Điều kiện thi thăng hạng và cách xếp lương của bác sĩ

Cũng như giáo viên, bác sĩ là một trong các đối tượng sẽ được thăng hạng thông qua thi hoặc xét. Vậy điều kiện nâng hạng và các xếp lương của bác sĩ được quy định thế nào?


Bác sĩ gồm những hạng gì? Khi nào được nâng hạng?

Điều 2 Thông tư liên tịch số 10 năm 2015 quy định chức danh bác sĩ gồm:

- Bác sĩ cao cấp (hạng I); mã số V.08.01.01.

- Bác sĩ chính (hạng II); mã số V.08.01.02.

- Bác sĩ (hạng III) mã số V.08.01.03.

Theo đó, để thay đổi chức danh nghề nghiệp, viên chức chức danh bác sĩ thực hiện trong các trường hợp thi hoặc xét thăng hạng từ hạng thấp lên hạng cao hơn liền kề trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp.

Điều kiện để đăng ký dự thi thăng hạng với chức danh bác sĩ nêu cụ thể tại Điều 3 Thông tư liên tịch số 56/2015/TT-BYT như sau:

- Đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu;

- Đang giữ chức danh nghề nghiệp có cùng 4 chữ số đầu trong mã số chức danh nghề nghiệp với chức danh đăng ký thi thăng hạng (trừ thăng hạng từ chức danh y sĩ lên bác sĩ hoặc bác sĩ y học dự phòng);

- Có khả năng đảm nhiệm hoặc đang làm việc ở vị trí công việc phù hợp với hạng chức danh đăng ký dự thi thăng hạng;

- Được cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng viên chức đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian ba năm liên tục tính đến thời điểm nộp hồ sơ;

- Có phẩm chất đạo đức tốt; không trong thời gian bị thi hành kỷ luật hoặc đã có thông báo về việc xem xét xử lý kỷ luật;

- Được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý hoặc sử dụng viên chức cử tham dự thi thăng hạng;

- Có đủ tiêu chuẩn của hạng chức danh nghề nghiệp đăng ký dự thi.

Đồng thời, căn cứ Thông tư liên tịch số 10/2015, để được thăng hạng thì các chức danh bác sĩ phải đáp ứng điều kiện về thời gian giữ hạng ở hạng thấp hơn. Cụ thể:

- Thăng hạng từ bác sĩ chính (hạng II) lên bác sĩ cao cấp (hạng I): Phải có thời gian giữ chức danh bác sĩ chính (hạng II) hoặc tương đương tối thiểu là 06 năm, trong đó có thời gian gần nhất giữ bác sĩ chính (hạng II) tối thiểu 02 năm;

- Thăng hạng từ bác sĩ (hạng III) lên bác sĩ chính (hạng II): Phải có thời gian giữ bác sĩ (hạng III) hoặc tương đương tối thiểu:

  • 09 năm với người có bằng tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa cấp I hoặc thạc sĩ y học;
  • 06 năm với người có bằng tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa cấp II hoặc tiến sỹ y học bằng bằng tốt nghiệp bác sĩ nội trú.

Trong đó có thời gian gần nhất giữ chức danh bác sĩ (hạng III) tối thiểu 02 năm.

Như vậy, để được dự thi thăng hạng, chức danh bác sĩ phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện nêu trên.


Điều kiện thi thăng hạng và cách xếp lương của bác sĩ (Ảnh minh họa)


Cách xếp lương bác sĩ khi thi thăng hạng

Các chức danh nghề nghiệp bác sĩ áp dụng bảng lương chuyên môn nghiệp vụ với cán bộ, viên chức trong đơn vị sự nghiệp Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP:

- Bác sĩ cao cấp hạng I: Áp dụng hệ số lương viên chức loại A3 nhóm A3.2 từ 6,2 - 8,0.

- Bác sĩ chính hạng II: Áp dụng hệ số lương viên chức loại A2 nhóm A2.1 từ 4,4 - 6,78.

- Bác sĩ hạng III: Áp dụng hệ số lương viên chức loại A1 từ 2,34 - 4,4.

Khi bác sĩ thăng hạng chức danh nghề nghiệp, theo khoản 1 Điều 42 Nghị định 115/2020/NĐ-CP, chậm nhất 15 ngày kể từ ngày nhận được danh sách viên chức trúng tuyển, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức thực hiện bổ nhiệm và xếp lương cho viên chức trúng tuyển.

Việc xếp lương của các đối tượng này sau khi thăng hạng được thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 1 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV như sau:

1/ Chưa hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở hạng cũ

Căn cứ vào hệ số lương đang hưởng ở hạng cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở hạng mới.

Ví dụ:

Ông Nguyễn Văn A đang là bác sĩ chính hạng II, xếp lương ở bậc 4, hệ số lương là 5,42. Khi ông A trúng tuyển trong kỳ thi thăng hạng I thì căn cứ vào hệ số lương hiện hưởng của ông A là 5,42, ông A sẽ được xếp vào bậc 1 với hệ số lương 6,2.

2/ Đang hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở hạng cũ

- Căn cứ tổng hệ số lương cộng với phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ở hạng cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở hạng mới.

Ví dụ:

Bà Trần Thị A đang hưởng 6% phụ cấp thâm niên vượt khung ở chức danh bác sĩ hạng III. Khi đó, tổng hệ số lương cộng với phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ở hạng cũ của bà A là: 4,98 + 6%*4,98 = 5.2788 (tương đương 5,28).

Bà A đạt kỳ thi thăng hạng lên bác sĩ chính hạng II thì căn cứ vào tổng hệ số nêu trên (5,28) để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất chức vụ bác sĩ chính hạng II là 5,42 (bác sĩ chính hạng II bậc 4).

- Có tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ở hạng cũ lớn hơn hệ số lương ở bậc cuối cùng trong hạng mới: Xếp vào hệ số lương ở bậc cuối cùng ở hạng mới và cộng thêm hệ số chênh lệch bảo lưu cho bằng tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ở hạng cũ.

Ví dụ:

Bà Trần Thị C đang hưởng 20% phụ cấp thâm niên vượt khung ở hạng bác sĩ chính (hạng II bậc 8 hệ số 6,78).

Tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ở hạng cũ là: 6,78 + 20%*6,78 = 8,136.

Bà C đủ điều kiện và được thăng lên bác sĩ cao cấp hạng I.

Tuy nhiên, do tổng hệ số 8,136 này lớn hơn hệ số lương 8,0 bậc 6 - hệ số cuối cùng trong hạng bác sĩ cao cấp nên bà C được xếp vào hệ số lương 8,0 bậc 6 bác sĩ cao cấp hạng I và được hưởng thêm hệ số chênh lệch bảo lưu là 8,136 - 8,0 = 0,136 (làm tròn là 0,14).

Như vậy, bà C đủ điều kiện, được thăng lên bác sĩ cao cấp hạng I sẽ hưởng hệ số lương 8,0 ở bậc 6 và thêm hệ số chênh lệch bảo lưu 0,14.

Lưu ý: Hệ số chênh lệch bảo lưu này được hưởng trong suốt thời gian bà C được xếp lương ở hạng mới.

Trên đây là điều kiện và cách xếp lương khi bác sĩ thi thăng hạng. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

>> Bảng lương bác sĩ, y sĩ chính thức mới nhất

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục