Thông báo 454/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

thuộc tính Thông báo 454/TB-VPCP

Thông báo 454/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Cơ quan ban hành: Văn phòng Chính phủ
Số công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Số hiệu:454/TB-VPCP
Ngày đăng công báo:Đang cập nhật
Loại văn bản:Thông báo
Người ký:Mai Tiến Dũng
Ngày ban hành:26/09/2017
Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Chính sách
 
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

 

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------
Số: 454/TB-VPCP
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Hà Nội, ngày 26 tháng 09 năm 2017
 
 
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH
 
 
Ngày 05 tháng 9 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thăm và làm việc với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là Học viện). Tham dự có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan: Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Nội vụ, Ngoại giao, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Dân vận Trung ương; đại diện Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Ban Giám đốc và Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Sau khi nghe báo cáo của Giám đốc Học viện và ý kiến phát biểu của đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kết luận:
1. Thời gian qua, Học viện đã đạt được nhiều thành tích quan trọng trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cho đất nước, việc xây dựng đội ngũ cán bộ của Học viện với gần 2.200 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (trong đó có 12 giáo sư, 177 phó giáo sư, 514 tiến sĩ); có nhiều cải cách, đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo, gắn lý luận với thực tiễn hơn; có nhiều công trình nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn sự nghiệp đổi mới của đất nước, cung cấp luận cứ khoa học cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Học viện thực hiện tốt việc hướng dẫn, chỉ đạo, quản lý về chuyên môn đối với các trường chính trị của các trường bộ, ngành, địa phương; giúp đào tạo cán bộ cho các nước bạn; mở rộng hợp tác quốc tế trong việc nghiên cứu, trao đổi học thuật.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao những kết quả đã đạt được và biểu dương sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của tập thể ban lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, công chức, viên chức của Học viện.
2. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Học viện còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục: Chưa phát huy hết tiềm năng, vị thế của Trường Đảng Trung ương; việc thực hiện chức năng định hướng về mặt chuyên môn cho hệ thống các trường chính trị của các địa phương còn có những bất cập; có những nội dung, chương trình đào tạo chưa phù hợp với thực tiễn kinh tế - xã hội của đất nước và tình hình thế giới; công tác đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ phải được chú trọng hơn về chất lượng; chưa có nhiều công trình nghiên cứu lý luận gắn với việc tổng kết quá trình đổi mới của đất nước, với quá trình lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành của Đảng, Chính phủ; chưa có nhiều sản phẩm phát huy hiệu quả thực tiễn.
3. Trong thời gian tới, Học viện cần tập trung thực hiện tốt một số định hướng lớn sau đây:
- Học viện cần có tầm nhìn mới trong phát triển, đặt mục tiêu có uy tín trong khu vực và thế giới. Học viện có sứ mệnh quan trọng là góp phần hình thành nền tảng lý luận của Đảng phục vụ yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới và đào tạo ra những nhà chính trị cho đất nước, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo trong thời đại toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0.
- Học viện cần đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu thông qua việc đổi mới động lực của từng giảng viên, từng đơn vị và hợp tác quốc tế để cập nhật kiến thức, kỹ năng hiện đại. Để đổi mới động lực của giảng viên, cần phải có hệ thống đánh giá chất lượng đào tạo, nghiên cứu và cải thiện thu nhập, thực hiện bổ nhiệm dựa trên kết quả làm việc, giảng dạy, nghiên cứu. Đồng thời, Học viện cần có kế hoạch xây dựng các Học viện trực thuộc tiêu biểu; mở rộng hợp tác quốc tế, xây dựng đối tác chiến lược với các trường tiên tiến trên thế giới, hoàn thiện chương trình học tập đào tạo, bồi dưỡng cho giảng viên.
- Học viện cần tiếp tục thu hút nhân tài; hiện đại hóa cơ sở vật chất; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, đào tạo, nghiên cứu khoa học. Học viện và các Học viện trực thuộc cần tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nhất là đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ.
- Học viện là trường Đảng, môi trường học thuật, là cơ quan phản biện, sáng tạo, cần thực hiện tốt phương châm gắn nghiên cứu lý luận với thực tiễn, có những nghiên cứu khoa học khách quan, những phản biện sáng tạo được đúc rút từ thực tiễn để đóng góp vào kho tàng tư tưởng của Việt Nam.
- Với vị trí vừa là cơ quan của Đảng, vừa là một trong 8 cơ quan thuộc Chính phủ, Học viện cần chủ động tăng cường cơ chế phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các viện nghiên cứu, các trường đại học để hỗ trợ nghiên cứu, đào tạo, đồng thời hỗ trợ vận hành thông suốt, hiệu quả hệ thống trường chính trị của các bộ, ngành, địa phương.
- Sắp tới đây, Chính phủ và các bộ, ngành sẽ có cơ chế đặt hàng đối với Học viện về những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn cuộc sống, trong quản lý, chỉ đạo, điều hành; trong tư vấn, phản biện chính sách. Học viện cần chủ động nghiên cứu, đánh giá, đề xuất những giải pháp, kế sách góp phần phát triển đất nước. Học viện cần quán triệt phương châm: mỗi cán bộ giảng viên vừa là nhà khoa học giỏi, giảng viên giỏi đồng thời là nhà tư vấn tốt.
Thủ tướng Chính phủ luôn lắng nghe và trân trọng các ý kiến trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của từng cán bộ, giảng viên, nhất là các giáo sư, giảng viên nổi tiếng của Học viện; đồng thời yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương chủ động phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để Học viện cũng như các trường chính trị trong cả nước hoạt động hiệu quả hơn.
4. Về các kiến nghị của Học viện
a) Về công tác đào tạo, bồi dưỡng:
- Về Đề án “Tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong bối cảnh đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế”: Giao Học viện khẩn trương hoàn thiện Đề án, lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan, trong đó đề xuất kinh phí triển khai Đề án, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
- Về kiến nghị tăng kinh phí tổ chức các lớp bồi dưỡng Dự nguồn cán bộ cao cấp chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIII của Đảng và các nhiệm kỳ tiếp theo; cơ chế chi tiêu và định mức chi đặc thù cho giảng viên và học viên của Học viện, nhất là đối với học viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội của Việt Nam và của các Đảng bạn, nước bạn: Giao Học viện xây dựng Đề án bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định, thống nhất ý kiến với Bộ Tài chính, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
b) Về công tác nghiên cứu khoa học:
- Về đề nghị bố trí kinh phí để triển khai nghiên cứu chương trình trọng điểm về “Nghiên cứu tổng kết, đề xuất bổ sung và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin - cấu phần quan trọng nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong bối cảnh mới”: Giao Bộ Tài chính sớm thẩm định và cấp kinh phí để triển khai thực hiện Chương trình đã được phê duyệt.
- Về kiến nghị tăng kinh phí nghiên cứu khoa học phân bổ hàng năm: Thủ tướng Chính phủ ủng hộ bảo đảm các điều kiện, kinh phí cho công tác nghiên cứu khoa học của Học viện, trên tinh thần thiết thực, hiệu quả. Đề nghị Học viện làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, ngành liên quan về từng chương trình, đề tài khoa học cụ thể để xử lý theo quy định.
c) Về công tác tổ chức - cán bộ:
- Về đề nghị ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định số 48/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Học viện; cho phép cơ cấu, sắp xếp lại, đổi tên một số đơn vị trực thuộc cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động của Học viện nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao và bảo đảm sự quản lý thống nhất trong toàn Học viện: Bộ Chính trị đã cho ý kiến về dự thảo Nghị định này. Học viện và các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định theo đúng tinh thần kết luận của Bộ Chính trị, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành sớm.
- Về Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và giảng viên các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2017-2025 và tầm nhìn đến năm 2030”: Đề nghị Học viện đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ các trường Đảng; trên cơ sở đó sớm hoàn thiện Đề án, lấy ý kiến các cơ quan liên quan để hoàn thiện, trình cơ quan thẩm quyền phê duyệt.
- Về đề nghị ưu tiên tuyển chọn giảng viên, nghiên cứu viên của Học viện đi đào tạo ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước theo Đề án 911 và Đề án 599: Đồng ý chủ trương này, cần tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ cho Học viện; giao Bộ Giáo dục và Đào tạo làm việc cụ thể, xử lý kiến nghị của Học viện, bảo đảm đáp ứng yêu cầu đào tạo cán bộ của Học viện và chất lượng của người được cử đi đào tạo ở nước ngoài.
- Về việc áp dụng chế độ phụ cấp đối với đội ngũ cán bộ, công chức Học viện theo nội dung Thông báo kết luận số 13-TB/TW ngày 28 tháng 3 năm 2011 của Bộ Chính trị về việc sửa đổi những bất hợp lý về tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức cơ quan đảng, đoàn thể chính trị - xã hội: Theo Kết luận 63-KL/TW ngày 27 tháng 5 năm 2013 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XI một số vấn đề về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020, đề nghị Học viện thực hiện theo quy định chung.
d) Về cơ chế tài chính và đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật:
- Về đề nghị có cơ chế tài chính đặc thù cho Học viện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao: Giao Học viện phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, làm rõ cơ sở, nguyên tắc, nguồn thu để xây dựng cơ chế tài chính phù hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
- Về đề nghị cơ chế phân bổ vốn đầu tư: Đồng ý bổ sung vốn đầu tư cơ sở vật chất cho Học viện Chính trị Khu vực IV; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Về Đề án: “Tăng cường hiện đại hóa cơ sở vật chất của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh”: Giao Học viện xây dựng đề án cụ thể, lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
- Về cơ chế thực hiện xã hội hóa trong việc xây dựng nhà ở cho cán bộ, công chức viên chức, tạo điều kiện để thu hút được cán bộ giỏi về Học viện công tác: Đề nghị Học viện chủ động nghiên cứu, xây dựng phương án cụ thể, lấy ý kiến các bộ, cơ quan liên quan (Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, UBND thành phố Hà Nội) để thống nhất xử lý theo quy định.
đ) Về các lĩnh vực khác:
- Về đề nghị cho phép đẩy mạnh đa dạng hóa, đa phương hóa và có cơ chế đặc thù trong các hoạt động hợp tác quốc tế phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu, tham vấn chính sách trong bối cảnh đẩy mạnh hội nhập quốc tế: Thống nhất với đề nghị của Học viện; đề nghị Học viện có đề xuất cụ thể về cơ chế đặc thù, lấy ý kiến Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương và các bộ, cơ quan liên quan, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
- Về đề nghị cho phép cán bộ Học viện tham gia các đoàn cấp cao chính thức của Đảng, Nhà nước và của Chính phủ đi thăm và làm việc với các nước để thiết lập quan hệ đối tác và trao đổi học thuật: Đồng ý đề nghị này của Học viện; đề nghị Học viện làm việc với Bộ Ngoại giao và Ban Đối ngoại Trung ương xem xét, xử lý cụ thể.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
 
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng (để b/c);
- Ban Tổ chức Trung ương;
- Ban Dân vận Trung ương;
- Ủy ban Kiểm tra Trung ương;
- Ban Đối ngoại Trung ương;
- Các Bộ: KHĐT, TC, GDĐT, KHCN, NV, XD, NG;
- Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội;
- Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TKBT, TCCV, KTTH, QHQT, TH;
- Lưu: VT, KGVX (3). ĐND.
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM




Mai Tiến Dũng

Để được hỗ trợ dịch thuật văn bản này, Quý khách vui lòng nhấp vào nút dưới đây:

*Lưu ý: Chỉ hỗ trợ dịch thuật cho tài khoản gói Tiếng Anh hoặc Nâng cao

Lược đồ

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Văn bản này chưa có chỉ dẫn thay đổi
* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực
văn bản mới nhất