VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ ---------- Số: 11/TB-VPCP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ------------------------------- Hà Nội, ngày 12 tháng 01 năm 2016 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN CHỈ ĐẠO CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN TẤN DŨNG
TẠI HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN TỔNG KẾT CÔNG TÁC NĂM 2015 VÀ TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH NĂM 2016 CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG
Ngày 31 tháng 12 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã dự Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2015, triển khai kế hoạch năm 2016 và 5 năm 2016-2020 của ngành Công Thương, tổ chức tại Hà Nội. Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Công Thương báo cáo và ý kiến tham luận, phát biểu của đại biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng có ý kiến chỉ đạo như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Năm 2015, trong bối cảnh kinh tế xã hội nước ta có nhiều thuận lợi do thành quả của quá trình đổi mới mang lại nhưng cũng phải đối mặt và vượt qua không ít khó khăn thách thức: kinh tế thế giới diễn biến phức tạp phục hồi chậm, giá hàng hóa cơ bản giảm, giá dầu thô giảm mạnh, diễn biến chính trị phức tạp ở nhiều nước và khu vực, tranh chấp chủ quyền biển đảo diễn ra gay gắt, nhất là trên Biển Đông; ở trong nước, kinh tế còn nhiều khó khăn, thiên tai, bão, lũ, hạn hán, gây thiệt hại nặng nề. Với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đã đề ra: Kiểm soát tốt lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, giữ ổn định tỷ giá, giá trị đồng tiền Việt Nam, dự trữ ngoại tệ ở mức cao nhất, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Trong điều kiện khó khăn, giá dầu thô giảm sâu, thu ngân sách vẫn vượt 7% so với dự toán và 12% so với thực hiện năm 2014; cán cân thương mại được cải thiện. Duy trì được tăng trưởng kinh tế hợp lý, từ năm 2013 năm sau cao hơn năm trước, năm 2015 là 6,68%, bình quân 5 năm đạt trên 5,9%, các ngành, lĩnh vực đều có bước phát triển. Thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia; công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt được nhiều kết quả tích cực, giữ được hòa bình ổn định và tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho phát triển. Tuy còn không ít hạn chế, yếu kém nhưng chúng ta đã tạo được tiền đề để phát triển cao hơn, tốt hơn trong 5 năm tới.
Trong thành tựu chung của đất nước có sự đóng góp to lớn của ngành Công Thương. Năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 9,8%, cao nhất trong 5 năm qua, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của cả nước. Cơ cấu công nghiệp chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng công nghệ chế biến, chế tạo, giảm tỷ trọng khai khoáng, gia công; kiểm soát tốt nhập siêu ở mức 2%, so với kế hoạch là 5% đã được Quốc hội thông qua. Bảo đảm an ninh năng lượng cho nền kinh tế, nhất là điện cho các huyện đảo, vùng sâu, vùng xa. Tích cực triển khai tái cơ cấu ngành, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Công Thương đạt 93% kế hoạch đề ra.
Bộ cũng đã tập trung chỉ đạo và thực hiện tốt công tác đàm phán các Hiệp định thương mại tự do; nhất là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đạt kết quả cao so với mục tiêu đề ra. Đến nay nước ta đã có Hiệp định thương mại tự do với 55 nền kinh tế; trong đó, 17 nước thuộc khối G20, tất cả các nước thuộc nhóm G7.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực và những kết quả, thành tích mà ngành Công Thương đã đạt được trong năm 2015 và 5 năm qua. Thủ tướng mong ngành Công Thương phát huy kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế yếu kém, nhân rộng những cách làm hay, mô hình tốt, phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu đề ra cho năm 2016, đưa ngành Công Thương phát triển mạnh và bền vững hơn, xứng đáng với truyền thống, khẳng định vị thế của ngành trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
II. VỀ CÁC MỤC TIÊU VÀ NHIỆM VỤ NĂM 2016 VÀ THỜI GIAN TỚI
Năm 2016 là năm đầu của kế hoạch 5 năm 2016-2020, trong bối cảnh kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn; kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu phục hồi, giá dầu vẫn đang ở mức thấp, thị trường tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, Thủ tướng hoan nghênh, đồng tình với mục tiêu và các nhóm giải pháp của ngành Công Thương đề ra cho năm 2016. Thủ tướng nhấn mạnh, ngành Công Thương cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và các địa phương, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó tập trung vào:
1. Tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật, cơ chế chính sách, chiến lược, quy hoạch, thu hút đầu tư và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường; chú trọng tăng năng lực sản xuất, phát triển hạ tầng thương mại, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nghiên cứu xây dựng Luật phát triển công nghiệp hỗ trợ để bảo đảm tính pháp lý cao hơn, hỗ trợ thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ.
2. Khai thác tốt nhất cơ hội, điều kiện thuận lợi do các Hiệp định thương mại đã ký mang lại để thu hút đầu tư, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là đối với các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh, như dệt may, da giày, đồ gỗ, nông sản..., tạo việc làm, thúc đẩy tăng trưởng. Đẩy mạnh thông tin truyền thông để người dân và doanh nghiệp hiểu rõ thuận lợi khó khăn, công việc phải làm, chủ động sáng tạo, tham gia có hiệu quả vào quá trình hội nhập, nhất là đối với tham gia Cộng đồng ASEAN và các Hiệp định thương mại tự do đã và sẽ ký kết.
3. Phát triển thị trường trong nước - thị trường quy mô lớn và tăng trưởng nhanh; đẩy mạnh cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; mở rộng hệ thống lưu thông, thương mại đưa sản phẩm đến người tiêu dùng, nhất là ở nông thôn, vùng sâu vùng xa; xây dựng hàng rào kỹ thuật phù hợp với các cam kết quốc tế và quy định của pháp luật Việt Nam để bảo vệ sản xuất trong nước, bảo vệ người tiêu dùng, chống hàng giả, hàng lậu.
4. Tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Công Thương, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh từng ngành, lĩnh vực cụ thể. Tập trung tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả sản xuất kinh doanh, nhất là trong ngành điện, dầu khí, than, hóa chất...
5. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tập trung rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi, giảm phiền hà, tiết kiệm chi phí, thời gian cho người dân và doanh nghiệp. Phấn đấu nâng chỉ số về thủ tục hành chính của ngành Công Thương Việt Nam đạt mức các nước ASEAN 4 và tiến tới đạt mức của các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ: CT, TC, KHĐT, NG, CA, QP, TP; - VPCP: BTCN, các PCN, các Trợ lý TTg CP, các Vụ: TH, QHQT, ĐMDN, KTTH; CTTĐT; - Lưu: VT, KTN (3), VNQ | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM PHÓ CHỦ NHIỆM Nguyễn Văn Tùng |