Thông báo 214/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Nhà nước Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
thuộc tính Thông báo 214/TB-VPCP
Cơ quan ban hành: | Văn phòng Chính phủ |
Số công báo: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Số hiệu: | 214/TB-VPCP |
Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Thông báo |
Người ký: | Nguyễn Hữu Vũ |
Ngày ban hành: | 07/06/2013 |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | |
Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Lĩnh vực: | Chính sách, Điện lực |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ Số: 214/TB-VPCP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 07 tháng 06 năm 2013 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI
TẠI CUỘC HỌP BAN CHỈ ĐẠO NHÀ NƯỚC QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN ĐIỆN LỰC QUỐC GIA
Ngày 29 tháng 5 năm 2013, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đã chủ trì cuộc họp để kiểm điểm tình hình thực hiện các dự án điện theo Quy hoạch điện VII. Tham gia cuộc họp có các thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước; lãnh đạo các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, các Tổng công ty: Sông Đà, Truyền tải điện quốc gia.
Sau khi nghe Bộ Công Thương và các Tập đoàn báo cáo tình hình thực hiện các dự án điện, ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước và đại biểu tham dự họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Trong thời gian qua, các thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước đã tích cực thực hiện các nhiệm vụ được giao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngân hàng thương mại đã cùng các Tập đoàn hoàn thành thủ tục thu xếp vốn nên tiến độ nhiều dự án điện đã được thúc đẩy; việc cung cấp điện cơ bản đã được bảo đảm, tổng công suất nguồn điện hiện nay trên 28 nghìn MW, có thể đáp ứng cho nhu cầu phụ tải cực đại 20 - 21 nghìn MW và có dự phòng; tuy nhiên, cân bằng giữa các vùng miền chưa cân đối, nhiều dự án điện, nhất là các dự án tại khu vực phía Nam bị chậm, nên đã phải truyền tải công suất lớn từ miền Bắc, miền Trung vào miền Nam, điều này đã ảnh hưởng an ninh cung cấp điện của hệ thống.
Vấn đề mất cân đối giữa các vùng miền đã được nhìn thấy trước, nhiều giải pháp quyết liệt đã được đưa ra để đẩy nhanh tiến độ các dự án điện khu vực phía Nam, các công trình nguồn điện: Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1, Duyên Hải 2,... các công trình đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông, đường dây 220kV Đăk Nông - Phước Long - Bình Long. Nếu không có những giải pháp quyết liệt hơn để đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn, lưới điện trên, khu vực miền Nam sẽ xảy ra nguy cơ thiếu điện trầm trọng từ các năm 2014 - 2015.
Mặc dù bị ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu và khó khăn của sản xuất trong nước, nhưng điện thương phẩm các tháng đầu năm 2013 vẫn tăng gần 11% so với cùng kỳ năm trước. Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong các năm còn lại của kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm và Chiến lược phát triển kinh tế 10 năm của đất nước; các dự án nguồn và lưới điện cần được đẩy nhanh để có thể đáp ứng cho nhu cầu điện trong các năm tiếp theo với tốc độ tăng khoảng 11% đến 13%/năm.
Qua báo cáo của các Tập đoàn, Tổng công ty, hiện có nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các dự án nguồn và lưới điện đã được phê duyệt trong Quy hoạch điện VII. Để bảo đảm nhu cầu điện dự kiến sẽ tăng nhanh trở lại khi nền kinh tế được phục hồi, các Bộ, ngành cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa để hỗ trợ chủ đầu tư các dự án nguồn và lưới điện trong việc thu xếp vốn, trong giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ đưa vào vận hành các công trình nguồn và lưới điện.
II. NHIỆM VỤ CỦA CÁC BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG
1. Bộ Công Thương
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và chủ đầu tư làm việc với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng các dự án nguồn, lưới điện: thủy điện Đăkđrinh, nhiệt điện BOT Mông Dương 2; các đường dây 500kV: Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông, Vĩnh Tân - Song Mây, Phú Mỹ - Song Mây, Song Mây - Tân Định, Ô Môn - Phú Lâm; các trạm 500kV Song Mây, Cầu Bông và các đường dây 220kV Đăk Nông - Phước Long - Bình Long, lưới điện 220kV đấu nối sau trạm Cầu Bông, Song Mây để bảo đảm cung cấp điện cho các tỉnh phía Nam; các công trình đấu nối các nhà máy điện chuẩn bị vào vận hành với hệ thống điện quốc gia và các công trình lưới điện bảo đảm cung cấp điện cho các thành phố lớn, các vùng trọng điểm kinh tế. Trường hợp cần thiết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có công điện gửi các địa phương.
- Khẩn trương phê duyệt phương án đấu nối nhà máy nhiệt điện Formosa Hà Tĩnh; sớm tổng hợp ý kiến các Bộ, ngành về phương án triển khai thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
- Chủ trì, cùng chủ đầu tư làm việc cụ thể với Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) để vay vốn tín dụng đầu tư phát triển để thực hiện các hợp đồng thiết kế, chế tạo trong nước các hạng mục thiết bị nhà máy điện theo quy định tại Quyết định 1791/QĐ-TTg ngày 29/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
- Đôn đốc chủ đầu tư các dự án nguồn điện, đặc biệt đối với các dự án nguồn điện khu vực miền Nam, đảm bảo tiến độ đưa vào vận hành đã được phê duyệt trong Quy hoạch điện VII.
- Chỉ đạo thực hiện rà soát, tính toán lại cân bằng - công suất điện năng, đánh giá tình hình vận hành, đầu tư phát triển các công trình nguồn và lưới điện, truyền tải đến năm 2020, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31 tháng 7 năm 2013 để xem xét, có ý kiến chỉ đạo kịp thời, bảo đảm cung cấp đầy đủ, tin cậy nhu cầu điện của nền kinh tế quốc dân.
- Chỉ đạo khẩn trương hoàn thành việc lập Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tổ chức hội thảo, thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2014. Phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam để thu xếp vốn (vốn của Tập đoàn, vốn tài trợ của các nước, các tổ chức quốc tế,...) để thuê Tư vấn quốc tế có năng lực và kinh nghiệm hỗ trợ trong quá trình lập, thẩm định các phương án phát triển nguồn, lưới điện; bảo đảm phát triển hệ thống điện hợp lý, đáp ứng các yêu cầu về: chất lượng điện năng, an toàn, linh hoạt trong vận hành.
- Tiếp tục chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình lưới điện, đảm bảo đồng bộ với tiến độ phát điện của các dự án nhà máy.
- Chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam:
+ Đẩy nhanh tiến độ Hợp đồng mua bán điện; xem xét, quy định thời gian hợp lý tối đa cho việc đàm phán Hợp đồng mua bán điện kể từ khi Chủ đầu tư cung cấp đầy đủ hồ sơ theo quy định;
+ Lập dự án đầu tư mở rộng cảng than của Trung tâm Điện lực Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh) và Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân (tỉnh Bình Thuận), đảm bảo đủ điều kiện tiếp nhận và trung chuyển than cho các Trung tâm Điện lực khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong khi cảng trung chuyển than Duyên Hải chưa đưa vào hoạt động.
- Chỉ đạo, hỗ trợ Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam xây dựng đề cương lập dự án đầu tư, nguồn vốn chuẩn bị đầu tư và đầu tư,... của dự án cảng trung chuyển cung cấp than cho các Trung tâm nhiệt điện khu vực đồng bằng sông Cửu Long, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 năm 2013.
- Chỉ đạo thực hiện các giải pháp để cải thiện tình hình tài chính của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (NPT), trong đó có việc điều chỉnh giá truyền tải điện để bảo đảm NPT có khả năng tự cân đối được tài chính, phát triển lưới điện truyền tải.
- Khẩn trương hoàn thành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển các dự án sử dụng nguồn năng lượng mới tái tạo (điện sinh khối, điện rác, điện mặt trời,...), trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý III năm 2013.
- Hướng dẫn các địa phương thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ đối với đất trong hành lang lưới điện theo quy định tại Nghị định số 81/2009/NĐ-CP của Chính phủ. Nghiên cứu, đề xuất bổ sung, sửa đổi các vấn đề cần thiết trong quá trình soạn thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Điện lực và Luật bổ sung, sửa đổi Luật Điện lực về an toàn điện đối với các trường hợp còn có sự bất cập, khác nhau giữa các quy định.
- Đôn đốc EVN hoàn thiện đề án phát hành trái phiếu doanh nghiệp, phối hợp với Bộ Tài chính xem xét để có thể phê duyệt đầu quý III năm 2013.
- Chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện việc tiếp nhận, quản lý vận hành và hoàn trả vốn đầu tư đường dây 220 kV Hủa Na - Thanh Hóa giữa Công ty Cổ phần Thủy điện Hủa Na và Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia.
- Chủ trì làm việc với các Tập đoàn: TKV, EVN, PVN để xem xét phương án phân bổ khối lượng, chủng loại than sản xuất tại các vùng mỏ cho các nhà máy nhiệt điện đã và đang xây dựng; ưu tiên giải quyết cho các nhà máy điện hiện có và các nhà máy đang xây dựng, trong đó có các nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, Thái Bình 2,...;
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép ứng trước nguồn dự phòng trái phiếu Chính phủ để xây dựng đê chắn sóng phía Nam của cảng biển Trung tâm điện lực Duyên Hải và nạo vét đoạn luồng biển vào kênh Tắt của Dự án luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu.
- Hướng dẫn các đơn vị có liên quan thực hiện các thủ tục cần thiết để giải ngân nguồn vốn trái phiếu Chính phủ sử dụng nguồn dự phòng trái phiếu Chính phủ nêu trên.
- Bổ sung Dự án luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu vào danh mục các công trình, dự án sử dụng nguồn vốn bổ sung phát hành trái phiếu Chính phủ; chuẩn bị báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm cho phép phát hành bổ sung trái phiếu Chính phủ để đầu tư các dự án hạ tầng cấp bách, trong đó có Dự án luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu.
- Sớm có ý kiến với Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) và báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép vay vốn của Chính phủ Đức để thực hiện dự án đường dây 500kV thủy điện Lai Châu - Sơn La và vốn của Ngân hàng Châu Á (ADB) cho dự án đường dây 500kV HatXan - Pleiku trong tài khóa 2014. Xem xét, chấp thuận cho Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia vay vốn của Ngân hàng Thế giới (WB) để thực hiện các dự án lưới điện truyền tải, trong đó có các dự án đảm bảo cấp điện cho thành phố Hà Nội
3. Bộ Tài chính
- Hướng dẫn các Tập đoàn hoàn thành các thủ tục cần thiết theo quy định, khẩn trương thực hiện bảo lãnh khoản vay của Vietinbank và khoản vay vốn nước ngoài cho dự án NĐ Duyên Hải 3, bảo lãnh khoản vay của Vietinbank cho đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông của Tập đoàn Điện lực Việt Nam; bảo lãnh cho các khoản vay vốn nước ngoài để thực hiện các dự án: Thái Bình 2, Long Phú 1 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
- Hướng dẫn việc hạch toán và quy trình tiếp nhận khoản vốn hỗ trợ của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đối với việc thực hiện dự án cấp điện cho huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) và huyện đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) bằng cáp ngầm.
4. Bộ Giao thông vận tải
- Chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với các đơn vị có liên quan của Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẩn trương lập phương án thi công, thi công xây dựng đê chắn sóng phía nam của cảng biển Trung tâm điện lực Duyên Hải và nạo vét luồng biển chung của dự án luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu, bảo đảm hoàn thành trước quý III năm 2014, đáp ứng yêu cầu tiếp nhận than cho vận hành nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1.
5. Bộ Tài nguyên và Môi trường
- Sớm có ý kiến về chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa nước của dự án thủy điện Đăkđrinh để đảm bảo tiến độ tích nước hồ chứa.
- Phối hợp với Bộ Công Thương, làm việc với các địa phương để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác đền bù, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng các dự án nguồn và lưới điện.
6. Bộ Xây dựng
Chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thành nghiên cứu đánh giá chi tiết về điều kiện địa chất, địa động lực học và hoạt động động đất khu vực xây dựng công trình thủy điện Sông Tranh 2; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31 tháng 7 năm 2013.
7. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Xem xét, phê duyệt cho các tổ chức tín dụng được cấp tín dụng vượt các giới hạn vốn tự có đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và người liên quan để thực hiện các dự án điện cấp bách đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại công văn số 203/TTg-KTN ngày 31 tháng 01 năm 2013.
8. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư dự án điện để sớm hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư, đáp ứng tiến độ các dự án; khẩn trương thực hiện những công việc cụ thể sau đây:
- Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh: Chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc để khẩn trương hoàn thành giải phóng mặt bằng các dự án, công trình cần đưa vào đồng bộ với các dự án nhiệt điện Mông Dương I và Mông Dương II.
- Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh: Chỉ đạo Công ty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn đẩy nhanh tiến độ thi công hệ thống cung cấp nước ngọt cho Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1.
- Ủy ban nhân dân các tỉnh: Quảng Ngãi, Kon Tum:
+ Có biện pháp quyết liệt, cụ thể để đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu (đường giao thông, điện, nước, san nền, xây dựng nhà ở tại các điểm tái định cư....) phục vụ mục tiêu tích nước trước ngày 30 tháng 8 năm 2013.
+ Khẩn trương ban hành Quy định bồi thường, hỗ trợ và di dân tái định cư Thủy điện Đăkđrinh trên địa bàn tỉnh theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 368/TB-VPCP ngày 7 tháng 11 năm 2012 của Văn phòng Chính phủ.
+ Phối hợp với chủ đầu tư, rà soát lại quy mô, dự toán chi phí đầu tư của công tác di dân theo quy định, đảm bảo hiệu quả đầu tư chung của Dự án Thủy điện Đăkđrinh.
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo đẩy nhanh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các tuyến đường dây truyền tải điện cấp bách:
+ Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Đăk Nông, Bình Dương, Bình Phước chỉ đạo đẩy nhanh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các đường dây 500kV: Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông, Ô Môn - Phú Lâm (đoạn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh)
+ Ủy ban nhân dân tỉnh các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ đạo đẩy nhanh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các đường dây 500kV Vĩnh Tân - Sông Mây, Phú Mỹ - Song Mây, Song Mây - Tân Định.
9. Tập đoàn Điện lực Việt Nam:
- Chịu trách nhiệm chính trong việc đảm bảo an ninh, chất lượng cung cấp điện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và an sinh xã hội của đất nước.
- Bảo đảm tiến độ đưa vào vận hành của các công trình nguồn và lưới điện truyền tải trong Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm của Tập đoàn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Làm việc với các ngân hàng thương mại để thu xếp vốn cho các dự án nguồn, lưới điện cấp bách; các dự án lưới điện đấu nối để truyền tải công suất các dự án nguồn điện đang xây dựng, các dự án lưới điện bảo đảm cung cấp điện cho thành phố lớn,... Trường hợp có khó khăn, vướng mắc, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường dây đấu nối với các nhà máy điện, trong đó có: đường dây 220kV Sơn Hà-Dốc Sỏi đồng bộ với tiến độ phát điện các tổ máy Thủy điện Đăkđrinh; đường dây 220 kV Mạo Khê - Hải Dương để có thể khai thác công suất cao của nhiệt điện Mạo Khê.
- Chỉ đạo các bộ phận có liên quan chuẩn bị đầy đủ các tài liệu cần thiết theo quy định trong các Hồ sơ đề nghị cấp bảo lãnh Chính phủ, cho phép vay vượt các hạn mức tín dụng,... cho các dự án điện, để đẩy nhanh việc xem xét, giải quyết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Đồng ý Tập đoàn làm việc với các bên liên quan để đàm phán nhập khẩu than cho dự án Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3.
10. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
- Khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình đàm phán với nhà thầu Chevron về hợp đồng mua bán khí Lô B, khẳng định tiến độ cung cấp khí từ Lô B để có xem xét, điều chỉnh kế hoạch phát triển nguồn điện khu vực phía Nam cho phù hợp.
- Chỉ đạo các đơn vị liên quan bảo đảm tiến độ xây dựng các dự án nhà máy nhiệt điện do Tập đoàn làm chủ đầu tư: Thái Bình 2, Quảng Trạch 1, Long Phú 1,...
- Chỉ đạo các đơn vị liên quan ký hợp đồng với Ủy ban nhân dân các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Sóc Trăng, Hậu Giang (hoặc Ban quản lý dự án do tỉnh chỉ định) để thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng các dự án nhà máy nhiệt điện: Vũng Áng 1, Quảng Trạch 1, Long Phú 1 và Sông Hậu 1; kinh phí thực hiện được tính trong tổng mức đầu tư và tổng dự toán của các Dự án theo quy định.
11. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam
Xây dựng đề cương lập dự án đầu tư, nguồn vốn chuẩn bị đầu tư và đầu tư,... của dự án cảng trung chuyển cung cấp than cho các Trung tâm nhiệt điện khu vực đồng bằng sông Cửu Long, gửi Bộ Công Thương xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
12. Tổng công ty Sông Đà
Khẩn trương làm việc với các Bộ, cơ quan có liên quan của Việt Nam để thu xếp vốn, đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa vào vận hành các dự án thủy điện Xê Kaman 3, Xê Kaman 1, bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả theo đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Các Bộ, ngành, địa phương và các chủ đầu tư, nhà thầu tiếp tục thực hiện kết luận của Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước Quy hoạch điện lực quốc gia tại Thông báo số 368/TB-VPCP ngày 07 tháng 11 năm 2012 của Văn phòng Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Lược đồ
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây