Dự thảo Thông tư Sửa đổi các Thông tư về xếp lương viên chức giảng dạymầm non

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tải về
Mục lục
Tìm từ trong trang
Tải dự thảo
Văn bản tiếng việt
Lưu
Báo lỗi
  • Báo lỗi
  • Gửi liên kết tới Email
  • Chia sẻ:
  • Chế độ xem: Sáng | Tối
  • Thay đổi cỡ chữ:
    17
Ghi chú

thuộc tính Thông tư

Dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT ngày 02 tháng 02 năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập
Lĩnh vực: Cán bộ-Công chức-Viên chức Loại dự thảo:Thông tư
Cơ quan chủ trì soạn thảo: Bộ Giáo dụcTrạng thái:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Phạm vi điều chỉnh

Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT ngày 02 tháng 02 năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non

Tải Thông tư

Tải dự thảo tiếng Việt (.pdf)@Thông tư PDF
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.

Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Trạng thái: Đã biết
Ghi chú

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số:        /2022/TT-BGDĐT

Hà Nội, ngày      tháng      năm 2022

 

 
THÔNG TƯ

 

Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT ngày 02 tháng 02 năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập

 

 

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Luật Viên chức ngày 15 tháng 11 năm 2010; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức ngày 25 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; Nghị định số 17/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;

Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức;

Căn cứ Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục;

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT ngày 02 tháng 02 năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.

 

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT ngày 02 tháng 02 năm 2021 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập

1. Bổ sung Điều 2a sau Điều 2 quy định về tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp như sau:

“Điều 2a. Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp

1. Chấp hành các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của ngành và địa phương về giáo dục mầm non.

2. Yêu nghề, thương yêu trẻ em; biết quản lý cảm xúc; có tinh thần trách nhiệm cao; có kiến thức, kỹ năng cần thiết trong việc tổ chức hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em; có khả năng sư phạm phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ.

3. Thường xuyên trau dồi đạo đức, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; gương mẫu, đối xử công bằng và tôn trọng nhân cách của trẻ em; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của trẻ em; đoàn kết, tương trợ, hỗ trợ, giúp đỡ đồng nghiệp.

4. Thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm và nghĩa vụ của viên chức theo Luật Viên chức 2010 và quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đạo đức nhà giáo.”

2. Sửa đổi điểm b khoản 3 Điều 3 quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp như sau:

“b) Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non.”

3. Sửa đổi điểm đ khoản 4 Điều 4 quy định về thi đua, khen thưởng như sau:

“đ) Được công nhận là chiến sĩ thi đua cơ sở hoặc giáo viên dạy giỏi cấp trường trở lên hoặc được nhận bằng khen hoặc giấy khen từ cấp huyện trở lên.”

4. Sửa đổi điểm e khoản 4 Điều 4 quy định về thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề như sau:

“e) Giáo viên mầm non hạng II (mã số V.07.02.25) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III (mã số V.07.02.26) hoặc tương đương đủ từ 03 (ba) năm trở lên (không kể thời gian tập sự).”

5. Sửa đổi điểm đ khoản 4 Điều 5 quy định về thi đua, khen thưởng như sau:

“đ) Được công nhận là chiến sĩ thi đua cơ sở hoặc là giáo viên dạy giỏi từ cấp huyện trở lên hoặc được nhận bằng khen hoặc giấy khen từ cấp tỉnh trở lên.”

6. Sửa đổi điểm e khoản 4 Điều 5 quy định về thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề như sau:

“e) Giáo viên mầm non hạng I (mã số V.07.02.24) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng II (mã số V.07.02.25) hoặc tương đương từ đủ 09 (chín) năm trở lên.”

7. Sửa đổi câu dẫn khoản 1 Điều 7 quy định bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp như sau:

“1. Viên chức đã được bổ nhiệm vào các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non theo quy định tại Thông tư liên tịch số 20/2015/TTLT-BDGĐT-BNV nếu đạt tiêu chuẩn về trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng theo quy định tại Thông tư này thì được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non như sau:”

8. Sửa đổi khoản 3 Điều 7 quy định bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp như sau:

“3. Giáo viên mầm non chưa đạt tiêu chuẩn về trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng của hạng chức danh nghề nghiệp tương ứng theo quy định tại khoản 1 Điều này thì được giữ nguyên mã số, hệ số lương hiện hưởng. Khi đạt tiêu chuẩn về trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng của hạng chức danh nghề nghiệp tương ứng thì thực hiện việc bổ nhiệm theo quy định tại khoản 1 Điều này.”

9. Sửa đổi Điều 9 quy định điều khoản chuyển tiếp như sau:

“Điều 9. Điều khoản chuyển tiếp

1. Giáo viên được tuyển dụng trước ngày 20 tháng 3 năm 2021, hoàn thành thời gian tập sự theo quy định sau ngày 20 tháng 3 năm 2021 và được người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập đánh giá đạt yêu cầu thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III (mã số V.07.02.26) nếu đạt trình độ chuẩn được đào tạo. Trường hợp chưa đạt trình độ chuẩn được đào tạo thì giữ mã số V.07.02.06, áp dụng hệ số lương của viên chức loại B (từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06).

2. Giáo viên mầm non hạng IV (mã số V.07.02.06) chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 72 Luật Giáo dục 2019 thì giữ nguyên mã số V.07.02.06 và áp dụng hệ số lương của viên chức loại B (từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06) cho đến khi đạt trình độ chuẩn được đào tạo thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III (mã số V.07.02.26) hoặc cho đến khi nghỉ hưu nếu không thuộc đối tượng phải nâng trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. ”

10. Sửa đổi Điều 10 quy định điều khoản áp dụng như sau:

“Điều 10. Điều khoản áp dụng

1. Giáo viên mầm non có bằng tốt nghiệp đại học ngành đào tạo giáo dục mầm non thì được công nhận tương ứng với bằng cử nhân quy định tại điểm a khoản 3 Điều 4 và điểm a khoản 3 Điều 5 Thông tư này.

2. Thời gian giáo viên giữ hạng II, III và tương đương theo quy định tại Thông tư liên tịch số 20/2015/TTLT-BGDĐT-BNV được xác định là tương đương với thời gian giữ hạng II, III quy định tại Thông tư này. Thời gian giáo viên giữ hạng IV theo quy định tại Thông tư liên tịch số 20/2015/TTLT-BGDĐT-BNV và đạt trình độ chuẩn được đào tạo đối với giáo viên mầm non theo Luật Giáo dục 2019 được xác định là tương đương với thời gian giữ hạng III quy định tại Thông tư này.

3. Thời gian giáo viên giữ mã số hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Thông tư này được tính là thời gian giữ hạng chức danh nghề nghiệp tương ứng với mã số hạng chức danh nghề nghiệp đó.

4. Thời gian giáo viên giữ hạng II và tương đương theo quy định tại Thông tư liên tịch số 20/2015/TTLT-BGDĐT-BNV được tính vào thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III (mã số V.07.02.26) khi thực hiện bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II (mã số V.07.02.25) theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư này.”

11. Sửa đổi khoản 1 Điều 11 quy định về tổ chức thực hiện như sau:

“1. Thông tư này là căn cứ thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý giáo viên mầm non trong các trường mầm non công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.”

12. Sửa đổi điểm a khoản 2 Điều 11 quy định về trách nhiệm của người đứng đầu các trường mầm non công lập trực tiếp quản lý, sử dụng viên chức như sau:

“a) Lập phương án bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với giáo viên mầm non trong trường mầm non công lập thuộc thẩm quyền quản lý, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền phân cấp;”

13. Bãi bỏ khoản 2 Điều 3, khoản 2 Điều 4, khoản 2 Điều 5 quy định về tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp; bãi bỏ điểm b khoản 3 Điều 4 và điểm b khoản 3 Điều 5 quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT ngày 02 tháng 02 năm 2021 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường tiểu học công lập

1. Bổ sung Điều 2a sau Điều 2 quy định về tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp như sau:

“Điều 2a. Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp

1. Chấp hành các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của ngành và địa phương về giáo dục tiểu học;

2. Thường xuyên trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; gương mẫu trước học sinh;

3. Thương yêu, đối xử công bằng và tôn trọng nhân cách của học sinh; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của học sinh; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp;

4. Thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm và nghĩa vụ của viên chức theo Luật Viên chức 2010 và quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đạo đức nhà giáo.”

2. Sửa đổi điểm b khoản 3 Điều 3 quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp như sau:

“b) Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học.”

3. Sửa đổi điểm i khoản 4 Điều 4 quy định về thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề như sau:

“i) Giáo viên tiểu học hạng II (mã số V.07.03.28) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.29) hoặc tương đương từ đủ 09 (chín) năm trở lên (không kể thời gian tập sự).”

4. Sửa đổi điểm a khoản 3 Điều 5 quy định về trình độ đào tạo của giáo viên hạng I như sau:

“a) Có bằng cử nhân trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên tiểu học.

Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên tiểu học theo chương trình do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành;”

5. Sửa đổi điểm g khoản 4 Điều 5 quy định về thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề như sau:

“g) Giáo viên tiểu học hạng I (mã số V.07.03.27) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II (mã số V.07.03.28) hoặc tương đương từ đủ 06 (sáu) năm trở lên.”

6. Sửa đổi câu dẫn khoản 1 Điều 7 quy định về bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp như sau:

“1. Viên chức đã được bổ nhiệm vào các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học theo quy định tại Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV nếu đạt tiêu chuẩn về trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng theo quy định tại Thông tư này thì được bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học như sau:”

7. Sửa đổi khoản 3 Điều 7 quy định về bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp như sau:

“3. Giáo viên tiểu học chưa đạt tiêu chuẩn về trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng của hạng chức danh nghề nghiệp tương ứng theo quy định tại khoản 1 Điều này thì được giữ nguyên mã số, hệ số lương hiện hưởng. Khi đạt tiêu chuẩn về trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng của hạng chức danh nghề nghiệp tương ứng thì thực hiện việc bổ nhiệm theo quy định tại khoản 1 Điều này.”

8. Sửa đổi Điều 9 quy định về điều khoản chuyển tiếp như sau:

“Điều 9. Điều khoản chuyển tiếp

1. Giáo viên tiểu học được tuyển dụng trước ngày 20 tháng 3 năm 2021, hoàn thành thời gian tập sự theo quy định sau ngày 20 tháng 3 năm 2021 và được người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập đánh giá đạt yêu cầu thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.29) nếu đạt trình độ chuẩn được đào tạo. Trường hợp chưa đạt trình độ chuẩn được đào tạo thì giữ mã số V.07.03.09, áp dụng hệ số lương của viên chức loại B (từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06).

2. Giáo viên tiểu học hạng IV (mã số V.07.03.09) chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên tiểu học theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 72 Luật Giáo dục 2019 thì giữ nguyên mã số V.07.03.09 và áp dụng hệ số lương của viên chức loại B (hệ số từ 1,86 đến 4,06) cho đến khi đạt trình độ chuẩn được đào tạo thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.29) hoặc cho đến khi nghỉ hưu nếu không thuộc đối tượng phải nâng trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.

3. Giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.08) chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên tiểu học theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 72 Luật Giáo dục 2019 thì giữ nguyên mã số V.07.03.08 và áp dụng hệ số lương của viên chức loại A0 (hệ số từ 2,10 đến 4,89) cho đến khi đạt trình độ chuẩn được đào tạo thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.29) hoặc cho đến khi nghỉ hưu nếu không thuộc đối tượng phải nâng trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.

9. Sửa đổi Điều 10 quy định về điều khoản áp dụng như sau:

“Điều 10. Điều khoản áp dụng

1. Giáo viên tiểu học có bằng tốt nghiệp đại học thì được công nhận tương ứng với bằng cử nhân.

2. Thời gian giáo viên giữ hạng II, III và tương đương theo quy định tại Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV tương đương với thời gian giữ hạng II, III quy định tại Thông tư này. Thời gian giáo viên giữ hạng IV theo quy định tại Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV và đạt trình độ chuẩn được đào tạo đối với giáo viên tiểu học theo Luật Giáo dục 2019 được xác định là tương đương với thời gian giữ hạng III quy định tại Thông tư này.

3. Thời gian giáo viên giữ mã số hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Thông tư này được tính là thời gian giữ hạng chức danh nghề nghiệp tương ứng với mã số hạng chức danh nghề nghiệp đó.

4. Thời gian giáo viên giữ hạng II và tương đương theo quy định tại Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV được tính vào thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.29) khi thực hiện bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II (mã số V.07.03.28) theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư này.

10. Sửa đổi khoản 1 Điều 11 quy định về tổ chức thực hiện như sau:

“1. Thông tư này là căn cứ để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý giáo viên tiểu học trong các trường tiểu học công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.”

11. Sửa đổi điểm a khoản 2 Điều 11 quy định về trách nhiệm của người đứng đầu các trường tiểu học công lập trực tiếp quản lý, sử dụng viên chức như sau:

“a) Lập phương án bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với giáo viên tiểu học trong trường tiểu học công lập thuộc thẩm quyền quản lý, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền phân cấp;”

12. Bãi bỏ khoản 2 Điều 3, khoản 2 Điều 4, khoản 2 Điều 5 quy định về tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp; bãi bỏ điểm b khoản 3 Điều 4 và điểm b khoản 3 Điều 5 quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Điều 3. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT ngày 02 tháng 02 năm 2021 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường trung học cơ sở công lập

1. Bổ sung Điều 2a sau Điều 2 quy định về tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp như sau:

“Điều 2a. Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp

1. Chấp hành các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của ngành và địa phương về giáo dục trung học cơ sở;

2. Thường xuyên trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; gương mẫu trước học sinh;

3. Thương yêu, đối xử công bằng và tôn trọng nhân cách của học sinh; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của học sinh; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp;

4. Thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm và nghĩa vụ của viên chức theo Luật Viên chức 2010 và quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đạo đức nhà giáo.”

2. Sửa đổi điểm b khoản 3 Điều 3 quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp như sau:

“b) Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở.”

3. Sửa đổi điểm k khoản 4 Điều 4 quy định về thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề như sau:

“k) Giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.31) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.32) hoặc tương đương đủ từ 09 (chín) năm trở lên (không kể thời gian tập sự).”

4. Sửa đổi điểm b khoản 1 Điều 5 quy định nhiệm vụ của giáo viên hạng I như sau:

“b) Làm báo cáo viên, chia sẻ kinh nghiệm hoặc dạy minh họa ở các lớp tập huấn, bồi dưỡng phát triển chuyên môn, nghiệp vụ giáo viên từ cấp huyện trở lên hoặc tham gia dạy học trên truyền hình;”

5. Sửa đổi điểm a khoản 3 Điều 5 quy định về tiêu chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên hạng I như sau:

“a) Có bằng cử nhân trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên trung học cơ sở.

Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên trung học cơ sở theo chương trình do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành;”

6. Sửa đổi điểm k khoản 4 Điều 5 quy định về thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề như sau:

“k) Giáo viên trung học cơ sở hạng I (mã số V.07.04.30) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.31) hoặc tương đương từ đủ 06 (sáu) năm trở lên.”

7. Sửa đổi câu dẫn khoản 1 Điều 7 quy định về bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp như sau:

“1. Viên chức đã được bổ nhiệm vào các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở theo quy định tại Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV nếu đạt tiêu chuẩn về trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng theo quy định tại Thông tư này thì được bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở như sau:”

8. Sửa đổi khoản 2 Điều 7 quy định về bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp như sau:

“2. Giáo viên trung học cơ sở chưa đạt tiêu chuẩn về trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng của hạng chức danh nghề nghiệp tương ứng theo quy định tại khoản 1 Điều này thì được giữ nguyên mã số, hệ số lương hiện hưởng. Khi đạt tiêu chuẩn về trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng của hạng chức danh nghề nghiệp tương ứng thì thực hiện việc bổ nhiệm theo quy định tại khoản 1 Điều này.”

9. Sửa đổi Điều 9 quy định về điều khoản chuyển tiếp như sau:

“Điều 9. Điều khoản chuyển tiếp

1. Giáo viên trung học cơ sở được tuyển dụng trước ngày 20 tháng 3 năm 2021, hoàn thành thời gian tập sự theo quy định sau ngày 20 tháng 3 năm 2021 và được người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập đánh giá đạt yêu cầu thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.32) nếu đạt trình độ chuẩn được đào tạo. Trường hợp chưa đạt trình độ chuẩn được đào tạo thì giữ mã số V.07.04.12, áp dụng hệ số lương của viên chức loại A0 (từ hệ số lương 2,10 đến hệ số lương 4,89).

2. Giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.12) chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên trung học cơ sở theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 72 Luật Giáo dục 2019 thì giữ nguyên mã số V.07.04.12 và áp dụng hệ số lương của viên chức loại A0 (từ hệ số lương 2,10 đến hệ số lương 4,89) cho đến khi đạt trình độ chuẩn được đào tạo thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.32) hoặc cho đến khi nghỉ hưu nếu không thuộc đối tượng phải nâng trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.

10. Sửa đổi Điều 10 quy định về điều khoản áp dụng như sau:

“Điều 10. Điều khoản áp dụng

1. Giáo viên trung học cơ sở có bằng tốt nghiệp đại học thì được công nhận tương ứng với bằng cử nhân.

2. Thời gian giáo viên giữ hạng I, II, III và tương đương theo quy định tại Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV tương đương với thời gian giữ hạng I, II, III quy định tại Thông tư này.

3. Thời gian giáo viên giữ mã số hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư này được tính là thời gian giữ hạng chức danh nghề nghiệp tương ứng với mã số hạng chức danh nghề nghiệp đó.

4. Thời gian giáo viên giữ hạng II và tương đương theo quy định tại Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV được tính vào thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.32) khi thực hiện bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.31) theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư này.

11. Sửa đổi khoản 1 Điều 11 quy định về tổ chức thực hiện như sau:

“1. Thông tư này là căn cứ để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý giáo viên trung học cơ sở trong các trường trung học cơ sở công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.”

12. Sửa đổi điểm a khoản 2 Điều 11 quy định về trách nhiệm của người đứng đầu các trường trung học cơ sở công lập trực tiếp quản lý, sử dụng viên chức như sau:

“a) Lập phương án bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với giáo viên trung học cơ sở trong trường trung học cơ sở công lập thuộc thẩm quyền quản lý, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền phân cấp;”

13. Bãi bỏ khoản 2 Điều 3, khoản 2 Điều 4, khoản 2 Điều 5 quy định về tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp; bãi bỏ điểm b khoản 3 Điều 4 và điểm b khoản 3 Điều 5 quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Điều 4. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2021/TT-BGDĐT ngày 02 tháng 02 năm 2021 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường trung học phổ thông công lập

1. Bổ sung Điều 2a sau Điều 2 quy định về tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp như sau:

“Điều 2a. Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp

a) Chấp hành các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của ngành và địa phương về giáo dục trung học phổ thông;

b) Thường xuyên trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; gương mẫu trước học sinh;

c) Thương yêu, đối xử công bằng và tôn trọng nhân cách của học sinh; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của học sinh; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp;

4. Thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm và nghĩa vụ của viên chức theo Luật Viên chức 2010 và quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đạo đức nhà giáo.”

2. Sửa đổi điểm b khoản 3 Điều 3 quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp như sau:

“b) Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông.”

3. Sửa đổi điểm i khoản 4 Điều 4 quy định về thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề như sau:

“i) Giáo viên trung học phổ thông hạng II (mã số V.07.05.14) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng III (mã số V.07.05.15) hoặc tương đương đủ từ 09 (chín) năm trở lên (không kể thời gian tập sự).”

4. Sửa đổi điểm i khoản 4 Điều 5 quy định về thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề như sau:

“i) Giáo viên trung học phổ thông hạng I (mã số V.07.05.13) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng II (mã số V.07.05.14) hoặc tương đương từ đủ 06 (sáu) năm trở lên.”

5. Sửa đổi Điều 9 quy định về điều khoản áp dụng như sau:

“Điều 9. Điều khoản áp dụng

1. Giáo viên trung học phổ thông có bằng tốt nghiệp đại học thì được công nhận tương ứng với bằng cử nhân.

2. Thời gian giáo viên giữ hạng I, II, III và tương đương theo quy định tại Thông tư liên tịch số 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV tương đương với thời gian giữ hạng I, II, III quy định tại Thông tư này.”

6. Sửa đổi khoản 1 Điều 10 quy định về tổ chức thực hiện như sau:

“1. Thông tư này là căn cứ thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ giáo viên trung học phổ thông trong các trường trung học phổ thông công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.”

7. Sửa đổi điểm a khoản 2 Điều 10 quy định về trách nhiệm của người đứng đầu các trường trung học phổ thông công lập trực tiếp quản lý, sử dụng viên chức như sau:

“a) Lập phương án bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với giáo viên trung học phổ thông trong trường trung học phổ thông công lập thuộc thẩm quyền quản lý, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền phân cấp;”

8. Bãi bỏ khoản 2 Điều 3, khoản 2 Điều 4, khoản 2 Điều 5 quy định về tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp; bãi bỏ điểm b khoản 3 Điều 4 và điểm b khoản 3 Điều 5 quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Điều 5. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày      tháng      năm 2022.

2. Các chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng I, hạng II, hạng III đã được cấp theo quy định của pháp luật trước ngày chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp thay thế có hiệu lực thi hành thì được xác định là tương đương với chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của cấp học tương ứng (giáo viên được dùng một trong các chứng chỉ hạng I, hạng II, hạng III đã có để xác định tương đương).

3. Giáo viên tuyển dụng mới phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tương ứng với cấp học đang giảng dạy trong thời gian thực hiện chế độ tập sự. Giáo viên tuyển dụng mới nhưng không phải thực hiện chế độ tập sự thì phải bổ sung chứng chỉ trong thời hạn 01 (một) năm kể từ ngày được tuyển dụng. Giáo viên đã được bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp và hiện đang giảng dạy nhưng chưa có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên của cấp học đang giảng dạy hoặc chứng chỉ tương đương thì phải bổ sung chứng chỉ trong thời hạn 03 (ba) năm kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành. Khi đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tương ứng với cấp học đang giảng dạy hoặc chứng chỉ tương đương.

4. Trường hợp giáo viên chưa được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên đúng với cấp học đang giảng dạy thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định việc xét chuyển chức danh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

5. Trường hợp giáo viên trước khi được tuyển dụng, tiếp nhận đã có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo đúng quy định của Luật bảo hiểm xã hội, làm việc ở vị trí việc làm có yêu cầu về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp (nếu có thời gian công tác không liên tục mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn) và thời gian đó được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng, tiếp nhận tính làm căn cứ xếp lương ở chức danh nghề nghiệp hiện giữ thì được tính là tương đương với hạng chức danh nghề nghiệp hiện giữ. Trường hợp có thời gian tương đương thì phải có ít nhất 01 năm (đủ 12 tháng) giữ chức danh nghề nghiệp hạng dưới liền kề so với hạng chức danh nghề nghiệp dự thi hoặc xét tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.

6. Nhiệm vụ của giáo viên được quy định đối với từng hạng chức danh nghề nghiệp là những công việc giáo viên thực hiện sau khi được bổ nhiệm vào hạng và trong suốt thời gian giữ hạng nếu được hiệu trưởng phân công. Hiệu trưởng có thể phân công giáo viên thực hiện nhiệm vụ của hạng cao hơn nếu giáo viên có khả năng. Đối với những nhiệm vụ theo hạng chức danh nghề nghiệp mà trường mầm non, phổ thông công lập không được giao hoặc không đủ điều kiện thực hiện thì người đứng đầu trường mầm non, phổ thông công lập quyết định việc quy đổi sang các nhiệm vụ khác có liên quan để làm căn cứ đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của giáo viên. Không yêu cầu giáo viên phải nộp minh chứng về việc thực hiện nhiệm vụ của hạng khi bổ nhiệm vào hạng.

7. Trường hợp giáo viên mầm non, phổ thông đã thực hiện việc bổ nhiệm từ các Thông tư liên tịch số 20/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV sang chức danh nghề nghiệp tương ứng theo quy định tại các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT, khi thực hiện việc bổ nhiệm, xếp lương theo các quy định sửa đổi, bổ sung tại Thông tư này không thực hiện việc truy thu tiền lương chênh lệch đã chi trả.

8. Trường hợp giáo viên đã được bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp thấp hơn liền kề và chưa đạt tiêu chuẩn của hạng chức danh nghề nghiệp tương ứng theo quy định, sau khi đạt tiêu chuẩn thì được bổ nhiệm vào hạng mà không phải thông qua thi hoặc xét thăng hạng.

9. Chế độ nâng bậc lương thường xuyên, nâng bậc lương trước thời hạn được tiếp tục thực hiện đối với trường hợp giáo viên chưa đạt các tiêu chuẩn của hạng chức danh nghề nghiệp tương ứng đã được bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp thấp hơn liền kề hoặc giữ mã số, hệ số lương hiện hưởng quy định tại khoản 3 Điều 7 Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, khoản 3 Điều 7 Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT, khoản 2 Điều 7 Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT đã được sửa đổi tại Thông tư này.

10. Tính từ tháng 11 năm 2015, các trường hợp căn cứ vào trình độ đào tạo để bổ nhiệm vào hạng cao mà không thông qua kỳ thi hoặc xét thăng hạng do cấp có thẩm quyền tổ chức thì phải thực hiện bổ nhiệm lại vào đúng hạng tương ứng với hạng đã được tuyển dụng hoặc hạng đã được bổ nhiệm trước đó.

11. Việc bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông công lập phải được hoàn thành và báo cáo kết quả về Bộ Giáo dục và Đào tạo trong vòng 06 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

12. Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

Nơi nhận:
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ủy ban
VHGD của Quốc hội;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Bộ trưởng;

- Các Thứ trưởng;
- Các Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ Bạc Liêu;
- Công báo;
- Cổng TTĐT của Chính phủ;
- Cổng TTĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Công đoàn Giáo dục Việt Nam;
- Lưu: VT, PC, NGCBQLGD (15b).

 

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG





Phạm Ngọc Thưởng

 

 

Ghi chú

văn bản tiếng việt

download Thông tư PDF (Bản Pdf)
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.

Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

văn bản TIẾNG ANH

* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

loading
×
×
×
Vui lòng đợi