VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ ------- Số: 61/TB-VPCP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 15 tháng 02 năm 2015 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VŨ VĂN NINH TẠI CUỘC HỌP BÀN DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH VỀ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG GẮN VỚI CHÍNH SÁCH XÓA ĐÓI, GIẢM NGHÈO VÀ HỖ TRỢ ĐỒNG BÀO DÂN TỘC GIAI ĐOẠN 2015 – 2020
Ngày 02 tháng 02 năm 2015, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã chủ trì cuộc họp bàn nội dung dự thảo Nghị định về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách xóa đói, giảm nghèo và hỗ trợ đồng bào dân tộc giai đoạn 2015 - 2020. Tham dự cuộc họp có đại diện Lãnh đạo các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tư pháp, Ủy ban dân tộc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tóm tắt dự thảo Nghị định, ý kiến của đại diện Lãnh đạo các Bộ, ngành, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh kết luận như sau:
1. Về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách xóa đói, giảm nghèo tại vùng đồng bào dân tộc:
Những năm qua, công tác bảo vệ và phát triển rừng cũng như xóa đói, giảm nghèo được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo thực hiện, tốc độ giảm nghèo của cả nước luôn đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn cao. Do đó, Chính phủ đã có các Nghị quyết chỉ đạo các giải pháp giảm nghèo nhanh và bền vững, trong đó có chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát triển rừng gắn với vùng đồng bào dân tộc, nhằm giúp đồng bào gắn bó với nghề rừng ổn định đời sống bền vững.
2. Về nội dung dự thảo Nghị định:
a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành rà soát, đánh giá lại các chính sách bảo vệ và phát triển rừng, làm rõ những bất cập của chính sách hiện hành, trong đó lưu ý một số vấn đề còn tồn tại, như: Một phần diện tích rừng chưa có chủ; một bộ phận dân cư được giao đất, giao rừng nhưng cần phải đào tạo các kiến thức về kinh doanh rừng và những chính sách còn thiếu chưa đáp ứng với thực tế. Trên cơ sở đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách không mâu thuẫn với hệ thống chính sách hiện hành, đáp ứng được yêu cầu của thực tế;
b) Về một số nội dung cụ thể:
- Về tên Nghị định: Nghiên cứu ý kiến của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để xác định tên gọi phù hợp với tình hình chung là: giảm nghèo nhanh và bền vững;
- Về đối tượng:
+ Quy định cụ thể hơn cho từng đối tượng cụ thể trên địa bàn, trong đó đồng bào dân tộc có thể được quan tâm hỗ trợ cao hơn trong một số chế độ, chính sách phù hợp với thực tế;
+ Phần phụ lục kèm theo Nghị định có thể kê ra từng đối tượng nhưng không được mâu thuẫn với các văn bản quy định hiện có;
- Về nguyên tắc và mức hỗ trợ:
+ Nguyên tắc hỗ trợ: Đảm bảo tính pháp lý; đủ mạnh để hỗ trợ đồng bào có người thu nhập gắn với rừng; không được mâu thuẫn với các chính sách hiện hành;
+ Mức hỗ trợ cần phải linh hoạt và cân nhắc có thể là tiền hoặc gạo, nhưng phải nhất quán và quy ra giá trị bằng tiền. Các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cân nhắc kỹ thêm về mức hỗ trợ, đảm bảo phù hợp với Ngân sách nhà nước và nguồn vốn hiện có để đảm bảo tính khả thi của chính sách khi ban hành;
- Về các vấn đề liên quan vay tín dụng:
+ Đối tượng cho vay: Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam là các tổ chức tín dụng thực hiện cho vay;
+ Dự thảo Nghị định phải quy định nguyên tắc áp dụng xử lý rủi ro.
- Về kinh phí thực hiện: Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cân đối, tính toán đảm bảo ban hành Nghị định khả thi cao nhất; hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho các địa phương thực hiện theo quy định hiện hành.
3. Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương làm việc cụ thể với các Bộ, ngành liên quan để hoàn thiện lại dự thảo Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, ngành và cơ quan có liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: - TTg CP, các PTTg CP; - Các Bộ: NN&PTNT, KHĐT, TC, TP, LĐTBXH; - UBDT; - NHNNVN, NHCSXH, NHNN&PTNT; - VPCP: BTCN, các PCN; các Vụ: TH, KTTH, KGVX, PL, V.III; - Lưu: VT, KTN (3b) Tn. | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM PHÓ CHỦ NHIỆM Nguyễn Cao Lục |