Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Dự thảo Thông tư về tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội
- Thuộc tính
- Nội dung
- Tải về
thuộc tính Thông tư
Lĩnh vực: | Chính sách | Loại dự thảo: | Thông tư |
Cơ quan chủ trì soạn thảo: | Ngân hàng Nhà nước Việt Nam | Trạng thái: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.Dự thảo này đã được thông qua. Xem văn bản chính thức tại đây.
Tải Thông tư
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM ----- Số: /2020/TT-NHNN DỰ THẢO
| CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày tháng năm 2020 |
THÔNG TƯ
Quy định về tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội theo
Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19
---------
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng ngày 20 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số 16/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Căn cứ Quyết định số 16/2003/QĐ-TTg ngày 22 tháng 01 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội;
Căn cứ Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19;
Căn cứ Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ;
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư quy định về tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
Thông tư này quy định về việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước) tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (sau đây gọi là Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg).
Điều 2. Số tiền tái cấp vốn
1. Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn theo số tiền Ngân hàng Chính sách xã hội đề nghị để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg.
2. Tổng số tiền tái cấp vốn tối đa 16.000 tỷ đồng (mười sáu nghìn tỷ đồng).
Điều 3. Lãi suất tái cấp vốn
1. Lãi suất tái cấp vốn là 0%/năm.
2. Lãi suất tái cấp vốn quá hạn là 0%/năm.
Điều 4. Thời hạn tái cấp vốn
Thời hạn tái cấp vốn là 364 ngày, kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước giải ngân tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội.
Điều 5. Tài sản bảo đảm
Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn không có tài sản bảo đảm đối với Ngân hàng Chính sách xã hội.
Điều 6. Trình tự tái cấp vốn
1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của Ngân hàng Chính sách xã hội, Vụ Chính sách tiền tệ đầu mối trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có Quyết định tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội số tiền tối đa theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư này, gửi Ngân hàng Chính sách xã hội và các đơn vị liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước.
2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Quyết định tái cấp vốn theo quy định tại khoản 1 Điều này, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Chính sách xã hội ký hợp đồng nguyên tắc về tái cấp vốn với các nội dung cơ bản theo Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 7. Giải ngân tái cấp vốn
1. Trên cơ sở Hợp đồng nguyên tắc về tái cấp vốn quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư này và Danh sách người sử dụng lao động đủ điều kiện vay vốn để trả lương ngừng việc đã được Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt theo quy định tại Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, Ngân hàng Chính sách xã hội gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính 01 Giấy đề nghị giải ngân tái cấp vốn theo Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này đến Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch).
2. Trong thời hạn tối đa 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Giấy đề nghị giải ngân tái cấp vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại khoản 1 Điều này, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước ký khế ước nhận nợ theo Phụ lục số 01A ban hành kèm theo Thông tư này và giải ngân tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội.
Điều 8. Trả nợ vay tái cấp vốn và xử lý đối với trường hợp Ngân hàng Chính sách xã hội không trả nợ đúng hạn
1. Ngân hàng Chính sách xã hội phải trả hết nợ gốc vay tái cấp vốn cho Ngân hàng Nhà nước từ tiền trả nợ của người sử dụng lao động vay vốn theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg khi khoản vay tái cấp vốn đến hạn.
2. Trường hợp đến hết ngày 31 tháng 7 năm 2020, Ngân hàng Chính sách xã hội không giải ngân hết tiền vay tái cấp vốn theo quy định tại Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg thì chậm nhất ngày 15 tháng 8 năm 2020, Ngân hàng Chính sách xã hội phải trả Ngân hàng Nhà nước số tiền vay tái cấp vốn không giải ngân hết.
3. Trường hợp phát sinh tiền trả nợ của người sử dụng lao động vay vốn theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, trong thời hạn 05 ngày làm việc đầu tháng tiếp theo, Ngân hàng Chính sách xã hội phải sử dụng toàn bộ số tiền trả nợ từ người sử dụng lao động trong tháng để trả trước hạn nợ vay tái cấp vốn Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân cho vay người sử dụng lao động từ nguồn vay tái cấp vốn theo khế ước nhận nợ nào thì trả nợ vay tái cấp vốn theo khế ước nhận nợ đó.
4. Trường hợp khoản tái cấp vốn đến hạn, Ngân hàng Chính sách xã hội không trả hết nợ theo quy định tại khoản 1 Điều này thì Ngân hàng Nhà nước chuyển khoản tái cấp vốn sang theo dõi quá hạn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về phương pháp tính và hạch toán thu, trả lãi trong hoạt động nhận tiền gửi và cho vay giữa Ngân hàng Nhà nước và tổ chức tín dụng.
5. Trường hợp nhận được thông tin từ Ngân hàng Chính sách xã hội, cơ quan có thẩm quyền hoặc qua công tác thanh tra, giám sát phát hiện Ngân hàng Chính sách xã hội có tiền trả nợtừ người sử dụng lao động mà không trả nợ vay tái cấp vốn theo đúng quy định tại khoản 1, 3 Điều này và/hoặc Ngân hàng Chính sách xã hội không trả nợ vay tái cấp vốn theo đúng quy định tại khoản 2 Điều này, Ngân hàng Nhà nước áp dụng biện pháp xử lý như sau:
a) Áp dụng lãi suất bằng lãi suất cho vay quá hạn của Ngân hàng Chính sách xã hội đối với người sử dụng lao động theo quy định tại Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg (12%/năm) đối với số tiền vay tái cấp vốn chưa trả đúng theo quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều này, kể từ ngày tiếp theo sau ngày phải trả theo quy định tại Thông tư này đến ngày Ngân hàng Chính sách xã hội trả hết nợ theo quy định;
b) Trích tài khoản tiền gửi của Ngân hàng Chính sách xã hội tại Ngân hàng Nhà nước để thu hồi số tiền vay tái cấp vốn Ngân hàng Chính sách xã hội chưa trả đúng hạn và tiền lãi theo quy định tại điểm a khoản này trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước có văn bản thông báo vi phạm gửi Ngân hàng Chính sách xã hội.
6. Ngân hàng Nhà nước xử lý rủi ro đối với khoản vay tái cấp vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội phát sinh quá hạn từ 03 năm trở lên theo quy định điểm b khoản 3 Mục IV Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và các quy định của pháp luật liên quan.
Điều 9. Trách nhiệm Ngân hàng Chính sách xã hội
1. Cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác cho Ngân hàng Nhà nước các văn bản, tài liệu về việc vay tái cấp vốn theo quy định tại Điều 7, khoản 4, 5 Điều này. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, hợp pháp của các văn bản, tài liệu đã cung cấp.
2. Ký hợp đồng nguyên tắc về tái cấp vốn, khế ước nhận nợ với Ngân hàng Nhà nước, nhận giải ngân tiền vay tái cấp vốn và trả nợ vay tái cấp vốn theo quy định tại Thông tư này.
3. Sử dụng tiền vay tái cấp vốn đúng mục đích; theo dõi, hạch toán, quản lý riêng khoản vay tái cấp vốn quy định tại Thông tư này.
4. Chậm nhất vào ngày 20 tháng 8 năm 2020, có văn bản giấy, gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính đến Ngân hàng Nhà nước (Vụ Chính sách tiền tệ, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế) báo cáo về việc sử dụng tiền vay tái cấp vốn theo Phụ lục số 03 ban hành kèm Thông tư này; thời gian chốt số liệu từ ngày bắt đầu nhận giải ngân tiền vay tái cấp vốn từ Ngân hàng Nhà nước đến hết ngày 31 tháng 7 năm 2020.
5. Trong thời hạn 10 ngày làm việc đầu tiên của tháng tiếp theo sau tháng phát sinh tiền trả nợ của người sử dụng lao động, có văn bản giấy, gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính đến Ngân hàng Nhà nước (Vụ Chính sách tiền tệ, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế), báo cáo về việc trả nợ vay tái cấp vốn từ tiền trả nợ của người sử dụng lao động theo Phụ lục số 04 ban hành kèm Thông tư này; thời gian chốt số liệu từ ngày 01 đến hết ngày cuối cùng của tháng phát sinh tiền trả nợ của người sử dụng lao động.
6. Trường hợp phát hiện có vi phạm theo quy định tại khoản 5 Điều 8 Thông tư này, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện, có văn bản giấy, gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính đến Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) báo cáo về việc vi phạm.
Điều 10. Trách nhiệm các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước
1. Vụ Chính sách tiền tệ
a) Đầu mối trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định việc tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại Điều 6 Thông tư này;
b) Đầu mối xử lý các vướng mắc phát sinh liên quan đến quy định tại Thông tư này;
c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại khoản 4 Điều 9 Thông tư này, báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc sử dụng tiền vay tái cấp vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội.
2. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng
a) Giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm theo thẩm quyền đối với Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc thực hiện các quy định tại Thông tư này;
b) Trường hợp nhận được thông tin từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, cơ quan có thẩm quyền hoặc qua công tác thanh tra, giám sát phát hiện Ngân hàng Chính sách xã hội có vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 8 Thông tư này, Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng đầu mối trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có văn bản thông báo vi phạm gửi Ngân hàng Chính sách xã hội, đồng thời gửi Vụ Chính sách tiền tệ, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước; văn bản thông báo vi phạm tối thiểu có nội dung về việc vi phạm của Ngân hàng Chính sách xã hội và biện pháp xử lý của Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại Thông tư này.
3. Sở giao dịch
a) Thực hiện ký hợp đồng nguyên tắc về tái cấp vốn, khế ước nhận nợ, giải ngân tái cấp vốn, thu nợ tái cấp vốn trên hệ thống phần mềm nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước đối với Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan;
b) Thực hiện các biện pháp quy định tại khoản 4, 5 Điều 8 Thông tư này;
c) Trong thời hạn 15 ngày làm việc đầu tháng, báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về số liệu tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội theo Phụ lục số 05 ban hành kèm theo Thông tư này; đồng thời gửi Vụ Chính sách tiền tệ, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế.
4. Vụ Tài chính - Kế toán
a) Hướng dẫn hạch toán kế toán liên quan đến việc tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại Thông tư này;
b) Đầu mối trong việc xử lý rủi ro đối với khoản vay tái cấp vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội quy định tại khoản 6 Điều 8 Thông tư này.
5. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố
a) Giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm theo thẩm quyền đối với Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc thực hiện các quy định tại Thông tư này;
b) Thông báo bằng văn bản cho Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng trong trường hợp phát hiện Ngân hàng Chính sách xã hội có vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 8 Thông tư này.
Điều 11. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày tháng năm 2020.
2. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố; Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này./.
Nơi nhận: - Như Khoản 2 Điều 11; - Ban Lãnh đạo NHNN; - Văn phòng Chính phủ; - Bộ Tư pháp (để kiểm tra); - Công báo; - Lưu: VP, PC, CSTT (03). | THỐNG ĐỐC |
Văn bản này có file đính kèm, tải Văn bản về để xem toàn bộ nội dung |
văn bản tiếng việt
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!