Thông báo 286/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và Ủy ban Dân tộc

thuộc tính Thông báo 286/TB-VPCP

Thông báo 286/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và Ủy ban Dân tộc
Cơ quan ban hành: Văn phòng Chính phủ
Số công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Số hiệu:286/TB-VPCP
Ngày đăng công báo:Đang cập nhật
Loại văn bản:Thông báo
Người ký:Nguyễn Văn Nên
Ngày ban hành:24/07/2014
Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Chính sách
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------
Số: 286/TB-VPCP
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Hà Nội, ngày 24 tháng 07 năm 2014
 
 
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN TẤN DŨNG
 TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI HỘI ĐỒNG DÂN TỘC CỦA QUỐC HỘI VÀ ỦY BAN DÂN TỘC
 
 
Ngày 08 tháng 7 năm 2014, tại trụ sở làm việc của Ủy ban Dân tộc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc với Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và lãnh đạo Ủy ban Dân tộc. Tham dự buổi làm việc có Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước và các đồng chí Thường trực Hội đồng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên và đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Tư pháp, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội.
Sau khi nghe Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phát biểu về tình hình vùng dân tộc thiểu số và một số vấn đề thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác dân tộc; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc báo cáo kết quả rà soát chính sách dân tộc hiện hành, đề xuất chính sách giai đoạn 2016 - 2020 và một số kiến nghị; ý kiến phát biểu của lãnh đạo các Bộ, ngành, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Thủ tướng cơ bản đồng ý với đánh giá tình hình vùng dân tộc và kết quả thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc của Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và Ủy ban Dân tộc.
Công tác dân tộc, chính sách dân tộc là vấn đề cơ bản, lâu dài, là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và thường xuyên của Đảng, Nhà nước cả hệ thống chính trị. Kết quả thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc thể hiện tính ưu việt của chế độ ta, bảo đảm bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau giữa các dân tộc, có ý nghĩa quan trọng góp phần quyết định sự phát triển bền vững của đất nước. Bộ mặt vùng dân tộc và miền núi thay đổi đáng kể, đời sống vật chất và tinh thần đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc giảm nhanh hơn tỷ lệ giảm nghèo chung của cả nước; sự bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau giữa các dân tộc ngày càng được khẳng định và củng cố, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đồng bào các dân tộc ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và cùng chung sức xây dựng, phát triển đất nước.
Bên cạnh kết quả đã đạt được, kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi phát triển còn chậm, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều bất cập; chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực còn thấp; năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ cơ sở, cán bộ người dân tộc thiểu số ở một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở một số nơi còn tiềm ẩn nhân tố mất ổn định.
Công tác dân tộc, chính sách dân tộc vẫn còn một số hạn chế, yếu kém: Nhận thức về vai trò, vị trí công tác dân tộc, tầm quan trọng của chính sách dân tộc tuy được nâng lên nhưng chưa tương xứng với yêu cầu; công tác quản lý nhà nước về dân tộc có nơi, có lúc chưa được quan tâm đúng mức; thiếu sự chỉ đạo sâu sát, cụ thể của cấp ủy Đảng và người đứng đầu một số ngành, địa phương. Một số chính sách dân tộc còn chồng chéo, trùng lắp, thiếu khả thi; sự chỉ đạo, phối hợp giữa các cơ quan chưa tốt. Nguồn lực bố trí cho các chính sách còn hạn chế, chưa tương xứng, hợp lý và sử dụng chưa hiệu quả. Công tác kiểm tra, thanh tra, đôn đốc thực hiện chưa được quan tâm đúng mức.
II. NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI
Cơ bản đồng ý phương hướng, nhiệm vụ công tác dân tộc và chính sách dân tộc trong báo cáo của Hội đồng Dân tộc và Ủy ban Dân tộc; trong đó cần tập trung làm tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
1. Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ngành tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc; thể hiện bằng chương trình, kế hoạch và các chính sách cụ thể. Các Bộ, ngành, địa phương đề cao trách nhiệm và tăng cường, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác dân tộc.
2. Ủy ban Dân tộc, các Bộ, ngành tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách dân tộc; xác định rõ đầu mối chủ trì trong xây dựng, sửa đổi và triển khai thực hiện, tránh chồng chéo, trùng lắp, nhiều đầu mối quản lý; phân định rõ chính sách hỗ trợ phát triển và chính sách an sinh xã hội; tăng cường phân cấp cho địa phương. Các chính sách phải khả thi, tạo điều kiện khuyến khích đồng bào chủ động vươn lên, thoát nghèo bền vững.
Cần quan tâm trước hết đến chính sách giải quyết đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt, đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động. Ưu tiên cho sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa: trồng cây công nghiệp, chăn nuôi gia cầm, gia súc và đại gia súc, chăm sóc, bảo vệ rừng; cần xây dựng chính sách phù hợp từng vùng, với mức hỗ trợ hợp lý về giống cây, con, chi phí chuồng trại và các loại vật tư khác.
3. Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, thống nhất đề xuất quan điểm, phương hướng, mục tiêu xây dựng mới các chương trình, cơ chế, chính sách dân tộc, bảo đảm khắc phục những nhược điểm đã nêu, phù hợp tình hình vùng dân tộc, miền núi trong giai đoạn mới và đạt hiệu quả cao nhất. Xây dựng cơ chế điều phối, phối hợp giữa các Bộ, ngành trong việc xây dựng chính sách dân tộc, phân bổ nguồn lực và tổ chức thực hiện.
4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tính toán, cân đối nguồn lực để bố trí phù hợp trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 cho những chính sách dân tộc đã được rà soát; đồng thời gắn việc rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách dân tộc và ban hành mới các chương trình, cơ chế, chính sách giai đoạn 2016 - 2020 với bố trí nguồn lực trong kế hoạch trung hạn.
5. Đề nghị Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tăng cường giám sát việc tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc và gửi báo cáo kết quả giám sát để nghiên cứu, thảo luận tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ và thể hiện trong Nghị quyết phiên họp.
6. Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và đôn đốc thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc.
7. Văn phòng Chính phủ phối hợp với Ủy ban Dân tộc, các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về công tác Dân tộc.
III. VỀ MỘT SỐ ĐỀ NGHỊ CỦA ỦY BAN DÂN TỘC
1. Về cấp bổ sung vốn năm 2014 và vốn kế hoạch năm 2015: Giao Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá cụ thể tình hình bố trí vốn và thực hiện từng chính sách, xác định nhu cầu bổ sung vốn năm 2014 và bố trí vốn cho các năm tiếp theo. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính rà soát, căn cứ khả năng cân đối ngân sách nhà nước, đề xuất phương án bố trí vốn bổ sung năm 2014 và vốn kế hoạch năm 2015, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
2. Về cơ chế đặc thù thực hiện Chương trình 135 năm 2014 và năm 2015: Văn phòng Chính phủ tổng hợp ý kiến các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
3. Về đề nghị kéo dài thực hiện đến năm 2020 hoặc tổng hợp thành một chính sách để tiếp tục thực hiện từ năm 2016 đối với một số chính sách do Ủy ban Dân tộc trực tiếp quản lý, có hiệu lực đến hết năm 2015, nhưng chưa hoàn thành mục tiêu: Ủy ban Dân tộc khẩn trương hoàn thành việc rà soát các chính sách này; làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan, thống nhất đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
4. Đồng ý về nguyên tắc bổ sung kinh phí hằng năm cho Ủy ban Dân tộc tổ chức đón tiếp đồng bào dân tộc thiểu số, người có uy tín, thăm hỏi, hỗ trợ đồng bào bị thiên tai; Bộ Tài chính làm việc, thống nhất với Ủy ban Dân tộc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
5. Giao các Bộ, ngành khẩn trương hoàn thành các chương trình, chính sách thuộc lĩnh vực quản lý theo nhiệm vụ được phân công tại Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc và Quyết định số 2356/QĐ-TTg ngày 04 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình hành động thực hiện chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020. Ủy ban Dân tộc chủ trì, thống nhất với các Bộ, ngành tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
6. Đồng ý về chủ trương xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù thành lập Học viện Dân tộc. Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các Bộ, cơ quan liên quan thẩm định Đề án, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù thành lập Học viện Dân tộc, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
7. Về đề nghị chuyển Ủy ban Dân tộc thành Bộ Dân tộc: Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc, các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu trong quá trình xây dựng cơ cấu tổ chức Chính phủ khóa XIV.
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn tiêu chí, điều kiện thành lập Phòng Dân tộc thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ban Dân tộc thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
8. Về xây dựng Luật Dân tộc: Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất trong giai đoạn 2016 - 2020, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
9. Các Bộ, ngành, địa phương thực hiện thống nhất các chính sách đối với thôn, bản, xã thuộc vùng dân tộc, miền núi theo tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012 - 2015, được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 30/2012/QĐ-TTg ngày 18 tháng 7 năm 2012 và Danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn, được Thủ tướng Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 1049/QĐ-TTg ngày 26 tháng 6 năm 2014.
10. Giao Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan rà soát, đánh giá kết quả thực hiện và nêu kiến nghị, đề xuất (nếu có) đối với Chương trình xây dựng trung tâm cụm xã; rà soát cơ chế, chính sách đang thực hiện, đề xuất sửa đổi cơ chế, chính sách đối với các xã biên giới đang được thực hiện Chương trình 135.
11. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu đề nghị của Ủy ban Dân tộc về chính sách theo địa bàn, với giải pháp phù hợp đặc thù từng vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ trong quá trình xây dựng Đề án chính sách phát triển vùng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
12. Giao Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các chính sách dân tộc đến năm 2015; đề xuất cho giai đoạn 2016 - 2020, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
13. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành liên quan cân đối nguồn để phân bổ vốn trung hạn, bố trí đồng bộ các nguồn vốn và ưu tiên phân bổ vốn ODA để thực hiện chính sách dân tộc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
14. Về Chương trình 30a và Chương trình 135 tại vùng dân tộc và miền núi: Thực hiện theo quy định hiện hành.
15. Các Bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Dân tộc khi xây dựng chính sách dân tộc và phân bổ nguồn lực thực hiện chính sách do Ủy ban Dân tộc quản lý. Ủy ban Dân tộc có trách nhiệm kiểm tra, theo dõi, đánh giá, tổng hợp và có kiến nghị đối với những vấn đề phát sinh.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết, thực hiện./.
 

 Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- Hội đồng Dân tộc QH, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính-Ngân sách của QH;
- Các Bộ, cơ quan: Ủy ban Dân tộc, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Công an, Quốc phòng, Nội vụ, Tư pháp, Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Văn phòng TW Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Các Ban: Kinh tế TW, Dân vận TW;
- Các Ban CĐ: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTTH, TKBT, KTN, KGVX, NC, TCCV, PL, QHQT;
- Lưu: Văn thư, V.III (3b).
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM




Nguyễn Văn Nên

Để được hỗ trợ dịch thuật văn bản này, Quý khách vui lòng nhấp vào nút dưới đây:

*Lưu ý: Chỉ hỗ trợ dịch thuật cho tài khoản gói Tiếng Anh hoặc Nâng cao

Lược đồ

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Văn bản này chưa có chỉ dẫn thay đổi
* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực
văn bản mới nhất