúc của người dân, kiểm tra xem xét, giải quyết việc khiếu nại tố cáo của công dân, nhất là các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người kéo dài liên quan đến khu đô thị Thủ Thiêm, khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh ...và một số địa bàn phức tạp trên tinh thần đối thoại công khai hợp tình, hợp lý đúng chính sách pháp luật, yên dân, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, của người sử dụng đất và của nhà đầu tư theo đúng quy định của pháp luật, không để phát sinh khiếu nại làm phức tạp tình hình, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, tạo mọi điều kiện thuận cho người dân và doanh nghiệp; trong năm 2019 cần xử lý dứt điểm những vụ việc tồn đọng phức tạp kéo dài để tạo niềm tin cho nhân dân. Tăng cường các biện pháp bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm tốt công tác phòng ngừa, kịp thời phát hiện đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả các loại tội phạm, nhất là các tội phạm có xu hướng gia tăng diễn biến phức tạp gần đây.
12. Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị gắn với việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Tập trung đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Cán bộ, Đảng viên phải là những người tiên phong về nhận thức và gương mẫu trong mọi hành động.
III. VỀ CÁC ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ CỦA THÀNH PHỐ:
1. Về biên chế công chức của Thành phố: Thành phố thực hiện theo các Nghị quyết số 18-NQ/TW và số 19-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và làm việc với Bộ Nội vụ để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
2. Về chấm dứt thí điểm chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp đối với HFIC: Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản 10382/VPCP-ĐMDN ngày 01 tháng 12 năm 2016; Thông báo số 414/TB-VPCP ngày 26 tháng 10 năm 2018, đưa vào Đề án thí điểm việc thành lập cơ quan quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp của Thành phố, trong đó có phần sắp xếp lại HFIC, trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
3. Về thực hiện thí điểm việc thành lập cơ quan quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Thành phố: Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 12058/VPCP-TCCV ngày 12 tháng 12 năm 2018 của Văn phòng Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
4. Về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh đối với tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên và tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương: Thực hiện theo đúng ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Thông báo số 8479-CV/VPTW ngày 21 tháng 12 năm 2018 của Văn phòng Trung ương Đảng và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 81/TB-VPCP ngày 28 tháng 02 năm 2018 của Văn phòng Chính phủ; giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành liên quan và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương thẩm định, trình phê duyệt tổng mức đầu tư Dự án theo quy định.
5. Về ban hành Nghị định về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho thành phố Hồ Chí Minh (thay thế Nghị định số 93/2001/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2001 của Chính phủ về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho thành phố Hồ Chí Minh): Đồng ý về nguyên tắc, giao các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Công Thương, Lao động, Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ và các Bộ cơ quan liên quan nghiên cứu các kiến nghị của Thành phố để đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đối với các nội dung chưa phân cấp, ủy quyền, các bộ, ngành có liên quan thực hiện việc cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời hạn xử lý để tạo thuận lợi cho Thành phố trong việc triển khai thực hiện.
6. Về việc ban hành quy định cơ chế phối hợp giữa Thành phố với các Bộ ngành trong việc rà soát việc sắp xếp lại và xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn Thành phố: Đồng ý với kiến nghị của Thành phố, trước mắt thực hiện theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 tháng 2017 của Chính phủ. Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 06/TTg-CN ngày 06 tháng 01 năm 2019.
7. Về ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện: Giao Bộ Nội vụ trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Bộ Chính trị, hoàn thiện các dự thảo Nghị định, trình Chính phủ xem xét, quyết định.
8. Về điều chỉnh điều kiện bố trí vốn khởi công mới cho các dự án sau khi đã hoàn tất các thủ tục đầu tư mà không phụ thuộc mốc thời gian 31 tháng 10 năm trước năm kế hoạch để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công đã được phê duyệt: Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 77/2015/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2015 và Nghị định số 120/2018/NĐ-CP ngày 13 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ.
9. Về giải ngân theo tiến độ thực hiện và tiến độ cấp vốn của nhà tài trợ nước ngoài theo Điều 76 Luật Đầu tư công (phần vốn nước ngoài trong kế hoạch đầu tư công hằng năm): Thành phố phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để bố trí kế hoạch vốn ODA hàng năm phù hợp với tiến độ giải ngân và các Hiệp định đã ký để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định
10. Về ban hành các Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; dạy nghề; y tế; văn hóa - thể thao và du lịch; thông tin - truyền thông và báo chí: Giao các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Lao động, Thương binh và Xã hội, Y tế, Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Thông tin và Truyền thông và các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu hoàn thiện trình Chính phủ ban hành trong thời gian sớm nhất.
11. Về cho phép Hội đồng định giá tài sản thực hiện việc chia tài sản thẩm định giá thành các gói thầu và thuê các doanh nghiệp do Hội đồng lựa chọn trên cơ sở năng lực, kinh nghiệm để thực/hiện việc định giá tài sản và vận dụng quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu để thực hiện thuê doanh nghiệp thẩm định giá theo hình thức lựa chọn nhà thầu hường hợp đặc biệt, không cần trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định theo quy định: Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện theo đúng quy định pháp luật hiện hành về đấu thầu.
12. Về việc thực hiện quy trình lựa chọn nhà thầu thẩm định giá trong tố tụng hình sự theo các hình thức quy định của Luật Đấu thầu: Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện theo đúng quy định pháp luật hiện hành về đấu thầu. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh thực hiện.
13. Về khung giá đất tối thiểu, tối đa ban hành kèm theo Nghị định số 104/2014/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ làm cơ sở để Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện xây dựng Bảng giá đất tiệm cận với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường: Trước mắt, Thành phố thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành. Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu kiến nghị của các địa phương (trong đó có thành phố Hồ Chí Minh) trong quá trình xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 104/2014/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ.
14. Về bãi bỏ Thông báo số 440/TB-VPCP ngày 19 tháng 9 năm 2017 của Văn phòng Chính phủ: Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, Ủy ban nhân dân Thành phố có văn bản gửi Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết theo quy định.
15. Về cơ chế xử lý hành chính (quy định về trình tự, thủ tục thu hồi và cưỡng chế thu hồi) đối với trường hợp nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước bị chiếm dụng, sử dụng sai mục đích...: Giao Bộ Tài chính nghiên cứu kiến nghị của các địa phương (trong đó có thành phố Hồ Chí Minh) trong quá trình nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ.
16. Về hướng dẫn phạm vi, đối tượng đào tạo, bồi dưỡng được sử dụng từ nguồn ngân sách thành phố theo Chương trình, Kế hoạch, Đề án đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thành phố (bao gồm cả đối tượng đào tạo: viên chức, vận động viên, sinh viên, doanh nhân...): Giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan xử lý kiến nghị của Thành phố, trên tinh thần tạo điều kiện cho Thành phố chủ động hơn trong đào tạo nguồn nhân lực của mình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý I/2019
17. Về thực hiện chỉ định chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại đối với nhà đầu tư đang sử dụng phần diện tích đất có nguồn gốc do đền bù từ đất nông nghiệp, đất chuyên dùng và khu đất này đã được xác định là đất ở trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện và trong đồ án quy hoạch xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc đã có văn bản của cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để triển khai dự án xây dựng nhà ở hoặc đã được ghi trong quyết định thu hồi đất khi thực hiện giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thuộc khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn, khu vực chỉnh trang đô thị: Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ liên quan khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 11153/VPCP-CN ngày 19 tháng 10 năm 2017, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý I/2019.
18. Về hướng dẫn cụ thể, thống nhất việc tổ chức thực hiện việc xác định danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở, bảo đảm phù hợp pháp luật và bảo đảm quốc phòng, an ninh: Thực hiện theo Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ; giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở, bảo đảm phù hợp pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
19. Về thành lập thí điểm Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị (trên cơ sở sáp nhập các Đội Thanh tra địa bàn thuộc Thanh tra Sở Xây dựng và Đội Quản lý trật tự đô thị thuộc Phòng Quản lý đô thị quận, huyện) thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện quản lý như đã triển khai ở thành phố Hà Nội: Đồng ý về chủ trương, Ủy ban nhân dân Thành phố phối hợp với Bộ Nội vụ và cơ quan liên quan xây dựng đề án, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
20. Về Dự án đường Vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh: Giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thiện Dự án, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất việc bố trí vốn để bồi thường, giải phóng mặt bằng cho Dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
21. Về đẩy nhanh tiến độ mở rộng sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất để đáp ứng nhu cầu của du khách: Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện đầu tư xây dựng các hạng mục của dự án theo quy định, bảo đảm đưa các công trình của Dự án vào khai thác sử dụng trong năm 2020, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
Ủy ban nhân dân Thành phố sớm triển khai đầu tư hệ thống giao thông kết nối ngoài Cảng hàng không theo quy hoạch để hoàn thành đồng bộ với công trình hàng không.
22. Về cho phép giữ lại, tiếp tục quy hoạch để khai thác 1.800m cầu cảng tại khu vực Sài Gòn - Khánh Hội cho các tàu khách quốc tế, tàu nhà hàng và các phương tiện thủy phục vụ du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các tuyến du lịch đường thủy: Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện theo quy hoạch đã được phê duyệt, tiếp tục chỉ đạo các nhà đầu tư triển khai đầu tư các dự án chuyển đổi công năng và tổ chức khai thác khu bến cảng theo quy hoạch của địa phương. Bộ Giao thông vận tải xem xét, xử lý kiến nghị của Thành phố.
23. Về miễn visa cho một số thị trường quốc tế; đồng thời tăng thời hạn lưu trú ở Việt Nam đối với khách đến từ các thị trường (Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, Phần Lan, Nga, Hàn Quốc, Anh, Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha...) từ 15 lên 21 hoặc 30 ngày; miễn visa đối với khách quốc tế tái nhập cảnh vào Việt Nam trong thời hạn 30 ngày: Bộ Công an thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 12270/VPCP-QHQT ngày 18 tháng 12 năm 2018 của Văn phòng Chính phủ, nghiên cứu, tiếp thu các kiến nghị của Thành phố trong quá trình sửa đổi Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
24. Về ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch:
Bộ Công Thương thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 12449/VPCP-TCCV ngày 22 tháng 12 năm 2018 của Văn phòng Chính phủ, chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh của lực lượng quản lý thị trường theo ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội (văn bản số 370/UBTVQH14-PL ngày 11 tháng 12 năm 2018).
Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch: Giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan khẩn trương báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội việc quy định thẩm quyền xử phạt của các chức danh của lực lượng công an, hoàn thiện dự thảo, trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất.
25. Về phê duyệt phạm vi, ranh giới, diện tích khu vực 4,39 ha nằm ngoài ranh giới quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm: Thanh tra Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 10/TB-VPCP ngày 25 tháng 01 năm 2019 của Văn phòng Chính phủ.
26. Về những kiến nghị tại phụ lục các nội dung dự kiến phân cấp cho Thành phố (06 kiến nghị): Đồng ý về nguyên tắc, Ủy ban nhân dân Thành phố xây dựng đề án phân cấp từng vấn đề và làm việc với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định theo tinh thần Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10 tháng 8 năm 2012 của Bộ Chính trị. Các bộ, ngành, cơ quan liên quan xem xét, nghiên cứu việc phân cấp cho Thành phố với tinh thần tạo mọi điều kiện cho Thành phố như ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 28 tháng 12 năm 2018.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Lược đồ
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây