Giải thể công ty cổ phần: Điều kiện, thủ tục thế nào?

Khi lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế, trì trệ sản xuất, nhiều doanh nghiệp buộc phải lựa chọn tạm ngừng kinh doanh, thậm chí là giải thể. Tuy nhiên, không phải mọi doanh nghiệp đều nắm rõ điều kiện cũng như thủ tục giải thể để thực hiện một cách suôn sẻ, đúng quy trình.

1. Điều kiện giải thể công ty cổ phần thế nào?

Theo quy định tại Điều 207 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp giải thể trong các trường hợp sau:

- Kết thúc thời hạn hoạt động ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn;

- Theo Nghị quyết, Quyết định của Đại hội đồng cổ đông;

- Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp;

- Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (trừ trường hợp có quy định khác)

Cũng theo Điều 207 của Luật này, doanh nghiệp chỉ được giải thể khi đã thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác và không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc Trọng tài.

2. Hồ sơ giải thể công ty cổ phần cần những giấy tờ gì?

Theo Điều 210 Luật Doanh nghiệp 2020, hồ sơ giải thể công ty cổ phần gồm các giấy tờ sau đây:

- Thông báo giải thể doanh nghiệp;

- Báo cáo thanh lý tài sản doanh nghiệp;

- Danh sách chủ nợ và số nợ đã thanh toán (gồm cả các khoản nợ về thuế và nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động sau khi quyết định giải thể doanh nghiệp)

Thành viên Hội đồng quản trị công ty cổ phần phải chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của hồ sơ giải thể doanh nghiệp.

Trường hợp hồ sơ không chính xác, giả mạo thì các thành viên phải liên đới chịu trách nhiệm thanh toán về: Quyền lợi của người lao động chưa được giải quyết, số thuế chưa nộp, số nợ khác chưa thanh toán.

Giải thể công ty cổ phần: Điều kiện, thủ tục thế nào? (Ảnh minh họa)

3. Trình tự, thủ tục giải thể công ty cổ phần ra sao?

3.1 Thủ tục giải thể công ty cổ phần theo Nghị quyết, Quyết định của Đạo hội đồng cổ đông

Thủ tục giải thể công ty cổ phần trong trường hợp này được quy định tại Điều 208 Luật Doanh nghiệp 2020 và Điều 70 Nghị định 01/2021/NĐ-CP. Cụ thể:

Bước 01: Thông báo việc giải thể doanh nghiệp tới Phòng đăng ký kinh doanh

- Trong vòng 07 ngày làm việc kể từ ngày Nghị quyết, Quyết định giải thể được thông qua, doanh nghiệp gửi thông báo về việc giải thể doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Hồ sơ gửi Phòng Đăng ký kinh doanh bao gồm:

+ Thông báo về việc giải thể;

+ Phương án giải quyết nợ (nếu có)

- Trong vòng 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo về việc giải thể doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh phải:

+ Đăng tải các giấy tờ trên và thông báo tình trạng doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp;

+ Chuyển tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sang tình trạng đang làm thủ tục giải thể;

+ Gửi thông tin về việc giải thể của doanh nghiệp cho Cơ quan thuế.

- Doanh nghiệp thực hiện thủ tục hoàn thành nghĩa vụ thuế với Cơ quan thuế.

Bước 02: Thanh toán đầy đủ các khoản nợ

Bước 03: Thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đặt chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh.

Bước 04: Nộp hồ sơ đăng ký giải thể đến Phòng đăng ký kinh doanh.

- Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày thanh toán hết các khoản nợ, doanh nghiệp này gửi hồ sơ đăng ký giải thể doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

- Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký giải thể doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh gửi thông tin về việc doanh nghiệp đăng ký giải thể cho Cơ quan thuế.

- Trong vòng 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông tin của Phòng Đăng ký kinh doanh, Cơ quan thuế gửi ý kiến về việc hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp đến Phòng đăng ký kinh doanh.

- Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đăng ký giải thể doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh chuyển tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sang tình trạng đã giải thể (nếu không nhận được ý kiến từ chối của Cơ quan thuế.

- Ra thông báo về việc giải thể của doanh nghiệp.

3.2. Thủ tục giải thể công ty cổ phần trong trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận hoặc theo quyết định của Tòa án

Thủ tục giải thể công ty cổ phần trong trường hợp này được quy định tại Điều 209 Luật Doanh nghiệp 2020 và Điều 71 Nghị định 01/2021/NĐ-CP. Cụ thể:

Bước 01: Đăng tải Quyết định và Thông báo tình trạng doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể

Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận hoặc nhận được quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, Phòng Đăng ký kinh doanh đăng tải quyết định và thông báo tình trạng doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Đồng thời, chuyển tình trạng của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sang tình trạng đang làm thủ tục giải thể và gửi thông tin về việc giải thể doanh nghiệp cho Cơ quan thuế.

Bước 02: Thanh toán đầy đủ các khoản nợ của doanh nghiệp

Bước 03: Gửi hồ sơ đăng ký giải thể doanh nghiệp

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày thanh toán hết các khoản nợ của doanh nghiệp, gửi hồ sơ đăng ký giải thể doanh nghiệp cho Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Sau đó, việc nộp hồ sơ đăng ký giải thể đến Phòng đăng ký kinh doanh được thực hiện theo Bước 04 của trường hợp giải thể công ty cổ phần theo Nghị quyết, Quyết định của Đại hội đồng cổ đông.

Trên đây là hướng dẫn thủ tục giải thể công ty cổ phần. Nếu độc giả có thắc mắc về thủ tục giải thể doanh nghiệp vui lòng liên hệ tổng đài  1900.6192  để được hỗ trợ nhanh nhất.

>> Giải thể doanh nghiệp: Những quy định cần biết

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Công ty TNHH phá sản, ai phải chịu trách nhiệm?

Bất cứ một doanh nghiệp nào khi thành lập cũng mong muốn được phát triển lâu dài, bền vững. Tuy nhiên trong kinh doanh, việc làm ăn thua lỗ dẫn đến vỡ nợ, phá sản là điều khó tránh khỏi. Vậy nếu công ty TNHH phá sản, ai phải chịu trách nhiệm?

Phá sản là gì? Khi nào một doanh nghiệp bị coi là phá sản?

Chu kỳ sống của doanh nghiệp có 04 giai đoạn tiêu biểu là khởi nghiệp, tăng trưởng, bão hòa và suy thoái. Ở giai đoạn suy thoái, phá sản có thể là bước cuối cùng dẫn đến chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp. Vậy theo quy định của pháp luật, phá sản là gì? Khi nào một doanh nghiệp bị coi là phá sản?