ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG ------- Số: 20/2015/QĐ-UBND | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ------------------------------- Hà Giang, ngày 07 tháng 10 năm 2015 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BIÊN GIỚI
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG
---------------------------------
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Biên giới quốc gia ngày 17 tháng 6 năm 2003;
Căn cứ Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ngày 18 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 34/2014/NĐ-CP ngày 29 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ về Quy chế khu vực biên giới đất liền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Ngoại vụ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp quản lý nhà nước về biên giới trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 1568/2005/QĐ-UBND ngày 05/8/2005 của UBND tỉnh Hà Giang về việc ban hành Quy chế phối hợp quản lý nhà nước về Biên giới trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở, ban, ngành tỉnh; Giám đốc Công an tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: - Như Điều 3; - Văn phòng Chính phủ; - Bộ Ngoại Giao; - Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp; - Thường trực Tỉnh ủy; - Thường trực HĐND tỉnh; - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; - Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh; - Lãnh đạo VPUBND tỉnh (NC); - Sở Tư pháp; - Cổng TTĐT tỉnh Hà Giang; - Trung tâm Công báo - Tin học tỉnh; - Lưu: VT, NC. | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN CHỦ TỊCH Đàm Văn Bông |
QUY CHẾ
PHỐI HỢP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BIÊN GIỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 20/2015/QĐ-UBND ngày 07 tháng 10 năm 2015
của Ủy ban nhân dân tỉnh)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định về nguyên tắc, phương thức, nội dung, trách nhiệm phối hợp giữa các Sở, ngành, đơn vị liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện biên giới trong công tác quản lý nhà nước về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc thuộc địa bàn tỉnh Hà Giang.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy chế này áp dụng đối với các Sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện biên giới và các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh.
Điều 3. Nguyên tắc phối hợp
Công tác phối hợp phải tập trung thống nhất dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, điều hành chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện biên giới trên địa bàn tỉnh, bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật, phù hợp các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về biên giới.
Điều 4. Nội dung phối hợp
1. Phối hợp tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý những vấn đề liên quan đến công tác quản lý nhà nước về biên giới trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
2. Trao đổi những thông tin về tình hình an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, những vấn đề liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới Quốc gia trên địa bàn biên giới của tỉnh.
3. Phối hợp xử lý giải quyết các vụ việc xảy ra trên biên giới và các vụ việc liên quan đến công tác quản lý nhà nước về biên giới thuộc địa bàn của tỉnh.
4. Phối hợp trong công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật, các văn kiện pháp lý về biên giới, vận động quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ đường biên giới, mốc giới Quốc gia thuộc địa bàn tỉnh Hà Giang quản lý.
5. Phối hợp trong công tác mở mới, nâng cấp các cặp cửa khẩu, lối mở, triển khai chính sách phát triển kinh tế biên mậu, kinh tế cửa khẩu, quản lý xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại.
6. Phối hợp trong triển khai xây dựng các công trình bảo vệ đường biên giới, kè bảo vệ sông suối biên giới, mốc giới Quốc gia và phát quang đường thông tầm nhìn biên giới trên địa bàn biên giới của tỉnh.
Chương II
TRÁCH NHIỆM PHỐI HỢP
Điều 5. Trách nhiệm của Sở Ngoại vụ
1. Chủ trì, đôn đốc, phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh và UBND các huyện biên giới thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về biên giới; xử lý, giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác quản lý nhà nước về biên giới, chủ quyền lãnh thổ thuộc thẩm quyền của tỉnh.
2. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, triển khai chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về biên giới, lãnh thổ Quốc gia và chính sách phát triển kinh tế xã hội vùng biên giới của tỉnh, các hoạt động đối ngoại của địa phương.
3. Kịp thời trao đổi thông tin với các ngành chức năng của tỉnh và UBND các huyện biên giới về chủ trương, chính sách, hoạt động của nước láng giềng có ảnh hưởng liên quan đến công tác quản lý, xây dựng và bảo vệ biên giới trên địa bàn tỉnh.
4. Phối hợp, hướng dẫn các ngành chức năng, chính quyền các cấp và tham mưu cho tỉnh đàm phán với Chính quyền và các cơ quan chức năng của nước láng giềng để thống nhất các hoạt động đối ngoại, giải quyết các vụ việc liên quan đến công tác quản lý, xây dựng, bảo vệ biên giới, công tác lãnh sự bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân mà hai bên cùng quan tâm ở các cấp.
5. Tổng hợp tình hình quản lý biên giới báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Giang và Ủy ban biên giới Quốc gia - Bộ ngoại giao.
Điều 6. Trách nhiệm của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh
1. Chủ trì, phối hợp với Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, các ngành chức năng và chính quyền địa phương các cấp trong hoạt động quản lý, bảo vệ đường biên giới, mốc giới Quốc gia; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới theo quy định của pháp luật. Chủ động, tổ chức lực lượng tuần tra bảo vệ đường biên giới, mốc giới, chủ quyền lãnh thổ; đấu tranh phòng, chống tội phạm, buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, gian lận thương mại và các hành vi vi phạm pháp luật khác; tăng cường công tác đối ngoại Biên phòng, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển.
2. Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh và UBND các huyện biên giới thực hiện nhiệm vụ sau:
a) Tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh về nội dung phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; củng cố cơ sở chính trị, xây dựng khu vực biên giới đất liền vững mạnh về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
b) Tham mưu triển khai các nội dung liên quan đến việc mở, nâng cấp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương), cửa khẩu phụ, lối mở biên giới theo quy định của pháp luật.
c) Xử lý, giải quyết các vụ việc xảy ra trên tuyến biên giới, các vi phạm 03 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, các quy định chung của Ủy ban liên hợp biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, tham mưu, đề xuất với cấp trên về chủ trương, biện pháp giải quyết.
3. Kịp thời thông báo, trao đổi tình hình về âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch và các loại tội phạm liên quan có thể gây nguy hại đến chủ quyền, biên giới lãnh thổ và lợi ích Quốc gia, các hoạt động vi phạm các văn kiện pháp lý về biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc thuộc địa bàn tỉnh Hà Giang.
4. Phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh và UBND các huyện biên giới tuyên truyền, triển khai chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về biên giới, lãnh thổ Quốc gia và chính sách phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới của tỉnh.
Điều 7. Trách nhiệm của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh
1. Chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan trong công tác quản lý nhà nước về quốc phòng ở địa phương; tổ chức lực lượng sẵn sàng cơ động, chi viện để phối hợp xử lý, giải quyết các vụ việc xảy ra trên biên giới khi có lệnh; đảm bảo giữ vững chủ quyền lãnh thổ và lợi ích Quốc gia trên phạm vi địa bàn toàn tỉnh.
2. Phối hợp với các ngành chức năng liên quan và UBND các huyện biên giới kịp thời trao đổi các tin tức thu thập được về tình hình, âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, hoạt động tình báo gián điệp, phản động và các loại tội phạm khác có hành vi xâm phạm đến lợi ích Quốc gia, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên tuyến biên giới của tỉnh.
Điều 8. Trách nhiệm của Công an tỉnh
1. Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền các cấp của tỉnh xử lý, giải quyết các vụ việc xảy ra trên địa bàn tỉnh liên quan đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, quản lý xuất nhập cảnh theo quy định của pháp luật.
2. Chủ động trao đổi với các ngành chức năng và UBND các huyện biên giới những thông tin, tình hình có liên quan về âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch và các loại tội phạm, tình hình xuất nhập cảnh liên quan đến hoạt động xâm phạm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên tuyến biên giới của tỉnh.
3. Phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, các ngành chức năng của tỉnh và UBND các huyện biên giới tham mưu xử lý, giải quyết những vấn đề liên quan đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới và ảnh hưởng xấu chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Điều 9. Trách nhiệm của Cục Hải Quan tỉnh 1. Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng liên quan thực hiện tốt chức năng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa qua lại biên giới theo quy định của pháp luật.
2. Kịp thời thông tin cho các ngành chức năng về tình hình liên quan hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa qua lại biên giới trái pháp luật, có ảnh hưởng đến sự ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới của tỉnh.
3. Phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền và xử lý kịp thời những vụ việc liên quan công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại ngay tại biên giới, không để gây ảnh hưởng đến khu vực biên giới và nội địa.
Điều 10. Trách nhiệm của Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Giang
Phối hợp quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; tham mưu ban hành cơ chế chính sách liên quan đến các khu công nghiệp, khu kinh tế, các cửa khẩu biên giới đất liền trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Điều 11. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện biên giới
1. Chủ trì, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về biên giới, lãnh thổ; tổ chức các lực lượng chức năng, huy động quần chúng nhân dân thực hiện phong trào toàn dân tham gia xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; xây dựng khu vực biên giới đất liền vững mạnh về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh.
2. Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân trên địa bàn huyện về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, hiểu rõ và thực hiện đúng các văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc và các văn bản thỏa thuận của Ủy ban liên hợp biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc đã ký kết, thỏa thuận; tuyên truyền, hướng dẫn, quản lý cư dân trên địa bàn huyện qua lại biên giới theo quy định và giải quyết các vấn đề liên quan đến lao động tự do qua biên giới.
3. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng phối hợp với Bộ đội Biên phòng và các cơ quan có liên quan trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hoạt động vi phạm chủ quyền, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội trong khu vực biên giới đất liền trên địa bàn huyện quản lý theo quy định của pháp luật.
4. Chủ trì, tổ chức việc đàm phán với chính quyền, cơ quan ngoại vụ cấp huyện nước láng giềng để thống nhất xác định việc tu sửa, xây dựng mới các công trình trên biên giới theo quy định; xử lý tốt những vấn đề liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ đường biên giới, mốc giới Quốc gia thuộc địa bàn huyện quản lý.
5. Thường xuyên phối hợp, báo cáo tình hình, chủ trương, chính sách và hoạt động của nước láng giềng có ảnh hưởng, liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ biên giới trên địa bàn của huyện. Cung cấp những thông tin về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân khu vực biên giới.
Điều 12. Trách nhiệm của các Sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố (ngoài các huyện biên giới) và cơ quan, đơn vị liên quan
Các Sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan, căn cứ chức năng, nhiệm vụ thuộc lĩnh vực do ngành, đơn vị quản lý, có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý nhà nước về biên giới trên địa bàn toàn tỉnh; kịp thời tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý những vấn đề liên quan theo đúng quy định của pháp luật.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 13. Chế độ báo cáo
1. Sở Ngoại vụ chủ trì, đôn đốc, phối hợp với các Sở, ban, ngành, đơn vị liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổng hợp, xây dựng báo cáo định kỳ, đột xuất để báo cáo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang và Ủy ban Biên giới Quốc gia - Bộ Ngoại giao.
2. Thời gian gửi báo cáo.
a) Báo cáo định kỳ:
- Báo cáo tháng gửi trước ngày 25 hàng tháng, số liệu báo cáo tính từ ngày 25 của tháng trước đến ngày 25 của tháng kế tiếp.
- Báo cáo 6 tháng đầu năm gửi trước ngày 25/5.
- Báo cáo năm gửi trước ngày 25/11.
b) Báo cáo đột xuất:
Khi có vụ việc đột xuất xảy ra ở khu vực biên giới của tỉnh, các ngành, đơn vị chức năng và Ủy ban nhân dân huyện biên giới phải báo cáo ngay với Ủy ban nhân dân tỉnh qua Sở Ngoại vụ tổng hợp, đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh kịp thời xử lý.
3. Sơ kết, tổng kết.
Sở Ngoại vụ chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện biên giới, hàng năm tổ chức hội nghị sơ kết, 05 năm tổ chức hội nghị tổng kết đánh giá việc thực hiện Quy chế này.
Điều 14. Khen thưởng, kỷ luật
1. Đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Quy chế này, được đề nghị khen thưởng theo quy định hiện hành.
2. Đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định trong Quy chế này, tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 15. Điều khoản thi hành
1. Sở Ngoại vụ theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Quy chế này.
2. Các Sở, ban, ngành, đơn vị liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm phối hợp, tham mưu, tổ chức thực hiện nghiêm túc Quy chế này.
3. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc, các ngành, đơn vị, địa phương phản ánh kịp thời về Sở Ngoại vụ để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.