BỘ TÀI CHÍNH ---------------------- Số: 8078/BTC-QLG V/v: Tiếp tục tăng cường công tác quản lý, bình ổn giá thị trường trên địa bàn địa phương sau khi giảm giá xăng dầu, giá gas. | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 15 tháng 6 năm 2012 |
Kính gửi: Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
Thực hiện Nghị quyết số 13/2012/NQ-CP ngày 10/5/2012 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường; căn cứ diễn biến giá xăng dầu thế giới thời gian qua (từ tháng 5/2012 đến nay), Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã chỉ đạo thực hiện 3 đợt điều chỉnh giảm giá bán xăng dầu trong nước, với tổng mức giảm 3 đợt như sau:
- Xăng điều chỉnh giảm 1.900 đồng/lít (xăng RON 92 từ 23.800 đồng/lít xuống mức 21.900 đồng/lít);
- Điêzen điều chỉnh giảm 1.400 đồng/lít (điêzen 0,05S từ 21.900 đồng/lít xuống mức 20.500 đồng/lít);
- Dầu hỏa điều chỉnh giảm 1.000 đồng/lít (dầu hỏa từ 21.400 đồng/lít xuống mức 20.400 đồng/lít)
- Madut điều chỉnh giảm 950 đồng/kg (madut 3,5S từ 19.200 đồng/lít xuống mức 18.250 đồng/kg).
Cùng với xu hướng giá xăng dầu trên thị trường thế giới giảm, tạo điều kiện để giảm giá bán xăng dầu trong nước như trên; giá của mặt hàng gas (LPG) nhập khẩu cũng có diễn biến liên tục giảm từ tháng 4/2012 đến nay tạo cơ hội cho việc giảm giá gas trong nước, cụ thể: đầu tháng 4/2012, giá gas giảm còn khoảng 405.000-416.000 đồng/bình 12 kg, đến ngày 1/6/2012 còn khoảng 340.000-349.000 đồng/bình 12 kg tuỳ từng khu vực, giảm khoảng 65.000-67.000 đồng/bình 12kg, tương ứng giảm khoảng 16% so với tháng 4/2012.
Tình hình trên đã tác động tích cực đến sản xuất và đời sống. Để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, sau khi giá xăng dầu, giá gas đã được các doanh nghiệp thực hiện giảm như trên; căn cứ quy định của pháp luật về thẩm quyền kiểm soát việc đăng ký giá và kê khai giá, Bộ Tài chính đề nghị Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với cơ quan quản lý thị trường và các cơ quan liên quan trên địa bàn tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá và thực hiện các giải pháp bình ổn giá trên địa bàn, cụ thể như sau:
a) Hướng dẫn và kiểm soát các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đóng trên địa bàn địa phương rà soát, thực hiện kê khai lại giá cước vận tải theo giá xăng dầu đã điều chỉnh giảm. Đối với giá gas (LPG), tiếp tục giám sát chặt chẽ việc đăng ký lại giá gas đảm bảo mức giá gas bán lẻ phản ánh đúng tác động của giá nhập khẩu và thuế nhập khẩu LPG.
b) Chỉ đạo các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn (nhất là các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh có sử dụng nhiều xăng dầu) rà soát tính toán chi phí sản xuất để xây dựng giá bán hàng hoá, dịch vụ hợp lý, phù hợp với mặt bằng giá thị trường, có tính đến yếu tố giảm giá xăng dầu và các giải pháp hỗ trợ của Nhà nước về giảm, gia hạn, miễn có thời hạn các loại thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất, thuế môn bài, tiền sử dụng đất áp dụng đối với một số đối tượng được quy định cụ thể tại Nghị quyết sổ 13/2012/NQ-CP.
c) Thường xuyên theo dõi, nắm tình hình diễn biến giá cả thị trường, trước hết là các mặt hàng thiết yếu nhất là giá sữa, giá thuốc chữa bệnh cho người, thuốc bảo vệ động vật, thực vật, phân bón,…và kịp thời báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố có biện pháp thích hợp để bình ổn giá theo quy định của pháp luật.
d) Thực hiện giám sát chặt chẽ việc đăng ký giá, kê khai giá của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đối với những mặt hàng thuộc danh mục đăng ký giá, kê khai giá; kiên quyết dừng các trường hợp đăng ký tăng giá cao hơn tỷ lệ tác động của biến động giá yếu tố đầu vào chủ yếu. Kiểm soát chặt chẽ phương án giá hàng hoá dịch vụ thuộc danh mục Nhà nước định giá, sản phẩm, dịch vụ chi từ nguồn ngân sách nhà nước đảm bảo yêu cầu tiết kiệm, hiệu quả và không vượt dự toán đã được giao; trong đó lưu ý xác định chi phí tiền lương trong đơn giá sản phẩm theo đúng hướng dẫn của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tại công văn số 1685/LĐTBXH-LĐTL ngày 25/5/2012.
e) Tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định hiện hành về quản lý giá, quản lý thị trường theo quy định tại Nghị định số 84/2011/NĐ-CP ngày 20/9/2011 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá và quy định của pháp luật có liên quan.
g) Thực hiện chế độ báo cáo giá cả thị trường định kỳ và đột xuất theo quy định; đồng thời có văn bản báo cáo cụ thể về tình hình triển khai và kết quả thực hiện về Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá) trước ngày 20 hàng tháng để tổng hợp báo cáo Bộ, báo cáo Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ hàng tháng./.
Nơi nhận: - Như trên; - Bộ trưởng (để báo cáo); - Lãnh đạo Bộ (để báo cáo); - Bộ CT (Vụ TTTN, Cục QLTT); - Sở CT, Chi cục QLTT các địa phương; - Các phương tiện thông tin đại chúng; - Thanh tra Bộ Tài chính; - Lưu : VT, QLG. | TL. BỘ TRƯỞNG CỤC TRƯỞNG CỤC QUẢN LÝ GIÁ Nguyễn Tiến Thoả |