VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ ------- Số: 231/TB-VPCP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 20 tháng 07 năm 2015 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VŨ VĂN NINH TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI ỦY BAN DÂN TỘC VÀ CÁC BỘ, CƠ QUAN VỀ RÀ SOÁT CHÍNH SÁCH, KINH PHÍ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH DÂN TỘC
Ngày 02 tháng 7 năm 2015, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững đã chủ trì buổi làm việc với Ủy ban Dân tộc về rà soát chính sách, kinh phí thực hiện chính sách dân tộc. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Y tế và Văn phòng Chính phủ.
Sau khi nghe lãnh đạo Ủy ban Dân tộc báo cáo đánh giá việc rà soát chính sách, kinh phí thực hiện chính sách dân tộc, ý kiến phát biểu của lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã kết luận như sau:
Trong nhiều năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách dân tộc, bao trùm mọi lĩnh vực của đời sống xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; do nhiều Bộ, ngành chủ trì tổ chức thực hiện và quản lý. Kết quả to lớn của quá trình tổ chức thực hiện chính sách dân tộc là đã góp phần làm thay đổi đáng kể bộ mặt vùng dân tộc và miền núi, đời sống vật chất và tinh thần đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh hơn các vùng khác, vượt mức kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, đây vẫn là vùng khó khăn nhất trong cả nước, bởi tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao. Ngoài các nguyên nhân khách quan, có nguyên nhân chủ quan của tình trạng này là việc xây dựng và quá trình tổ chức thực hiện chính sách dân tộc còn chồng chéo, hiệu quả chưa cao, có khi còn nóng vội và chưa phát huy được tính chủ động của đồng bào.
Báo cáo rà soát chính sách, kinh phí thực hiện chính sách dân tộc thể hiện sự nỗ lực, cố gắng của Ủy ban Dân tộc và các Bộ, cơ quan; đạt được kết quả quan trọng. Tuy nhiên, để hoàn thành việc rà soát chính sách dân tộc, tạo tiền đề cho việc đề xuất xây dựng, bổ sung, sửa đổi chính sách trong giai đoạn 2016 - 2020, Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành cần tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ sau:
1. Theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước được phân công, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan bổ sung vào Báo cáo rà soát chính sách dân tộc các chính sách lớn về giáo dục, y tế, tín dụng,... do các Bộ, ngành khác chủ trì. Các Bộ, cơ quan liên quan chủ động phối hợp, cung cấp thông tin để Ủy ban Dân tộc tổng hợp đầy đủ kết quả thực hiện các chính sách được giao chủ trì. Trong Báo cáo rà soát cần chỉ rõ nội dung các chính sách bị trùng lặp, chính sách không thực hiện được và đề xuất việc sửa đổi, thay thế, hoặc bãi bỏ những chính sách không còn phù hợp.
Ủy ban Dân tộc phối hợp với các Bộ, ngành căn cứ kết quả rà soát hệ thống chính sách dân tộc hiện hành và khả năng cân đối nguồn lực để xác định thứ tự ưu tiên, tập trung nguồn lực thực hiện dứt điểm một số chính sách trọng tâm.
2. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi thực hiện việc phân bổ nguồn lực cho địa phương cần lưu ý: Ưu tiên cho vùng dân tộc thiểu số và vùng khó khăn có tỷ lệ hộ nghèo cao, cần bố trí kinh phí phù hợp, không để người dân nghèo phải đóng góp, tạo điều kiện để người dân nghèo tham gia lao động công ích tại địa phương được trả đủ thù lao.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính lưu ý khi tổng hợp phương án bổ sung vốn cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cần đề xuất mức phân bổ vốn ưu tiên hơn cho các xã nghèo vùng dân tộc thiểu số và vùng khó khăn.
4. Về định hướng chính sách giai đoạn 2016 - 2020:
a) Đồng ý kéo dài và tiếp tục thực hiện một số chương trình, chính sách được đánh giá tốt nhưng còn dở dang, chưa hoàn thành mục tiêu. Các Bộ, ngành báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
b) Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện Báo cáo rà soát chính sách dân tộc, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; lưu ý một số dự án cụ thể:
- Về chính sách cấp phát báo chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi: cần đánh giá kết quả thực hiện thời gian qua, cân nhắc, tính toán kỹ phạm vi địa bàn và lựa chọn một số đầu báo phù hợp với vùng dân tộc thiểu số để bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí.
- Về chính sách hỗ trợ trực tiếp: cần rà soát, hoàn thiện phương thức hỗ trợ theo hướng thiết thực, hiệu quả và có lợi nhất cho đồng bào.
- Về chính sách dạy nghề và Chính sách hỗ trợ đào tạo cán bộ cơ sở vùng dân tộc thiểu số: cần rà soát, hoàn thiện chính sách theo hướng phù hợp với thực tế và bảo đảm thiết thực, hiệu quả.
c) Để bảo đảm việc xây dựng chính sách, lồng ghép chính sách đạt hiệu quả cao, Ủy ban Dân tộc cần chủ động tham gia phối hợp với các Bộ, ngành trong quá trình đề xuất, thiết kế khung chính sách, xây dựng nội dung, sửa đổi, bổ sung chính sách và giám sát quá trình thực hiện các chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số. Các Bộ, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, khi xây dựng các chính sách dân tộc cụ thể của ngành mình cần bảo đảm sự tham gia phối hợp và giám sát của Ủy ban Dân tộc.
d) Về dự kiến 2 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần tiếp thu ý kiến Ủy ban Dân tộc để việc thiết kế chính sách đầy đủ nội dung, bảo đảm hiệu quả. Việc phân cấp cho địa phương trong thực hiện chính sách theo hướng: địa phương tổ chức thực hiện chính sách; Bộ, ngành Trung ương quản lý mục tiêu, kiểm tra, giám sát việc thực hiện.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP; - Các Bộ, cơ quan: Ủy ban DT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo; - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, thư ký PTTg Vũ Văn Ninh, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTTH, KTN, KGVX; - Lưu: VT, V.III (3b). | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM PHÓ CHỦ NHIỆM Nguyễn Văn Tùng |