VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ ------- Số: 306/TB-VPCP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 09 tháng 09 năm 2015 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VŨ VĂN NINH TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH THÁI BÌNH
Ngày 12 tháng 8 năm 2015, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh thăm và làm việc tại tỉnh Thái Bình; khảo sát một số mô hình xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững. Cùng đi với Phó Thủ tướng có lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Chính phủ và đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Sau khi nghe Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình báo cáo tình hình kinh tế - xã hội và kết quả xây dựng nông thôn mới 6 tháng đầu năm 2015 và một số kiến nghị của Tỉnh; ý kiến của lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG:
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, biểu dương và đánh giá cao nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn và những kết quả đạt được trong thời gian qua của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Bình. Trong 6 tháng đầu năm 2015, kinh tế - xã hội của Tỉnh đạt kết quả khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực: Tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng 7,66%, trong đó công nghiệp tăng 11,56%, nông nghiệp tăng 2,25%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 17,7%; xuất khẩu tăng 11,5%; thu ngân sách nhà nước tăng 12,3%.
Tỉnh đã triển khai bài bản, tích cực chương trình xây dựng nông thôn mới, người dân đã thực sự là chủ thể, quyết định sự thành công của phong trào xây dựng nông thôn mới (đến nay Tỉnh đã có 85 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 59 xã đạt 15 - 18 tiêu chí); đã huy động, sử dụng tốt nguồn lực của các thành phần kinh tế tham gia, trong đó vốn của người dân đóng góp đạt 6.660,3 tỷ đồng chiếm trên 40%; đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn (Tỉnh có 143 cánh đồng mẫu với diện tích 6.072 ha) gắn với công nghiệp chế biến. Trên 800 trang trại chăn nuôi và nuôi cá lồng trên sông (trong đó có 69 trang trại quy mô lớn).
Các lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao được quan tâm, an sinh xã hội được bảo đảm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,5%, giải quyết việc làm tăng 7,5%; cải cách hành chính tiếp tục được tăng cường, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Tuy nhiên, Thái Bình vẫn còn một số khó khăn: Cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông; cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI
Nhất trí với báo cáo của Tỉnh và ý kiến phát biểu của các Bộ, cơ quan; nhấn mạnh một số điểm:
1. Tập trung mọi nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt, hạ tầng giao thông, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của Tỉnh, lựa chọn phát triển ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương; đẩy mạnh phát triển kinh tế biển gắn với du lịch biển. Trước mắt, tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch 5 năm (2011 - 2015).
2. Tăng cường hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư vào các ngành lĩnh vực mà Tỉnh có lợi thế; nghiên cứu ban hành chính sách mới nhằm khuyến khích các nhà đầu tư vào làm ăn lâu dài. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững; chú trọng kiểm tra việc hoàn thành và duy trì các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đổi mới phương thức sản xuất, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới quan tâm đến môi trường, xử lý rác thải, với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm.
3. Tiếp tục triển khai thực hiện tái cơ cấu kinh tế với mục tiêu chính là tái cơ cấu và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cùng với đó nâng cao tính tự chủ và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công. Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ.
4. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, giữ vững ổn định chính trị, chuẩn bị tốt mọi điều kiện phục vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, tiến tới Đại hội XII của Đảng.
III. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH
1. Về việc điều chỉnh, bổ sung một số tiêu chí huyện nông thôn mới: Tỉnh đề xuất các tiêu chí cụ thể gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, nghiên cứu xử lý trong quá trình hoàn thiện dự thảo Quyết định, trình Thủ tướng Chính phủ.
2. Về việc hỗ trợ thanh toán tiền xi măng trả chậm xây dựng nông thôn mới: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cân đối nguồn vốn hỗ trợ cho các địa phương, trong đó có tỉnh Thái Bình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Tỉnh chủ động cân đối các nguồn thu (trong đó có nguồn vượt thu) để thực hiện, trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét.
3. Về việc gia hạn thời gian trả nợ vốn vay tín dụng ưu đãi và vốn tạm ứng Kho bạc Nhà nước: Bộ Tài chính xem xét, xử lý theo quy định, tạo điều kiện cho Tỉnh.
4. Về cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ cho các địa phương được lựa chọn là tỉnh điểm xây dựng nông thôn mới: giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
5. Về cơ chế chính sách đặc thù và nâng mức hỗ trợ đất trồng lúa cho các tỉnh nông nghiệp: Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ. Đồng thời trong quá trình xây dựng tiêu chí phân bổ nguồn vốn đầu tư giai đoạn 2016 - 2020 Chính phủ sẽ xem xét ưu tiên cho những địa phương có nhiều diện tích trồng lúa.
6. Về hỗ trợ xây dựng, nâng cấp một số công trình giao thông, thủy lợi quan trọng, có tính liên vùng (đường Thái Bình - Hà Nam giai đoạn 2, đường 223 và cầu Sa Cao, cầu cảng Diêm Điền, các tuyến đê biển, đê sông); hỗ trợ vốn đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; dự án quai đê lấn biển, phát triển quỹ đất bãi bồi ven biển (10.000 ha); dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển (đoạn qua địa bàn tỉnh); dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh (quy mô 1000 giường); dự án Quảng trường Thái Bình xây dựng Tượng đài "Bác Hồ với nông dân: Tỉnh rà soát, sắp xếp thứ tự các công trình, dự án ưu tiên làm trước và hoàn tất các thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công, tổng hợp vào kế hoạch vốn đầu, tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của Tỉnh theo quy định gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp chung, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời huy động các nguồn vốn hợp pháp khác, trong đó đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư một số công trình, dự án phù hợp.
7. Về bố trí vốn đầu tư xây dựng các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh (Đường cao tốc Ninh Bình - Thái Bình - Quảng Ninh, Quốc lộ 39A, Quốc lộ 37 và cầu Hồng Quỳnh); nạo vét khơi thông luồng lạch các cửa sông lớn (cửa Trà Lý, cửa Ba Lạt): Bộ Giao thông vận tải xem xét, xử lý theo quy định.
8. Về việc thành lập Khu kinh tế ven biển tỉnh Thái Bình: Tỉnh căn cứ tiêu chí, điều kiện thành lập khu kinh tế ven biển theo quy định; trên cơ sở đó lập dự án gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
9. Về hỗ trợ kinh phí thực hiện Đề án hỗ trợ về nhà ở cho người có công: Các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 6007/VPCP-KTTH ngày 30 tháng 7 năm 2015.
10. Về bổ sung hộ cận nghèo vào đối tượng thụ hưởng các chính sách hỗ trợ về nhà ở, vay vốn tín dụng ưu đãi, phát triển sản xuất, tạo việc làm: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp nhu cầu chung của các địa phương, trong đó có tỉnh Thái Bình, đề xuất phương án xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Lao động-Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và du lịch, Xây dựng; - Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Bình; - VPCP. BTCN, các PCN, các Trợ lý TTgCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, KTN, KGVX, TH; - Lưu: VT, V.III (3b). Tùng | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM PHÓ CHỦ NHIỆM Nguyễn Cao Lục |