Xét thăng hạng giáo viên: Điều kiện, thủ tục thế nào?

Thăng hạng giáo viên, đây là một trong những vấn đề mà nhiều thầy cô giáo quan tâm nhưng lại còn khá mơ hồ. Sau đây, LuatVietnam xin giới thiệu toàn bộ thông tin cần biết về việc xét thăng hạng giáo viên.

1. Giáo viên có bắt buộc phải thăng hạng không?

Có thể khẳng định, giáo viên không bắt buộc phải xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Điều 31 Luật Viên chức số 58/2010/QH12 nêu rõ:

Viên chức được đăng ký thi hoặc xét thay đổi chức danh nghề nghiệp nếu đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu và đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, theo khoản 1 Điều 3 Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT, giáo viên được xét thăng hạng lên chức danh cao hơn liền kề nếu cơ sở giáo dục có nhu cầu, người đứng đầu cử xét thăng hạng cùng các điều kiện khác.

Do đó, không phải mọi trường hợp giáo viên đều được thăng hạng nói chung và xét thăng hạng nói riêng. Đây cũng không phải yêu cầu bắt buộc với mọi giáo viên: Chỉ khi vừa đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn thì giáo viên mới được xét thăng hạng.

xét thăng hạng giáo viên
Phải đáp ứng đủ điều kiện mới được xét thăng hạng giáo viên (Ảnh minh hoạ)

2. Tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng của giáo viên

Về điều kiện xét thăng hạng giáo viên, Điều 3 Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT nêu rõ:

- Trường học có nhu cầu, người đứng đầu cơ quan quản lý cử đi xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

- Xếp loại chất lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự xét thăng hạng.

- Đáp ứng các điều kiện về phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt; không đang hoặc trong thời gian thực hiện các quy định về xử lý kỷ luật.

- Được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên phù hợp với vị trí việc làm đang đảm nhận.

- Đáp ứng chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng và tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Trong đó, tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng của giáo viên các cấp được quy định cụ thể tại các Thông tư 01, 02, 03, 04 của Bộ Giáo dục và Đào tạo như sau:

Cấp học

Yêu cầu trình độ đào tạo cụ thể

Trung học phổ thông (THPT)

Hạng I

- Bằng thạc sĩ ngành đào tạo giáo viên THPT trở lên.

- Chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên THPT.

Hạng II

- Bằng cử nhân ngành đào tạo giáo viên THPT trở lên.

- Môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân: Bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên THPT.

- Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên THPT.

Trung học cơ sở (THCS)

Hạng I

- Bằng thạc sĩ ngành đào tạo giáo viên THCS trở lên, hoặc

- Bằng thạc sĩ chuyên ngành phù hợp với môn học giảng dạy trở lên hoặc

- Bằng thạc sĩ quản lý giáo dục trở lên.

- Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS.

Hạng II

- Bằng cử nhân ngành đào tạo giáo viên THCS trở lên.

- Nếu môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên: Bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên THCS.

- Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS.

Tiểu học

Hạng I

- Bằng thạc sĩ ngành đào tạo giáo viên tiểu học trở lên, hoặc

- Bằng thạc sĩ chuyên ngành phù hợp với môn học giảng dạy trở lên, hoặc

- Bằng thạc sĩ quản lý giáo dục trở lên.

- Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học.

Hạng II

- Bằng cử nhân ngành đào tạo giáo viên tiểu học trở lên.

- Nếu môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân ngành đào tạo giáo viên: Bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên tiểu học.

- Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học.

Mầm non

Hạng I

- Bằng cử nhân giáo dục mầm non trở lên; Hoặc

- Bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm giáo dục mầm non và bằng cử nhân quản lý giáo dục trở lên.

- Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non.

Hạng II

- Bằng cử nhân giáo dục mầm non trở lên; Hoặc

- Bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm giáo dục mầm non và bằng cử nhân quản lý giáo dục trở lên.

- Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non.

3. Thủ tục xét thăng hạng giáo viên mới nhất

3.1 Hồ sơ cần chuẩn bị

Hồ sơ xét thăng hạng giáo viên được quy định chi tiết tại Điều 36 Nghị định 115/2020/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Cụ thể:

- Sơ yếu lý lịch viên chức được lập trước chậm nhất 30 ngày tính đến hạn cuối nộp hồ sơ thăng hạng và cần phải có xác nhận của cơ quan đang sử dụng giáo viên đó.

- Bản đánh giá, nhận xét của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng giáo viên đó hoặc của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý trường học về các tiêu chuẩn, điều kiện thăng hạng giáo viên.

- Văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu tương ứng với hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên xét thăng hạng (bản sao).

Riêng trường hợp giáo viên đã chuẩn đầu ra ngoại ngữ, tin học, được sử dụng thay thế chứng chỉ ngoại ngữ, tin học (nếu hạng chức danh thăng hạng có yêu cầu). Nếu giáo viên được miễn ngoại ngữ, tin học thì được miễn chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

- Các yêu cầu khác.

Xét thăng hạng giáo viên có thể không cần chứng chỉ ngoại ngữ, tin học
Xét thăng hạng giáo viên có thể không cần chứng chỉ ngoại ngữ, tin học (Ảnh minh hoạ)

3.2 Nội dung, hình thức xét thăng hạng

Xét từ hạng II lên hạng I

Xét từ hạng III lên hạng II

Thông qua:

- Xét, chấm điểm hồ sơ đăng ký xét thăng hạng.

- Kiểm tra, sát hạch khi điểm hồ sơ đạt 100 điểm bằng trắc nghiệm hoặc phỏng vấn.

  • Trắc nghiệm: Làm trong 60 phút tối đa không quá 60 câu hỏi, gồm các câu hỏi về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về giáo dục, nhiệm vụ của nhà giáo; chấm theo thang điểm 30; thực hiện trên giấy/máy tính.
  • Phỏng vấn: Không quá 15 phút/thí sinh liên quan đến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về giáo dục và nhiệm vụ của nhà giáo; chấm thang điểm 30 và thực hiện trực tiếp với từng người.

Thông qua xét và chấm điểm hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng với tiêu chuẩn chức danh của mỗi cấp học.

4. Cách xác định giáo viên đạt yêu cầu

Căn cứ khoản 1 Điều 7 Thông tư 34, giáo viên được xem là trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

- Có đủ hồ sơ kèm minh chứng.

- Xét từ hạng II lên hạng I: Điểm chấm hồ sơ đạt 100 điểm, điểm kiểm tra và sát hạch đạt từ 15 điểm trở lên; xét từ hạng III lên hạng II: Điểm chấm hồ sơ đạt 100 điểm.

- Nếu hồ sơ đáp ứng tiêu chuẩn trên nhiều hơn số chỉ tiêu được giao thì:

  • Xét thăng hạng từ hạng II lên hạng I: Lấy điểm kiểm tra, sát hạch từ cao xuống thấp cho hết chỉ tiêu.
  • Xét thăng hạng từ hạng III lên hạng II: Sử dụng nhiệm vụ của hạng II làm căn cứ xét thăng hạng. Lấy điểm chấm minh chứng từ cao xuống thấp đến khi hết chỉ tiêu về các nhiệm vụ của hạng II mà hạng III đã thực hiện trong 06 năm liền kề trước thời điểm hết hạn nộp hồ sơ xét thăng hạng.

Đặc biệt, nếu có 02 người có điểm bằng nhau trở lên ở chỉ tiêu cuối cùng thì thực hiện lấy người trúng tuyển theo thứ tự sau đây:

  • Giáo viên là nữ.
  • Giáo viên là người dân tộc thiểu số.
  • Giáo viên nhiều tuổi hơn tính theo ngày, tháng, năm sinh.
  • Giáo viên có thời gian công tác nhiều hơn.

Nếu vẫn không xác định được thì quyền quyết định chọn ai sẽ do người đứng đầu cơ quan tổ chức xét thăng hạng quyết định sau khi có văn bản trao đổi với người đứng đầu cơ quan quản lý viên chức.

Trên đây là toàn bộ quy định cần biết về việc xét thăng hạng giáo viên theo quy định hiện hành. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Đánh giá bài viết:
(10 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Đề xuất tiêu chuẩn thăng quân hàm cấp tướng vượt bậc và trước thời hạn trong quân đội

Đề xuất tiêu chuẩn thăng quân hàm cấp tướng vượt bậc và trước thời hạn trong quân đội

Đề xuất tiêu chuẩn thăng quân hàm cấp tướng vượt bậc và trước thời hạn trong quân đội

Tại dự thảo Nghị định mới đây, Bộ Quốc phòng đã đề xuất quy định mới về tiêu chí, tiêu chuẩn thăng quân hàm cấp tướng vượt bậc và trước thời hạn. Theo dõi bài viết dưới đây để có thông tin cụ thể.