Viên chức có được thành lập doanh nghiệp không?

Hiện nay, nhiều người khi có vốn và năng lực thường sẽ muốn đầu tư thành lập doanh nghiệp. Tuy nhiên, liệu pháp luật có cấm đối tượng nào không được thành lập doanh nghiệp không?


Viên chức có được thành lập doanh nghiệp không?

Khoản 1 Điều 17 Luật Doanh nghiệp năm 2020 nêu rõ:

Tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

Theo đó, các cá nhân, tổ chức được quyền thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam nhưng trừ các đối tượng sau đây:

- Cơ quan Nhà nước, đơn vị quân đội, công an dùng tài sản Nhà nước thành lập doanh nghiệp nhằm thu lợi riêng cho cơ quan mình.

- Cán bộ, công chức, viên chức.

- Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng… trong quân đội, công an trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước.

- Cán bộ quản lý trong doanh nghiệp Nhà nước trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác.

- Người chưa thành niên, bị hạn chế/mất năng lực hành vi dân sự; khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

- Tổ chức không có tư cách pháp nhân; Pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực theo Bộ luật Hình sự.

- Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tạm giam, chấp hành hình phạt tù hoặc bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc nhất định…

Căn cứ quy định này, viên chức thuộc đối tượng không được thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam. Lý giải cho việc quy định này, có thể xem xét đến hai nguyên nhân:

- Viên chức cũng như công chức, cán bộ, có thể là người quản lý hoặc trực tiếp làm công việc liên quan đến các ngành, nghề, lĩnh vực nhất định. Do đó, quy định không cho viên chức thành lập doanh nghiệp sẽ là biện pháp ngăn chặn tình trạng tham nhũng có thể xảy ra.

- Nếu viên chức vừa làm người quản lý, làm việc trực tiếp vừa là người kinh doanh sẽ dễ có tiêu cực, thậm chí có thể biến doanh nghiệp đó thành “sân sau” của viên chức để thu lợi bất chính.

vien chuc co duoc thanh lap doanh nghiep khong
Viên chức là đối tượng không được thành lập doanh nghiệp (Ảnh minh họa)


Viên chức có được làm giám đốc doanh nghiệp không?

Khoản 3 Điều 14 Luật Viên chức quy định, quyền của viên chức trong hoạt động kinh doanh và làm việc ngoài thời gian như sau:

Được góp vốn nhưng không tham gia quản lý, điều hành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác.

Theo quy định này, có thể thấy, viên chức chỉ được quyền góp vốn mà không được quản lý, điều hành doanh nghiệp cũng như hợp tác xã, bệnh viện tư…

Đồng thời, theo quy định tại khoản 24 Điều 4 Luật Doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp được định nghĩa như sau:

Người quản lý doanh nghiệp là người quản lý doanh nghiệp tư nhân và người quản lý công ty, bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác theo quy định tại Điều lệ công ty.

Đây cũng là nội dung quy định nêu tại điểm b khoản 2 Điều 20 Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018. Cụ thể, viên chức không được thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp (doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, hợp danh…).

Như vậy, căn cứ các quy định nêu trên, có thể khẳng định, viên chức không được làm giám đốc doanh nghiệp.

Nói tóm lại: Viên chức vừa không được thành lập doanh nghiệp vừa không được làm giám đốc (quản lý, điều hành) doanh nghiệp để tránh tham nhũng, tiêu cực có thể xảy ra.

Trên đây là giải đáp về vấn đề viên chức có được thành lập doanh nghiệp không? LuatVietnam sẵn sàng giải đáp các vấn đề độc giả còn thắc mắc xung quanh bài viết này tại tổng đài 1900.6192.

>> Thành lập doanh nghiệp từ 2021: 7 điểm mới cần lưu ý

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục