BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM -------------------- Số: 5381/BHXH-TCCB V/v: hướng dẫn xét tuyển viên chức năm 2010 | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ------------------------- Hà Nội, ngày 08 tháng 12 năm 2010 |
Kính gửi: | - Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - Các đơn vị trực thuộc cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam |
Căn cứ Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước và Nghị định số 121/2006/NĐ-CP ngày 23/10/2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2003/NĐ-CP; Căn cứ nhu cầu thực tế về cán bộ, công chức, viên chức của ngành; Sau khi có ý kiến của Bộ Nội vụ tại Công văn số 4222/BNV-CCVC ngày 30/11/2010, Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là địa phương) và các đơn vị trực thuộc cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam (sau đây gọi tắt là đơn vị) một số nội dung về công tác tuyển dụng theo hình thức xét tuyển như sau:
I. NGUYÊN TẮC, PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG XÉT TUYỂN, CÁCH XÁC ĐỊNH NGƯỜI TRÚNG TUYỂN VÀ QUYẾT ĐỊNH TUYỂN DỤNG:
1. Nguyên tắc xét tuyển:
a) Việc xét tuyển viên chức của ngành năm 2010 bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật;
b) Người được xét tuyển phải đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn của ngạch tuyển dụng, có chuyên môn đào tạo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của ngành và vị trí tuyển dụng;
c) Việc xét tuyển viên chức được thực hiện bởi Hội đồng xét tuyển của ngành do Tổng giám đốc quyết định thành lập và trực tiếp chỉ đạo.
2. Phạm vi và đối tượng xét tuyển:
a) Việc xét tuyển viên chức năm 2010 để bố trí vào các vị trí công tác theo chức danh chuyên môn, nghiệp vụ thuộc phạm vi Bảo hiểm xã hội tỉnh, Bảo hiểm xã hội huyện và các đơn vị trực thuộc cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong chỉ tiêu biên chế được giao.
b) Đối tượng xét tuyển là những người đang thực hiện chế độ lao động hợp đồng làm chuyên môn, nghiệp vụ (bao gồm lao động hợp đồng có thời hạn, lao động hợp đồng không xác định thời hạn, lao động hợp đồng tạm tuyển…) tại các địa phương, đơn vị tính đến ngày 31/10/2010.
c) Đối tượng ưu tiên trong xét tuyển: Báo cáo các đối tượng theo quy định tại khoản 2, điều 7, Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ và khoản 1, Điều 1 Nghị định số 121/2006/NĐ-CP ngày 23/10/2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2003/NĐ-CP.
3. Nội dung xét tuyển:
a) Yêu cầu, tiêu chuẩn nghiệp vụ của ngạch tuyển dụng:
- Có bằng chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với ngạch tuyển dụng;
- Bằng Tốt nghiệp phổ thông trung học (bằng cấp 3);
- Các chứng chỉ bồi dưỡng:
+ Đối với ngạch chuyên viên (A1) và chuyên viên cao đẳng (A0):
* Chứng chỉ đào tạo ngoại ngữ trình độ B trở lên của một trong các thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp, Trung, Nhật.
* Chứng chỉ đào tạo tin học trình độ B trở lên.
+ Đối với ngạch cán sự: Chứng chỉ tin học trình độ A trở lên.
b) Tính điểm trong xét tuyển:
Điểm xét tuyển là tổng số điểm kết quả học tập, điểm phỏng vấn sơ tuyển cộng với điểm ưu tiên theo quy định của pháp luật, trong đó:
- Điểm kết quả học tập xác định theo kết quả học tập trung bình toàn khóa của người dự tuyển và được quy đổi theo thang điểm 100, nhân hệ số 2 (theo hướng dẫn tại Thông tư số 02/2008/TT-BNV ngày 03/3/2008 của Bộ Nội vụ).
- Điểm phỏng vấn được tính theo thang điểm 100. Việc phỏng vấn nhằm đánh giá kiến thức, khả năng giao tiếp; kiến thức hiểu biết về xã hội nói chung và nhiệm vụ của ngành nói riêng; nguyện vọng, hướng phấn đấu của người dự tuyển. Thang điểm cho các phần thuộc nội dung phỏng vấn như sau:
+ Kiến thức giao tiếp: + Hiểu biết xã hội: + Hiểu biết về nhiệm vụ của ngành: + Nguyện vọng và hướng phấn đấu của người dự tuyển: | tối đa 25 điểm; tối đa 25 điểm; tối đa 25 điểm; tối đa 25 điểm; |
Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố căn cứ tình hình thực tế tại địa phương để xây dựng nội dung phỏng vấn.
- Điểm ưu tiên: người dự tuyển thuộc đối tượng ưu tiên thì được cộng điểm ưu tiên theo quy định của pháp luật. Điểm ưu tiên và nguyên tắc xác định điểm ưu tiên thực hiện theo quy định tại khoản 3, điều 12, Nghị định số 116/2003/NĐ-CP.
4. Xác định người trúng tuyển và quyết định tuyển dụng:
Trên cơ sở đề nghị của địa phương và chỉ tiêu biên chế được giao, Hội đồng xét tuyển của Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ xem xét, thẩm định kết quả sơ tuyển tại địa phương và đề nghị Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam ra quyết định tuyển dụng đối với các trường hợp trúng tuyển trong kỳ xét tuyển.
Người trúng tuyển trong kỳ xét tuyển là người có đầy đủ văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu, tiêu chuẩn nghiệp vụ của ngạch dự tuyển và có điểm của mỗi nội dung tính điểm xét tuyển đạt từ 50 điểm trở lên và tính từ người có tổng số điểm cao nhất cho đến hết chỉ tiêu.
II. QUY TRÌNH XÉT TUYỂN:
1. Đối với địa phương:
a) Thông báo công khai cho đối tượng về chủ trương tuyển dụng của ngành và hướng dẫn đối tượng kê khai hồ sơ đề nghị xét tuyển.
Hồ sơ đề nghị xét tuyển bao gồm:
+ Sơ yếu lý lịch có dán ảnh và xác nhận của Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh;
+ Văn bằng, chứng chỉ chuyên môn, nghiệp vụ được đào tạo; bảng kết quả học tập (bảng điểm);
+ Giấy khai sinh, Giấy khám sức khỏe;
+ Đơn đăng ký dự tuyển viên chức.
b) Thành lập Hội đồng sơ tuyển và tổ chức sơ tuyển tại địa phương:
- Hội đồng sơ tuyển tại địa phương do Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố quyết định thành lập gồm 5 thành viên, trong đó Chủ tịch Hội đồng là Giám đốc hoặc Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố; Phó Chủ tịch Hội đồng là Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (hoặc Trưởng phòng Tổ chức – Hành chính), các ủy viên còn lại là lãnh đạo phòng nghiệp vụ thuộc Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố và 01 ủy viên thư ký là cán bộ theo dõi công tác tuyển dụng của Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố.
- Nhiệm vụ của Hội đồng sơ tuyển:
+ Xét duyệt hồ sơ đối tượng tham gia dự tuyển theo các yêu cầu, tiêu chuẩn nghiệp vụ của ngạch được tuyển dụng;
+ Tổng hợp kết quả học tập trung bình toàn khóa của người dự tuyển và quy đổi điểm số theo quy định của pháp luật;
+ Xây dựng nội dung phỏng vấn và thực hiện phỏng vấn, chấm điểm người tham gia dự tuyển theo thang điểm hướng dẫn tại mục b, điểm 3, phần I nói trên;
+ Tổng hợp và thống nhất kết quả sơ tuyển báo cáo Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét, tuyển dụng.
Hội đồng sơ tuyển tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
2. Đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam:
a. Thành lập Hội đồng xét tuyển: Tổng giám đốc quyết định thành lập Hội đồng xét tuyển và quy định số lượng, cơ cấu thành viên, nguyên tắc làm việc và nhiệm vụ của Hội đồng.
Giúp việc Hội đồng xét tuyển có Tổ Thư ký do Chủ tịch Hội đồng quyết định thành lập và phân công nhiệm vụ.
b) Tuyển dụng: Căn cứ đề nghị của Hội đồng xét tuyển, Tổng giám đốc phê duyệt và ra quyết định tuyển dụng, tập sự, bổ nhiệm vào ngạch viên chức theo quy định.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Trách nhiệm của địa phương:
- Thành lập Hội đồng sơ tuyển và tổ chức sơ tuyển theo đúng quy định;
- Báo cáo việc thực hiện số biên chế được giao theo quyết định của Tổng giám đốc về giao biên chế và các quyết định của Tổng giám đốc về điều chỉnh vị trí, chức danh, trình độ và ngành nghề đào tạo để tuyển dụng;
- Tổng hợp, báo cáo kết quả sơ tuyển tại địa phương và gửi kèm hồ sơ, danh sách đối tượng tham gia dự tuyển theo mẫu đính kèm Công văn này về Bảo hiểm xã hội Việt Nam trước ngày 31/12/2010.
Đối với những đối tượng đã gửi hồ sơ đề nghị thi tuyển theo hướng dẫn tại Công văn số 1416/BHXH-TCCB trước đây, chỉ bổ sung kết quả sơ tuyển tại địa phương. Những đối tượng tham gia dự tuyển phát sinh sau ngày 30/6/2010 theo hướng dẫn tại Công văn số 1416/BHXH-TCCB đề nghị hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định và kết quả sơ tuyển, gửi về Bảo hiểm xã hội Việt Nam để xem xét, quyết định;
- Thu lệ phí xét tuyển là 140.000 đồng/người. Mức lệ phí và việc tổ chức thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí xét tuyển thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 163/2010/TTLT-BTC-BNV ngày 20/10/2010 của Bộ Tài chính – Bộ Nội vụ hướng dẫn mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí dự tuyển và phí dự thi nâng ngạch công chức, viên chức và quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
Địa phương được trích lại 50% lệ phí xét tuyển thu được để phục vụ công tác sơ tuyển, 50% còn lại nộp về Hội đồng xét tuyển của ngành. Ngoài khoản lệ phí nêu trên, người dự tuyển không phải nộp thêm một khoản tiền nào khác. Nghiêm cấm các địa phương, đơn vị tự ý thu thêm lệ phí của người dự tuyển.
2. Trách nhiệm của Ban Tổ chức cán bộ:
- Tiếp nhận hồ sơ và kết quả sơ tuyển do các địa phương gửi về chuyển Tổ thư ký giúp việc Hội đồng xét tuyển thẩm định;
- Rà soát, tổng hợp số lượng và lập danh sách đối tượng thuộc diện xét tuyển đang công tác tại các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, chuyển Tổ Thư ký giúp việc Hội đồng xét tuyển thẩm định theo quy định;
- Thu lệ phí xét tuyển của người tham gia dự tuyển thuộc phạm vi quản lý của các đơn vị trực thuộc cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các địa phương, nộp về Hội đồng xét tuyển;
- Lập dự toán kinh phí để thực hiện việc xét tuyển từ nguồn lệ phí xét tuyển trình Chủ tịch Hội đồng xét tuyển xem xét, phê duyệt.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị các địa phương, đơn vị phản ánh về Bảo hiểm xã hội Việt Nam để xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận: - Như trên; - Bộ Nội vụ (để báo cáo); - TGĐ và các PTGĐ; - Lưu VT, TCCB (5). | TỔNG GIÁM ĐỐC Lê Bạch Hồng |