Kế hoạch 214/KH-UBND 2019 Hà Nội thực hiện Tháng hành động vì bình đẳng giới
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
thuộc tính Kế hoạch 214/KH-UBND
Cơ quan ban hành: | Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 214/KH-UBND |
Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Kế hoạch |
Người ký: | Ngô Văn Quý |
Ngày ban hành: | 24/09/2019 |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | |
Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Lĩnh vực: | Chính sách |
tải Kế hoạch 214/KH-UBND
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI ------------ Số: 214/KH-UBND | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM ------------- Hà Nội, ngày 24 tháng 9 năm 2019 |
KẾ HOẠCH
Thực hiện Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực
trên cơ sở giới trên địa bàn Thành phố năm 2019
------------------------
Thực hiện Quyết định số 1696/QĐ-TTg ngày 02/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020; Công văn số 3304/LĐTBXH-BĐG ngày 06/8/2019 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về hướng dẫn triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2019, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn Thành phố năm 2019 (sau đây gọi tắt Tháng hành động), với những nội dung sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Thu hút sự quan tâm, đề cao vai trò, trách nhiệm và tính chủ động tham gia hành động của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong việc phòng, chống bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em.
- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, vận động toàn xã hội chủ động, tích cực hành động nhằm thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.
- Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, tự phòng ngừa xâm hại cho phụ nữ và trẻ em; kiến thức, kỹ năng phòng ngừa xâm hại tình dục, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em cho các thành viên gia đình, người làm công tác bình đẳng giới và trẻ em.
- Giảm thiểu, tiến tới chấm dứt tình trạng bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em; đẩy mạnh công tác phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em; tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan.
2. Yêu cầu
- 100% các Sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch chỉ đạo và tổ chức các hoạt động hưởng ứng trong Tháng hành động.
- Tổ chức các hoạt động trong Tháng hành động thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm; lồng ghép với các sự kiện khác tạo hiệu ứng về truyền thông trong toàn xã hội; Chú trọng các hoạt động ở cấp cộng đồng, vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số.
II. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG TRỌNG TÂM
1. Chủ đề Tháng hành động năm 2019
“ Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em”
2. Thời gian: Từ ngày 15/11/2019 đến ngày 15/12/2019.
3. Bộ nhận diện và các thông điệp tuyên truyền
a) Bộ nhận diện truyền thông: Theo phụ lục đính kèm
b) Thông điệp truyền thông
- Hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2019.
- Hưởng ứng Ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25/11/2019.
- Bình đẳng giới là chìa khóa để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.
- Chủ động phòng, ngừa và ứng phó với bạo lực, xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em.
- Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương.
- Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.
- Hãy hành động, đó có thể là người thân của bạn.
- Hãy tố cáo hành vi bạo lực, xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em.
- Hãy hành động vì cộng đồng an toàn, bình đẳng, không bạo lực, xâm hại tình dục.
- Hãy hành động để chấm dứt xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em.
- Im lặng không phải là cách để bảo vệ bản thân và nạn nhân bị xâm hại.
- Xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em là tội ác nghiêm trọng.
- Hãy tố cáo khi bị quấy rối tình dục
- Pháp luật nghiêm trị mọi hành vi bạo lực, xâm hại, quấy rối tình dục đối với phụ nữ và trẻ em.
- Hãy lên tiếng khi bị bạo lực. Mọi người sẽ giúp bạn!
4. Nội dung hoạt động
Tháng hành động là điểm nhấn trong công tác bình đẳng giới của năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông đẩy mạnh các hoạt động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn Thành phố. Với chủ đề Tháng hành động năm 2019, UBND Thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo, thực hiện và hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trực thuộc triển khai một số hoạt động chính, cụ thể:
- Căn cứ vào tình hình thực tế của đơn vị và địa phương lựa chọn hình thức tổ chức phù hợp như: Tổ chức mít tinh, biểu diễn nghệ thuật, thắp sáng một số địa điểm bằng ánh đèn màu cam, diễu hành, treo băng rôn, khẩu hiệu, pano áp phích ... tại trụ sở cơ quan, trường học, các trục đường chính, nơi công cộng, khu vực trung tâm và đông dân cư.
- Tổ chức tuyên truyền về chủ đề, thông điệp và các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động năm 2019 trên các phương tiện thông tin đại chúng của Thành phố; hệ thống Đài Truyền thanh huyện, thị xã và xã, thị trấn; Đẩy mạnh truyền thông xã hội qua các trang thông tin điện tử, báo mạng, các kênh xã hội...
- Tổ chức diễn đàn đối thoại, tọa đàm, hội thảo, tập huấn về các nội dung liên quan đến chủ đề của Tháng hành động, phát hiện các khó khăn, hạn chế qua đó đề xuất, kiến nghị xây dựng các chính sách, chương trình, dự án về phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Tổ chức các cuộc thi: tìm hiểu pháp luật, thi tuyên truyền viên giỏi, giao lưu văn nghệ, thể thao ... theo chủ đề của Tháng hành động. Tổ chức gặp mặt, biểu dương những điển hình, điểm sáng, cá nhân tiêu biểu trong công tác bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em nói chung, triển khai thực hiện Tháng hành động năm 2019 nói riêng.
- Sản xuất, phát hành rộng rãi các sản phẩm truyền thông về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục với phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là các tài liệu tuyên truyền tại cộng đồng.
- Đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực để triển khai Tháng hành động, tăng cường xã hội hóa các hoạt động truyền thông và hỗ trợ nạn nhân bị xâm hại, bị bạo lực, bị mua bán, phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ...
- Tăng cường tổ chức kiểm tra liên ngành về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trong Tháng hành động. Xử lý nghiêm khắc các vụ việc vi phạm.
- Gửi tin bài về hoạt động triển khai Tháng hành động năm 2019 tại các Sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã để đăng trên trang Thông tin điện tử của Sở Lao động Thương binh và Xã hội, các cơ quan báo chí khác.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Lao động Thương binh và Xã hội
- Là cơ quan thường trực, chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan triển khai tổ chức Tháng hành động bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn Thành phố.
- Tham mưu, tổ chức Lễ phát động Tháng hành động năm 2019 cấp Thành phố ngày 15/11/2019 tại quận cầu Giấy.
- Tổ chức các hoạt động truyền thông tại cộng đồng, xây dựng chuyên đề tuyên truyền trên Tạp chí Gia đình và Trẻ em, in ấn và cấp phát lịch tuyên truyền các thông điệp phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, căng treo khẩu hiệu hưởng ứng Tháng hành động tại trụ sở cơ quan, tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên, tình nguyện viên về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.
- Tổng hợp kết quả hoạt động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2019 báo cáo UBND Thành phố và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội theo quy định.
2. Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội
- Tổ chức triển khai thực hiện Tháng hành động về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2019; chỉ đạo các cấp Hội tăng cường tổ chức hoạt động tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Chú trọng tuyên truyền các nội dung tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị, chính quyền các cấp.
- Tăng cường tổ chức các hoạt động phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em.
3. Sở Văn hóa và Thể thao
- Triển khai Kế hoạch thực hiện Tháng hành động về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2019 đên các phòng Văn hóa thể thao cơ sở.
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước các hoạt động quảng cáo ngoài trời liên quan đến hoạt động và công tác bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới trong Tháng hành động; chỉ đạo tăng cường tuyên truyền chủ đề “Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em”; các thông điệp truyền thông của Tháng hành động; tổ chức treo băng rôn, khẩu hiệu, pa nô, áp phích và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao hưởng ứng Tháng hành động tại các điểm tập trung đông người và đầu mối giao thông đúng quy định.
4. Sở Thông tin và Truyền thông
- Hướng dẫn, phối hợp các cơ quan báo chí Thành phố đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em trong Tháng hành động năm 2019.
- Tổ chức thanh tra, kiểm tra các hoạt động thông tin trên báo giấy, báo mạng, Internet về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; xử lý nghiêm những hành vi xuất bản các ấn phẩm, sản phẩm thông tin có nội dung định kiến giới.
5. Công an thành phố Hà Nội
Chỉ đạo Công an các quận, huyện, thị xã đảm bảo an toàn, an ninh trật tự tại các địa điểm tổ chức các hoạt động cao điểm trong Tháng hành động năm 2019; Điều tra, xử lý nghiêm các vụ bạo lực, xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em trên địa bàn Thành phố.
6. Các Sở, ban, ngành khác của Thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình, xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo hành trên cơ sở giới năm 2019 thiết thực, hiệu quả, an toàn và lan tỏa.
7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội chỉ đạo các tổ chức đoàn thể thành viên hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2019, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân nâng cao nhận thức, tích cực tham gia phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.
8. Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, các cơ quan báo chí của thành phố Hà Nội
- Tích cực đăng tin, bài viết về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em trong đợt cao điểm từ ngày 15/11-15/12/2019.
- Phát hiện, tuyên truyền các gương điển hình tiêu biểu thực hiện tốt công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, phê phán những hành động bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em.
9. UBND các quận, huyện, thị xã
- Ban hành kế hoạch và chỉ đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2019 phù hợp điều kiện địa phương.
- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân thực hiện bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em; xây dựng chuyên đề, tăng cường thời lượng, tin bài tuyên truyên phát trên hệ thống loa truyền thanh xã, thị trấn theo chủ đề Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2019.
- Tăng cường công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực, xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em xảy ra tại gia đình và cộng đồng, địa phương.
- Bố trí nguồn lực triển khai thực hiện các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động tại địa phương.
- UBND quận cầu Giấy phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thành công Lễ phát động Tháng hành động năm 2019 cấp Thành phố vào ngày 15/11/2019.
UBND Thành phố đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội và các đoàn thể Thành phố; yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã nghiêm túc triển khai thực hiện Kế hoạch này; Thực hiện chế độ thông tin báo cáo về cơ quan thường trực - Sở Lao động Thương binh và Xã hội (Kế hoạch triển khai thực hiện Tháng hành động gửi trước ngày 15/11/2019; báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 20/12/2019) để tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội theo quy định.
Nơi nhận: - Bộ LĐTB&XH; - Chủ tịch UBND Thành phố; - T.Trực: Thành uỷ, HĐND Thành phố; - Các Phó Chủ tịch UBND Thành phố; - UBMTTQVN thành phố Hà Nội; - Các Sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố; - UBND các quận, huyện, thị xã; - Đài PT&TH Hà Nội, Báo Hà Nội Mới, Báo Kinh tế và Đô thị, TTXVN-Phân xã Hà Nội; - VPUB: CVP, PCVP Đ.H.Giang, phòng KGVX, NC, TH, TKBT; - Lưu: VT, KGVX(Ngọc). | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN KT. CHỦ TỊCH PHÓ CHỦ TỊCH
Ngô Văn Quý |
Bộ nhận diện truyền thông Tháng hành động
vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới
(Kèm theo kế hoạch số 214/KH-UBND ngày 24 tháng 9 năm 2019)
1. HÌNH ẢNH:
- Nhìn thoáng là 1 trái tim. - Ngắm kỹ là một con người được ghép từ 2 hình người đang ôm nhau, hòa nhập thành một. - Hình ảnh biểu đạt cảm xúc yêu thưong, gắn kết khăng khít, gần gũi. - Hai cánh tay ôm nhau kết thành hình ảnh chiếc ruy băng trắng - là biểu tượng của chiến dịch toàn cầu lớn nhất của nam giới, bắt đầu từ năm 1991, nhằm chống lại bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, thúc đẩy bình đẳng giới. Hiện nay, chiến dịch đã được thực hiện tại hơn 57 quốc gia trên thế giới. |
2. MÀU SẮC:
- Màu cam là màu đã được Liên hiệp quốc lựa chọn là màu biểu tượng cho chiến dịch toàn cầu về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
- Ruy băng màu trắng là biểu tượng của chiến dịch truyền thông của nam giới nhằm kêu gọi xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới.
Lược đồ
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây