Quyết định 55/2015/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên về việc ban hành Quy định về quản lý và kiểm soát an toàn bức xạ trên địa bàn tỉnh Phú Yên
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
thuộc tính Quyết định 55/2015/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành: | Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên |
Số công báo: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Số hiệu: | 55/2015/QĐ-UBND |
Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Quyết định |
Người ký: | Lê Văn Trúc |
Ngày ban hành: | 26/11/2015 |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | |
Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Lĩnh vực: | Chính sách, Tài nguyên-Môi trường |
tải Quyết định 55/2015/QĐ-UBND
ỦY BAN NHÂN DÂN Số: 55/2015/QĐ-UBND | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Tuy Hòa, ngày 26 tháng 11 năm 2015 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ VÀ KIỂM SOÁT AN TOÀN BỨC XẠ
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ YÊN
---------------------------------
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ YÊN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân 2003;
Căn cứ Luật Năng lượng nguyên tử 2008;
Căn cứ Nghị định số 07/2010/NĐ-CP ngày 25/01/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Năng lượng nguyên tử;
Căn cứ Thông tư 08/2010/TT- BKHCN ngày 22/7/2010 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn về việc khai báo, cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ và cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ;
Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BKHCN-BYT ngày 09 tháng 6 năm 2013 Quy định về bảo đảm an toàn bức xạ trong y tế;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 86/TTr-SKHCN ngày 05/10/2015,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý và kiểm soát an toàn bức xạ trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06 tháng 12 năm 2015 và thay thế Quyết định số 244/2005/QĐ-UBND ngày 31/1/2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên về việc ban hành Quy định về quản lý an toàn và kiểm soát bức xạ trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Tỉnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; Thủ trưởng các Sở, ban ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUY ĐỊNH
VỀ QUẢN LÝ VÀ KIỂM SOÁT AN TOÀN BỨC XẠ
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ YÊN
(kèm theo Quyết định số: 55/2015 /QĐ-UBND, ngày 26 tháng 11 năm 2015
của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định về quản lý an toàn bức xạ đối với các hoạt động liên quan đến bức xạ; giải quyết sự cố bức xạ; khai báo, cấp, gia hạn, sửa đổi, cấp lại giấy phép tiến hành công việc liên quan đến bức xạ và cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, tổ chức, cá nhân nước ngoài có tiến hành công việc liên quan đến bức xạ trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
2. Các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến lĩnh vực bức xạ.
Chương II
TRÁCH NHIỆM BẢO ĐẢM AN TOÀN BỨC XẠ VÀ GIẢI QUYẾT SỰ CỐ BỨC XẠ
Điều 3. Trách nhiệm bảo đảm an toàn bức xạ
1. Tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ phải có đủ điều kiện để bảo đảm an toàn bức xạ theo quy định của pháp luật về an toàn bức xạ.
2. Người đứng đầu tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ phải có kiến thức về an toàn bức xạ, nắm vững các quy định của pháp luật về an toàn bức xạ và chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều 26 của Luật Năng lượng nguyên tử.
3. Người đứng đầu tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ phải ra quyết định bằng văn bản bổ nhiệm người phụ trách an toàn bức xạ của cơ sở để thực hiện những nhiệm vụ quy định tại khoản 2 Điều 27 của Luật Năng lượng nguyên tử. Người phụ trách an toàn bức xạ phải có chứng chỉ nhân viên bức xạ do cơ quan có thẩm quyền cấp, phải được đào tạo về an toàn bức xạ theo chương trình do Bộ Khoa học và Công nghệ quy định.
4. Nhân viên bức xạ phải được đào tạo kiến thức về an toàn bức xạ, nắm vững các quy định của pháp luật về an toàn bức xạ, tuân thủ các quy định về an toàn bức xạ của cơ sở. Nhân viên bức xạ có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật Năng lượng nguyên tử.
5. Nhân viên bức xạ được bảo đảm điều kiện làm việc an toàn và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật về an toàn lao động và vệ sinh lao động, có quyền từ chối làm việc khi điều kiện an toàn bức xạ không được bảo đảm.
Điều 4. Trách nhiệm giải quyết sự cố bức xạ
1. Khi sự cố bức xạ xảy ra, các mức sự cố được phân thành các nhóm tình huống như quy định tại Điều 82 Luật Năng lượng nguyên tử, tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ có trách nhiệm:
a) Nhanh chóng xác định vị trí xảy ra sự cố bức xạ, xác định sơ bộ nguyên nhân, tính chất và khả năng diễn biến sự cố tương ứng với nhóm tình huống quy định để áp dụng các biện pháp ứng phó;
b) Thông báo ngay cho cơ quan quản lý trực tiếp, UBND huyện, thị xã, thành phố nơi xảy ra sự cố bức xạ hoặc cơ quan công an nơi xảy ra sự cố bức xạ, cơ quan quản lý nhà nước về an toàn bức xạ về địa điểm xảy ra sự cố, đánh giá sơ bộ nguyên nhân và ảnh hưởng đối với con người, môi trường;
c) Tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chức năng tham gia khắc phục, điều tra nguyên nhân sự cố bức xạ và thực hiện các hướng dẫn của cơ quan chức năng;
2. Cơ quan quản lý trực tiếp có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ triển khai thực hiện các biện pháp khắc phục sự cố bức xạ gây ra. Cử cán bộ có thẩm quyền, huy động lực lượng và phương tiện cần thiết đến để hướng dẫn, giúp đỡ khắc phục sự cố bức xạ.
3. Khi sự cố bức xạ xảy ra thuộc nhóm 4, nhóm 5 theo quy định tại Điều 82 Luật Năng lượng nguyên tử, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Ban chỉ huy ứng phó sự cố bức xạ cấp Tỉnh triển khai các kế hoạch ứng phó sự cố đồng thời báo cáo về Cục An toàn bức xạ hạt nhân - Bộ Khoa học và Công nghệ và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn.
Chương III
KHAI BÁO, CẤP GIẤY PHÉP TIẾN HÀNH CÔNG VIỆC BỨC XẠ
VÀ CẤP CHỨNG CHỈ NHÂN VIÊN BỨC XẠ
Điều 5. Quy định đối với việc khai báo
1. Tổ chức, cá nhân thực hiện việc khai báo theo quy định tại Điều 4, Thông tư 08/2010/TT-BKHCN.
2. Hồ sơ, thủ tục khai báo thực hiện theo quy định tại Điều 9 Thông tư 08/2010/TT-BKHCN. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được phiếu khai báo, Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm cấp giấy xác nhận khai báo theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư 08/2010/TT-BKHCN.
Điều 6. Thẩm quyền cấp giấy phép sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế và cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ
Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Yên cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, cấp lại giấy phép sử dụng thiết bị X- quang chẩn đoán trong y tế, cấp, cấp lại chứng chỉ nhân viên bức xạ cho người phụ trách an toàn tại cơ sở X - quang chẩn đoán trong y tế trong những trường hợp sau đây:
1. Thiết bị X-quang chẩn đoán y tế của tổ chức, cá nhân có trụ sở trên địa bàn Tỉnh;
2. Thiết bị X-quang chẩn đoán y tế của tổ chức, cá nhân có trụ sở chính ở tỉnh khác nhưng được lắp đặt sử dụng ở Phú Yên;
3. Cơ sở y tế sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán y tế đồng thời với sử dụng chất phóng xạ (y học hạt nhân) hoặc vận hành thiết bị chiếu xạ (xạ trị) trên địa bàn tỉnh thì Sở Khoa học và Công nghệ có thẩm quyền cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ cho người phụ trách an toàn.
Điều 7. Cấp giấy phép sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế và cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ
1. Hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép, cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3, Điều 1 Thông tư số 08/2010/TT-BKHCN ngày 22 tháng 7 năm 2010 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn về việc khai báo, cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ và cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ (Thông tư 08/2010/TT-BKHCN) thực hiện theo quy định tại Điều 11, Điều 24 Thông tư 08/2010/TT-BKHCN.
2. Thời hạn thẩm định, cấp giấy phép sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế, chứng chỉ nhân viên bức xạ
a) Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm thẩm định hồ sơ và cấp giấy phép sử dụng thiết bị X-quang trong y tế theo Mẫu 03-V/ATBXHN tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư 08/2010/TT-BKHCN.
b) Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm thẩm định hồ sơ và cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ theo mẫu quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư 08/2010/TT-BKHCN.
c) Trường hợp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ được nộp kèm hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ thì thời hạn thẩm định, cấp giấy phép là 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
d) Trường hợp không đồng ý cấp giấy phép sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế hoặc chứng chỉ nhân viên bức xạ, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở Khoa học và Công nghệ trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do cho tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ.
3. Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm hướng dẫn việc lập hồ sơ, trình tự, thủ tục xin cấp giấy phép sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế, chứng chỉ nhân viên bức xạ cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu.
Điều 8. Gia hạn, sửa đổi, bổ sung, cấp lại giấy phép sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế và cấp lại chứng chỉ nhân viên bức xạ
1. Hồ sơ, thủ tục gia hạn, sửa đổi, bổ sung, cấp lại giấy phép sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế và cấp lại chứng chỉ nhân viên bức xạ thực hiện theo quy định tại Điều 26, 27, 28, 29 Thông tư 08/2010/TT-BKHCN.
2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm thẩm định, cấp giấy phép sửa đổi, bổ sung, cấp lại giấy phép sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế, cấp lại chứng chỉ nhân viên bức xạ hoặc từ chối bằng văn bản có nêu rõ lý do. Đối với gia hạn giấy phép sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế, thời hạn thẩm định, cấp giấy phép gia hạn hoặc từ chối bằng văn bản là 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
Điều 9. Thu hồi giấy phép
1. Giấy phép sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế bị thu hồi trong những trường hợp sau:
a) Cơ quan có thẩm quyền phát hiện nội dung kê khai trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép không trung thực, giả mạo;
b) Theo quyết định, đề nghị của cơ quan có thẩm quyền do tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép có hành vi vi phạm pháp luật về an toàn bức xạ trong quá trình hoạt động;
c) Xuất hiện tình trạng mới từ quan điểm kỹ thuật hoặc bản chất khác không biết được ở thời điểm cấp giấy phép mà tình trạng đó có thể gây ảnh hưởng đến điều kiện bảo đảm an toàn bức xạ;
d) Cơ sở bức xạ được cấp giấy phép bị giải thể hoặc bị phá sản;
đ) Cá nhân được cấp giấy phép bị mất quyền công dân.
2. Sở Khoa học và Công nghệ ra Quyết định thu hồi giấy phép. Quyết định phải giải thích rõ cơ sở pháp luật và nguyên nhân dẫn đến thu hồi giấy phép và phải thông báo cho người được cấp giấy phép.
3. Việc thu hồi giấy phép được thi hành ngay sau khi người được cấp giấy phép nhận được thông báo.
4. Hiệu lực của việc thu hồi giấy phép:
a) Dừng ngay lập tức các công việc bức xạ;
b) Buộc người được cấp giấy phép thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn bức xạ;
c) Buộc người được cấp giấy phép trao trả bản gốc giấy phép cho cơ quan có thẩm quyền.
Điều 10. Phí, lệ phí
Tổ chức, cá nhân thực hiện khai báo, đề nghị cấp giấy phép sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế và cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ phải nộp phí và lệ phí theo quy định tại Thông tư số 76/2010/TT-BTC ngày 17 tháng 5 năm 2010 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Chương IV
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ AN TOÀN VÀ KIỂM SOÁT BỨC XẠ
Điều 11. Sở Khoa học và Công nghệ
Có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện quản lý Nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ tại địa phương. Chịu trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo các hoạt động về an toàn và kiểm soát bức xạ trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình:
1. Tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ; tham mưu UBND Tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể hóa tại địa phương;
2. Thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật, giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ theo quy định của pháp luật;
3. Tổ chức thẩm định an toàn bức xạ, cấp giấy phép sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế hoạt động trên địa bàn tỉnh; cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ cho người phụ trách an toàn trong các cơ sở y tế có sử dụng thiết bị X-quang;
4. Xây dựng kế hoạch công tác quản lý an toàn và kiểm soát bức xạ hàng năm. Triển khai việc thống kê, báo cáo định kỳ các nguồn phóng xạ, các thiết bị bức xạ, chất thải phóng xạ và các hoạt động bức xạ tại địa phương theo quy định;
5. Xây dựng kế hoạch phòng chống khắc phục sự cố bức xạ tại địa phương, hướng dẫn các cơ sở bức xạ trong toàn tỉnh xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phòng chống khắc phục hậu quả sự cố bức xạ hạt nhân;
6. Khi sự cố bức xạ xảy ra, phải cử cán bộ xác minh sự cố bức xạ và lập báo cáo gửi Cục Kiểm soát và an toàn bức xạ hạt nhân - Bộ Khoa học và Công nghệ để có phương án chỉ đạo kịp thời. Phối hợp với các cơ quan có liên quan điều tra sự cố bức xạ và các trường hợp xảy ra tai nạn lao động có liên quan đến bức xạ;
7. Phối hợp với cơ quan hải quan tại cửa khẩu kiểm tra, xử lý bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân trong trường hợp vật liệu phóng xạ và thiết bị hạt nhân không đáp ứng điều kiện thông quan quy định tại điểm a khoản 6 Điều 12 của quy định này;
8. Phối hợp với Cục An toàn bức xạ và hạt nhân trong việc xử lý sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân do vật liệu phóng xạ và thiết bị hạt nhân tại cửa khẩu.
Điều 12. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố, các Sở, Ban, Ngành
1. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố
a) Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và các cơ quan có liên quan kiểm tra, đôn đốc các tổ chức, cá nhân tiến hành các công việc liên quan đến bức xạ tại địa phương thực hiện nghiêm chỉnh những quy định của pháp luật về an toàn bức xạ;
b) Cử cán bộ tham gia ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân của tỉnh. Khi có sự cố xảy ra, căn cứ vào sự điều động, phân công của Ban chỉ huy thực hiện các biện pháp ứng phó đã được lập kế hoạch theo quy định, tạo mọi điều kiện thuận lợi trong việc huy động nhân lực, vật lực trên địa bàn tham gia khắc phục sự cố.
2. Sở Y tế
a) Chỉ đạo các đơn vị trong ngành lập kế hoạch, dự trù kinh phí hàng năm để xây dựng, duy tu, bảo dưỡng, kiểm tra thiết bị bức xạ và đo an toàn bức xạ theo quy định;
b) Chỉ đạo các đơn vị trong ngành, các cơ sở y tế tư nhân thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về an toàn bức xạ khi chẩn đoán và điều trị bệnh bằng bức xạ cũng như việc sử dụng các dược phẩm phóng xạ, lương thực, thực phẩm, nước uống đã qua xử lý chiếu xạ, cấp cứu và điều trị những người bị chiếu xạ quá liều, những người bị bệnh phóng xạ theo các quy định của Nhà nước. Chỉ đạo các đơn vị y tế trong ngành có sử dụng thiết bị bức xạ tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho nhân viên bức xạ;
c) Chỉ đạo các đơn vị trong ngành, các cơ sở y tế tư nhân có sử dụng các thiết bị bức xạ X-quang trong chẩn đoán khám bệnh thực hiện việc kiểm định Nhà nước thiết bị cũng như trang bị và theo dõi liều kế cá nhân cho người làm công tác bức xạ;
d) Khuyến khích và tạo điều kiện cho các đơn vị trong ngành, các cơ sở y tế tư nhân có sử dụng các thiết bị bức xạ X-quang trong chẩn đoán khám bệnh thực hiện tốt những quy định về an toàn bức xạ theo tiêu chuẩn về an toàn bức xạ trong y tế;
đ) Khi sự cố bức xạ xảy ra cần chỉ đạo các đơn vị trong ngành tổ chức cứu chữa nạn nhân (nếu có) giám định và theo dõi sức khoẻ của những người có nguy cơ bị ảnh hưởng của sự cố bức xạ;
e) Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ trong việc thẩm định an toàn bức xạ đối với các cơ sở y tế có sử dụng thiết bị phát tia X.
3. Công an Tỉnh
a) Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ trong công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý sử dụng nguồn phóng xạ. Kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về vận chuyển chất phóng xạ, chất thải phóng xạ và nguồn phóng xạ trên địa bàn;
b) Tiến hành điều tra các vụ việc có dấu hiệu của tội phạm liên quan đến công tác quản lý và kiểm soát phóng xạ theo quy định của pháp luật;
c) Khi sự cố bức xạ xảy ra, cử cán bộ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ trong việc khắc phục, đảm bảo an ninh trật tự, điều tra nguyên nhân sự cố bức xạ để xử lý theo quy định của pháp luật.
4. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội
a) Theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện các chế độ, chính sách đối với những người làm công việc bức xạ theo các quy định của pháp luật;
b) Khi sự cố bức xạ xảy ra, cử thanh tra về an toàn lao động phối hợp thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ điều tra các trường hợp xảy ra tai nạn lao động có liên quan đến bức xạ.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường
Có trách nhiệm chủ động phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thông báo các khu vực có khoáng sản phóng xạ có thể gây nguy hiểm cần bảo vệ, hướng dẫn Uỷ ban nhân dân địa phương thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn bức xạ và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân trong khu vực.
6. Chi cục Hải quan Phú Yên
a) Ưu tiên làm thủ tục thông quan đối với vật liệu phóng xạ và thiết bị hạt nhân đáp ứng đủ điều kiện về đóng gói, vận chuyển, giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu vật liệu phóng xạ và thiết bị hạt nhân và cập nhật thông tin cho cơ sở dữ liệu về vật liệu phóng xạ và thiết bị hạt nhân theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ;
b) Trong trường hợp vật liệu phóng xạ và thiết bị hạt nhân không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại điểm a khoản 6 Điều này thì phải lập biên bản; thu giữ; áp dụng các biện pháp an toàn, an ninh theo quy định đồng thời thông báo ngay cho Bộ Khoa học và Công nghệ qua Cục An toàn bức xạ và hạt nhân để phối hợp xử lý;
c) Trong trường hợp xảy ra sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân do vật liệu phóng xạ và thiết bị hạt nhân tại cửa khẩu, phải thực hiện các biện pháp ứng phó đã được lập kế hoạch theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ đồng thời thông báo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sở tại và Cục An toàn bức xạ và hạt nhân để phối hợp xử lý;
d) Định kỳ hằng năm gửi báo cáo về tình hình nhập khẩu, xuất khẩu vật liệu phóng xạ và thiết bị hạt nhân tới Bộ Khoa học và Công nghệ để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
7. Các cơ quan thông tấn, báo chí
a) Tuyên truyền các quy định về an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ tới tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh;
b) Cung cấp kịp thời thông tin trung thực về sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân có ảnh hưởng đối với khu vực xung quanh nơi xảy ra sự cố và các khuyến cáo cần thiết cho người dân trong khu vực theo sự chỉ đạo của Ban chỉ huy ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân Tỉnh.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 13. Các tổ chức, cá nhân có cơ sở bức xạ, nguồn bức xạ đã được cấp giấy phép trước thời điểm Quy định này có hiệu lực, thì sẽ không phải thực hiện việc khai báo lại và tiếp tục hoạt động theo thời hạn đã được ghi trong giấy phép đang có hiệu lực.
Điều 14. Các Sở, Ban, Ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức thực hiện quy định này. Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề vướng mắc phát sinh, phản ánh về Sở Khoa học và Công nghệ để đề nghị Ủy ban nhân dân Tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
Lược đồ
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây