Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Công văn 4785/KTN của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiêt về Chương trình 327
- Thuộc tính
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
- Báo lỗi
- Gửi liên kết tới Email
- In tài liệu
- Chia sẻ:
- Chế độ xem: Sáng | Tối
- Thay đổi cỡ chữ:17
- Chú thích màu chỉ dẫn
thuộc tính Công văn 4785/KTN
Cơ quan ban hành: | Văn phòng Chính phủ | Số công báo: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Số hiệu: | 4785/KTN | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Công văn | Người ký: | Lê Xuân Trinh |
Ngày ban hành: | 29/08/1994 | Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Lĩnh vực: | Chính sách, Nông nghiệp-Lâm nghiệp |
tải Công văn 4785/KTN
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
CÔNG VĂN
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 4785/KTN NGÀY 29 THÁNG 8 NĂM 1994
VỀ KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VÕ VĂN KIỆT
VỀ CHƯƠNG TRÌNH 327
Kính gửi:
- Uỷ ban Nhân dân các Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương nơi có chương trình 327.
- Các Bộ: Lâm nghiệp, Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính.
- Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước.
- Uỷ ban Dân tộc và Miền núi.
- Tổng cục Địa chánh.
Ngày 11 tháng 8 năm 1994, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt chủ trì cuộc họp với Ban chỉ đạo chương trình 327 của Trung ương và lãnh đạo các Bộ, ngành có liên quan về đối tượng, phạm vi, tổ chức chỉ đạo và phương hướng kế hoạch của chương trình 327 năm 1995 và đến năm 2000.
Sau khi nghe báo cáo của đồng chí Đồng Sĩ Nguyên và ý kiến của các ngành, Thủ tướng Võ Văn Kiệt kết luận như sau:
Từ năm 1995 trở đi phải quán triệt hơn nữa phạm vi, đối tượng, nhiệm vụ của chương trình 327 khuôn vào 2 chương trình chính:
Một là: Bảo vệ rừng phòng hộ hiện có ở những nơi còn đồng bào dân tộc đang du canh du cư, phá rừng làm rẫy, để gắn với thực hiện định canh định cư.
Hai là: Phủ xanh đồi núi trọc ở miền núi, trung du, đồng bằng (trọng tâm là miền núi, trung du).
Cụ thể như sau
1. Về tổ chức chỉ đạo chương trình 327
+ Ở Trung ương, giữ Ban chỉ đạo chương trình 327 như hiện nay nhưng thu gọn lại, tăng cường số cán bộ chuyên trách gồm Trưởng ban, đồng chí, đồng chí Đặc phái viên của Chính phủ, một đồng chí Phó chủ nhiệm uỷ ban Kế hoạch Nhà nước làm phó ban thường trực và 5 uỷ viên gồm: Bộ trưởng Bộ Lâm Nghiệp, 3 Thứ trưởng của 3 Bộ: Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội và một Phó chủ nhiệm uỷ ban Dân tộc và Miền núi. Tăng cường bộ phận chuyên viên chuyên trách đặt tại uỷ ban Kế hoạch Nhà nước để giúp việc thường xuyên cho Ban chỉ đạo và các tổ chuyên viên chuyên trách của các thành viên và của Văn phòng Chính phủ.
- Ban chỉ đạo chương trình 327 Trung ương có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ: đôn đốc các ngành, các địa phương hoàn chỉnh tổng quan về phủ xanh (sử dụng) đồi núi trọc; đôn đốc, kiểm tra các địa phương, các ngành về xây dựng, thẩm định, phê duyệt dự án đúng mục tiêu, đối tượng, bước đi của chương trình 327; tham gia với uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, các ngành có liên quan về thẩm định các dự án do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, về xây dựng kế hoạch đầu tư 5 năm và từng năm, phân bố vốn từng năm cho các Tỉnh và Bộ; tổ chức các hội nghị tập huấn, khoa học, sơ kết, tổng kết về chương trình 327, kiểm tra việc thực hiện chương trình; tổ chức các quan hệ quốc tế liên quan đến bảo vệ rừng và phủ xanh đồi núi trọc.
- Đối với các chuyên ngành Trung ương là thành viên Ban chỉ đạo chương trình 327 của Trung ương.
Bộ Lâm nghiệp, Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, chịu trách nhiệm thẩm định các dự án thuộc chuyên ngành của mình. Về nguyên tắc thẩm định, chỉ xác định các thông số chủ yếu có liên quan về mặt vĩ mô, thẩm định gọn, chặt chẽ, kịp thời.
Uỷ ban Dân tộc và Miền núi tham gia với Bộ Lâm nghiệp và Bộ Nông nghiệp thẩm định dự án lâm - nông - công nghiệp và nông - lâm - công nghiệp có đồng bào dân tộc còn du canh du cư đang phá rừng làm rẫy. Còn vấn đề kinh tế - xã hội chung của những vùng đồng bào dân tộc sẽ thực hiện theo chỉ thị 525/TTg, không đưa vào chương trình 327.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: chịu trách nhiệm về quy hoạch, kế hoạch, chính sách, phân bố điều động lao động dân cư đến các dự án thuộc chương trình 327 của từng ngành và từng địa phương trong phạm vi cả nước.
Bộ Tài chính và Kho bạc Nhà nước căn cứ kế hoạch Nhà nước và các dự án được duyệt có trách nhiệm cấp và cho vay toàn bộ vốn của dự án, kể cả vốn sự nghiệp chuyển, dãn dân bảo đảm đúng, đủ và kịp thời vụ đến từng dự án, quản lý vốn chặt chẽ nhưng tránh thủ tục rườm rà và có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc việc thanh, quyết toán vốn đầu tư và thu hồi vốn vay từng năm.
Tổng cục Địa chính, giúp chính quyền địa phương, các chủ dự án giao đất khoán rừng kịp thời cho các hộ trong dự án 327.
+ Đề nghị Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tuỳ theo khả năng của mình tham gia thực hiện chương trình 327. Riêng Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chỉ đạo xây dựng một vài dự án mô hình do thanh niên xung phong đảm nhiệm để góp phần vào chỉ đạo chung.
+ Ở cấp Tỉnh, (nơi có chương trình 327), thì cơ cấu thành viên Ban chỉ đạo chương trình 327 của Tỉnh, Tổ thư ký thường trực chuyên trách của Ban, Tổ chuyên viên chuyên trách của các sở thành viên cũng tương tự như ở Trung ương.
Uỷ ban Nhân dân Tỉnh chịu trách nhiệm trước Chính phủ từ việc điều tra, khảo sát, quy hoạch, xây dựng, phê duyệt dự án (sau khi được Bộ chuyên ngành thẩm định); phân bố nguồn vốn kịp thời, đồng bộ, đúng đối tượng cho từng dự án của Tỉnh; tổ chức thực hiện có hiệu quả, kiểm tra việc thực hiện và thanh, quyết toán vốn của dự án; có biện pháp củng cố tổ chức, tăng cường cán bộ chuyên trách gọn nhưng đủ mạnh để giúp Tỉnh quản lý dự án, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chương trình; đối với các Tỉnh có diện tích lớn về rừng và đất đồi núi trọc thì Chủ tịch uỷ ban Nhân dân Tỉnh có thể làm Trưởng ban chỉ đạo.
2. Phân loại, sắp xếp các loại dự án
Việc sắp xếp, phân loại dự án nông - công nghiệp, nông - lâm - công nghiệp phải nhằm 2 nội dung: bảo vệ rừng phòng hộ hiện có và phủ xanh đồi núi trọc như nói trên đạt yêu cầu về phòng hộ môi trường và kinh tế.
Về bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đạc dụng hiện có, chương trình 327 khuôn vào các dự án nơi có đồng bào dân tộc du canh du cư đang phá rừng làm rẫy. Diện tích rừng hiện có còn lại kể cả rừng phòng hộ ven biển, không thuộc chương trình 327, nhưng một số ít điểm rất xung yếu của rừng ngập mặn như U Minh, Phú Quốc và Duyên Hải (thành phố Hồ Chí Minh) thì phải đưa vào chương trình 327 để bảo vệ. Bộ Lâm nghiệp có trách nhiệm lập kế hoạch riêng trình Chính phủ quyết định để thực hiện bảo vệ rừng bằng các biện pháp tổng hợp.
Về phủ xanh đồi núi trọc, trong 9 triệu ha đất đồi núi trọc: Phải phấn đấu phủ xanh khoảng 5 triệu ha bằng cây rừng hỗn giao với tập đoàn cây bản địa có giá trị, kết hợp cây ăn quả, cây công nghiệp có tán che phủ tương đương như cây rừng (bao gồm cả việc khoanh nuôi tái sinh và trồng mới; trồng từ 2,5 triệu ha cây ăn quả, cây công nghiệp, có kết hợp một tỷ lệ phù hợp cây lấy gỗ và từ 1-1,5 triệu ha đồng cỏ, vườn cỏ, băng cỏ chuyên canh, xen trên đất rừng để phát triển chăn nuôi đại gia súc.
Đối tượng phủ xanh của chương trình 327 tập trung vào đồi núi trọc miền núi, trung du, đồng bằng chủ yếu ở miền núi, trung du để tạo rừng phòng hộ tập trung.
Đối với việc trồng rừng sản xuất (kinh tế), rừng phòng hộ ven biển, bãi cát, trồng cây môi trường sinh thái ở đô thị, trồng cây phân tán thì không thuộc chương trình 327. Bộ Lâm nghiệp có trách nhiệm lập kế hoạch riêng trình Chính phủ quyết định để thực hiện và vận động các cơ quan, xí nghiệp, trường học, lực lượng vũ trang và nhân dân tự bỏ vốn, lao động hoặc vay vốn để thực hiện.
Việc bảo vệ rừng phòng hộ hiện có phủ xanh đồi núi trọc của chương trình 327, nhất thiết phải thực hiện theo dự án được duyệt bằng phương thức kết hợp lâm nông. Chủ dự án là "bà đỡ", làm dịch vụ 2 đầu hộ dự án là động lực sản xuất, được khoán bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh và trồng rừng phòng hộ cho Nhà nước, và được giao đất sử dụng ổn định, lâu dài theo Luật đất đai để trồng cây công nghiệp, làm kinh tế vườn, chủ yếu là cây ăn quả; trồng cỏ chăn nuôi, được đầu tư và vay vốn của chương trình 327.
Bộ Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm cùng với các Tỉnh khẩn trương phân loại các lâm, nông trường theo loại doanh nghiệp Nhà nước hoặc không phải doanh nghiệp Nhà nước; soát xét các lâm trường, các ban quản lý rừng phòng hộ, các nông trường đang trực thuộc Bộ để trong năm 1994 này chuyển hết về cho Tỉnh quản lý, trừ một số vườn Quốc gia, một số khu rừng đặc dụng để lấy giống và một số nông trường xét thấy cần thiết thì vẫn để trực thuộc Bộ. Khẩn trương điều chỉnh, bổ sung dự án 327 đúng đối tượng, phạm vi của chương trình như đã nêu trên, và sắp xếp, phân loại dự án theo hướng xử lý sau đây:
a. Tất cả các dự án lâm nông công nghiệp, lâm nông công nghiệp không thực hiện theo chế độ doanh nghiệp Nhà nước, thì đầu tư và sử dụng vốn vay của chương trình 327.
b. Các lâm trường, nông trường đang thực hiện theo chế độ doanh nghiệp Nhà nước, căn cứ theo luận chứng kinh tế kỹ thuật đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện, không thuộc chương trình 327.
Các dự án nông - lâm - công nghiệp và lâm - nông - công nghiệp do các nông trường, lâm trường nói ở điểm b trên là chủ dự án và các dự án định canh định cư độc lập đã được đầu tư theo chương trình 327 nhưng có diện tích rừng phòng hộ cần bảo vệ đồi núi trọc, đất trống thuộc các dự án đã duyệt cần trồng rừng phòng hộ, thì các dự án vẫn được đầu tư, cho vay vốn 327 thực hiện lâm nông hoặc nông lâm kết hợp (bằng tập đoàn cây lấy gỗ, cây ăn quả, cây công nghiệp, đồng cỏ chăn nuôi).
Các loại dự án trên cũng là dự án kinh tế mới, trước hết nhằm, thu nhận đồng bào tại chỗ, trong đó cần ưu tiên nhận đồng dân tộc còn du canh, du cư đang phá rừng làm rẫy. Phải thực hiện khoán rừng, giao đất trực tiếp cho từng hộ dự án để định cư vào đất, rừng mình đã nhận.
c. Bộ Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm sắp xếp lại việc chuẩn bị cây giống thành một hệ thống, thống nhất từ nghiên cứu khoa học ở Viện, các Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm của các vùng, các rừng để giống, vườn cây để lấy giống, các vườn ươm của các lâm, nông trường. Làm tốt công tác chuyển giao công nghệ; bố trí đủ cán bộ khuyến lâm, khuyến nông trực tiếp cho từng dự án và có chính sách thoả đáng cho số cán bộ này.
3. Phương hướng kế hoạch của chương trình 327 đến năm 2000 và năm 1995
Từ nay đến năm 2000 phải phấn đấu thực hiện mục tiêu chủ yếu sau đây:
- Phấn đấu đưa hết diện tích rừng phòng hộ hiện có cần bảo vệ đối với những nơi còn đồng bào du canh du cư đang phá rừng làm rẫy, để gắn với thực hiện định canh định cư.
- Phủ xanh khoảng 50% trên tổng số 9 triệu ha diện tích đồi núi trọc, bình quân 700.000 ha/năm.
- Đầu tư để chuẩn bị đủ cây giống các loại (cây lấy gỗ, cây ăn quả, cây công nghiệp) bảo đảm từ năm 1996 trở đi, đủ giống cho trồng mới được trên 700.000 ha/năm.
- Phân bố lao động giải quyết việc làm cho khoảng 400.000 hộ.
Đối với những Tỉnh, Ngành chưa làm xong quy hoạch tổng quan về sử dụng đồi núi trọc thì khẩn trương hoàn thành, trong đó căn cứ điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phân định từng loại dự án; gửi đến uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ chuyên ngành trong tháng 11 năm 1994.
Về kế hoạch năm 1995, do ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, nhưng phải cố gắng với mức cao nhất để năm 1995 đạt được những mục tiêu chủ yếu sau đây:
- Bảo vệ 2 triệu ha rừng phòng hộ hiện có gắn với định canh định cư.
- Phủ xanh được 330.000 ha. Bao gồm:
+ Trồng mới rừng phòng hộ theo phương thức lâm - nông kết hợp, chủ yếu là cây lấy gỗ bản địa, kếp hợp cây lấy quả, cây công nghiệp có tán che phủ tương đương cây rừng, trong đó có một tỷ lệ khoanh nuôi tái sinh ở đất đồi núi trọc nơi có điều kiện: 220.000 ha.
+ Trồng cây công nghiệp, cây ăn quả theo hộ của các dự án lâm nông công nghiệp và nông lâm công nghiệp: 80.000 ha.
+ Đồng cỏ, băng cỏ trồng chuyên và xen canh trên đất rừng: 30.000 ha.
- Chăm sóc rừng phòng hộ đã trồng trong 2 năm 1993, 1994: 140.000 ha.
- Phân bố lao động giải quyết việc làm cho 60.000 hộ.
- Nguồn vốn ngân sách Nhà nước phải bảo đảm đầu tư và cho vay đến hộ dự án để thực hiện được mục tiêu nói trên và các nhiệm vụ xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi công cộng, vốn sự nghiệp chuyển, dãn dân, kinh phí quản lý và khuyến lâm, khuyến nông trong các dự án. Ngoài nguồn vốn ngân sách của Nhà nước, các ngành, các địa phương phải tích cực huy động thêm các nguồn vốn khác (vốn tự có, vốn trong dân, vốn viện trợ và vốn vay của nước ngoài...) để thực hiện bằng được các mục tiêu của chương trình.
Việc trồng cây phân tán do các trường học, các đơn vị lực lượng vũ trang, xí nghiệp và các tổ chức khác tiến hành, không được đầu tư bằng nguồn vốn 327. ở một số nơi có nhiều khó khăn, có thể xét hỗ trợ cây giống bằng vốn 327.
Các địa phương, các ngành phát động phong trào nhân dân trồng cây, chăm sóc cây, bảo vệ rừng.
4. Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và các Bộ: Lâm nghiệp, Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm có nhiệm vụ phối hợp với Bộ Xây dựng và các ngành có liên quan, trong quý IV năm 1994 phải hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung những điều khoản cần thiết trong Nghị định 385 và Quyết định 92/TTg ngày 7 tháng 3 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với chương trình 327.
Căn cứ kết luận này, các Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương, các ngành có liên quan cần rà soát, sắp xếp lại nội dung các dự án bảo đảm xong trong tháng 9, 10 năm 1994; các Bộ chuyên ngành và uỷ ban Kế hoạch Nhà nước phải thẩm định, tổng hợp, cân đối và thông báo kế hoạch năm 1995 của chương trình 327 cho Tỉnh, Bộ vào cuối tháng 12 năm 1994. Yêu cầu Ban chỉ đạo chương trình 327 của Trung ương, uỷ ban Nhân dân các Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương (nơi có chương trình 327), các Bộ, Ngành có liên quan phải khẩn trương nghiêm túc triển khai thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ, kịp đưa vào kế hoạch năm 1995 để thực hiện.