Nhiều quy định quan trọng có hiệu lực trong tháng cuối cùng của năm 2020, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.

 

Video: LuatVietnam


Báo chí đưa tin sai sự thật bị phạt đến 100 triệu đồng

Từ 01/12/2020, nhiều mức phạt trong hoạt động báo chí tăng mạnh, theo Nghị định 119/2020/NĐ-CP. Trong đó, có mức phạt đối với hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên báo chí.

Cụ thể:

- Nếu gây ảnh hưởng ít nghiêm trọng: Phạt từ 05 - 10 triệu đồng (trước đây chỉ phạt 01 – 03 triệu đồng)

- Nếu gây ảnh hưởng nghiêm trọng: Phạt từ 50 - 70 triệu đồng (trước đây chỉ phạt 05 – 10 triệu đồng)

- Nếu gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng: Phạt từ 70 - 100 triệu đồng (trước đây chỉ phạt 20 – 30 triệu đồng)

Trong cả 03 trường hợp nêu trên, báo chí đều buộc phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật đã đăng tải. Đồng thời, riêng trường hợp đăng thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng, báo chí còn có thể bị đình chỉ hoạt động từ 01 - 12 tháng (trước đây chỉ bị đình chỉ hoạt động từ 01 – 03 tháng).


Từ 5/12, ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản cho cơ quan thuế

Đây là thông tin đáng chú ý tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, có hiệu lực từ ngày 05/12/2020.

Khoản 2 Điều 30 của Nghị định nêu rõ, theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế, ngân hàng thương mại cung cấp thông tin tài khoản thanh toán của từng người nộp thuế, bao gồm: Tên chủ tài khoản, số hiệu tài khoản theo mã số thuế đã được cơ quan quản lý thuế cấp, ngày mở tài khoản, ngày đóng tài khoản.

Đồng thời, trong trường hợp cần thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, ngân hàng thương mại cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế.

Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm bảo mật thông tin và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự an toàn của các thông tin trên. 


Tạm nộp thuế TNDN 3 quý đầu không được thấp hơn 75%

Đây cũng là một nội dung rất đáng chú ý đối với các doanh nghiệp tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý thuế. 

Điểm b khoản 6 Điều 8 của Nghị định chỉ rõ:

- Tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp đã tạm nộp của 03 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán năm.

- Trường hợp người nộp thuế nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 03 quý đầu năm thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý 03 đến ngày nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước. 

Như vậy, hết ngày 31/10 hàng năm số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp của 03 quý đầu năm không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán năm; nếu nộp thấp hơn doanh nghiệp sẽ phải nộp tiền chậm nộp.


Làm mất hóa đơn bị phạt đến 10 triệu đồng

Nghị định 125/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn sẽ có hiệu lực từ ngày 05/12/2020, trong đó có quy định mức phạt đối với hành vi làm mất hóa đơn.

Mức phạt cụ thể như sau:

- Phạt cảnh cáo nếu làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập nhưng có tình tiết giảm nhẹ; Làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập sai, đã xóa bỏ và người bán đã lập hóa đơn khác thay thế

- Phạt từ 03 - 05 triệu đồng nếu làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập (liên giao cho khách hàng) 

- Phạt từ 04 - 08 triệu đồng nếu làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã phát hành, đã mua của cơ quan thuế nhưng chưa lập…

- Phạt từ 08 - 10 triệu đồng nếu làm mất, cháy, hỏng hóa đơn không thuộc các trường hợp trên.

Xem chi tiết


Khai sai số tiền mang theo khi xuất cảnh bị phạt đến 50 triệu đồng

Nghị định 128/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan quy định các mức phạt đối với người xuất cảnh không khai, khai sai số tiền, vàng mang ra nước ngoài vượt quá mức quy định.

Cụ thể:

- Phạt từ 01 - 03 triệu đồng nếu số tiền, vàng vượt quá có giá trị từ 05 - 10 triệu đồng;

- Phạt từ 05 - 15 triệu đồng nếu số tiền, vàng vượt quá có giá trị từ 30 - dưới 70 triệu đồng;

- Phạt từ 15 - 25 triệu đồng nếu số tiền, vàng vượt quá có giá trị từ 70 - dưới 100 triệu đồng;

- Phạt từ 30 - 50 triệu đồng nếu số tiền, vàng vượt quá có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 10/12/2020.


Phải kiểm tra nữ tử tù có thai không trước khi tử hình

Thông tư liên tịch số 02 năm 2020 quy định về việc phối hợp tổ chức thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc sẽ có hiệu lực từ ngày 01/12/2020.

Theo đó, nếu người bị thi hành án tử hình là phụ nữ thì ngay sau khi nhận đủ hồ sơ để đưa bản án tử hình ra thi hành, Hội đồng thi hành án tử hình phải yêu cầu ra lệnh trích xuất người bị kết án tử hình đến bệnh viện có thẩm quyền để kiểm tra, xác định người này có thai hay không.

Ngoài ra, nếu người bị thi hành án tử hình chết trước khi tử hình (trong thời gian giam giữ chờ thi hành án hoặc trên đường áp giải đến địa điểm tử hình) thì phải xác định nguyên nhân chết.

Sau khi xác định xong và được phép của cơ quan có thẩm quyền thì thông báo cho người có đơn đề nghị đến nhận tử thi của người này về mai táng hoặc tổ chức mai táng. 

Thay đổi chế độ ăn cho phạm nhân từ 25/12

Đây là nội dung được đề cập tại Nghị định 133/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự.

Điều 7 Nghị định rõ: Phạm nhân được Nhà nước đảm bảo, tiêu chuẩn định lượng mỗi tháng gồm: 7 kg gạo tẻ; 15 kg rau xanh; 01 kg thịt lợn; 01 kg cá; 0,5 kg đường; 0,75 lít nước mắm; 0,2 lít dầu ăn; 0,1 kg bột ngọt; 0,5 kg muối; gia vị khác; chất đốt tương đương 17 kg củi hoặc 15 kg than.

So với quy định trước đây, chế độ ăn đã tăng thêm 0,2 kg cá; 0,3 kg thịt lợn; bổ sung dầu ăn và gia vị khác.

Ngoài tiêu chuẩn ăn quy định trên, phạm nhân được sử dụng quà, tiền của mình để ăn thêm nhưng không quá 03 lần định lượng ăn trong 01 tháng cho mỗi phạm nhân và phải thông qua hệ thống lưu ký và căn-tin phục vụ sinh hoạt cho phạm nhân của cơ sở giam giữ.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 25/12/2020. 

Thêm nhiều công chức phải kê khai tài sản hàng năm
 

Nghị định 130/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/12/2020 đã quy định thêm nhiều đối tượng công chức phải kê khai tài sản theo Luật Phòng, chống tham nhũng.

Cụ thể, những người này bao gồm:

- Những ngạch công chức và người giữ chức danh công chức sau: Chấp hành viên; Điều tra viên; Kế toán viên; Kiểm lâm viên; Kiểm sát viên...

- Những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác trong một số lĩnh vực được xác định trong danh mục tại Phụ lục III được ban hành kèm theo Nghị định này

- Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Xem chi tiết


Trên đây là một số chính sách mới có hiệu lực tháng 12/2020. Ngoài ra còn nhiều văn bản khác cũng có hiệu lực trong tháng tới. Xem chi tiết

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

loading
Vui lòng đợi