Bên cạnh việc nghỉ có lương thì viên chức cũng như bao người lao động khác cũng được nghỉ không hưởng lương. Tuy nhiên, trường hợp nào viên chức được nghỉ không hưởng lương và nghỉ tối đa bao nhiêu ngày?
2 điều kiện viên chức được nghỉ không lương
Theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Luật Viên chức năm 2010, viên chức được hưởng các chế độ nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động.
Nếu viên chức không nghỉ hoặc không nghỉ hết số ngày nghỉ này thì được thanh toán tiền cho những ngày không nghỉ.
Ngoài ra, nếu viên chức làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa hoặc trường hợp đặc biệt khác, nếu có yêu cầu thì có thể được gộp ngày nghỉ phép:
- Gộp số ngày nghỉ phép của hai năm để nghị một lần;
- Gộp số ngày nghỉ phép của ba năm để nghỉ một lần. Trong trường hợp này, viên chức phải được sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
Đặc biệt: Với các lĩnh vực đặc thù, viên chức được nghỉ việc và hưởng lương theo quy định riêng.
Về việc nghỉ không hưởng lương, khoản 4 Điều 13 Luật Viên chức nêu rõ:
Được nghỉ không hưởng lương trong trường hợp có lý do chính đáng và được sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
Căn cứ quy định này, viên chức hoàn toàn được nghỉ không hưởng lương. Tuy nhiên, khi nghỉ không hưởng lương thì viên chức phải đáp ứng hai điều kiện sau đây:
- Có lý do chính đáng;
- Được sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
Viên chức được nghỉ việc không lương tối đa bao nhiêu ngày?
Vì chế độ nghỉ của viên chức thực hiện theo pháp luật về lao động. Do đó, căn cứ khoản 2 Điều 115 Bộ luật Lao động năm 2019, viên chức được nghỉ việc riêng và không hưởng lương trong thời gian 01 ngày, phải thông báo với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trong trường hợp:
- Ông bà nội; ông bà ngoại; anh, chị, em ruột chết;
- Cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.
- Khi có thỏa thuận với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập để nghỉ không hưởng lương.
Ngoài ra, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, viên chức còn được nghỉ hưởng chế độ ốm đau. Cụ thể, Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội quy định:
STT | Thời gian đóng bảo hiểm xã hội | ||
Dưới 15 năm | Từ đủ 15 - dưới 30 năm | Đủ 30 năm trở lên | |
Điều kiện lao động bình thường | |||
Thời gian nghỉ/năm | 30 ngày | 40 ngày | 60 ngày |
- Làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; - Làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; - Làm ở nơi có phụ cấp khu vực từ 0,7 trở lên | |||
Thời gian nghỉ/năm | 40 ngày | 50 ngày | 70 ngày |
Riêng trường hợp nghỉ việc do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày: Tối đa 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, nghỉ hằng tuần. Hết 180 ngày này mà vẫn tiếp tục điều trị thì thời gian tối đa bằng thời gian đã đóng BHXH.
Đặc biệt, trong thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp không phải trả lương cho viên chức mà viên chức sẽ được nhận tiền từ cơ quan bảo hiểm xã hội.
Đáng chú ý, nếu nghỉ đủ thời gian hưởng chế độ ốm đau trong một năm thì theo Điều 29 Luật BHXH, viên chức còn được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 - 10 ngày trong một năm do sức khỏe chưa phục hồi. Thời gian này gồm cả ngày lễ, nghỉ Tết, nghỉ hàng tuần.
Số tiền viên chức nhận được do hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau do cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả mà không phải từ người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
Nói tóm lại: Viên chức được nghỉ không lương tối thiểu 01 ngày nếu thuộc một trong các trường hợp nêu trên, tối đa không giới hạn số ngày nếu thỏa thuận được với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp do có lý do chính đáng.
Ngoài ra, viên chức cũng được nghỉ tối thiểu 30 ngày và tối đa bằng số thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội mà không hưởng lương từ đơn vị sự nghiệp công lập mà từ cơ quan bảo hiểm xã hội.
Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.