Thông báo 110/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển hợp tác xã tại huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An

thuộc tính Thông báo 110/TB-VPCP

Thông báo 110/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển hợp tác xã tại huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An
Cơ quan ban hành: Văn phòng Chính phủ
Số công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Số hiệu:110/TB-VPCP
Ngày đăng công báo:Đang cập nhật
Loại văn bản:Thông báo
Người ký:Nguyễn Cao Lục
Ngày ban hành:27/02/2017
Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Chính sách
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------
Số: 110/TB-VPCP
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Hà Nội, ngày 27 tháng 02 năm 2017
 
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VƯƠNG ĐÌNH HUỆ TẠI CUỘC HỌP VỀ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI, GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG VÀ PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ TẠI HUYỆN NAM ĐÀN,
TỈNH NGHỆ AN
 
Ngày 18 tháng 02 năm 2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp với Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển hợp tác xã tại huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Tham dự cuộc họp có đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Chủ tịch Quốc hội và lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lao động-Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Sau khi nghe lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An và huyện Nam Đàn báo cáo, ý kiến tham gia của các đại biểu, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, biểu dương và đánh giá cao những kết quả về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển Hợp tác xã của tỉnh Nghệ An nói chung và huyện Nam Đàn nói riêng trong thời gian qua.
1. Về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Tỉnh Nghệ An triển khai trong điều kiện còn nhiều khó khăn về nguồn lực và điểm xuất phát thấp, diện tích đất đai lớn, dân số đông nhưng phân bổ không đều nhưng đến nay, đã có 152 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 02 xã ở địa bàn 30a, đạt 35,3%, số tiêu chí bình quân đạt 13,5 tiêu chí/xã (năm 2010 là 3,6 tiêu chí/xã), không còn xã nào dưới 05 tiêu chí, có 02 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (thị xã Thái Hòa và thành phố Vinh). Nam Đàn là huyện chỉ đạo điểm của Trung ương, được tỉnh hỗ trợ, bổ sung nguồn lực để tạo điều kiện cho huyện thực hiện chương trình như: Hỗ trợ thêm xi măng ngoài chỉ tiêu; ưu tiên hỗ trợ thêm trong phân bổ nguồn lực nên đến nay Nam Đàn đã có 18/23 xã đạt chuẩn, còn 5 xã cũng đã đạt 15-17 tiêu chí; năm 2017 huyện Nam Đàn phấn đấu về đích nông thôn mới, sau đó sẽ xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu.
Tuy nhiên, mặc dù đạt và vượt mục tiêu đề ra, là một trong những tỉnh có số xã đạt nông thôn mới nhiều nhất cả nước, nhưng kết quả giữa các vùng, miền còn có sự chênh lệch khá lớn; một số xã chủ yếu đang tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, chưa quan tâm đúng mức các nội dung phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao còn ít, bình quân thu nhập khu vực nông thôn còn thấp (bình quân 22,5 triệu đồng/người/năm), môi trường sinh thái chưa được quan tâm đúng mức; một số địa phương còn nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới.
2. Về Chương trình giảm nghèo, tỉnh đã tập trung nhiều biện pháp để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn, đã ban hành các Nghị quyết, chương trình, đề án và tổ chức học tập, quán triệt chuyên đề giảm nghèo, nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 80/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 1722/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, kết quả tỷ lệ hộ nghèo bình quân trong 5 năm 2011- 2015 giảm 3,1%/năm. Tuy nhiên, so với bình quân cả nước, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn ở mức cao hơn, đầu năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh theo chuẩn nghèo đa chiều còn 12,1% (cả nước còn 9,9%); số hộ cận nghèo còn trên 10,2%. Các mô hình xóa đói giảm nghèo chưa nhiều, quy mô còn nhỏ, nguồn vốn đầu tư cho huyện nghèo, xã nghèo đặc biệt khó khăn còn thấp, công tác lồng ghép nguồn lực thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao, thiếu bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao.
3. Về kinh tế tập thể, hợp tác xã, đến nay tổng số Hợp tác xã trên toàn tỉnh là 618 Hợp tác xã, hoạt động có hiệu quả chiếm 49,2 %, hoạt động cầm chừng chiếm 14,7%; các Hợp tác xã từ chỗ hoạt động chủ yếu thực hiện các khâu dịch vụ cho xã viên (thủy nông, cung ứng vật tư, giống cây trồng, bảo vệ thực vật, thú y) đã xuất hiện nhiều mô hình hợp tác xã kiểu mới, mở rộng thêm các hoạt động mới như dịch vụ khác (cơ giới làm đất, khâu gieo cấy và thu hoạch, tín dụng nội bộ, dịch vụ môi trường, quản lý chợ...), nhiều hợp tác xã đã liên kết với doanh nghiệp và nông dân, trong chuỗi giá trị sản xuất mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Tuy nhiên, nhận thức về kinh tế hợp tác của một số cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu chưa đầy đủ, chưa thống nhất, ý thức trách nhiệm còn chưa cao; công tác quản lý nhà nước đối về kinh tế hợp tác còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới. Cán bộ quản lý nhà nước về hợp tác xã còn chưa đủ, năng lực, kinh nghiệm, khả năng thích nghi với môi trường hội nhập còn nhiều hạn chế, khó có khả năng cạnh tranh với các loại hình kinh tế khác.
II. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ THỜI GIAN TỚI
Cơ bản thống nhất với mục tiêu, nhiệm vụ của tỉnh Nghệ An và huyện Nam Đàn đã đề ra, lưu ý một số giải pháp sau:
1. Quán triệt Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 15 tháng 12 năm 2016 của Ban Bí thư, Nghị quyết 32/2016/QH14 của Quốc hội, Chỉ thị 36/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhằm xây dựng nông thôn mới toàn diện, bền vững, hoàn thiện cơ sở hạ tầng trên các địa bàn các xã nghèo, khó khăn, triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao và tổ chức lại sản xuất hợp lý. Đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, thông tin; nâng cao nhận thức cho cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành và nhân dân; xác định rõ mục đích, ý nghĩa xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo cho nhân dân trong những năm tới.
2. Căn cứ Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới và điều kiện, thế mạnh của địa phương, tiếp tục rà soát, xác định những nội dung ưu tiên, quy mô, lộ trình và các giải pháp tổ chức thực hiện xây dựng nông thôn mới.Tập trung hoàn thành các nội dung, tiêu chí ở các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017; xây dựng nông thôn mới Nam Đàn phải đặt trong mối quan hệ với phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Nghệ An, với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế nông nghiệp, du lịch trên địa bàn huyện; Ủy nhân dân tỉnh Nghệ An ưu tiên huy động nguồn lực giúp huyện Nam Đàn đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017 và phấn đấu huyện nông thôn mới kiểu mẫu.
3. Tập trung vào sản xuất, sinh kế, đời sống, đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững, đô thị văn minh. Xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả, tăng thu nhập cho bà con nông dân để vươn lên làm giàu; thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; tăng cường công tác khuyến nông, lâm, ngư nghiệp, hướng dẫn cách làm ăn nhằm giúp người nghèo thoát nghèo bền vững.
4. Củng cố an ninh, quốc phòng, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực nông thôn; tập trung phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường thu hút các doanh nghiệp có quy mô lớn vào đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn miền núi, ven biển, những vùng tỷ lệ hộ nghèo còn cao để đẩy nhanh tốc độ phát triển, nâng cao mức sống cho nhân dân.
5. Thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh về hỗ trợ giảm nghèo; tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động, chú trọng công tác xuất khẩu lao động. Tổ chức tốt công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo các tiêu chí nghèo đa chiều một cách kịp thời, chính xác, hiệu quả. Đồng thời, gắn với việc đánh giá phân loại hộ nghèo theo từng nhóm hộ, nguyên nhân nghèo để có giải pháp hỗ trợ phù hợp. Quản lý hộ nghèo, hộ cận nghèo bằng phần mềm công nghệ thông tin.
6. Tăng cường phát triển kinh tế hợp tác, phân công chỉ đạo, quản lý và theo dõi các loại hình hợp tác xã đối với các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, thành phố, huyện, thị xã. Kiện toàn Ban chỉ đạo phát triển kinh tế hợp tác các cấp, gắn phát triển kinh tế hợp tác mà nòng cốt là hợp tác xã, xây dựng làng nghề, thành lập phát triển hợp tác xã làng nghề gắn với xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.
III. VỀ XỬ LÝ KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH VÀ HUYỆN NAM ĐÀN
1. Về cơ chế đặc thù hỗ trợ 27 xã biên giới của tỉnh xây dựng nông thôn mới (đây là những xã rất khó khăn hiện nay bình quân đạt 7,5 tiêu chí/xã): đồng ý, Tỉnh xây dựng Đề án đặc thù hỗ trợ 27 xã biên giới để lồng ghép các nguồn vốn; giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định.
2. Về xây dựng Kim Liên thành xã nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2018: giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, hướng dẫn Tỉnh xây dựng Đề án thí điểm huyện nông thôn mới kiểu mẫu (trong đó có xã nông thôn mới kiểu mẫu Kim Liên); đồng thời khẩn trương nghiên cứu, xây dựng tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu chung cho toàn quốc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
3. Về quy hoạch Khu du lịch quốc gia Nam Đàn nhằm kêu gọi, thu hút đầu tư, phát triển du lịch: giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn Tỉnh xây dựng Đề án, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đối với việc đầu tư nâng cấp khu di tích đặc biệt quốc gia Kim Liên hướng đến kỷ niệm 130 năm sinh nhật Bác (2020): đồng ý chủ trương, Tỉnh khẩn trương lập dự án đầu tư trình cấp thẩm quyền; giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, xem xét, hướng dẫn hỗ trợ Tỉnh, huyện thực hiện; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
4. Về đề nghị hỗ trợ một số công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi, văn hóa, thể thao của huyện Nam Đàn:
- Về hỗ trợ từ nguồn quỹ bảo trì đường bộ để nâng cấp một số tuyến đường huyện đã xuống cấp của huyện Nam Đàn: giao Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Quỹ hỗ trợ đường bộ Trung ương làm việc với Quỹ bảo trì đường bộ tỉnh Nghệ An cấp bổ sung quỹ 2017 cho huyện Nam Đàn để hỗ trợ theo quy định;
- Về hỗ trợ vốn để hoàn thành dự án đường từ quốc lộ 46 đi xã Nam Anh (đường đi chùa Đại Tuệ): Tỉnh cân đối ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để sớm hoàn thành dự án này; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Giao thông vận tải, Tài chính xem xét hỗ trợ ngân sách Trung ương để hoàn thành dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định;
- Về hỗ trợ kinh phí để xây dựng mới Trung tâm văn hóa - thể thao huyện Nam Đàn, trùng tu Đền Vua Mai Hắc Đế và Đình Khánh Sơn: giao Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, nghiên cứu, hỗ trợ Tỉnh; kết hợp huy động nguồn lực xã hội hóa;
- Về hỗ trợ (kinh phí, xi măng, thiết bị...) để các xã tiếp tục nâng cấp hệ thống đường liên xã, trường tiểu học, mầm non, nhà văn hóa xã đã xuống cấp: Tỉnh cân đối ngân sách và huy động theo phương thức xã hội hóa để thực hiện;
- Về hỗ trợ huyện xây dựng nhà máy nước sạch phục vụ dân thuộc 5 xã vùng Năm Nam và xây dựng khu xử lý chất thải rắn trên địa bàn huyện tại xã Khánh Sơn: Tỉnh huy động vốn theo phương thức xã hội hóa để thực hiện; đồng thời giao các Bộ: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ Tỉnh thực hiện;
- Về hỗ trợ kinh phí để Nghệ An hoàn thành cống Ba ra Nam Đàn 2 để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và tạo cảnh quan cho huyện: giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính nghiên cứu, xử lý hỗ trợ huyện.
5. Các kiến nghị khác:
- Về bàn giao trụ sở cũ của Công an huyện về huyện Nam Đàn quản lý nhằm tạo điều kiện để huyện kêu gọi đầu tư hệ thống khách sạn, nhà hàng phục vụ du khách về thăm quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh: đồng ý chủ trương, giao Bộ Công an nghiên cứu, xem xét chỉ đạo Công an Tỉnh hỗ trợ cho huyện;
- Về giới thiệu doanh nghiệp có điều kiện về đầu tư xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Nam Đàn: giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, hỗ trợ tỉnh thực hiện;
- Về hỗ trợ xây dựng chuỗi giá trị, an toàn thực phẩm tiêu thụ sản phẩm sạch: giao Liên minh Hợp tác xã Việt Nam làm việc cụ thể với Tỉnh và huyện Nam Đàn để thực hiện thí điểm, tổng kết để nhân rộng.
6. Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương theo chức năng quản lý nhà nước, chỉ đạo, hướng dẫn Tỉnh Nghệ an hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế tập thể hợp tác xã; huyện Nam Đàn đạt mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017 và phấn đấu huyện nông thôn mới kiểu mẫu; vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An và huyện Nam Đàn biết, thực hiện./.
 

 Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Các Bộ: KH&ĐT, NN&PTNT, TC, CT, TN&MT, XD, GTVT, VH, TT&DL, CA, QP, LĐ-TB&XH, GD&ĐT;
- Ban Kinh tế Trung ương Đảng;
- Ủy ban Kinh tế của Quốc hội;
- Liên Minh HTX Việt Nam;
- Quỹ bảo trì đường Bộ TW (Bộ GTVT);
- Tỉnh ủy, UBND, HĐND tỉnh Nghệ An;
- Sở NN&PTNT, VPĐP NTM Nghệ An;
- Huyện ủy, UBND, HĐND huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ TTĐT các Vụ: KTTH, KGVX, TH, CN, NC, QHĐP;
- Lưu: Văn thư, NN (3). Thịnh36
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Cao Lục

Để được hỗ trợ dịch thuật văn bản này, Quý khách vui lòng nhấp vào nút dưới đây:

*Lưu ý: Chỉ hỗ trợ dịch thuật cho tài khoản gói Tiếng Anh hoặc Nâng cao

Lược đồ

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Văn bản này chưa có chỉ dẫn thay đổi
* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực
văn bản mới nhất