Tổng hợp 4 trường hợp viên chức bị kỷ luật

Ngoài hình thức khen thưởng, nếu viên chức vi phạm quy định của pháp luật thì sẽ bị kỷ luật. Tùy từng tính chất, mức độ mà viên chức phải chịu hình thức kỷ luật tương xứng. Dưới đây là tổng hợp 4 trường hợp viên chức sẽ bị kỷ luật.


Các trường hợp viên chức bị xử lý kỷ luật

Hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 52 Luật Viên chức năm 2010, trong quá trình thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ, viên chức vi phạm sẽ phải chịu một trong các hình thức kỷ luật sau:

- Khiển trách;

- Cảnh cáo;

- Cách chức;

- Buộc thôi việc.

Theo đó, Điều 4 Nghị định 27/2012/NĐ-CP quy định 04 trường hợp viên chức bị kỷ luật như sau:

Trường hợp 1: Vi phạm việc thực hiện nghĩa vụ của viên chức và những việc viên chức không được làm

Theo Điều 17 Luật Viên chức, viên chức có nghĩa vụ thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ được giao đảm bảo yêu cầu về thời gian, chất lượng. Ngoài ra, khi phục vụ nhân dân, viên chức phải có thái độ lịch sự, tôn trọng nhân dân, không hách dịch, cửa quyền, gây phiền hà cho nhân dân…

Đồng thời, viên chức không được phép làm những việc như trốn tránh trách nhiệm, thoái thác công việc, phân biệt đối xử dân tộc, nam nữ, tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức; không được tham nhũng, lãng phí…

Trường hợp 2: Vi phạm các nghĩa vụ khác cam kết trong hợp đồng làm việc đã ký với đơn vị sự nghiệp công lập

Sau khi viên chức được tuyển dụng thì sẽ được ký hợp đồng làm việc với đơn vị sự nghiệp công lập với các nội dung: Quyền, nghĩa vụ các bên; loại hợp đồng; tiền lương, thưởng, chế độ; cam kết khác căn cứ vào điều kiện đặc thù của từng đơn vị sự nghiệp công lập…

Bởi vậy, khi vi phạm các nghĩa vụ đã cam kết này, viên chức có thể bị đơn vị sự nghiệp công lập kỷ luật.

Trường hợp 3: Vi phạm pháp luật bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật

Trong trường hợp viên chức bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng thì bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực (Điều 57 Luật Viên chức).

Trường hợp 4: Vi phạm quy định về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội… các quy định khác liên quan đến viên chức nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Như vậy, viên chức nếu vi phạm những quy định nêu trên sẽ bị xem xét kỷ luật. Đặc biệt, mỗi hành vi vi phạm chỉ bị xử lý bằng một hình thức kỷ luật và không áp dụng xử phạt hành chính thay cho kỷ luật.

Tổng hợp 4 trường hợp viên chức bị kỷ luật (Ảnh minh họa)

Bị kỷ luật, viên chức vẫn được xem xét nghỉ hưu?

Theo quy định tại Điều 56 Luật Viên chức, viên chức bị kỷ luật từ khiển trách đến cách chức thì đồng thời không được thực hiện việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực.

Ngoài ra, viên chức đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử thì không được bổ nhiệm, biệt phái, đào tạo, bồi dưỡng, giải quyết nghỉ hưu hoặc thôi việc.

Tuy nhiên, quy định này đã bị sửa đổi theo khoản 8 Điều 2 Luật sửa đổi Luật Viên chức năm 2019. Theo đó, kể từ ngày có quyết định kỷ luật, viên chức sẽ không được:

- Bị khiển trách hoặc cảnh cáo: Không thực hiện quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn trong thời hạn 12 tháng;

- Bị cách chức: Không thực hiện quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm trong thời hạn 24 tháng;

- Đang trong thời hạn kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử: Không được bổ nhiệm, biệt phái, đào tạo, bồi dưỡng hoặc thôi việc.

Như vậy, từ 01/7/2020, khi viên chức đang trong thời gian xem xét kỷ luật vẫn được giải quyết nghỉ hưu. Tuy nhiên, nếu sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mà phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì vẫn bị xem xét kỷ luật.

Trên đây là tổng hợp 04 trường hợp viên chức bị kỷ luật theo quy định hiện hành. Ngoài ra, có rất nhiều quy định mới nổi bật được sửa đổi, bổ sung từ 01/7/2020 tại Luật sửa đổi, bổ sung Luật Viên chức. Độc giả có thể theo dõi chi tiết tại: Điểm mới của Luật sửa đổi Luật Viên chức

Nguyễn Hương

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục