Xét nâng ngạch công chức: Tiêu chuẩn, hồ sơ thế nào?

Nâng ngạch công chức là một trong những chính sách được nhiều công chức quan tâm hiện nay. Theo đó, theo quy định mới nhất, việc xét nâng ngạch công chức sẽ thế nào?


Bổ sung thêm hình thức nâng ngạch công chức từ 01/7/2020

Trước đây, khoản 1 Điều 44 Luật Cán bộ, công chức 2008 nêu rõ:

Việc nâng ngạch phải căn cứ vào vị trí việc làm, phù hợp với cơ cấu công chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị và thông qua thi tuyển

Tuy nhiên, từ ngày 01/7/2020, Luật sửa đổi 2019 chính thức có hiệu lực đã bổ sung thêm 01 hình thức nâng ngạch công chức là xét nâng ngạch công chức. Cụ thể, khoản 8 Điều 1 Luật sửa đổi 2019 nêu rõ:

Việc nâng ngạch công chức phải căn cứ vào vị trí việc làm, phù hợp với cơ cấu ngạch công chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị và được thực hiện thông qua thi nâng ngạch hoặc xét nâng ngạch

Như vậy, mặc dù vẫn căn cứ vào vị trí việc làm, phù hợp cơ cấu ngạch công chức nhưng hiện nay, việc nâng ngạch công chức được thực hiện theo 02 hình thức: Thi và xét nâng ngạch.


2 trường hợp công chức được xét nâng ngạch

Theo khoản 9 Điều 1 Luật sửa đổi 2019, có 02 trường hợp được xét nâng ngạch công chức:

- Có thành tích xuất sắc trong hoạt động công vụ khi giữ ngạch công chức hiện giữ, được cấp có thẩm quyền công nhận;

- Được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý gắn với yêu cầu của vị trí việc làm.

Trong đó, yêu cầu về thành tích xuất sắc trong hoạt động công vụ gồm các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ của công chức và được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 31 Nghị định 138/2020/NĐ-CP như sau:

- Nâng từ ngạch nhân viên lên cán sự; từ ngạch cán sự lên chuyên viên: Được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và 02 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở;

- Nâng ngạch từ chuyên viên lên chuyên viên chính: Được khen thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương;

- Nâng ngạch từ chuyên viên chính lên chuyên viên cao cấp: Được khen thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất hoặc đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc.

4 quy định mới về xét nâng ngạch công chức cần lưu ý (Ảnh minh họa)


Điều kiện được xét nâng ngạch công chức

Như phân tích ở trên, có 02 trường hợp được xét nâng ngạch công chức tuy nhiên không phải công chức nào thuộc 02 trường hợp đó cũng đều được xét nâng ngạch.

Theo khoản 9 Điều 1 Luật sửa đổi 2019, công chức phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện sau đây thì được xét trong 02 trường hợp nêu trên:

- Xếp loại chất lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm xét nâng ngạch;

- Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật;

- Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận vị trí việc làm tương ứng với ngạch công chức cao hơn ngạch công chức hiện giữ trong cùng ngành chuyên môn;

- Đáp ứng yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ của ngạch công chức xét nâng ngạch. Trong đó, có bằng tốt nghiệp chuyên môn đã chuẩn đầu ra về ngoại ngữ hoặc tin học mà tương ứng với yêu cầu của ngạch xét nâng ngạch thì đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn ngoại ngữ, tin học (căn cứ điểm c khoản 2 Điều 30 Nghị định 138/2020/NĐ-CP).

Đặc biệt: Theo khoản 4 Điều 70 Nghị định 138/2020/NĐ-CP, người đứng đầu cơ quan quản lý công chức quyết định đặc cách xét nâng ngạch công chức nếu công chức đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện của ngạch cao hơn liền kề trong cùng ngành chuyên môn với ngạch hiện giữ mà không yêu cầu về thời gian giữ ngạch trong trường hợp:

- Có thành tích đặc biệt xuất sắc trong hoạt động công vụ;

- Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong 03 năm liên tiếp kể từ ngày có quyết định tuyển dụng.

Lưu ý: Cơ quan quản lý công chức chịu trách nhiệm trước pháp luật về tiêu chuẩn, điều kiện của công chức được xét nâng ngạch (căn cứ khoản 4 Điều 31 Nghị định 138/2020/NĐ-CP).


Công chức cần chuẩn bị hồ sơ gì để xét nâng ngạch?

Hồ sơ xét nâng ngạch công chức được quy định chi tiết tại khaorn 2 Điều 36 Nghị định 138/2020/NĐ-CP gồm:

- Sơ yếu lý lịch công chức (lập chậm nhất là 30 ngày trước thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ xét nâng ngạch, có xác nhận của cơ quan quản lý, sử dụng công chức);

- Bản nhận xét, đánh giá của người đứng đầu cơ quan, tổ chức sử dụng công chức về các tiêu chuẩn, điều kiện xét nâng ngạch;

- Văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu (bản sao). Không phải nộp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nếu đã chuẩn đầu ra;

- Các yêu cầu khác theo quy định về tiêu chuẩn nghiệp vụ của ngạch công chức xét nâng ngạch.

- Bản sao các văn bản minh chứng về tiêu chuẩn, điều kiện xét nâng ngạch công chức: Bằng khen của Thủ tướng, Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhất…

Trên đây là các quy định mới nhất về xét nâng ngạch công chức đang áp dụng hiện nay mà các công chức nên lưu ý. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ.

>> Thi nâng ngạch công chức - Những quy định mới áp dụng

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục