Báo cáo 3749/BC-BNN-KTHT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ phát triển sản xuất để giảm nghèo giai đoạn 2005-2012

thuộc tính Báo cáo 3749/BC-BNN-KTHT

Báo cáo 3749/BC-BNN-KTHT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ phát triển sản xuất để giảm nghèo giai đoạn 2005-2012
Cơ quan ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Số công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Số hiệu:3749/BC-BNN-KTHT
Ngày đăng công báo:Đang cập nhật
Loại văn bản:Báo cáo
Người ký:Hà Công Tuấn
Ngày ban hành:18/10/2013
Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Chính sách
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------
---------------
Số: 3749/BC-BNN-KTHT
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------------
Hà Nội, ngày 18 tháng 10 năm 2013
 
 
BÁO CÁO
KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ HỖ TRỢ
PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT ĐỂ GIẢM NGHÈO GIAI ĐOẠN 2005-2012
 
 
Thực hiện văn bản số 1747/VPQH-TH ngày 20/9/2013 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về báo cáo Đoàn giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, giai đoạn 2005-2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ từ năm 2005 đến năm 2012 như sau:
I. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ GIẢM NGHÈO GIAI ĐOẠN 2005-2012
1. Kết quả xây dựng, ban hành và hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo
Trong giai đoạn 2005 - 2012 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nghiên cứu, xây dựng thể hóa các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất để thực hiện các Chương trình giảm nghèo như sau:
a) Về Chương trình MTQG giảm nghèo
Trong Chương trình MTQG giảm nghèo giai đoạn 2006-2010 (theo Quyết định số 20/2007/QĐ-TTg ngày 05/02/2007 của Thủ tướng Chính phủ) đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo hướng dẫn thực hiện dự án khuyến nông - lâm - ngư và hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề, Bộ đã nghiên cứu ban hành và đề xuất ban hành các văn bản sau:
(1) Ban hành Thông tư số 78/2007/TT-BNN ngày 11/9/2007 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về hướng dẫn thực hiện dự án khuyến nông, lâm, ngư và hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006-2010.
(2) Tham mưu ban hành Quyết định số 162/2008/QĐ-TTg ngày 04/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến nông, khuyến ngư ở địa bàn khó khăn.
(3) Ban hành Thông tư liên tịch số 08/2009/TTLT-BXD-BTC-BKHĐT-BNNPTNT-NHNN ngày 19/5/2009 về hướng dẫn thực hiện Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 về chính sách hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở.
Về Chương trình MTQG giảm nghèo giai đoạn 2012-2015 (theo Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 08/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ không có Dự án khuyến nông, lâm, ngư và hỗ trợ phát triển sản xuất nên không giao nhiệm vụ cụ thể cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
b) Đối với Chương trình 135 giai đoạn 2 từ 2006 đến 2010 (theo Quyết định số 07/2006/QĐ-TTg ngày 10/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ) đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn "hướng dẫn địa phương thực hiện dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ sản xuất của đồng bào các dân tộc trên địa bàn các xã thuộc Chương trình", Bộ đã nghiên cứu ban hành:
(1) Ban hành Thông tư số 12/2009/TT-BNN ngày 06/3/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình 135 giai đoạn 2006-2010.
c) Về triển khai thực hiện Nghị quyết 30a
(1) Ban hành Thông tư số 06/2009/TT-BNN ngày 10/02/2009 hướng dẫn xây dựng quy hoạch sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, bố trí dân cư đối với 61 huyện nghèo.
(2) Thông tư số 08/2009/TT-BNN ngày 26/02/2009 về việc hướng dẫn thực hiện một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ.
(3) Thông tư số 86/2009/TT-BNN ngày 30/12/2009 về việc Hướng dẫn xây dựng đề án khuyến nông, khuyến ngư thuộc Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo.
(4) Phối hợp với các Bộ, ngành: Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính hướng dẫn các nội dung thuộc các Bộ, ngành trong quá trình thực hiện Nghị quyết của Chính phủ.
d) Đối với việc xây dựng ban hành chính sách thực hiện Nghị quyết 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2011-2020:
(1) Tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 phê duyệt kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 trong đó tiếp tục áp dụng chính sách hỗ trợ về lâm nghiệp theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ.
(2) Tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 8/6/2012 về sửa đổi nguyên tắc và cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện CTMTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2020 trong đó có cơ chế ưu tiên đầu tư đối với xã nghèo.
(3) Rà soát, nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi một số mức hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 30a (đã trình Thủ tướng Chính phủ văn bản số 3553/BNN-KTHT ngày 03/10/2013).
2. Các nhóm chính sách chủ yếu về hỗ trợ phát triển sản xuất để giảm nghèo đã triển khai thực hiện (gồm 8 nhóm chính sách)
(1) Chính sách hỗ trợ thông qua khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, giao rừng và giao đất để trồng rừng sản xuất (hỗ trợ nhận khoán, hỗ trợ lương thực, hỗ trợ giống cây lâm nghiệp, hỗ trợ tạo đất sản xuất lương thực, tín dụng)
(2) Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất (lập và rà soát quy hoạch phát triển sản xuất, khai hoang, phục hóa, tạo ruộng bậc thang, nương rẫy cố định, hỗ trợ giống, phân bón chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản, giống cỏ, chuồng trại chăn nuôi, cải tạo ao nuôi trồng thủy sản, tín dụng...)
(3) Chính sách hỗ trợ lương thực cho hộ nghèo ở thôn, bản vùng giáp biên giới trong thời gian chưa tự túc được lương thực.
(4) Chính sách tăng cường và hỗ trợ cán bộ khuyến nông; bố trí kinh phí khuyến nông.
(5) Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại đầu tư sản xuất, chế biến, kinh doanh trên địa bàn huyện nghèo.
(6) Chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông, lâm, thủy đặc sản của địa phương; thông tin thị trường cho nông dân.
(7) Chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thu hút các tổ chức, nhà khoa học trực tiếp nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ ở địa bàn, nhất là việc tuyển chọn, chuyển giao giống cây trồng, giống vật nuôi cho sản xuất ở các huyện nghèo.
(8) Xây dựng mô hình khuyến nông, lâm, ngư để phát triển sản xuất cho hộ nghèo.
3. Kết quả tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất để giảm nghèo
a) Về hỗ trợ phát triển sản xuất trong "Dự án khuyến nông, lâm, ngư và hỗ trợ sản xuất, phát triển ngành nghề" thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo giai đoạn 2006-2010 đã hỗ trợ cho hàng ngàn hộ nghèo phát triển sản xuất. Trong cả giai đoạn các Bộ ngành Trung ương và địa phương đã thực hiện: Hỗ trợ 14.000 triệu đồng chủ yếu giống cây lương thực như lúa ngô, đậu, khoai và một số cây trồng đặc sản của địa phương; phát triển lâm nghiệp, trồng mới các diện tích rừng với tổng kinh phí là 17.500 triệu đồng; phát triển đàn gia súc 15.000 con, đàn gia cầm 75.000 con và nuôi trồng thủy sản với tổng giá trị thực hiện đạt 18.200 triệu đồng; phát triển ngành nghề, bảo quản, chế biến nông sản đã thực hiện 20.300 triệu đồng.
Ngoài những hoạt động hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và khôi phục phát triển ngành nghề nông thôn, Dự án còn thực hiện việc tổ chức được hàng trăm lớp tập huấn kỹ thuật phát triển sản xuất cho hàng ngàn lượt người nghèo tham gia; xây dựng hàng trăm mô hình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, phát triển ngành nghề nông thôn và tập huấn nhân rộng các mô hình giảm nghèo, hướng dẫn người nghèo cách làm ăn cho hàng ngàn lượt hộ góp phần cải thiện thu nhập cho các đối tượng nghèo.
b) Hỗ trợ phát triển sản xuất trong "Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất từ Chương trình 135 giai đoạn 2" (2006-2010)
Với việc hỗ trợ vật tư, giống, vốn, thiết bị kèm theo là tập huấn kiến thức, kỹ thuật.v.v. Dự án đã giúp nâng cao kiến thức sản xuất cho các đối tượng được hỗ trợ, giúp cho hộ nghèo phát triển sản xuất, góp phần quan trọng vào thành tích xóa đói giảm nghèo ở địa phương, kết hợp với các hợp phần khác của chương trình 135 đã làm thay đổi khá rõ bộ mặt các xã khó khăn. Đồng thời nâng cao trình độ và kiến thức về xây dựng và quản lý dự án cho cán bộ cơ sở nhất là cán bộ xã, mặc dù Dự án được triển khai ở các xã khó khăn, đa phần năng lực của cán bộ các xã hạn chế, những năm đầu chỉ có khoảng 10% số xã có đủ điều kiện làm chủ đầu tư đến năm 2010 đã có trên 80% xã đảm nhận được nhiệm vụ này. Quy chế dân chủ ở nông thôn được thực hiện ngày càng sâu rộng thông qua việc bình xét, công khai đối tượng, mức hỗ trợ và giám sát thực hiện dự án. Hầu hết các địa phương chọn đối tượng hỗ trợ đã cơ bản đúng đối tượng theo quy định. Phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm được thể hiện ngày càng rõ nét ở địa bàn các xã 135. Nhà nước hỗ trợ kinh phí; ban hành cơ chế, chính sách; tổ chức tập huấn, đào tạo... Người dân tự bỏ công sức, tiền vốn, vay vốn ngân hàng; tự tổ chức sản xuất.. Giai đoạn 2006 - 2010 đã giải ngân đạt 1.931.397 triệu đồng vốn kế hoạch được giao.
Nhiều địa phương đã hoàn thành kế hoạch được giao: Bình Thuận (113,05%), Kiên Giang (105,6%), Thái Nguyên (100,1%), Quảng Ninh (100,07%), Phú Thọ (100,06%), Phú Yên (100,02%), Bà Rịa Vũng Tàu (100%), Bình Định (100%), Đắk Lắk (100%), Lâm Đồng (100%), Tây Ninh (100%), Bình Phước (100%), Hậu Giang (100%), Sóc Trăng (100%), Tuyên Quang (100%), Ninh Bình (100%), Nghệ An (100%), Cà Mau (100%), Hà Tĩnh (100%), Bắc Giang (100%),....
Số lượng hộ được hưởng lợi từ dự án là: 2.243.987 hộ
Dự án đã thực hiện các hoạt động:
- Hỗ trợ giống cây trồng trên 400 tỷ đồng, gồm: giống cây lương thực trên 12.000 tấn và gần 75 triệu cây công nghiệp, đặc sản và cây lâm nghiệp phù hợp với điều kiện của địa phương.
- Hỗ trợ giống vật nuôi gần 390 tỷ đồng gồm: gia súc trên 300.000 con, gia cầm trên 1.300.000 con, thủy sản trên 18 triệu con.
- Hỗ trợ trên 480.000 tấn với giá trị gần trên 215 tỷ đồng vật tư chủ yếu phục vụ sản xuất như phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi.v.v.
- Tập huấn, hướng dẫn cách làm ăn và chuyển giao kỹ thuật cho khoảng 927.000 lượt người.
- Hỗ trợ trên 250.000 máy, thiết bị, công cụ phục vụ sản xuất, bảo quản và chế biến sản phẩm với giá trị khoảng 345 tỷ đồng.
- Xây dựng trên 6.600 mô hình để phổ biến và nhân rộng với kinh phí trên 170 tỷ đồng.
Về huy động và lồng ghép các nguồn lực để thực hiện như: Khuyến nông, khuyến lâm khuyến ngư; Hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; chuyển đổi cây trồng thay thế cây chứa chất ma túy; phát triển hạ tầng nông thôn; Thủy lợi.v.v. Với tổng số vốn trên 13.600 tỷ đồng, trong đó: NSTW trên 10.500 tỷ đồng.
Huy động nguồn lực từ các tổ chức Quốc tế hỗ trợ trực tiếp cho địa phương để thực hiện các dự án phát triển sản xuất, giảm nghèo, phát triển hạ tầng nông thôn, nước sạch và vệ sinh môi trường.v.v. Với tổng số vốn trên 1.900 tỷ đồng.
c) Hỗ trợ phát triển sản xuất từ chương trình 30a (cho 62 huyện nghèo)
Tổng hợp ở 44 huyện thuộc (chương trình 30a) đã hỗ trợ cho phát triển sản xuất nông, lâm ngư nghiệp hơn 1100 tỷ đồng (bình quân mỗi huyện chi 8,3 tỷ đồng/năm); đầu tư cho công trình thủy lợi bình quân hơn 6,3 tỷ đồng/năm, cụ thể:
* Về hỗ trợ phát triển sản xuất: Các huyện đã thực hiện 236 tỷ đồng phục vụ hỗ trợ trực tiếp cho hỗ trợ phát triển sản xuất trong đó: 33 tỷ đồng hỗ trợ cho khai hoang, phục hóa, cải tạo ruộng bậc thang, nương rẫy cố định; 194 tỷ hỗ trợ cây con giống, phân bón để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; 6,6 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng các mô hình khuyến nông lâm ngư nghiệp. Đã có Hơn 30 nghìn lượt người nghèo được tham gia tập huấn kỹ thuật với kinh phí hỗ trợ hơn 8,5 tỷ đồng; hỗ trợ cho hơn 4,4 nghìn cán bộ khuyến nông thôn bản với kinh phí hỗ trợ hơn 30 tỷ đồng.
- Hơn 236 tỷ đồng phục vụ trực tiếp cho hỗ trợ phát triển sản xuất trong đó.
- Hơn 33 tỷ đồng hỗ trợ cho khai hoang, phục hóa, cải tạo ruộng bậc thang, nương rẫy cố định.
Hơn 194 tỷ hỗ trợ cây con giống, phân bón để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Hơn 6,6 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng các mô hình khuyến nông lâm ngư nghiệp.
Hơn 30 nghìn lượt người nghèo được tham gia tập huấn kỹ thuật với kinh phí hỗ trợ hơn 8,5 tỷ đồng
- Đội ngũ cán bộ khuyến nông thôn bản hơn 4,4 nghìn người được bổ sung với kinh phí hỗ trợ hơn 30 tỷ đồng.
Ngoài ra trung bình mỗi huyện đầu tư cho công trình thủy lợi bình quân hơn 6,3 tỷ đồng/năm (28 huyện)
d) Hỗ trợ phát triển sản xuất từ "Dự án xây dựng và nhân rộng mô hình giảm nghèo"
Trong thiết kế Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2012­-2015 không có Dự án khuyến nông, khuyến nông phát triển sản xuất, thay vào đó chỉ có dự án xây dựng và nhân rộng mô hình giảm nghèo do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mỗi năm được giao triển khai một số hoạt động xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất để giảm nghèo (mỗi năm khoảng 3 tỷ đồng).
Năm 2012: xây dựng 11 mô hình ở các vùng khác nhau trong cả nước, trong đó có 5 mô hình về trồng trọt (1 mô hình về trồng chè 2 mô hình về cam và ổi, 1 mô hình về trồng mây dưới tán rừng, 1 mô hình về trồng dứa xiêm), 6 mô hình về chăn nuôi (1 mô hình về bò lai Sind, 1 mô hình về dê Bách thảo, 1 mô hình về lợn nái móng cái, 3 mô hình về gà thả vườn, ngan Pháp). Các mô hình có quy mô ở 1 xã có từ 50-70 hộ nghèo tham gia, các hộ tham gia mô hình được tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ giống, phân bón, thức ăn gia súc... Nhiều hộ gia đình sau khi tham gia mô hình khi thấy rõ hiệu quả đã đầu tư các nguồn vốn khác (vay, tự có...) để mở rộng sản xuất. Có 5 mô hình được nhân rộng năm 2013 là mô hình: Cam xen ổi ở Yên Bái, dê Bách thảo ở Phú Thọ, mô hình chè ở Thái Nguyên, mô hình lợn nái Móng Cái ở Bắc Giang, ngan Pháp ở Ninh Bình...
Năm 2013: xây dựng 9 mô hình và nhân rộng 5 mô hình từ năm 2012, (trong đó có 5 mô hình trồng trọt và 9 mô hình chăn nuôi). Các mô hình đã chuyển đổi sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, tăng thu nhập bền vững, ổn định đời sống và giảm nghèo.
II. ĐÁNH GIÁ CHUNG
1. Đánh giá kết quả thực hiện
Theo sự phân công của Chính phủ và cơ quan Thường trực Chương trình giảm nghèo bền vững, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định kỳ tổ chức các đoàn công tác liên ngành đi kiểm tra, hướng dẫn kết quả thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững, Nghị quyết 30a, Chương trình 135 tại các nhiều địa phương trong lĩnh vực nông nghiệp. Qua các chuyến công tác, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có một số nhận định, đánh giá như sau:
Chủ trương, chính sách hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp trong các Chương trình giảm nghèo là phù hợp và mang lại hiệu quả thiết thực để giúp hộ nghèo nâng cao năng lực sản xuất, cải thiện đáng kể thu nhập từ đó giảm nghèo bền vững.
Qua tám năm triển khai thực hiện các Chương trình giảm nghèo (2005-2012) về cơ bản người dân đã bước đầu nhận thức được ý nghĩa các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp để có thu nhập ổn định từ đó giảm nghèo nhanh và bền vững. Nhận thức của người dân về chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, chọn giống cây trồng vật nuôi, phương thức canh tác, chăm sóc, bảo vệ rừng ngày càng được cải thiện. Nhiều người nghèo, hộ nghèo đã được tập huấn các kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, phát triển ngành nghề, được tiếp cận với các kiến thức, khoa học, kỹ thuật để áp dụng vào thực tế, sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và giá trị cao hơn để thay thế cho các giống cũ, phương thức canh tác, nuôi trồng cũ, năng suất thấp ở địa phương. Số lượng giàn gia súc đã tăng lên, phù hợp với nguyện vọng của người dân.
Hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp đã tạo thêm nhiều việc làm cho người nghèo, giúp người nghèo khai thác sử dụng hiệu quả quỹ đất sản xuất cũng như các lợi thế so sánh của địa phương, đời sống của người dân, nhất là người nghèo đã từng bước được cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ nghèo đói bình quân ở khu vực nghèo đã giảm khoảng 5%/huyện/năm (Trạm Tấu 6,5%/năm, Mù Căng Chải 5,4%/năm). Tuy nhiên, bên cạnh các huyện làm tốt cũng còn một số địa phương chưa đạt được mục tiêu giảm nghèo theo kế hoạch, chỉ đạt khoảng 2-3%/năm.
2. Những tồn tại, hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc hỗ trợ phát triển sản xuất trong các chương trình giảm nghèo còn có một số hạn chế sau:
- Qui hoạch phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp là định hướng quan trọng cho cả quá trình thực hiện của các địa phương, song ở nhiều nơi Qui hoạch này chậm được xây dựng và phê duyệt đã ảnh hưởng đáng kể tới tiến độ và kết quả thực hiện phát triển sản xuất trên địa bàn.
- Một số địa phương, công tác triển khai còn nhiều lúng túng, từ khâu lập kế hoạch, phân bổ vốn, đến khâu tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát.
- Do tính chất mùa vụ của sản xuất nông nghiệp, thời gian giao vốn kế hoạch chậm nên nhiều nội dung hỗ trợ chưa thực hiện được. Việc bố trí khối lượng vốn còn thấp so với nhu cầu thực tế nên nhiều nội dung trong đề án giảm nghèo ở các địa phương chưa được triển khai hoặc triển khai chưa đầy đủ.
- Nguồn kinh phí để thực hiện các nội dung sản xuất chủ yếu được xây dựng và thực hiện theo năm kế hoạch và các hỗ trợ sản xuất được quyết toán theo năm nên khó thực hiện hỗ trợ cho các loại hình sản xuất có thời gian dài hơn 1 năm (cây ăn quả, cây công nghiệp...)
- Kinh phí cấp để thực hiện các nội dung chính sách trong đề án giảm nghèo được duyệt chưa đáp ứng được nhu cầu (bố trí 10% so với đề án được duyệt). Nguồn kinh phí Trung ương bổ sung cho các huyện nghèo còn thấp so với nhu cầu vốn thực tế của địa phương nên các huyện mới chỉ tập trung thực hiện hỗ trợ khai hoang, phát triển hạ tầng nông thôn. Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập không được thực hiện đầy đủ, chưa được triển khai hoặc triển khai rất hạn chế chỉ ở mức thí điểm.
- Nhận thức của nhiều bộ phận nhân dân vẫn còn hạn chế nên việc phổ biến, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào thực tế còn nhiều khó khăn. Việc hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi một lần chưa phát huy hiệu quả do người nghèo, dân tộc chưa làm làm quen nên cần được tiếp tục hỗ trợ trong 2-3 mùa vụ. Việc sản xuất đã được cải thiện song chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn.
- Tiến độ triển khai thực hiện các chính sách về hỗ trợ nhận khoán, chăm sóc bảo vệ rừng, hỗ trợ về giống cây trồng, vật nuôi cho sản xuất của một số huyện còn chậm. Chưa hoàn thành việc giao đất, giao rừng. Hỗ trợ kinh phí cho khoanh nuôi, chăm sóc, bảo vệ thực hiện công tác giải ngân chậm.
- Trình độ, năng lực của một số cán bộ ở cơ sở còn hạn chế, công tác chỉ đạo điều hành còn lúng túng từ khảo sát, lập dự toán đến tổ chức thực hiện. Cán bộ khuyến nông đã được tăng cường, song do năng lực còn hạn chế nên việc chuyển giao khoa học kỹ thuật đạt hiệu quả đạt thấp.
- Một số doanh nghiệp còn lúng túng trong việc phối hợp với địa phương lựa chọn nội dung và hình thức đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất cho huyện nghèo, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.
- Việc xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, mô hình khuyến nông để giảm nghèo đã mang lại kết quả nhưng việc nhân rộng còn hạn chế. Mức hỗ trợ cho công tác khuyến nông còn thấp, trình độ cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu.
- Thực hiện chế độ thông tin báo cáo của một số địa phương chưa đầy đủ, kịp thời gây khó khăn cho công tác tổng hợp, điều hành của các Bộ, ngành và Ban chỉ đạo Chương trình.
3. Nguyên nhân tồn tại hạn chế.
a) Nguyên nhân khách quan
- Đồng bào nghèo chủ yếu sinh sống ở các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa là các khu vực khó khăn của nước ta với phong tục tập quán cũng như các điều kiện sản xuất đa dạng nên các chính sách ban hành cần rất khó tiếp cận và phù hợp với địa phương.
- Các nội dung hỗ trợ sản xuất được xây dựng và tổ chức thực hiện theo kế hoạch hàng năm và gói gọn trong 1 năm nên không phù hợp với các nội dung sản xuất có thời gian dài (2-3 năm). Đồng thời hỗ trợ mới thực hiện ở 1 hay 1 số khâu của sản xuất chưa tạo được sự gắn kết với chế biến tiêu thụ tạo giá trị gia tăng cho sản xuất nhằm thực hiện giảm nghèo bền vững.
- Sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp mang tính thời vụ khắt khe, trong khi kế hoạch cấp ngân sách hỗ trợ thường chậm cũng như qui trình thủ tục còn phức tạp ảnh hưởng lớn đến kết quả thực hiện, nhiều hoạt động phải điều chỉnh hoặc thay đổi do các chậm trễ về hỗ trợ.
b) Nguyên nhân chủ quan
- Việc xây dựng văn bản hướng dẫn đôi khi còn chậm, nhất là trong các giai đoạn chuyển tiếp gữa các giai đoạn, phân bổ nguồn lực hỗ trợ cũng chưa được kịp thời đã ảnh hưởng đến kết quả thực hiện của các địa phương trong khi các nội dung hỗ trợ nông, lâm, ngư nghiệp mang tính thời vụ cao.
- Năng lực đội ngũ cán bộ triển khai cấp cơ sở còn hạn chế, nhận thức và hiểu biết về chính sách giảm nghèo cũng chưa được đầy đủ dẫn tới triển khai chưa đúng, nhiều nơi còn lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện chính sách giảm nghèo. Tâm lý trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ giảm nghèo, thiếu sự nỗ lực tự vươn lên thoát nghèo vẫn còn tồn tại ở khá nhiều nơi.
- Công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc các cấp cơ sở được thực hiện chưa thường xuyên liên tục. Ở một số nơi xảy công tác quản lý nhà nước chưa được sát sao, nên chưa nắm bắt được tình hình để có chỉ đạo kịp thời.
4. Những bài học kinh nghiệm
- Hệ thống chính sách phải đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, địa phương phải cụ thể hóa và chi tiết hóa các chính sách của Trung ương.
- Xây dựng chính sách giảm nghèo cần có sự bám sát với thực tiễn của địa phương và người dân. Chính sách phát triển sản xuất để giảm nghèo phải được thực quản lý thống nhất một mối nhằm phát huy hiệu quả đồng bộ của các nguồn lực, hướng tới sự nỗ lực tự vươn lên của người nghèo, tránh trông chờ ỷ lại.
- Thống nhất hệ thống chỉ đạo từ trung ương đến địa phương, có sự phân công phân nhiệm cụ thể cho từng cấp từng ngành để có kiểm điểm đánh giá rõ ràng qua đó rút kinh nghiệm trong khâu tổ chức thực hiện.
- Đào tạo bồi dưỡng và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ chuyên môn và cán bộ cấp cơ sở làm công tác giảm nghèo để thực hiện phân cấp, trao quyền và phát huy vai trò của chính quyền cấp cơ sở cũng như cộng đồng và người dân.
III. ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP, KIẾN NGHỊ
1. Một số giải pháp chính sách thuộc nhiệm vụ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Tiếp tục nghiên cứu và đề xuất các chính sách về hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân theo hướng điều chỉnh và bổ sung những chính sách sát với thực tế và dễ phát huy hiệu quả nhanh hơn.
- Nghiên cứu đề xuất những phương pháp, chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi hiệu quả hơn để phát huy lợi thế của từng vùng, nhất là vùng miền núi. Tập trung chỉ đạo thực hiện các chính sách phát triển chăn nuôi một cách thiết thực hơn, nhằm tạo ra đột phá thực sự cho vùng miền núi.
- Bên cạnh việc hỗ trợ giao khoán các diện tích rừng là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, Bộ cũng chỉ đạo các địa phương tập trung phát triển rừng sản xuất nhằm tạo nhiều thu nhập hơn cho đồng bào cũng như phát huy được lợi thế của từng địa phương. Nghiên cứu, đề xuất các mô hình chế biến sản phẩm rừng.
- Chỉ đạo các đơn vị chức năng nghiên cứu và phổ biến các khoa học kỹ thuật về trồng trọt đến các hộ dân thông qua việc đưa các giống mới có chất lượng, năng suất, giá trị cao vào sản xuất, tạo thành những vùng sản xuất hàng hóa.
- Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển thủy sản tại những vùng có điều kiện, có lợi thế để phát triển các sản phẩm thủy sản có giá trị cao.
- Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp tại những địa bàn hình thành được vùng sản xuất hàng hóa.
- Tăng cường đội ngũ khuyến nông và các hoạt động khuyến nông, các mô hình sản xuất hiệu quả cho người nghèo để người nghèo được tiếp cận nhiều hơn với khoa học kỹ thuật, phương pháp sản xuất hiệu quả hơn, để từ đó tạo việc làm, nâng cao thu nhập.
- Phối hợp với các địa phương nghiên cứu, đề xuất và triển khai các mô hình mỗi làng một cây, một con, một nghề.
2. Các kiến nghị
- Tiếp tục và kiên trì thực hiện định hướng chỉ đạo thống nhất đối với công tác giảm nghèo theo tinh thần Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020.
- Quan tâm hơn nữa đến phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và coi đây là tiền đề thực hiện giảm nghèo bền vững. Tăng tỷ lệ hỗ trợ cho nội dung phát triển sản xuất trong cơ cấu nguồn lực.
- Tiếp tục rà soát các chính sách giảm nghèo phù hợp với thực tiễn, chỉ đạo lồng ghép tập trung nguồn lực cho việc thực hiện các chính sách giảm nghèo.
Trên đây là kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển sản xuất để giảm nghèo giai đoạn 2005-2012. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin báo cáo Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.
 

 Nơi nhận:
- UB các VĐXH của QH;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ LĐ-TB&XH;
- Bộ trưởng Cao Đức Phát;
- Lưu: VT, KTHT.
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Hà Công Tuấn

Để được hỗ trợ dịch thuật văn bản này, Quý khách vui lòng nhấp vào nút dưới đây:

*Lưu ý: Chỉ hỗ trợ dịch thuật cho tài khoản gói Tiếng Anh hoặc Nâng cao

Lược đồ

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Văn bản này chưa có chỉ dẫn thay đổi
* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực
văn bản mới nhất