Quyết định 3408/QĐ-UBND Thanh Hóa 2021 phương án cung ứng hàng hóa thiết yếu đảm bảo an sinh xã hội
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
thuộc tính Quyết định 3408/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành: | Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 3408/QĐ-UBND |
Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Quyết định |
Người ký: | Đỗ Minh Tuấn |
Ngày ban hành: | 01/09/2021 |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | |
Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Lĩnh vực: | Y tế-Sức khỏe, Chính sách, COVID-19 |
tải Quyết định 3408/QĐ-UBND
ỦY BAN NHÂN DÂN Số: 3408/QĐ-UBND | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Thanh Hóa, ngày 01 tháng 9 năm 2021 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN CUNG ỨNG LƯƠNG THỰC, THỰC PHẨM, CÁC HÀNG HÓA THIẾT YẾU VÀ ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRONG TRƯỜNG HỢP DỊCH BỆNH COVID-19 DIỄN BIẾN PHỨC TẠP
____________
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội;
Căn cứ Chỉ thị số 16/CT-TTG ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19;
Căn cứ Công điện số 1068/CĐ-TTg ngày 05/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19;
Căn cứ Chỉ thị số 07/CT-BCT, ngày 12/5/2021 của Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường; chống các hành vi đầu cơ, găm hàng và vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp;
Căn cứ Quyết định số 684-QĐ/TU ngày 27/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh;
Căn cứ Quyết định số 05-QĐ/BCĐ ngày 27/8/2021 của Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh về việc thành lập Tiểu ban An sinh xã hội, việc làm, đảm bảo lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu thuộc Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thanh Hóa;
Theo đề nghị của Trưởng Tiểu ban An sinh xã hội, việc làm, đảm bảo lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu thuộc Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid tỉnh Thanh Hóa.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Phương án cung ứng lương thực, thực phẩm, các hàng hóa thiết yếu và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp (Có Phương án chi tiết kèm theo).
Điều 2. Giao Sở Công Thương - Cơ quan Thường trực Tiểu ban An sinh xã hội, việc làm, đảm bảo lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu thuộc Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid tỉnh Thanh Hóa chủ trì, tổ chức triển khai, hướng dẫn, đôn đốc các sở, ban, ngành, đơn vị, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và cá nhân liên quan trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện khẩn trương, kịp thời, có hiệu quả Phương án này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, các nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
PHƯƠNG ÁN CUNG ỨNG LƯƠNG THỰC, THỰC PHẨM, CÁC HÀNG HÓA THIẾT YẾU VÀ ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRONG TRƯỜNG HỢP DỊCH BỆNH COVID-19 DIỄN BIẾN PHỨC TẠP
(Kèm theo Quyết định số /QĐ-UBND ngày tháng năm 2021 của UBND tỉnh Thanh Hóa)
A. PHƯƠNG ÁN CUNG ỨNG LƯƠNG THỰC, THỰC PHẨM VÀ HÀNG HÓA THIẾT YẾU
I. Phương châm thực hiện
1. Việc đảm bảo lương thực, thực phẩm trong phòng, chống dịch phải được thực hiện theo phương châm “tại chỗ”, “tự lực, tự cường, tự cung, tự cấp”, phát huy truyền thống “lá lành đùm là rách”; trong đó, gia đình, thôn, bản, xóm phải tự đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm cho gia đình, thôn, bản, xóm mình; đồng thời, điều phối lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu từ gia đình, thôn, bản, xóm thừa sang gia đình, thôn, bản, xóm thiếu.
2. Trường hợp thiếu lương thực, thực phẩm tại các gia đình, thôn, xóm, làng: Đảng ủy, UBND các xã, phường, thị trấn, MTTQ và các đoàn thể cấp xã phải tự cân đối, chủ động huy động tối đa nguồn cung lương thực, thực phẩm để điều phối, cung ứng cho các gia đình, thôn, xóm, khu phố do mình quản lý. Trường hợp nguồn huy động không đủ đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dân, phải báo cáo, đề xuất UBND cấp huyện, thị xã, thành phố để được hỗ trợ, điều phối hàng hóa từ các địa phương khác trên địa bàn.
3. Trường hợp thiếu lương thực, thực phẩm tại các xã, phường, thị trấn: Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy, UBND các huyện, thị xã, thành phố và MTTQ, các đoàn thể cấp huyện phải tự cân đối, huy động tối đa nguồn cung và điều phối lương thực, thực phẩm cho các xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn quản lý quản lý. Trường hợp nguồn huy động không đủ đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dân, phải báo cáo, đề xuất Sở Công Thương để được hỗ trợ, điều phối hàng hóa từ các địa phương khác trên địa bàn tỉnh.
4. UBND tỉnh ban hành Phương án đảm bảo lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu cho tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong trường hợp thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên phạm vi toàn tỉnh.
5. Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan, trên cơ sở đề xuất của UBND huyện, thị xã, thành phố, ban hành Phương án đảm bảo lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu cho từng huyện, thị xã, thành phố trong trường hợp thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên phạm vi toàn huyện, thị xã, thành phố đó.
6. UBND huyện, thị xã, thành phố chủ trì ban hành Phương án đảm bảo lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu cho từng xã, phường, thị trấn trong trường hợp thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên phạm vi xã, phường, thị trấn đó.
II. Phương án đảm bảo lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu trong trường hợp toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ
1. Nhu cầu và khả năng cung ứng hàng hóa thiết yếu trong trạng thái bình thường
Trong trạng thái bình thường, khả năng sản xuất, cung ứng các hàng hóa thiết yếu của các doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sản xuất, kinh doanh trong tỉnh cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân1, lượng hàng hóa phải nhập về từ ngoài tỉnh là không đáng kể; cụ thể:
- Gạo: Nhu cầu tiêu dùng toàn tỉnh: 65.969 tấn/tháng; khả năng cung ứng toàn tỉnh: 84.472 tấn/tháng, trong đó, nội tỉnh đáp ứng được 74.509 tấn/tháng.
- Thịt các loại (lợn, trâu, bò, gia cầm…): Nhu cầu tiêu dùng toàn tỉnh: 10.445 tấn/ tháng; khả năng cung ứng toàn tỉnh: 24.417 tấn/tháng, trong đó, nội tỉnh đáp ứng được 20.417 tấn/tháng.
- Trứng gia cầm: Nhu cầu tiêu dùng toàn tỉnh: 54,974 triệu quả/tháng, khả năng cung ứng toàn tỉnh: khoảng 37,472 triệu quả/tháng, đạt 68%, trong đó, nội tỉnh đáp ứng được 15,954 triệu quả.
- Thủy hải sản: Nhu cầu tiêu dùng toàn tỉnh: 5.717 tấn/tháng, khả năng cung ứng toàn tỉnh: 18.757 tấn/ tháng, trong đó, nội tỉnh đáp ứng được 16.167 tấn/tháng.
- Rau củ: Nhu cầu tiêu dùng toàn tỉnh: 35.183 tấn/tháng, khả năng cung ứng toàn tỉnh: 71.021 tấn/tháng, trong đó, nội tỉnh đáp ứng 59.586 tấn/tháng.
- Mì ăn liền, bún, miến, phở…: Nhu cầu tiêu dùng toàn tỉnh: 219,897 triệu gói/tháng; khả năng cung ứng toàn tỉnh: Khoảng 201,938 triệu gói/tháng, đạt 92%, trong đó, nội tỉnh đáp ứng được 32,899 triệu gói/tháng.
- Muối: Nhu cầu tiêu dùng toàn tỉnh: 550 tấn/tháng; khả năng cung ứng toàn tỉnh: 1.360 tấn/tháng, trong đó, nội tỉnh đáp ứng được 633 tấn/tháng.
- Dầu ăn, mỡ: Nhu cầu tiêu dùng toàn tỉnh: 3,298 triệu lít/tháng; khả năng cung ứng toàn tỉnh: khoảng 24,814 triệu lít; trong đó, nội tỉnh đáp ứng được 18,747 triệu lít/tháng.
- Khẩu trang kháng khuẩn: Nhu cầu tiêu dùng toàn tỉnh: 21,990 triệu chiếc/tháng; khả năng cung ứng toàn tỉnh: 46,068 triệu chiếc/tháng; trong đó, nội tỉnh đáp ứng được 17,64 triệu chiếc/tháng. Trên địa bàn tỉnh còn có nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất khẩu trang vải để cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
- Nước sát khuẩn: Nhu cầu tiêu dùng toàn tỉnh: 733 nghìn lít/tháng. Hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở đăng ký sản xuất nước sát khuẩn. Các thương nhân nhập về từ ngoài tỉnh khoảng 237 nghìn lít/tháng (không tính lượng nước sát khuẩn nhập và sử dụng trong các cơ sở y tế). Trường hợp cần thiết, người dân có thể tự pha dung dịch theo công thức được cơ quan y tế hướng dẫn.
(Chi tiết tại Phụ lục 01 kèm theo)
2. Nhu cầu và khả năng cung ứng hàng hóa thiết yếu khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên phạm vi toàn tỉnh
2.1. Dự kiến nhu cầu
Nhu cầu hàng hóa thiết yếu phục vụ Nhân dân toàn tỉnh dự kiến tăng gấp 1,5 đến 2 lần so với tháng bình thường (do tâm lý lo sợ dẫn đến nhu cầu dự trữ của người dân tăng cao).
2.2. Dự kiến khả năng cung ứng hàng hóa thiết yếu
Dự báo, nguồn cung lương thực, thực phẩm và cung ứng các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, chỉ đạt khoảng 75% so với tháng bình thường; cụ thể:
a) Phạm vi trong tỉnh
- Sản xuất nông nghiệp, hàng hóa thiết yếu tại các khu vực bị cách ly, phong tỏa gặp khó khăn do các cơ sở sản xuất, kinh doanh vừa hoạt động, vừa phải đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch; thiếu lao động phục vụ sản xuất, thu hoạch...; vật tư nông nghiệp (giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, phân bón, thuốc thú y, bảo vệ thực vật...) bị thiếu do nguồn cung bị đứt gãy, giá đầu vào tăng cao, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và giá thành đầu ra của sản phẩm nông nghiệp... Trong khi đó, tỉnh chưa có chính sách cụ thể hỗ trợ sản xuất, thu mua, tiêu thụ nông sản cho nông dân trong thời kỳ dịch bệnh.
- Lượng hàng hóa được cung ứng đầy đủ song vẫn có thể xảy ra thiếu hàng cục bộ trong khoảng thời gian ngắn do số lượng người dân đi mua hàng tăng cao vào một thời điểm.
- Lưu thông hàng hóa khó khăn hơn do công tác kiểm dịch (hạn chế phương tiện vận chuyển; xét nghiệm Covid-19 đối với lái xe qua các chốt kiểm dịch...).
- Hoạt động sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp (trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chuỗi bán lẻ, chợ, cửa hàng chuyên doanh...) phải tạm ngừng hoạt động do nằm trong vùng cách ly hoặc liên quan đến yếu tố dịch tễ, hoặc thiếu nguồn nhân lực phục vụ kinh doanh, giao nhận hàng hóa.
- Do tâm lý lo sợ bị lây nhiễm khi đến chỗ đông người nên lượng khách mua sắm tại chỗ giảm, lượng khách mua sắm trực tuyến tăng.
- Dịch bệnh bùng phát trên diện rộng, nhiều địa phương có số khu vực phải khoanh vùng cách ly và số người bị cách ly tăng cao; nhu cầu sử dụng hàng hóa tăng mạnh trong nhiều ngày dẫn đến hiện tượng khan hiếm hàng hóa thiết yếu, cần phải huy động từ các tỉnh, thành phố khác.
b) Phạm vi các tỉnh lân cận
- Khi tỉnh Thanh Hóa thực hiện giãn cách xã hội; đồng thời, tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt là tại các tỉnh lân cận thì việc đưa hàng hóa thiết yếu từ các địa phương khác về Thanh Hóa sẽ gặp khó khăn.
- Một số tỉnh, thành phố lân cận có thể thiếu cục bộ một số mặt hàng thiết yếu, cần hỗ trợ, điều động từ các hệ thống phân phối của tỉnh Thanh Hóa.
(Chi tiết tại Phụ lục 01, Phụ lục 2.1 và Phụ lục 2.2 kèm theo)
3. Các hệ thống cung ứng, lưu trữ hàng hóa thiết yếu trên địa bàn tỉnh
- Hệ thống các cơ sở quy mô lớn thực hiện hoạt động chế biến, cung cấp thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu trên địa bàn tỉnh.
- Hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, cửa hàng bán lẻ, chợ dân sinh: Có 02 trung tâm thương mại, 24 siêu thị, 388 chợ dân sinh, khoảng 60.000 cửa hàng tạp hóa (trong đó có hơn 400 cửa hàng được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh ATTP).
- Các kênh bán hàng đa phương tiện: Qua website, hotline, app....
- Trong trường hợp cần thiết, có thể bổ sung thêm các chợ tạm, điểm bán hàng tạm thời, điểm bán hàng lưu động, các điểm trung chuyển hàng hóa; huy động thêm các đối tượng khác tham gia bán hàng bình ổn thị trường.
- Hệ thống các kho bảo quản (kho lạnh, kho dự trữ) trên địa bàn tỉnh
(Có Phụ lục 03, 04, 05 kèm theo)
4. Phương án đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu
4.1. Tăng nguồn cung nội tỉnh
a) Trong lĩnh vực trồng trọt
- Nội dung: Duy trì sản xuất, tăng lứa, gối vụ, tăng hệ số quay vòng đất; mở rộng diện tích sản xuất rau trái vụ; có kế hoạch trồng và thu hoạch sớm rau vụ đông; tăng diện tích gieo trồng các loại rau màu, khoai tây, ngô, đậu tương...
- Đơn vị chỉ đạo thực hiện: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Đơn vị thực hiện: UBND các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp, HTX và các đơn vị liên quan.
b) Trong lĩnh vực chăn nuôi
- Nội dung: (1) Duy trì, phát triển, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho các đàn gia súc, gia cầm, các gia trại, trang trại thịt quy mô lớn tại các địa phương trong tỉnh; định hướng phát triển theo vùng, xã trọng điểm; tập trung chăn nuôi theo hướng VIETGAP, hữu cơ, sinh học; (2) Xây dựng phương án duy trì và đảm bảo hoạt động an toàn, liên tục cho các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, đặc biệt là các cơ sở giết mổ tập trung. Kiểm soát tốt hoạt động buôn bán động vật tại các chợ đầu mối, có phương án dự phòng trong các trường hợp các chợ đầu mối động vật, cơ sở giết mổ lớn bị phong tỏa, cách ly.
- Đơn vị chỉ đạo thực hiện: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Đơn vị phối hợp: Sở Công Thương, Sở Y tế, Cục Quản lý thị trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố.
- Đơn vị thực hiện: Các doanh nghiệp, HTX và các đơn vị liên quan.
c) Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản
- Nội dung: Tăng năng suất nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản; tập trung hỗ trợ, hướng dẫn nuôi trồng một số loài thủy, hải sản ngắn ngày, có năng suất cao; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, tập trung phòng, chống dịch bệnh để tăng năng suất gắn với giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu (hạn hán, bão lụt, rét đậm, rét hại…). Duy trì và thực hiện kiểm soát tốt hoạt động buôn bán tại các chợ đầu mối, các điểm thu mua thủy, hải sản.
- Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Đơn vị phối hợp: Sở Công Thương, Sở Y tế, Cục Quản lý thị trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố.
- Đơn vị thực hiện: Các doanh nghiệp, HTX, các hộ sản xuất, nuôi trồng và các đơn vị liên quan.
d) Trong lĩnh vực bảo quản, chế biến thực phẩm nông, lâm, thủy sản
- Nội dung: Tiếp tục duy trì, phát triển ổn định và tăng sản lượng của các cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn; tăng cường công suất các kho lạnh, kho dự trữ, phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và phân phối hàng hóa.
- Đơn vị chỉ đạo thực hiện: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Đơn vị phối hợp: Sở Công Thương, UBND các huyện, thị xã, thành phố.
- Đơn vị thực hiện: Các doanh nghiệp, HTX, các hộ sản xuất, chế biến và các đơn vị liên quan.
e) Trong lĩnh vực sản xuất vật tư y tế phục vụ nhu cầu phòng, chống dịch của Nhân dân (khẩu trang, nước sát khuẩn…)
- Nội dung: Định hướng, yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất vật tư y tế đẩy mạnh sản xuất, có kế hoạch sẵn sàng nâng cao sản lượng, gắn với đảm bảo chất lượng theo quy định, đáp ứng tối đa nhu cầu của Nhân dân trong tỉnh. Cung cấp danh sách các doanh nghiệp sản xuất, đầu mối kinh doanh, phân phối thiết bị, vật tư y tế, thuốc chữa bệnh... để các huyện, thị xã, thành phố chủ động liên hệ trong trường hợp cần thiết.
- Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Y tế
- Đơn vị phối hợp thực hiện: UBND các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp, đơn vị liên quan.
g) Trong lĩnh vực sản xuất sản xuất các hàng hóa thiết yếu khác
- Nội dung: Định hướng, yêu cầu các làng nghề, các HTX, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất các hàng hóa thiết yếu khác chủ động dự trữ nguồn nguyên liệu đầu vào để duy trì và đẩy mạnh hoạt động sản xuất, nâng cao sản lượng, chất lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu Nhân dân phòng, chống dịch.
- Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Công Thương
- Đơn vị phối hợp thực hiện: UBND các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp, đơn vị liên quan.
4.2. Duy trì và bổ sung nguồn cung từ ngoài tỉnh
- Nội dung: (1) Thường xuyên cập nhật các địa chỉ sản xuất, sơ chế, chế biến hàng hóa thiết yếu tại các tỉnh, thành phố trong cả nước qua Sở Công Thương các địa phương để cung cấp trực tiếp cho các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh, các thương nhân là đầu mối phân phối trên địa bàn tỉnh hoặc cung cấp cho UBND các huyện, thị xã, thành phố để hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn kết nối, khai thác nguồn hàng trong trường hợp cần thiết; (2) Thực hiện rà soát, cập nhật danh sách các đầu mối cung cấp hàng hóa từ địa phương khác tại các kênh tiêu thụ trên địa bàn tỉnh (trọng tâm là các mặt hàng: Gạo; rau, củ, quả; thịt gia súc, gia cầm; thủy, hải sản; hàng công nghệ phẩm…) để kết nối tiêu thụ, thực hiện điều tiết, đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường; (3) Khuyến khích các doanh nghiệp, thương nhân phân phối trong tỉnh thực hiện việc ký cam kết với các đối tác ngoài tỉnh để nhập hàng hóa thiết yếu về phục vụ nhu cầu người dân trong tỉnh; cụ thể:
Số TT | Mặt hàng | Dự kiến tỉnh, thành phố cung cấp chính | Dự kiến tỉnh, thành phố có nguồn hàng thay thế |
1 | Gạo | Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình… | Điện Biên, Lào Cai, Hòa Bình, các tỉnh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long... |
2 | Thịt lợn | Hà Nam, Hòa Bình, Nam Định... | Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc... |
3 | Thịt trâu, bò | Lào Cai, Hà Giang, Sơn La | Yên Bái... |
4 | Thịt gia cầm | Bắc Giang, Hà Nam... | Thái Bình, Nam Định... |
5 | Thủy, hải sản tươi, đông lạnh | Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Bình Thuận, Khánh Hòa... | Thái Bình, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Ninh Thuận... |
6 | Rau củ | Sơn La, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lâm Đồng... | Nam Định, Hòa Bình... |
- Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Công Thương
- Đơn vị phối hợp thực hiện: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông vận tải, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp, đơn vị liên quan.
5. Phương án vận chuyển hàng hóa thiết yếu
5.1. Công tác hỗ trợ, đảm bảo hoạt động vận chuyển thông suốt
a) Nội dung: (1) Hỗ trợ tối đa cho các hệ thống phân phối thực hiện hoạt động vận chuyển hàng hóa trong và ngoài tỉnh, đảm bảo thông suốt, liên tục; (2) Hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đăng ký Giấy nhận diện cho phương tiện vận tải hàng hóa theo quy định, tạo thuận lợi cho phương tiện vận chuyển hàng hóa đi, đến và quá cảnh qua địa bàn tỉnh; (3) Tổng hợp, đề xuất cấp có thẩm quyền thực hiện việc hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị tham gia công tác vận chuyển hàng hóa theo quy định (nếu có).
- Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Giao thông vận tải
- Đơn vị phối hợp thực hiện: Sở Công Thương, Công an tỉnh, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải; doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh…, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị liên quan.
b) Nội dung: Hướng dẫn các nội dung liên quan đến công tác quản lý hoạt động đi lại, giao nhận hàng hóa của đội ngũ nhân viên giao hàng (shipper).
- Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Công Thương.
- Đơn vị phối hợp thực hiện: Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh…, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị liên quan.
5.2. Công tác quản lý, điều hành hoạt động vận chuyển
a) Trong tình huống thông thường
- Nội dung: (1) Các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải chủ động đăng nhập vào phần mềm cấp thẻ nhận diện phương tiện có mã QRCode của Tổng cục Đường bộ Việt Nam để được cấp thẻ nhận diện có mã QRCode cho phương tiện của mình, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động vận chuyển, lưu thông hàng hóa theo quy định; (2) Các đơn vị sản xuất, kinh doanh, phân phối hàng hóa… (không phải là đơn vị kinh doanh vận tải) chủ động thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng.
- Đơn vị chủ trì thực hiện: Các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải.
- Đơn vị hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện: Sở Giao thông vận tải, các tập thể, cá nhân sản xuất, kinh doanh, phân phối.
b) Trong tình huống khẩn cấp (cần huy động xe vận chuyển hàng hóa đến các địa điểm phân phối đang bị thiếu hàng, các địa điểm bán hàng lưu động, các địa điểm bị phong tỏa, cách ly...).
- Nội dung: (1) Huy động toàn bộ lực lượng các phương tiện tham gia hỗ trợ vận chuyển hàng hóa phục vụ Nhân dân khi cần thiết, bao gồm: Phương tiện vận chuyển của Bưu điện tỉnh, Chi nhánh Bưu chính Viettel Thanh Hóa; xe của các đơn vị vận tải trên địa bàn, các phương tiện vận chuyển (xe ô tô, xe máy) của các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đủ điều kiện được phép lưu thông, tham gia vận chuyển, cung ứng hàng hóa từ nơi sản xuất, cung ứng đến điểm tiêu thụ…; (2) Đề xuất nhu cầu về số lượng xe, chủng loại xe, địa điểm đi, đến, thời gian... phục vụ công tác vận chuyển hàng hóa, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh chỉ đạo thực hiện.
- Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Giao thông vận tải
- Đơn vị phối hợp thực hiện: Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, các cơ sở sản xuất, kinh doanh... và các đơn vị liên quan.
5.3. Đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong vận chuyển
- Nội dung: Đảm bảo đầy đủ các điều kiện phòng, chống dịch cho con người, phương tiện tham gia vận chuyển và hàng hóa theo quy định.
- Đơn vị hướng dẫn, kiểm soát: Các sở, ngành, đơn vị và UBND các huyện, thị xã, thành phố theo phân công, phân cấp quản lý.
- Đơn vị thực hiện: Các đơn vị vận chuyển, sản xuất, phân phối hàng hóa.
6. Phương án điều phối hàng hóa thiết yếu
6.1. Điều phối hàng hóa trong tỉnh
a) Trường hợp thiếu hàng cục bộ tại một số điểm bán do nhu cầu mua hàng tăng cao
- Nội dung: Chỉ đạo các doanh nghiệp bổ sung hàng hóa, thực hiện điều tiết trong hệ thống (trong trường hợp thiếu hàng cục bộ tại các điểm bán của hệ thống phân phối); khẩn trương triển khai các điểm bán hàng lưu động (trong trường hợp thiếu hàng cục bộ tại các huyện, thị xã, thành phố); bố trí phương tiện, đảm bảo vận chuyển hàng hóa nhanh nhất đến các điểm thiếu hàng (ưu tiên huy động các xe chở hàng của các doanh nghiệp sản xuất, phân phối; trường hợp cần thiết thì sử dụng phương tiện theo phương án huy động của Sở Giao thông vận tải); hạn chế tối đa việc ách tắc lưu thông hàng hóa.
- Đơn vị chỉ đạo thực hiện: Sở Công Thương.
- Đơn vị phối hợp: Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh
- Đơn vị thực hiện: Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh..., UBND các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị liên quan.
b) Trường hợp một số điểm bán hàng (chợ, siêu thị, trung tâm thương mại…) ngừng hoạt động do có liên quan đến yếu tố dịch tễ (có ca F0)
- Nội dung: Triển khai phương án di chuyển các hộ tiểu thương, hộ kinh doanh tại các điểm bán hàng bị đóng cửa sang các địa điểm bán hàng tạm thời (theo hướng dẫn của Bộ Công Thương tại Công văn số 4728/BCT-TTTN ngày 05/8/2021 và các bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp có thẩm quyền); triển khai các điểm bán hàng lưu động (nếu cần); chỉ đạo các hệ thống phân phối tăng thời gian mở cửa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, không để xảy ra tình trạng tụ tập mua sắm đông vào một thời điểm.
- Đơn vị chỉ đạo thực hiện: Sở Công Thương
- Đơn vị chủ trì thực hiện: UBND các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và các đơn vị liên quan.
c) Trường hợp nhiều điểm bán hàng (chợ, siêu thị, trung tâm thương mại…) ngừng kinh doanh cùng một thời điểm, hàng hóa nhiều nơi bị thiếu hụt
- Nội dung: (1) Triển khai phương án di chuyển các hộ tiểu thương, hộ kinh doanh tại các chợ, các điểm bán hàng bị đóng cửa sang các điểm chợ tạm thời theo hướng dẫn của Bộ Công Thương; triển khai ngay các điểm bán hàng lưu động; (2) Vận động hệ thống siêu thị, cửa hàng không kinh doanh lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm chuyển đổi sang kinh doanh lương thực, thực phẩm và các mặt hàng cơ bản phục vụ Nhân dân; (3) Triển khai ngay các điểm cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm của doanh nghiệp, sẵn sàng mở cửa phục vụ người dân 24/24h; (4) Thực hiện việc phát thẻ mua hàng tại các hệ thống phân phối (mua lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm...) cho từng hộ gia đình trên địa bàn…; (5) Có phương án thành lập các Tổ tiếp nhận, điều phối nhu yếu phẩm của cấp xã và cấp huyện để thực hiện việc cung ứng hàng hóa cho Nhân dân; chỉ đạo các lực lượng (đoàn thể, tổ dân phố, tổ Covid cộng đồng, lực lượng chức năng: Công an, quân đội, quản lý thị trường,...) hỗ trợ, vận chuyển đưa hàng đến phục vụ Nhân dân một cách linh hoạt, phù hợp với diễn biến của dịch; (6) Thành lập các tổ, nhóm đi chợ hộ tại từng thôn, xóm, bản, khu phố trong trường hợp cần thiết để cung cấp lương thực, thực phẩm đến từng hộ dân.
- Đơn vị chỉ đạo thực hiện: Sở Công Thương.
- Đơn vị chủ trì thực hiện: UBND các huyện, thị xã, thành phố
- Đơn vị phối hợp: Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và các đơn vị liên quan.
6.2. Điều phối hàng hóa từ nguồn cung ngoài tỉnh
- Nội dung: (1) Đẩy mạnh triển khai Chương trình liên kết vùng, kết nối cung, cầu, tiêu thụ hàng hóa giữa Thanh Hóa và các tỉnh, thành phố trong cả nước; hỗ trợ kết nối các cơ sở sản xuất với các doanh nghiệp phân phối để thu mua, bảo quản, sơ chế, chế biến sản phẩm (đặc biệt là các hàng hóa, sản phẩm nông sản mùa vụ có sản lượng lớn, thời gian thu hoạch, bảo quản ngắn...); (2) Chỉ đạo các đơn vị phân phối trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh thu mua hàng hóa thiết yếu từ ngoài tỉnh, đưa về các kho dự trữ, các điểm bán hàng trong tỉnh; huy động tổng lực hàng hóa của các đơn vị, doanh nghiệp, thương nhân phân phối đóng trên địa bàn và doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố đã cam kết cung cấp hàng hóa cho Thanh Hóa. (3) Tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ điều phối hàng hóa từ các tỉnh, thành phố khác về địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong trường hợp cần thiết.
- Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Công Thương
- Đơn vị phối hợp thực hiện: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và các đơn vị liên quan
7. Kinh phí thực hiện
Kinh phí tổ chức triển khai thực hiện Phương án được đảm bảo từ nguồn ngân sách tỉnh, ngân sách các huyện, thị xã, thành phố và các nguồn huy động hợp pháp khác; nguồn vốn đầu tư, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân.
III. Phương án cung ứng lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu trong tình huống một hoặc một số huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ
1. Giao Sở Công Thương chủ trì, phối phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, Sở Giao thông vận tải, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan căn cứ điều kiện, tình hình thực tế tại địa bàn, khu vực bị phong tỏa, phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện Phương án cụ thể đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân khu vực bị ảnh hưởng.
2. Nội dung Phương án: Đảm bảo theo nội dung chi tiết tại Kế hoạch cung ứng lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu trong tình huống thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên phạm vụ toàn tỉnh.
IV. Phương án đảm bảo lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu trong tình huống một hoặc một số xã, phường, thị trấn trên địa bàn một huyện, thị xã, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT- TTg của Thủ tướng Chính phủ
1. Giao UBND huyện, thị xã, thành phố có xã, phường, thị trấn thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ chủ trì, căn cứ điều kiện, tình hình thực tế tại địa phương, chủ động báo cáo Sở Công Thương để xây dựng Phương án cụ thể đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân khu vực bị ảnh hưởng.
2. Nội dung Phương án: Đảm bảo theo nội dung chi tiết tại Kế hoạch cung ứng lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu trong tình huống thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên phạm vụ toàn tỉnh.
B. PHƯƠNG ÁN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI
I. Thực trạng hộ nghèo, hộ có đối tượng bảo trợ xã hội
Toàn tỉnh còn 21.923 hộ nghèo và khoảng 45.000 hộ có đối tượng bảo trợ xã hội (gần 200.000 đối tượng).
II. Nguyên tắc hỗ trợ
1. Bảo đảm theo nhu cầu tối thiểu của người dân sống tại mỗi địa bàn thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; không phân biệt đối xử, không phân biệt vùng miền, hộ khẩu, ai khó khăn sẽ được hỗ trợ, không để ai bị thiếu đói; người dân ở đâu thì chính quyền sở tại ở đó phải chịu trách nhiệm hỗ trợ.
2. Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, tuân thủ quy định phòng, chống dịch theo yêu cầu của địa phương.
3. Việc hỗ trợ phải kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, không trùng lặp, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; ưu tiên các hộ gia đình có trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người vô gia cư và các hộ có hoàn cảnh khó khăn khác; không hỗ trợ đối với những hộ không có nhu cầu.
4. Túi hàng an sinh xã hội được cung cấp đến tận nơi, đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cơ bản trong thời gian thực hiện giãn cách (15 ngày/01 lần).
5. Việc thực hiện hỗ trợ hộ nghèo, hộ có đối tượng bảo trợ xã hội, người vô gia cư chỉ thực hiện khi các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg.
6. Các địa phương tập trung, huy động mọi nguồn lực để thực hiện tự cung, tự cấp theo phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) nhằm đảm bảo an sinh xã hội. Trường hợp vượt quá khả năng nguồn lực của địa phương thì báo cáo UBND tỉnh xem xét, thực hiện hỗ trợ theo phương án này.
III. Đối tượng hỗ trợ
1. Người dân sống tại các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
2. Hộ nghèo, hộ gia đình có đối tượng bảo trợ xã hội, người vô gia cư thuộc vùng cách ly theo quy định Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
IV. Phương án hỗ trợ
1. Đối với hộ gia đình tự cung, tự cấp được
Các hộ gia đình tự chủ động đảm bảo lương thực, nhu cầu thiết yếu, tự đi chợ, tự cung, tự cấp được trong thời gian thực hiện giãn cách. Khi có nhu cầu giúp đỡ, liên hệ chính quyền địa phương để được hỗ trợ kịp thời.
2. Đối với hộ gia đình tự cung, tự cấp được nhưng gặp khó khăn không tự tiếp cận được nguồn hàng thiết yếu (hộ gia đình chỉ có người già, trẻ em... không tự đi chợ được)
- Chính quyền địa phương thành lập tổ, nhóm “đi chợ hộ” gồm các lực lượng: Dân quân tự vệ, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ.... để đi chợ, mua các hàng hóa thiết yếu cung cấp cho người dân.
- Việc “đi chợ hộ” được thực hiện mua các gói hàng giống nhau, cùng mức chi phí. Mức chi phí của từng gói hàng do chính quyền cơ sở tự thực hiện, với sự thống nhất của người dân, chi phí do người dân tự chi trả thông qua 01 tài khoản ngân hàng hoặc tiền mặt cho người đại diện (nếu không dùng tài khoản ngân hàng) do chính quyền địa phương chỉ định.
3. Đối với hộ gia đình nghèo, hộ gia đình có đối tượng bảo trợ xã hội và người lang thang, vô gia cư
3.1. Định mức hỗ trợ: Mỗi gia đình được hỗ trợ 01 túi “An sinh xã hội”/15 ngày/01 lần giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
3.2. Túi an sinh xã hội bao gồm:
- Gạo, thực phẩm (rau, củ, quả; cá, trứng hoặc thịt).
- Dầu ăn, nước mắm, muối, mì chính.
- Khẩu trang, cồn sát khuẩn, giấy vệ sinh.
3.3. Nguồn lực thực hiện
Ngân sách nhà nước và huy động, vận động sự tham gia, hỗ trợ của các nhà tài trợ, các tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp.
4. Hỗ trợ lương thực cứu trợ cho các hộ gia đình khó khăn trong thời gian giãn cách xã hội
UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, tổng hợp số hộ, số khẩu có nhu cầu hỗ trợ gạo cho người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19; chủ động sử dụng nguồn đảm bảo xã hội đã được phân bổ cho địa phương và huy động nguồn lực tại chỗ, hỗ trợ kịp thời cho các hộ thiếu đói.
Trường hợp số hộ, số khẩu ở huyện, thị xã, thành phố thiếu đói diện rộng: UBND cấp huyện có văn bản gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trích nguồn đảm bảo xã hội của tỉnh để thực hiện hỗ trợ cho người dân kịp thời theo các bước:
Bước 1: Trưởng thôn, bản, khu phố chịu trách nhiệm tổng hợp số hộ, số khẩu có nguy cơ thiếu đói báo cáo UBND cấp xã tổng hợp và trích nguồn đảm bảo xã hội đã được giao trong năm, kịp thời hỗ trợ cho các gia đình bị thiếu đói.
Bước 2: UBND cấp xã tổng hợp quyết định hỗ trợ lương thực cho các hộ gia đình; trường hợp số hộ, số khẩu thiếu đói diện rộng mà ngân sách xã không đảm bảo được lương thực thì có văn bản báo cáo UBND cấp huyện hỗ trợ.
Bước 3: UBND cấp huyện giao cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và các phòng ban có liên quan căn cứ đề xuất của UBND cấp xã tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND huyện quyết định; trường hợp số hộ, số khẩu thiếu đói diện rộng ngân sách cấp huyện không đảm bảo được lương thực thì có văn bản báo cáo UBND cấp tỉnh (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) hỗ trợ.
Bước 4: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội căn cứ đề xuất của UBND cấp huyện tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định hỗ trợ.
Khi thực hiện hỗ trợ gạo cho người dân, UBND cấp xã có trách nhiệm đôn đốc, tổ chức lực lượng cấp phát cho người dân; việc thực hiện đặt dưới sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các Hội, Đoàn thể theo quy định.
5. Đối với huyện Nông Cống - địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hiện có nhiều công dân về từ các tỉnh phía Nam gặp khó khăn trong cuộc sống cần được hỗ trợ.
Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh, các đơn vị liên quan và các nhà hảo tâm thực hiện hỗ trợ túi hàng an sinh xã hội cho người dân gặp khó khăn; hoàn thành trước ngày 02/9/2021.
C. TỔ CHỨC THỨC HIỆN
1. Các ngành, các cấp tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cơ quan, tổ chức, cá nhân có điều kiện tham gia, đóng góp nguồn lực (tiền, hiện vật, hàng hóa...) để thực hiện có hiệu quả các nội dung tại Phương án cung ứng lương thực, thực phẩm, các hàng hóa thiết yếu và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh trong trường hợp giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ; đặc biệt là đóng góp nguồn lực cho túi an sinh xã hội hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn.
2. Sở Công Thương
- Là Cơ quan Thường trực Tiểu ban An sinh xã hội, việc làm, đảm bảo lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu thuộc Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid tỉnh Thanh Hóa, chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến hoạt động cung ứng lương thực, thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu tại Phương án này; thường xuyên rà soát, cập nhật và chủ động báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh thực hiện điều chỉnh, bổ sung các nội dung Phương án, đảm bảo phù hợp với tình hình, nhu cầu thực tế, nhằm cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ Nhân dân trên địa bàn.
- Thành lập Tổ điều phối lương thực, thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu do Giám đốc sở làm Tổ trưởng; thiết lập, duy trì và công khai đường dây nóng tiếp nhận thông tin liên quan đến công tác điều phối lương thực, thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu (gồm: đồng chí Phạm Bá Oai, Giám đốc sở: 0912.275.318; đồng chí Trần Đức Lương, Phó Giám đốc sở: 0984.656.789; đồng chí Nguyễn Văn Thức, Trưởng Phòng Quản lý Thương mại: 0913.313.282; Số máy bàn: 02373.858.440).
- Xây dựng phương án, bố trí lực lượng đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời hàng hóa thiết yếu cho các địa phương. Nắm bắt kịp thời, chính xác diễn biến tình hình cung ứng hàng hóa và giá cả thị trường, đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa đáp ứng nhu cầu người dân tại vùng thực hiện giãn cách xã hội.
- Thực hiện và chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác phòng, chống dịch tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cụm công nghiệp, làng nghề,… theo phân cấp quản lý; chỉ đạo, hướng dẫn các ban quản lý, đơn vị quản lý, kinh doanh, khai thác chợ xây dựng phương án cụ thể để quản lý số lượng người ra, vào trong chợ cùng một thời điểm theo quy định.
- Khuyến khích doanh nghiệp phát triển hoạt động thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Thành lập Tổ chỉ đạo sản xuất, đảm bảo nguồn cung nội tỉnh về lương thực, thực phẩm do đồng chí Giám đốc sở làm Tổ trưởng; thiết lập, duy trì và công khai các đường dây nóng tiếp nhận thông tin liên quan đến công tác duy trì và tăng cường hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, bảo quản, chế biến thực phẩm nông, lâm, thủy sản (gồm: đồng chí Cao Văn Cường, Giám đốc sở: 0985.953.818; đồng chí Lê Văn Vương, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật: 0988.244.996; đồng chí Vũ Quang Trung, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật: 0974.183.872).
- Chủ động phối hợp với Sở Công Thương và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung tại Phương án này.
- Chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm các kế hoạch về mùa vụ, sản xuất, giết mổ, chế biến, bảo quản, kinh doanh theo chức năng của ngành; theo dõi nắm bắt diễn biến thời tiết, tình hình dịch bệnh để kịp thời xây dựng và chỉ đạo, đề xuất các phương án ứng phó.
4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến công tác an sinh xã hội tại Phương án này.
- Thành lập Tổ điều phối đảm bảo an sinh xã hội do đồng chí Giám đốc sở làm Tổ trưởng; thiết lập, duy trì và công khai các đường dây nóng tiếp nhận thông tin liên quan đến công tác đảm bảo an sinh xã hội (gồm: đồng chí Vũ Thị Hương, Giám đốc sở: 0915.468.345; đồng chí Nguyễn Ngọc Thụ, Trưởng phòng Bảo trợ Xã hội: 0919.576.176; đồng chí Nguyễn Đức Thiện, Phó Trưởng phòng Bảo trợ Xã hội: 0918.626.919).
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện việc đảm bảo an sinh xã hội cho người dân tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
5. Sở Giao thông vận tải
- Chủ động phối hợp với Sở Công Thương và các sở, ngành, đơn vị liên quan, các địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung tại Phương án, đảm bảo hoạt động của phương tiện giao thông chuyên chở hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khu vực giãn cách xã hội thông suốt, an toàn.
- Thành lập Tổ chỉ đạo đảm bảo hoạt động vận chuyển lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu do đồng chí Giám đốc sở làm Tổ trưởng; thiết lập, duy trì và công khai đường dây nóng tiếp nhận thông tin liên quan đến công tác điều phối vận chuyển lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết (gồm: đồng chí Vương Quốc Tuấn, Phó Giám đốc sở: 0913.356.889; đồng chí Vũ Minh Thuận, Trưởng Phòng Quản lý Vận tải: 0903.778.239; đồng chí Trần Nam Hải, chuyên viên Phòng Quản lý Vận tải: 0975.892.299).
6. Sở Y tế
- Chủ động phối hợp với Sở Công Thương, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung tại Phương án này.
- Tham mưu cho UBND tỉnh trong việc đề xuất nhu cầu về thuốc chữa bệnh, vật tư y tế, (trang thiết bị bảo hộ, vật tư tiêu hao phục vụ xét nghiệm,...) cho công tác đảm bảo phòng, chống dịch của các tập thể, cá nhân tham gia sản xuất, vận chuyển, cung ứng hàng hóa thiết yếu theo chỉ đạo của UBND tỉnh; xây dựng phương án nâng công suất xét nghiệm trong trường hợp cần thiết.
- Chỉ đạo và huy động các đơn vị có năng lực xét nghiệm Covid-19 đảm bảo phục vụ tối đa nhu cầu xét nghiệm cho người điều khiển phương tiện, người giao nhận hàng hóa theo hướng dẫn của Bộ Y tế trong thời gian ngắn nhất để hạn chế tối đa ách tắc lưu thông hàng hóa trên địa bàn tỉnh.
- Báo cáo UBND tỉnh đưa vào Kế hoạch tiêm chủng sớm nhóm đối tượng là người lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; người lao động trong các chuỗi cung ứng các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân (lương thực, thực phẩm, xăng dầu, dược phẩm, hàng hóa chống dịch…); người điều khiển phương tiện, vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp thương mại đầu mối làm nhiệm vụ cung ứng hàng hóa cho các khu vực giãn cách xã hội và cách ly.
7. Sở Tài chính
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về giá; hướng dẫn, chỉ đạo doanh nghiệp thực hiện niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết.
- Tham mưu bố trí nguồn kinh phí dự phòng cấp tỉnh trong trường hợp khẩn cấp để chi trả cho việc mua, vận chuyển hàng hóa cung ứng cho người dân trong khu cách ly theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền và thực hiện các hoạt động an sinh xã hội theo quy định.
- Hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện việc phân bổ, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ chính sách theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước; xây dựng phương án bố trí nguồn kinh phí cấp huyện để dự trữ hàng hóa và chi trả cho việc mua, vận chuyển hàng hóa cung ứng cho người dân trong khu cách ly và thực hiện các hoạt động, chính sách an sinh xã hội theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.
8. Công an tỉnh
- Tạo điều kiện cho các xe chuyên chở hàng hóa đến các khu vực thiếu hàng hoặc vận chuyển hàng hóa đến khu vực cách ly (nếu có) hoạt động 24/24h.
- Phối hợp với Sở Giao thông vận tải hướng dẫn, quản lý người điều khiển phương tiện và các phương tiện, hàng hóa, đảm bảo các hoạt động đi lại thuận tiện, và an toàn trong công tác phòng, chống dịch.
- Tăng cường chỉ đạo bảo đảm an ninh trật tự; phối hợp với các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan trong việc nắm bắt tình hình, chủ động thực hiện và tham mưu cho cấp có thẩm quyền thực hiện các biện pháp ngăn ngừa và xử lý nghiêm đối với những trường hợp có hành vi lợi dụng, trục lợi chính sách an sinh xã hội.
9. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh
- Bố trí lực lượng, sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ các đơn vị liên quan trong việc tiếp nhận, quản lý và cấp phát hàng hóa, nhu yếu phẩm cho người dân.
- Trường hợp được giao nhiệm vụ tổ chức các khu cách ly phải chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp nhận hàng hóa, nhu yếu phẩm để kịp thời vận chuyển, cấp phát cho người dân trong khu cách ly.
10. Cục Quản lý thị trường tỉnh
Chủ trì, phối hợp với các ngành, các cấp, các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng...; không để xảy ra tình trạng lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, tích trữ, tăng giá bất hợp lý,… nhằm trục lợi bất chính.
11. Sở Thông tin và Truyền thông
- Chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí, hệ thống truyền thanh cơ sở tuyên truyền về công tác chuẩn bị đảm bảo cung cầu hàng hóa thiết yếu để người dân yên tâm, không mua gom, tích trữ hàng hóa, tránh để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá.
- Quản lý, giám sát thông tin trên báo chí, mạng xã hội; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp lan truyền, chia sẻ, bình luận thông tin có nội dung xấu, độc, thông tin sai sự thật, xuyên tạc về tình hình cung cấp các hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng của Nhân dân, gây hoang mang dư luận.
- Chủ động phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan, chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính trong việc xây dựng phương án thiết lập, tổ chức triển khai các điểm cung cấp hàng hóa thiết yếu và tham gia hỗ trợ vận chuyển, lưu thông hàng hóa, kết nối hàng hóa tiêu thụ giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
12. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thanh Hóa và các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh
- Đẩy mạnh tuyên truyền về công tác chuẩn bị, đảm bảo hàng hóa phục vụ người dân trên địa bàn; kêu gọi người dân ổn định tâm lý, không mua gom, tích trữ hàng hóa, tránh gây hiện tượng thiếu hàng, tăng giá.
- Thường xuyên cập nhật thông tin về nguồn cung hàng hóa, lương thực, thực phẩm và tình hình hoạt động của các cơ sở cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng của Nhân dân; thông tin chính xác, kịp thời để định hướng dư luận trong trường hợp có những thông tin sai sự thật, xuyên tạc tình hình, gây hoang mang dư luận; đồng thời, đăng tải các nội dung chỉ đạo của các cơ quan chức năng về việc đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu trong trường hợp giãn cách xã hội để Nhân dân trong tỉnh được biết, tránh bị tác động từ các thông tin sai sự thật.
13. Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh
- Tiến hành rà soát, thống kê số lượng công nhân, người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tập trung; phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan để triển khai thực hiện Kế hoạch đảm bảo cung cầu các mặt hàng cơ bản phục vụ nhu cầu của công nhân, người lao động khi xảy ra trường hợp có F0 trong các các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại các khu công nghiệp.
- Tăng cường đấu mối, nắm bắt về nhu cầu nguyên liệu phục vụ sản xuất của các cơ sở sản xuất trong Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp; kịp thời tháo gỡ hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong cung ứng nguyên liệu phục vụ sản xuất.
14. Các sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì để tổ chức triển khai thực hiện tốt các nội dung của Kế hoạch này.
15. UBND các huyện, thị xã, thành phố
- Chủ động có phương án hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của địa phương bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; kịp thời báo cáo các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, tiêu thụ, vận chuyển các hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của Nhân dân về Sở Công Thương để được hỗ trợ kết nối, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa.
- Kịp thời báo cáo Sở Công Thương khi tại địa phương xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu Nhân dân để được điều tiết, bổ sung.
- Chỉ đạo Ban Quản lý, đơn vị quản lý các chợ, siêu thị, cửa hàng kinh doanh trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định về giãn cách các quầy hàng; quy định về phòng, chống dịch đối với các tiểu thương và người dân tham gia mua, bán hàng hóa.
- Rà soát vị trí các khu đất trống, sẵn sàng phương án bố trí chợ tạm trong trường hợp chợ dân sinh bị dừng hoạt động hoặc bố trí cho người dân, doanh nghiệp có nhu cầu bán nông sản thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ Nhân dân; bố trí sẵn sàng ở mỗi xã, phường, thị trấn tối thiểu 01 địa điểm làm kho dự trữ hàng hóa và các điểm bán hàng lưu động phù hợp để triển khai thực hiện khi cần thiết; báo cáo về Sở Công Thương trước ngày 02/9/2021 để theo dõi, tổng hợp thông tin theo quy định; đồng thời, vận động các đơn vị, cá nhân có địa điểm kinh doanh các mặt hàng, dịch vụ không thiết yếu (phải thực hiện đóng cửa khi giãn cách xã hội) đăng ký làm địa điểm tổ chức cung ứng hàng hóa nhu yếu phẩm phục vụ Nhân dân.
- Chủ động bố trí vị trí và phối hợp với Bưu điện huyện, Chi nhánh Bưu chính Viettel tại các huyện thiết lập, tổ chức triển khai các điểm cung cấp hàng hóa thiết yếu khi có yêu cầu; rà soát, thực hiện công khai danh sách các địa điểm bán lương thực, thực phẩm và hàng hóa phòng, chống dịch trên địa bàn (chi tiết mặt hàng, địa chỉ, số điện thoại người bán) để người dân thuận tiện mua sắm.
- Bố trí dự phòng tối thiểu 10 phương tiện để phối hợp thực hiện vận chuyển hàng hóa tới các điểm bán trên địa bàn.
- Chỉ đạo các chốt kiểm soát dịch của địa phương, UBND các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện linh hoạt, tạo điều kiện cho người và phương tiện vận chuyển được ra, vào địa phương để cung ứng hàng hóa và thu mua nông sản (sau khi đã áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19).
- Chịu trách nhiệm phân luồng và điều tiết hàng hóa trên địa bàn; thành lập Tổ tiếp nhận, điều phối nhu yếu phẩm cấp huyện, cấp xã để thực hiện việc cung ứng hàng hóa cho Nhân dân; chỉ đạo các lực lượng (đoàn thể, tổ dân phố, tổ Covid cộng đồng, lực lượng chức năng: Công an, Quân đội, Quản lý Thị trường,...) hỗ trợ, vận chuyển đưa hàng đến phục vụ Nhân dân một cách linh hoạt, phù hợp với diễn biến của dịch.
- Thường xuyên theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn, đảm bảo đúng đối tượng, đúng mức hưởng, công khai, minh bạch; tuyệt đối không để xảy ra việc lợi dụng, trục lợi chính sách.
- Chủ động cân đối, bố trí nguồn ngân sách địa phương để thực hiện các nội dung của Kế hoạch; trường hợp vượt quá khả năng cân đối, bố trí ngân sách cấp huyện, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Tài chính) để xem xét, giải quyết theo quy định.
- Chỉ đạo UBND cấp xã: (1) Thiết lập các kênh tiếp nhận, phân loại, đóng gói, vận chuyển, cung cấp hàng hóa đến hộ gia đình và người dân; tổ chức lực lượng (dân quân tự vệ, đoàn viên thanh niên, hội phụ nữ....) phân phối “túi an sinh xã hội” đến hộ nghèo, hộ có đối tượng bảo trợ xã hội và người vô gia cư, lang thang cơ nhỡ; (2) Chỉ đạo Trưởng thôn, xóm, làng, bản, khu phố trực tiếp rà soát, phân loại, tổng hợp các đối tượng được hỗ trợ an sinh xã hội; trong quá trình rà soát, nếu có người lang thang, cơ nhỡ, vô gia cư trên địa bàn, báo cáo UBND cấp xã đưa vào “Nhà tạm lánh cộng đồng” hoặc cơ sở trợ giúp xã hội để hỗ trợ kịp thời; (3) Thành lập tổ, nhóm “đi chợ hộ” gồm các lực lượng: Dân quân Tự vệ, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ,.... để đi chợ, mua các hàng hóa thiết yếu cung cấp cho người dân; thành lập các nhóm zalo, Facebook,... nhằm nắm bắt nhu cầu của người dân để hỗ trợ kịp thời; công bố số tài khoản để những người dân cần đi chợ hộ chuyển tiền; thiết lập các điểm tiếp nhận “Túi an sinh xã hội” và tổ chức lực lượng để cấp phát đến từng hộ dân.
16. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Thanh Hóa, Liên minh Hợp tác xã tỉnh
- Chủ động, tích cực phối hợp với các sở: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Y tế, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan tiếp tục vận động doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh duy trì và tổ chức tốt các hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung ứng, vận chuyển hàng hóa, gắn với đảm bảo nghiêm các quy định về phòng, chống dịch để ổn định nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của Nhân dân trong trường hợp thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19.
- Tiếp tục đẩy mạnh vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị thành viên góp công, góp của, đồng hành cùng các cấp chính quyền trong công tác hỗ trợ, thực hiện các hoạt động an sinh xã hội, giúp đỡ các hộ gia đình, các đối tượng khó khăn, yếu thế trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
17. Các cơ sở sản xuất, vận chuyển, lưu thông phân phối hàng hóa
- Chủ động xây dựng Kế hoạch của đơn vị để tổ chức tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, đảm bảo xuyên suốt, liên tục. Có kế hoạch điều tiết, luân chuyển hàng hóa kịp thời tại các điểm bán; trường hợp cần thiết, xây dựng phương án điều tiết lượng hàng hóa bán ra đối với từng nhóm đối tượng để đảm bảo phục vụ được nhiều người tiêu dùng nhất, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá tại các điểm bán.
- Siêu thị BigC, siêu thị Co.opMart, hệ thống siêu thị Vinmart, Trung tâm thương mại, Chợ đầu mối và các kênh đầu mối phân phối sản phẩm: Sẵn sàng phối hợp điều tiết nguồn hàng, tổ chức cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu người dân trên địa bàn theo yêu cầu của các cơ quan chức năng.
- Bưu điện tỉnh, Chi nhánh Bưu chính Viettel Thanh Hóa và các đơn v ị kinh doanh vận tải: chủ động bố trí nhân lực, phương tiện để vận chuyển, cung cấp hàng hóa phục vụ người dân trên địa bàn tỉnh khi được yêu cầu.
Trên đây là nội dung Phương án cung ứng lương thực, thực phẩm, các hàng hóa thiết yếu và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung tại Phương án.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các sở, ngành, đơn vị, địa phương kịp thời có văn bản phản ánh, gửi về Sở Công Thương (đối với các nội dung liên quan đến cung ứng lương thực, thực phẩm, các hàng hóa thiết yếu), về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (đối với các nội dung liên quan đến công tác đảm bảo an sinh xã hội) để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định./.
PHỤ LỤC 01
TỔNG HỢP NHU CẦU VÀ KHẢ NĂNG CUNG ỨNG MỘT SỐ MẶT HÀNG CƠ BẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(TRONG TRƯỜNG HỢP PHẢI GIÃN CÁCH XÃ HỘI 30 NGÀY TRÊN ĐỊA BÀN)
(Kèm theo Quyết định số /QĐ-UBND ngày tháng năm 2021 của UBND tỉnh Thanh Hóa)
TT | Danh mục hàng | ĐVT | Định mức/người /30 ngày | Tổng nhu cầu và khả năng cung ứng trong trạng thái bình thường | Tổng nhu cầu và khả năng cung ứng trong điều kiện giãn cách | Lượng hàng hóa cần nhập về từ các tỉnh, thành phố trong thời gian giãn cách |
|
|
| ||||
Nhu cầu toàn tỉnh | Khả năng cung ứng | Nhu cầu toàn tỉnh (tăng 200%) | Khả năng cung ứng trong tỉnh (giảm 25%) |
|
|
| |||||||
Tổng cung ứng | Từ các huyện, thị xã, TP | Nhập về (qua các doanh nghiệp, thương nhân) |
|
|
|
|
|
| |||||
(1) | (2) | (3) | (4) | (5) | (6)=(7)+(8) | (7) | (8) | (9)=(5)*200% | (10)=(6)*75% | (11) |
|
|
|
1 | Gạo | Tấn | 0,018 | 65.969 | 84.472 | 74.509 | 9.964 | 131.938 | 63.354 | 68.584 |
|
|
|
2 | Thịt các loại (lợn, bò, gà) | Tấn | 0,00285 | 10.445 | 24.417 | 20.417 | 4.001 | 20.890 | 18.313 | 2.577 |
|
|
|
3 | Trứng | 1000 quả | 0,015 | 54.974 | 37.472 | 15.954 | 21.518 | 109.948 | 28.104 | 81.844 |
|
|
|
4 | Thủy hải sản | Tấn | 0,00156 | 5.717 | 18.757 | 16.167 | 2.590 | 11.434 | 14.067 | 0 |
|
|
|
5 | Rau củ | Tấn | 0,0096 | 35.183 | 71.021 | 59.586 | 11.435 | 70.366 | 53.266 | 17.100 |
|
|
|
6 | Mỳ tôm, bún, miến, phở khô… | 1000 Gói | 0,06 | 219.897 | 201.938 | 32.899 | 169.039 | 439.794 | 151.454 | 288.340 |
|
|
|
7 | Muối ăn | Tấn | 0,00015 | 550 | 1.360 | 633 | 727 | 1.100 | 1.020 | 80 |
|
|
|
8 | Mỡ, dầu ăn | 1000 Lít | 0,0009 | 3.298 | 24.814 | 18.747 | 6.067 | 6.596 | 18.611 | 0 |
|
|
|
9 | Nước đóng chai | 1000 Lít | 0,06 | 219.897 | 149.131 | 44.635 | 104.496 | 439.794 | 111.848 | 327.946 |
|
|
|
10 | Khẩu trang | 1000 Chiếc | 0,006 | 21.990 | 46.068 | 17.640 | 28.428 | 43.980 | 34.551 | 9.429 |
|
|
|
11 | Nước sát khuẩn | 1000 Lít | 0,0002 | 733 | 237 | 0 | 237 | 1.466 | 177.75 | 1.288,25 |
|
|
|
12 | Giấy vệ sinh | 1000 cuộn | 0,002 | 7.330 | 11.664 | 518 | 11.146 | 14.660 | 8.748 | 5.912 |
|
|
|
13 | GIÁ TRỊ HÀNG HÓA | Tỷ đồng |
| 6.842,2 | 9.914 | 6.597,5 | 3.316,7 | 13.684,3 | 7.435,6 | 6.823,6 |
|
|
|
Ghi chú: Số liệu được tính toán dựa trên quy mô dân số (dân số toàn tỉnh năm 2020 là 3.664.944 người) và mức tiêu dùng bình quân của 01 người/30 ngày đối với các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân theo định mức của Bộ Công Thương đề ra tại Công văn số 1998/BCT-TTTN, ngày 20/3/2020
PHỤ LỤC 02.1
TỔNG HỢP SỐ LIỆU KHẢ NĂNG CUNG ỨNG HÀNG HÓA THIẾT YẾU CỦA CÁC HUYỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Kèm theo Quyết định số /QĐ-UBND ngày tháng năm 2021 của UBND tỉnh Thanh Hóa)
STT | Đơn vị | Gạo (tấn) | Thịt các loại (tấn) | Trứng (1000 quả) | Thủy hải sản (tấn) | Rau củ (tấn) | Mỳ, bún, miến, phở khô (1000 gói) |
| ||||||
SX tại ĐP | Nhập về | SX tại ĐP | Nhập về | SX tại ĐP | Nhập về | SX tại ĐP | Nhập về | SX tại ĐP | Nhập về | SX tại ĐP | Nhập về | |||
1 | Thành phố Thanh Hóa | 2.445 | 0 | 260 | 817 | 163 | 0 | 95 | 503 | 1.691 | 2.580 | 17.201 | 4.300 | |
2 | Thị xã Sầm Sơn | 297 | 288 | 138 | 90 | 146 | 60 | 2.219 | 16 | 248 | 13 | 6 | 362 | |
3 | Thị xã Bỉm Sơn | 273 | 531 | 287 | 44 | 113 | 392 | 27 | 31 | 227 | 419 | 362 | 3.206 | |
4 | Thị xã Nghi Sơn | 2.534 | 2.000 | 1.191 | 400 | 742 | 2.200 | 3.093 | 0 | 3.413 | 1.500 | 300 | 15.000 | |
5 | Huyện Quan Hóa | 552 | 9 | 472 | 60 | 188 | 342 | 6 | 2 | 321 | 100 | 0 | 7 | |
6 | Huyện Quan Sơn | 624 | 36 | 316 | 2 | 163 | 20 | 8 | 0 | 783 | 4 | 0 | 79 | |
7 | Huyện Mường Lát | 605 | 70 | 267 | 0 | 104 | 0 | 5 | 0 | 122 | 0 | 0 | 171 | |
8 | Huyện Bá Thước | 1.505 | 983 | 713 | 111 | 542 | 583 | 25 | 62 | 1.650 | 423 | 4.410 | 3.402 | |
9 | Huyện Thường Xuân | 1.644 | 226 | 555 | 66 | 363 | 32 | 70 | 5 | 613 | 6 | 0 | 224 | |
10 | Huyện Như Xuân | 1.378 | 0 | 562 | 0 | 283 | 0 | 43 | 0 | 648 | 0 | 1.070 | 108 | |
11 | Huyện Như Thanh | 1.851 | 100 | 576 | 0 | 338 | 0 | 36 | 10 | 623 | 94 | 220 | 6.000 | |
12 | Huyện Lang Chánh | 712 | 354 | 542 | 0 | 204 | 243 | 7 | 70 | 616 | 162 | 0 | 3.032 | |
13 | Huyện Ngọc Lặc | 2.091 | 248 | 777 | 39 | 679 | 207 | 30 | 75 | 1.906 | 331 | 0 | 3.212 | |
14 | Huyện Thạch Thành | 2.633 | 0 | 1.196 | 0 | 629 | 1.875 | 215 | 68 | 2.030 | 0 | 320 | 8.380 | |
15 | Huyện Cẩm Thủy | 2.344 | 260 | 988 | 188 | 598 | 1.440 | 43 | 168 | 2.188 | 346 | 300 | 6.900 | |
16 | Huyện Thọ Xuân | 5.502 | 2.000 | 1.370 | 220 | 1.125 | 0 | 176 | 295 | 7.650 | 1.786 | 360 | 11.640 | |
17 | Huyện Vĩnh Lộc | 3.148 | 59 | 847 | 47 | 558 | 126 | 120 | 0 | 1.812 | 44 | 355 | 13.044 | |
18 | Huyện Thiệu Hoá | 5.753 | 0 | 732 | 87 | 750 | 4.532 | 164 | 85 | 1.743 | 0 | 2.500 | 7.226 | |
19 | Huyện Triệu Sơn | 6.079 | 0 | 1.252 | 349 | 900 | 2.142 | 157 | 159 | 4.256 | 392 | 1.224 | 11.016 | |
20 | Huyện Nông Cống | 7.156 | 0 | 966 | 400 | 1.267 | 1.878 | 138 | 246 | 2.683 | 0 | 437 | 10.603 | |
21 | Huyện Đông Sơn | 2.543 | 0 | 370 | 0 | 525 | 0 | 57 | 80 | 1.283 | 0 | 3.264 | 0 | |
22 | Huyện Hà Trung | 3.459 | 2.000 | 591 | 400 | 642 | 2.200 | 509 | 0 | 2.500 | 1.500 | 300 | 15.000 | |
23 | Huyện Hoằng Hoá | 4.441 | 545 | 1.118 | 602 | 1.108 | 4 | 2.048 | 553 | 5.333 | 25 | 0 | 7.600 | |
24 | Huyện Nga Sơn | 2.930 | 0 | 1.119 | 0 | 542 | 0 | 903 | 73 | 2.275 | 0 | 0 | 8.640 | |
25 | Huyện Hậu Lộc | 1.428 | 0 | 788 | 0 | 927 | 2.646 | 4.110 | 0 | 3.833 | 1.396 | 0 | 10.722 | |
26 | Huyện Quảng Xương | 4.342 | 0 | 1.041 | 0 | 1.083 | 0 | 1.558 | 0 | 3.913 | 200 | 6 | 10.000 | |
27 | Huyện Yên Định | 6.240 | 255 | 1.382 | 79 | 1.275 | 597 | 306 | 87 | 5.228 | 114 | 265 | 9.165 | |
Toàn tỉnh | 74.509 | 9.964 | 20.417 | 4.000 | 15.954 | 21.518 | 16.167 | 2.590 | 59.586 | 11.435 | 32.899 | 169.039 | ||
84.472 | 24.417 | 37.472 | 18.757 | 71.021 | 201.938 |
| ||||||||
PHỤ LỤC 02.2
TỔNG HỢP SỐ LIỆU KHẢ NĂNG CUNG ỨNG HÀNG HÓA THIẾT YẾU CỦA CÁC HUYỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Kèm theo Quyết định số /QĐ-UBND ngày tháng năm 2021 của UBND tỉnh Thanh Hóa)
STT | Đơn vị | Muối ăn (tấn) | Mỡ, dầu ăn (1000 lít) | Nước đóng chai (1000 lít) | Khẩu trang (1000 cái) | Nước sát khuẩn (1000 lít) | Giấy vệ sinh (1000 cuộn) | ||||||
SX tại ĐP | Nhập về | SX tại ĐP | Nhập về | SX tại ĐP | Nhập về | SX tại ĐP | Nhập về | SX tại ĐP | Nhập về | SX tại ĐP | Nhập về | ||
1 | Thành phố Thanh Hóa | 0 | 54 | 40 | 121 | 21.501 | 0 | 2.617 | 0 | 0 | 60,9 | 72 | 645 |
2 | Thị xã Sầm Sơn | 0 | 29 | 0 | 45 | 0 | 176 | 0 | 291 | 0 | 10,4 | 0 | 45 |
3 | Thị xã Bỉm Sơn | 0 | 9 | 0 | 27 | 0 | 3.568 | 4.167 | 357 | 0 | 11,9 | 0 | 119 |
4 | Thị xã Nghi Sơn | 604 | 30 | 18.600 | 80 | 3.000 | 12.000 | 0 | 1.850 | 0 | 60,0 | 0 | 615 |
5 | Huyện Quan Hóa | 0 | 5 | 0 | 18 | 600 | 0 | 0 | 394 | 0 | 2 | 0 | 345 |
6 | Huyện Quan Sơn | 0 | 5 | 0 | 9 | 0 | 11 | 0 | 3 | 0 | 2 | 0 | 10 |
7 | Huyện Mường Lát | 0 | 26 | 0 | 5 | 0 | 26 | 0 | 35 | 0 | 1,9 | 0 | 21 |
8 | Huyện Bá Thước | 0 | 21 | 12 | 66 | 441 | 7.056 | 0 | 775 | 0 | 2,5 | 0 | 284 |
9 | Huyện Thường Xuân | 0 | 7 | 0 | 14 | 0 | 22 | 0 | 84 | 0 | 3,8 | 0 | 30 |
10 | Huyện Như Xuân | 0 | 10 | 0 | 30 | 1.140 | 0 | 0 | 225 | 0 | 0,5 | 0 | 100 |
11 | Huyện Như Thanh | 0 | 14 | 0 | 43 | 83 | 16 | 8.333 | 48 | 0 | 2,6 | 0 | 61 |
12 | Huyện Lang Chánh | 0 | 8 | 0 | 23 | 0 | 3.032 | 0 | 303 | 0 | 1,1 | 0 | 101 |
13 | Huyện Ngọc Lặc | 0 | 10 | 0 | 31 | 0 | 4.140 | 0 | 414 | 0 | 1,3 | 0 | 138 |
14 | Huyện Thạch Thành | 0 | 22 | 0 | 65 | 2.000 | 6.700 | 833 | 870 | 0 | 2,9 | 0 | 290 |
15 | Huyện Cẩm Thủy | 0 | 18 | 0 | 54 | 0 | 7.200 | 0 | 720 | 0 | 2,4 | 0 | 240 |
16 | Huyện Thọ Xuân | 0 | 30 | 0 | 90 | 0 | 12.000 | 0 | 1.200 | 0 | 4 | 300 | 100 |
17 | Huyện Vĩnh Lộc | 0 | 10 | 0 | 3.177 | 7 | 1.821 | 0 | 8.733 | 0 | 14,3 | 0 | 2.604 |
18 | Huyện Thiệu Hoá | 0 | 14 | 25 | 48 | 8.000 | 1.726 | 500 | 1.445 | 0 | 3,2 | 140 | 184 |
19 | Huyện Triệu Sơn | 0 | 19 | 0 | 92 | 110 | 12.130 | 0 | 1.224 | 0 | 4,8 | 0 | 408 |
20 | Huyện Nông Cống | 0 | 28 | 0 | 83 | 4.416 | 6.624 | 1.104 | 0 | 0 | 3,7 | 0 | 368 |
21 | Huyện Đông Sơn | 0 | 6 | 0 | 18 | 0 | 2.331 | 0 | 233 | 0 | 7,8 | 0 | 78 |
22 | Huyện Hà Trung | 0 | 30 | 3 | 80 | 3.000 | 12.000 | 0 | 1.850 | 0 | 6 | 0 | 615 |
23 | Huyện Hoằng Hoá | 0 | 251 | 5 | 1.600 | 0 | 273 | 0 | 3.456 | 0 | 7,1 | 0 | 2.540 |
24 | Huyện Nga Sơn | 0 | 21 | 0 | 63 | 4 | 5 | 0 | 1.692 | 0 | 5,6 | 0 | 282 |
25 | Huyện Hậu Lộc | 29 | 0 | 30 | 50 | 4 | 10.719 | 0 | 1.072 | 0 | 3,6 | 0 | 357 |
26 | Huyện Quảng Xương | 0 | 31 | 30 | 70 | 30 | 52 | 0 | 1.040 | 0 | 9,4 | 0 | 468 |
27 | Huyện Yên Định | 0 | 20 | 2 | 65 | 300 | 868 | 86 | 115 | 0 | 1,5 | 6 | 100 |
Toàn tỉnh | 633 | 727 | 18.747 | 6.067 | 44.635 | 104.496 | 17.640 | 28.428 | 0 | 237 | 518 | 11.146 | |
1.360 | 24.814 | 149.131 | 46.068 | 237 | 11.664 |
PHỤ LỤC 03
DANH SÁCH CÁC SƠ SỞ CHẾ BIẾN, CUNG CẤP THỰC PHẨM LỚN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Kèm theo Quyết định số /QĐ-UBND ngày tháng năm 2021 của UBND tỉnh Thanh Hóa)
TT | Tên đơn vị cung ứng | Sản phẩm cung cấp | ||||
Gạo (tấn/tháng) | Rau, củ, quả (tấn/tháng) | Thịt các loại (tấn/tháng) | Trứng gia cầm (quả/tháng) | Thủy, hải sản (tấn/tháng) | ||
1. | Công ty TNHH Thực phẩm công nghệ cao Tâm Phú Hưng Số ĐT: 0913208529 | 2.500 |
|
|
|
|
2. | Công ty cổ phần Thương mại Sao Khuê Số ĐT: 0912554538 | 1.500 |
|
|
|
|
3. | Công ty TNHH lương thực Thuần Dũng Số ĐT: 0965235998 | 1.000 |
|
|
|
|
4. | Công ty CP lương thực Thanh Hóa Số ĐT: 0904040135 | 700 |
|
|
|
|
5. | Công ty TNHH Nông sản An Thành Phong Số ĐT: 0373.992.989 | 2.000 |
|
|
|
|
6. | Công ty CP XD & TM Phong Cách Mới Số ĐT: 0915363363 |
| 20 |
|
|
|
7. | Công ty TNHH MTV DVTM Nông nghiệp CNC Thiên Trường 36 Số ĐT: 0949336463 |
| 30 |
|
|
|
8. | Công ty TNHH Trung tâm nghiên cứu phát triển CNC Lam Sơn Số ĐT: 0973449345 |
| 15 |
|
|
|
9. | Công ty TNHH Đầu tư và Xây lắp Xuân Minh Địa chỉ: thôn Phượng Ngô 1, Hoằng Lưu, Hoằng Hóa |
| 100 |
|
|
|
10. | Công ty TNHH sản xuất và TM Hiền Nhuần Số ĐT: 0983538513 |
| 60 | 15 | 500.000 |
|
11. | Chợ đầu mối rau củ quả Đông Hương Số ĐT: 0948459050 |
| 300 | 30 | 9.000 | 45 |
12. | Công ty TNHH thực phẩm sạch Đức Tần Địa chỉ: xã Quảng Phong, huyện Quảng Xương |
|
| 20 |
|
|
13. | Công ty TNHH xây dựng Thành Cường Địa chỉ: Khu phố 5, phường Phú Sơn, thị xã Bỉm Sơn |
|
| 50 |
|
|
14. | Doanh nghiệp Tư Nhân Hùng Thanh Lang Chánh Địa chỉ: Bản Trải 2, Thị trấn Lang Chánh, huyện Lang Chánh |
|
| 20 |
|
|
15. | Công ty TNHH dịch vụ thương mại Trường Vinh Địa chỉ: Tây Sơn Cũ, phường Phú Sơn, TP Thanh Hóa |
|
| 600 |
|
|
16. | Công ty TNHH 5 mục tiêu CN Thanh Hóa Địa chỉ: Lô 9-KCN Đình Hương, |
|
| 20 |
|
|
17. | Công ty TNHH sản xuất thương mại Quảng Hường Địa chỉ: Xã Quảng Khê, huyện Quảng Xương |
|
| 10 |
|
|
18. | Công ty cổ phần chế biến súc sản xuất khẩu Thanh Hóa Địa chỉ: Cửa hàng Thảo Dinh food 2, thôn Nhữ Xá 1, xã Long Anh |
|
| 500 |
|
|
19. | Công ty TNHH hải sản Phương Oanh Địa chỉ: Thôn Thành Lập, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc |
|
|
|
| 50 |
20. | Công ty TNHH MTV thủy hải sản Tuyết Tuấn Địa chỉ: xã Phú Lộc, huyện Hậu Lộc |
|
|
|
| 25 |
21. | Công ty CP hải sản Vân Xuân Địa chỉ: Lô 17, Cảng Hới, xã Quảng Tiến, TP Sầm Sơn |
|
|
|
| 100 |
22. | Công ty TNHH xuất nhập khẩu thủy sản Đức Cẩm Địa chỉ: xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương |
|
|
|
| 50 |
23. | Công ty TNHH xây dựng và thương mại Hoàn Giang Địa chỉ: Số 199, Nguyễn Sỹ Dũng, P Quảng Tiến, TP Sầm Sơn |
|
|
|
| 50 |
24. | Công ty TNHH dịch vụ và thương mại thủy hải sản Lai Dinh Địa chỉ: Khu phố Vạn Lợi, P.Quảng Tiến,TP Sầm Sơn |
|
|
|
| 50 |
25. | Công ty CP chế biến XNK thủy hải sản Hoàng Lan Địa chỉ: Thôn Minh Cát, xã Quảng Cư, thành phố Sầm Sơn |
|
|
|
| 30 |
26. | Công ty TNHH thương mại thủy sản Long Dương Địa chỉ: Thôn Linh Trường, xã Hoàng Trường, huyện Hoằng Hóa |
|
|
|
| 10 |
27. | Chi nhánh Công ty CP thực phẩm xuất nhập khẩu Natur Fish Địa chỉ: Gian số 3, khu phân loại cảng cá Hòa Lộc, Hậu Lộc |
|
|
|
| 10 |
Tổng | 7.700 | 525 | 1.265 | 509.000 | 420 |
PHỤ LỤC 04
DANH SÁCH CÁC ĐƠN VỊ CUNG CẤP CÔNG NGHỆ PHẨM VÀ MỘT SỐ HÀNG HÓA KHÁC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Kèm theo Quyết định số /QĐ-UBND ngày tháng năm 2021 của UBND tỉnh Thanh Hóa)
TT | Tên đơn vị cung ứng | Sản phẩm cung cấp | ||||||
Muối ăn (tấn/tháng) | Dầu ăn (lít/tháng) | Mì tôm, bún, miến … (gói/tháng) | Nước uống đóng chai (lít/tháng) | Khẩu trang (cái/tháng) | Nước khử khuẩn (lít/tháng) | Giấy vệ sinh (lít/tháng) | ||
1 | Công ty TNHH EB Thanh Hoá (Siêu thị BigC) Địa Chỉ: Phường Đông Hải, TP. Thanh Hoá | 4 | 26.000 | 2.880.000 | 72.000 | 20.000 | 33.000 | 40.000 |
2 | Công ty Cổ phần Tập đoàn Miền Núi Đ/c: Số 100 Triệu Quốc Đạt, TP. Thanh Hóa | 32 | 30.000 | 230.400 | 144.000 | 5.500 | 15.000 | 100000 |
3 | Công ty TNHH Co.opMart Thanh Hoá Đ/c: đường Phan Chu Trinh, TP. Thanh Hoá | 4 | 20.000 | 48.000 | 33.600 |
| 6.400 | 172.000 |
4 | CN Thanh Hóa - CTCP DVTM Tổng hợp Vincommerce Địa chỉ: Tầng 1, Vincom+ Tĩnh Gia, Nghi Sơn |
| 7.000 | 24.000 | 24.000 |
| 11.000 |
|
5 | Công ty Cổ phần Siêu thị A&S (02 siêu thị tại Nghi Sơn và Thọ Xuân) |
| 1.700 | 40.800 | 4.800 |
|
| 3.500 |
6 | Công ty TNHH Long Tơ (Long Tơ Mart), địa chỉ: thị trấn Nông Cống, Nông Cống |
| 1.000 | 12.000 | 2.400 |
|
|
|
7 | Công ty Cổ phần dược phẩm y tế Mỹ Đức Số điện thoại: 02373215999 |
|
|
|
| 750.000 |
|
|
8 | Công ty Cổ phần dược vệt tư y tế Minh Châu Số điện thoại: 02373710239; 0374333999 |
|
|
|
| 250.000 |
|
|
9 | Công ty Cổ phần Tiên Sơn Thanh Hóa Số điện thoại: 02373770304 |
|
|
|
| 15.000.000 |
|
|
10 | Công ty CP Visaco; Số ĐT: 02373942238 | 833 |
|
|
|
|
|
|
11 | Công ty CP Hải Châu; Số ĐT: 02373942238 | 91,7 |
|
|
|
|
|
|
12 | Công ty CP chế biến thực phẩm Ánh Vân Địa chỉ: Thôn 1, xã Thọ Tân, huyện Triệu Sơn | 10 |
|
|
|
|
|
|
Tổng | 795 | 85.700 | 3.235.200 | 280.800 | 16.025.500 | 65.400 | 315.500 |
PHỤ LỤC 05
DANH SÁCH CÁC KHO BẢO QUẢN HÀNG NÔNG SẢN, THỰC PHẨM (KHO LẠNH, KHO DỰ TRỮ) TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Kèm theo Quyết định số /QĐ-UBND ngày tháng năm 2021 của UBND tỉnh Thanh Hóa)
TT | Tên doanh nghiệp/Cơ sở | Địa chỉ | Người đại diện | Số Điện thoại | Kho cấp đông trữ lạnh thủy sản | Kho bảo quản nông sản | ||
Số lượng (kho) | Công suất (tấn) | Số lượng (kho) | Công suất (tấn) | |||||
| Tổng toàn tỉnh |
|
|
| 184 | 42.811 | 19 | 5.475 |
I | Thành phố Sầm Sơn |
|
|
|
|
|
|
|
1 | Đại lý hải sản khô Ngọc Hiệp | TDP. Hoan Kính, P Trung Sơn | Cao Thị Ngọc | 979232819 | 2 | 100 |
|
|
2 | Toàn Sen hải sản khô | TDP. Bắc Kỳ, P Trung Sơn | Cao Sỹ Toàn | 972568650 | 1 | 40 |
|
|
3 | Đại lý hải sản Nhân Trung | TDP. Hoan Kính, P Trung Sơn | Văn Đình Chung |
| 1 | 100 |
|
|
4 | Đại lý hải sản Lý Oanh | TDP. Trung Kỳ, P Trung Sơn | Lê Thị Lý | 914635007 | 1 | 100 |
|
|
5 | Đại lý hải sản Lân Vạn | TDP. Hoan Kính, P Trung Sơn | Văn Đình Lân | 869121168 | 1 | 60 |
|
|
6 | Đại lý hải sản Tâm Hợp | TDP. Bắc Kỳ, P Trung Sơn | Văn Đình Tâm | 904000562 | 1 | 100 |
|
|
7 | Thắm Bình hải sản | TDP Dũng Liên, P Trung Sơn | Lê Thị Thắm |
| 1 | 40 |
|
|
8 | Thành Loan hải sản khô | TDP.Lương Thiện, P Trung Sơn | Lê Khánh Thành | 948969066 | 1 | 12 |
|
|
9 | Khanh Quảng hải sản | TDP. Hoan Kính, P Trung Sơn | Nguyễn Viết Khanh | 903477478 | 1 | 35 |
|
|
10 | Đại lý hải sản Thái Hoa | TDP Nam Hải, P. Trung Sơn | Nguyễn Thị Hoa | 973267737 | 3 | 180 |
|
|
11 | Phúc Bình Hải sản | Chợ mới, P Trung Sơn | Nguyễn Hữu Phúc |
| 1 | 30 |
|
|
12 | Hiền Sách hải sản | TDP. Hoan Kính, P Trung Sơn | Cao Thiện Sách | 912112994 | 2 | 40 |
|
|
13 | Đại lý hải sản Cương Báu | TDP Nam Hải, P. Trung Sơn | Nguyễn Hữu Cương |
| 1 | 30 |
|
|
14 | Đại lý hải sản Tình Luyến | TDP Nam Hải, P. Trung Sơn | Nguyễn Hữu Tình | 964188818 | 1 | 20 |
|
|
15 | Công ty Thủy sản Đức Quý | TDP. Khanh Tiến, P. Trung Sơn | Đoàn Văn Quyết | 914585368 | 1 | 800 |
|
|
16 | Lê Văn Thành | TDP Hải Thành, P. Bắc Sơn | Lê Văn Thành |
| 1 | 10 |
|
|
17 | Công ty CP chế biến XNK Thủy sản Hoàng Lan | KP Minh Cát, P. Quảng Cư | Lê Hồng Hậu | 977840740 | 2 | 400 |
|
|
18 | Công ty TNHH XNK Phước Thịnh | KP Thu Hảo, P. Quảng Cư | Nguyễn Văn Thành | 932461616 | 1 | 120 |
|
|
19 | Công ty Thanh Bình | Cảng Hới, Trung Thịnh, P. Quảng Tiến | Đỗ Minh Hùng | 382938666 | 10 | 10.000 |
|
|
20 | Công ty Nam Thành | Cảng Hới, Trung Thịnh, P. Quảng Tiến | Nguyễn Trung Kiên | 914883634 | 3 | 450 |
|
|
21 | Công ty Lai Dinh | KP Vạn Lợi, P. Quảng Tiến | Đỗ Thị Dinh | 989549456 | 4 | 1.100 |
|
|
22 | Công ty Vân Xuân | KP Vạn Lợi, P. Quảng Tiến | Vũ Thị Vân | 977950515 | 4 | 1.000 |
|
|
23 | Công ty Hoàn Giang | Thọ Xuân, P Quảng Tiến | Đỗ Văn Cường | 912106633 | 2 | 250 |
|
|
24 | Công ty Phước Thịnh | Trung Thịnh, P Quảng Tiến | Phạm Thị Trung | 948666058 | 3 | 300 |
|
|
25 | Công ty Hoa Sen 68 | Tân Lập, P Quảng Tiến | Nguyễn Văn Cường | 913543583 | 2 | 200 |
|
|
26 | Cơ sở Phú Viễn | KP Vạn Lợi, P Quảng Tiến | Trần Thị Phú | 989549456 | 2 | 130 |
|
|
27 | Cơ sở Hoa Văn | KP Vạn Lợi, P Quảng Tiến | Lê Thị Hoa | 913269231 | 1 | 100 |
|
|
| Tổng cộng |
|
|
| 54 | 15747 |
|
|
II | Huyện Hoằng Hóa |
|
|
|
|
|
|
|
1 | Công ty TNHH Đầu tư và xây lắp Xuân Minh | xã Hoằng Lưu | Chu Anh Quang | 982213138 |
|
| 1 | 1.000 |
2 | Công ty TNHH An Việt | xã Hoằng Đức | Lê Thị Hương | 961154139 |
|
| 1 | 2.000 |
3 | Lê Thị Đại | xã Hoằng Ngọc | Lê Thị Đại | 963967455 | 1 | 10 |
|
|
4 | Lê Văn Lý | xã Hoằng Trường | Lê Văn Lý |
| 1 | 10 |
|
|
5 | Trương Đình Hiền | xã Hoằng Trường | Trương Đình Hiền |
| 1 | 5 |
|
|
6 | Cao Tuấn Anh | xã Hoằng Trường | Cao Tuấn Anh |
| 1 | 10 |
|
|
7 | Lê Văn Thành | xã Hoằng Trường | Lê Văn Thành |
| 1 | 7 |
|
|
8 | Nguyễn Văn Phương | xã Hoằng Trường | Nguyễn Văn Phương |
| 1 | 5 |
|
|
9 | Nguyễn Thị Tuyết | xã Hoằng Trường | Nguyễn Thị Tuyết |
| 1 | 5 |
|
|
10 | Lê Văn Mạnh | xã Hoằng Trường | Lê Văn Mạnh |
| 1 | 7 |
|
|
11 | Ngô Thị Thúy | xã Hoằng Trường | Ngô Thị Thúy |
| 1 | 7 |
|
|
12 | Trương Đình Long | xã Hoằng Trường | Trương Đình Long |
| 1 | 7 |
|
|
13 | Lê Văn Thể | xã Hoằng Trường | Lê Văn Thể |
| 1 | 5 |
|
|
| Tổng cộng |
|
|
| 11 | 78 | 2 | 3.000 |
III | Thành phố Thanh Hóa |
|
|
|
|
|
|
|
1 | Cơ sở kinh doanh hải sản Nguyễn Văn Hoàn | 61 Trần Xuân Soạn, P. Đông Thọ | Nguyễn Văn Hoàn |
| 1 | 1 |
|
|
2 | Cơ sở cấp đông Hoàng Hà | Lô 21 MBQH 6275, P. Nam ngạn | Đinh Văn Hậu | 934501968 |
|
| 1 | 5 |
3 | Cơ sở sản xuất nem giò chả Bình Nông | 02/196 Trần Hưng Đạo, P Nam Ngạn | Phạm Văn Bình | 915041130 |
|
| 1 | 2 |
4 | Cơ sở sx bì lợn Tài Hồng | Phố Yên Vực, P Tào Xuyên | Trần Văn Tài | 362147110 |
|
| 1 | 6 |
5 | Cơ sở sx bì lợn Thắng Hoa | Phố Yên Vực, P Tào Xuyên | Ngô Viết Thân | 839072245 |
|
| 1 | 7 |
6 | Cơ sở sx bì lợn Nguyễn Đặng Dũng | Phố Yên Vực, P Tào Xuyên | Nguyễn Đặng Dũng | 942036037 |
|
| 1 | 4 |
7 | Cơ sở sx bì lợn Trần Xuân Chinh | Phố Yên Vực, P TàoXuyên | Trần Xuân Chinh | 975164057 |
|
| 1 | 5 |
8 | Cơ sở sx bì lợn Tiến Hiền | Phố Yên Vực, P Tào Xuyên | Lê Văn Tiến | 983877865 |
|
| 1 | 10 |
9 | Cơ sở sx bì lợn Lập Mão | Phố Yên Vực, P Tào Xuyên | Nguyễn Thị Mão |
|
|
| 1 | 8 |
10 | Cơ sở sx nem chua, bì lợn Việt Long | Phố 2, P Tào Xuyên | Nguyễn Văn Long | 979296097 |
|
| 1 | 6 |
11 | Cơ sở sx bì lợn Tám Chuyên | Phố Nghĩa Sơn 1, P Tào Xuyên | Đỗ Gia Tám | 904789376 |
|
| 1 | 5 |
12 | Nguyễn Văn Ba | 01 Cửa Hậu, P Điện Biên | Nguyễn Văn Ba | 977909066 | 1 | 5 |
|
|
13 | Hoa quả Yến An | 28 Lê Quý Đôn, P Ba Đình | Nguyễn Văn Đoàn | 1676691977 |
|
| 1 | 3 |
| Tổng cộng |
|
|
| 2 | 6 | 11 | 61 |
IV | Huyện Hậu Lộc |
|
|
|
|
|
|
|
1 | Công ty TNHH Hưng Hải | Nam Huân, Hòa Lộc | Lê Văn Hải | 973925809 | 1 | 6 |
|
|
2 | Vũ Xuân Thành | Hòa Phú, Hòa Lộc | Vũ Xuân Thành | 936122078 |
|
|
|
|
3 | Hoàng Anh Yến | Hòa Hải, Hòa Lộc | Hoàng Anh Yến | 365851001 |
|
|
|
|
4 | Nguyễn Văn Đức | Hòa Hải, Hòa Lộc | Nguyễn Văn Đức | 848228336 |
|
|
|
|
5 | Nguyễn Văn Hiền | Hòa Phú, Hòa Lộc | Nguyễn Văn Hiền | 978791972 |
|
|
|
|
6 | Trịnh Văn Quyết | Hòa Phú, Hòa Lộc | Trịnh Văn Quyết | 966726579 |
|
|
|
|
7 | Nguyễn Thị Hằng | Hòa Phú, Hòa Lộc | Nguyễn Thị Hằng | 985654580 | 1 | 5 |
|
|
8 | Hoàng Thị Hường | Hòa Phú, Hòa Lộc | Hoàng Thị Hường | 986117740 | 1 | 5 |
|
|
9 | Bùi Văn Thạo | Lạch Trường, Hải Lộc | Bùi Văn Thạo | 975950745 | 1 | 5 |
|
|
10 | Công ty TNHH1TV Tuấn Tuyết | Thuần Nhất, Phú Lộc | Hoàng Văn Tuấn | 948340939 | 3 | 60 |
|
|
11 | Lê Long An | Điện Quang, Thuần Lộc | Lê Long An | 329406413 |
|
| 1 | 4 |
12 | Lê Văn Dũng | Minh Hải, Minh Lộc | Lê Văn Dũng | 378343434 |
|
|
|
|
13 | Nguyễn Văn Thuân | Minh Đức, Minh Lộc | Nguyễn Văn Thuân | 398627686 |
|
|
|
|
14 | Trần Văn Lâm | Minh Thọ, Minh Lộc | Trần Văn Lâm | 977938775 | 2 | 30 |
|
|
15 | Lê Văn Hùng | Minh Thắng, Minh Lộc | Lê Văn Hùng | 914254168 | 1 | 70 |
|
|
16 | Đinh Văn Sỹ | Minh Thắng, Minh Lộc | Đinh Văn Sỹ | 977339903 | 1 | 45 |
|
|
17 | Đoàn Bá Hải | Hưng Phú, Hưng Lộc | Đoàn Bá Hải | 975736763 |
|
|
|
|
18 | Vũ Văn Chung | Phú Lương, Hưng Lộc | Vũ Văn Chung | 867971123 | 2 | 30 |
|
|
19 | Hoàng Văn Khuông | Thắng Lộc, Ngư Lộc | Hoàng Văn Khuông | 363118239 |
|
|
|
|
20 | Nguyễn Văn Hợi | Thắng Lộc, Ngư Lộc | Nguyễn Văn Hợi | 337486323 |
|
|
|
|
21 | Bùi Thị Định | Thắng Lộc, Ngư Lộc | Bùi Thị Định | 946128678 |
|
|
|
|
22 | Bùi Tương Loan | Thắng Lộc, Ngư Lộc | Bùi Tương Loan | 979917179 | 1 | 2 |
|
|
23 | Nguyễn Hạnh Giáp | Thắng Lộc, Ngư Lộc | Nguyễn Hạnh Giáp | 335797617 | 1 | 2 |
|
|
24 | Nguyễn Đạt Điền | Thắng Lộc, Ngư Lộc | Nguyễn Đạt Điền | 366166959 | 1 | 3 |
|
|
25 | Hoàng Thị Lan | Thắng Lộc, Ngư Lộc | Hoàng Thị Lan | 363031007 | 1 | 2 |
|
|
26 | Nguyễn Ngọc Lâm | Thắng Lộc, Ngư Lộc | Nguyễn Ngọc Lâm | 398703438 | 1 | 2 |
|
|
27 | Nguyễn Văn Toán | Thành Lập, Ngư Lộc | Nguyễn Văn Toán | 962382757 |
|
|
|
|
28 | Nguyễn Văn Duẩn | Thành Lập, Ngư Lộc | Nguyễn Văn Duẩn | 972402132 |
|
|
|
|
29 | Công ty Phương Oanh | Thành Lập, Ngư Lộc |
| 982892603 | 3 | 50 |
|
|
30 | Lê Xuân Hùng | Thắng Phúc, Ngư Lộc | Lê Xuân Hùng | 972005389 | 1 | 1 |
|
|
31 | Phạm Văn Long | Thắng Phúc, Ngư Lộc | Phạm Văn Long | 968181245 | 1 | 3 |
|
|
32 | Bùi Thị Miện | Thắng Phúc, Ngư Lộc | Bùi Thị Miện | 98415619 | 1 | 2 |
|
|
33 | Bùi Trung Thắng | Bắc Thọ, Ngư Lộc | Bùi Trung Thắng | 978667321 | 1 | 1 |
|
|
| Tổng cộng |
|
|
| 25 | 324 | 1 | 4 |
V | Huyện Nga Sơn |
|
|
|
|
|
|
|
1 | HTX Nông nghiệp xã Nga Yên | Xã Nga Yên |
| 947804616 |
|
| 1 | 40 |
2 | Nguyễn Văn Minh | Xã Nga Bạch | Nguyễn Văn Minh |
| 1 | 6.5 |
|
|
3 | Nguyễn Văn Bảy | Xã Nga Bạch | Nguyễn Văn Bảy |
| 1 | 6.5 |
|
|
4 | Hoàng Văn Hưng | Xã Nga Bạch | Hoàng Văn Hưng |
| 1 | 6.5 |
|
|
| Tổng cộng |
|
|
| 3 | 19.5 | 1 | 40 |
VI | Huyện Ngọc Lặc |
|
|
|
|
|
|
|
1 | HTX DVNN và XD Hưng Thịnh | Thanh Bình xã Thúy Sơn | Phạm Văn Mư | 946921525 | 1 | 30 | 1 | 750 |
| Tổng cộng |
|
|
| 1 | 30 | 1 | 750 |
VII | Huyện Thiệu Hóa |
|
|
|
|
|
|
|
1 | Lê Văn Trường | Đỉnh Tân - Thiệu Phú | Lê Văn Trường | 979.842.262 | 1 | 5 |
|
|
2 | Thảo Hai | Tiểu khu 2 TT Thiệu Hóa | Nguyễn Thị Thảo | 358.989.515 | 1 | 2 |
|
|
| Tổng cộng |
|
|
| 2 | 7 |
|
|
VIII | Huyện Yên Định |
|
|
|
|
|
|
|
1 | HTX rau quả Cẩm Sơn | Xã Yên Thái | Nguyễn Văn Quân | 982094759 |
|
| 1 | 20 |
2 | Công ty GCT TW Chi nhánh Thanh Hóa | TT Quán Lào | Phạm Trung Kiên | 983012486 |
|
| 1 | 1400 |
3 | Trung tâm DVNN huyện | Xã Định Long | Trần Thị Quân | 983683945 |
|
| 1 | 200 |
| Tổng cộng |
|
|
|
|
| 3 | 1.620 |
IX | Thị xã Nghi Sơn |
|
|
|
|
|
|
|
1 | Hà Minh | Liên Đình- Hải Bình | Nguyễn Văn Minh | 984598386 | 1 | 15 |
|
|
2 | Hùng Quyên | Liên Đình- Hải Bình | Bùi Văn Hùng |
| 1 | 10 |
|
|
3 | Tâm Sáu | Liên Đình- Hải Bình | Nguyễn Văn Tâm | 986852219 | 1 | 20 |
|
|
4 | Minh Đông | Liên Đình- Hải Bình | Hoàng Minh Đông | 969966977 | 1 | 20 |
|
|
5 | Hùng Ái | Tiền Phong- Hải Bình | Nguyễn Thị Ái |
| 1 | 20 |
|
|
6 | Thắng | Nam Hải- Hải Bình | Nguyễn Văn Thắng |
| 1 | 15 |
|
|
7 | Vinh Nhung | Liên Hưng- Hải Bình | Đỗ Ngọc Vinh |
| 1 | 12 |
|
|
8 | Hồng Hà | Nam Hải- Hải Bình | Lê Thị Hồng |
| 1 | 5 |
|
|
9 | Hiền Lâm | Liên Hưng- Hải Bình | Nguyễn Thị Hiền | 974408070 | 1 | 5 |
|
|
10 | Tình Hương | Tiền phong- Hải Bình | Nguyễn Thị Hương | 976782788 | 1 | 10 |
|
|
11 | Hà Lai | Tiền phong- Hải Bình | Phan Thị Hà | 989063056 | 1 | 10 |
|
|
12 | Toàn Huệ | Tiền phong- Hải Bình | Nguyễn Văn Toàn | 985821134 | 1 | 10 |
|
|
13 | Sỹ Giang | Tiền phong- Hải Bình | Nguyễn Văn Sỹ | 978583714 | 1 | 10 |
|
|
14 | Bình Dương | Tiền phong- Hải Bình | Nguyễn Thị Bình | 963127897 | 1 | 20 |
|
|
15 | Cảnh Hội | Tân Hải- Hải Bình | Nguyễn Văn Cảnh | 394410002 | 1 | 15 |
|
|
16 | Hải Xíu | Liên Thịnh- Hải Bình | Bùi Thị Hải | 912220702 | 1 | 10 |
|
|
17 | Hoa Khang | Nam Hải- Hải Bình | Nguyễn Thị Hoa | 973332721 | 3 | 50 |
|
|
18 | Minh Thinh | Nam Hải- Hải Bình | Phạm Văn Minh | 978774113 | 1 | 30 |
|
|
19 | Tùng Mai | Tân Hải -Hải Bình | Phạm Thị Mai | 394387266 | 1 | 5 |
|
|
20 | Tùng Hiền | Liên Hưng- Hải Bình | Bùi Thị Hiền |
| 1 | 8 |
|
|
21 | Nguyễn Tuyên | TDP Thanh Bình Hải Ninh | Nguyễn Tuyên | 978002220 | 1 | 9 |
|
|
22 | Hoàng Đức Ca | TDP Hồng Kỳ- Hải Ninh | Hoàng Đức Ca | 912798343 | 1 | 5 |
|
|
23 | Lê Thị Toan | Sơn Hải - Ninh Hải | Lê Thị Toan | 912163216 | 1 | 20 |
|
|
24 | Cao Ngọc Mười | Sơn Hải - Ninh Hải | Cao Ngọc Mười | 866073555 | 1 | 5 |
|
|
25 | Mai Huy Huệ | Đức Thành - Ninh Hải | Mai Huy Huệ | 974654785 | 2 | 30 |
|
|
26 | Phạm Văn Thành | Thượng Hải- Hải Thanh | Phạm Văn Thành | 973934266 | 1 | 60 |
|
|
27 | Trần Thế Hồng | Thượng Hải- Hải Thanh | Trần Thế Hồng | 913378016 | 1 | 60 |
|
|
28 | Nguyễn Đình Đức | Thượng Hải- Hải Thanh | Nguyễn Đình Đức | 938260888 | 2 | 90 |
|
|
29 | Nguyễn Văn Tuyên | Thượng Hải- Hải Thanh | Nguyễn Văn Tuyên | 915277085 | 2 | 80 |
|
|
30 | Trần Thế Tịnh | Thượng Hải- Hải Thanh | Trần Thế Tịnh |
| 1 | 30 |
|
|
31 | Nguyễn Văn Minh | Thượng Hải- Hải Thanh | Nguyễn Văn Minh | 931360777 | 1 | 60 |
|
|
32 | Nguyễn Đình Ngọc | Thượng Hải- Hải Thanh | Nguyễn Đình Ngọc |
| 1 | 60 |
|
|
33 | Nguyễn Thái Sơn | Thượng Hải- Hải Thanh | Nguyễn Thái Sơn | 983826041 | 1 | 40 |
|
|
34 | Nguyễn Văn Huy | Thượng Hải- Hải Thanh | Nguyễn Văn Huy | 977951954 | 2 | 90 |
|
|
35 | Nguyễn Văn Minh | Thượng Hải- Hải Thanh | Nguyễn Văn Minh | 976939992 | 1 | 60 |
|
|
36 | Đậu Văn Sỹ | Thượng Hải- Hải Thanh | Đậu Văn Sỹ | 914541867 | 2 | 120 |
|
|
37 | Nguyễn Văn Hoan | Thượng Hải- Hải Thanh | Nguyễn Văn Hoan |
| 2 | 60 |
|
|
38 | Trần Thị Toàn | Thượng Hải- Hải Thanh | Trần Thị Toàn | 977950368 | 1 | 60 |
|
|
39 | Nguyễn Thái Sơn | Thượng Hải- Hải Thanh | Nguyễn Thái Sơn | 912122572 | 1 | 40 |
|
|
| Tổng cộng |
|
|
| 47 | 1279 |
|
|
X | Huyện Quảng Xương |
|
|
|
|
|
|
|
1 | Phạm Văn Đức | Xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương |
| 1662988149 | 14 | 8.400 |
|
|
2 | Đinh Xuân Thủy | Xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương |
| 912299866 | 10 | 12.000 |
|
|
3 | Ngô Thị Loan | Xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương |
| 982885535 | 3 | 1.080 |
|
|
4 | Ngô Kỳ Thọ | Xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương |
| 912021635 | 3 | 1.080 |
|
|
5 | Phạm Văn Tự | Xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương |
| 961634474 | 4 | 960 |
|
|
6 | Ngô Văn Đức | Xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương |
| 988728776 | 5 | 1.800 |
|
|
| Tổng cộng |
|
|
| 39 | 25.320 |
|
|
_____________________
1 Theo định mức tiêu dùng bình quân của 01 người/30 ngày đối với các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân tại Công văn số 1998/BCT-TTTN ngày 20/3/2020 của Bộ Công Thươngq
Lược đồ
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây