Quy định mới về lương, phụ cấp năm 2020 mọi giáo viên cần biết

Nhiều văn bản về chế độ tiền lương, phụ cấp giáo viên sẽ chính thức có hiệu lực trong năm nay. Dưới đây là tổng hợp 03 quy định mới về chính sách tiền lương ảnh hưởng đến mọi giáo viên năm 2020


1/ Lương cơ sở tăng, lương giáo viên tăng mạnh

Ngày 12/11/2019, Quốc hội vừa chính thức thông qua Nghị quyết 86/2019/QH14 về Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020. Nội dung đáng chú ý nhất của Nghị quyết này là việc điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng:

Thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng; Thời điểm thực hiện từ ngày 01/7/2020.

So với thời điểm hiện nay, từ 01/7/2020, mức lương cơ sở đã tăng thêm 110.000 đồng/tháng. Đây có thể coi là mức tăng cao nhất trong mấy năm gần đây.

Bởi hiện nay, căn cứ vào Nghị định 204/2004/NĐ-CP, giáo viên vẫn được tính lương theo công thức:

Lương = Hệ số x Mức lương cơ sở

Khi hệ số lương vẫn giữ nguyên theo phụ lục ban hành kèm Nghị định 204 nên khi mức lương cơ sở tăng kéo theo lương hàng tháng của giáo viên cũng tăng theo.

Như vậy, khi thực hiện mức lương mới, lương của giáo viên sẽ có sự thay đổi đáng kể. Cụ thể, mức lương cao nhất của giáo viên sẽ tăng thêm 880.000 đồng/tháng và mức lương thấp nhất sẽ tăng thêm 165.000 đồng/tháng

Xem thêm: Bảng lương giáo viên trên cả nước từ 01/7/2020

tiền lương của giáo viên năm 2020

Quy định mới về tiền lương của giáo viên năm 2020 mới nhất (Ảnh minh họa)

2/ Lương của giáo viên được trả theo căn cứ mới

Không chỉ tăng lương cơ sở mà từ 01/7/2020, khi Luật Giáo dục chính thức có hiệu lực thì căn cứ tính lương của giáo viên cũng thay đổi. Điều 76 Luật Giáo dục năm 2019, nêu rõ:

Nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp.

Trong đó, vị trí việc làm được giải thích cụ thể tại Điều 7 Luật Viên chức: Đây là công việc hoặc nhiệm vụ gắn với chức danh nghề nghiệp hoặc chức vụ quản lý tương ứng, là căn cứ xác định số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức để thực hiện tuyển dụng, sử dụng, quản lý.

So với Luật Giáo dục năm 2009, việc xếp lương “phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp” là quy định hoàn toàn mới. Quy định này cũng phù hợp với tinh thần về cải cách tiền lương nêu tại Nghị quyết 27/NQ-TW do Ban chấp hành Trung ương Đảng ban hành.

Như vậy, theo quy định trên, tương lai giáo viên sẽ được xếp lương dựa vào kết quả, tính chất phức tạp của công việc từng người mà không phải xếp theo cách “cào bằng” như hiện nay.

3/ Bãi bỏ phụ cấp thâm niên của giáo viên

Một trong những quy định mới mà mọi giáo viên không thể bỏ qua trong năm 2020 là việc chính thức bỏ phụ cấp thâm niên theo quy định tại Luật Giáo dục năm 2019:

Nhà giáo được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ

Theo Luật này, nhà giáo sẽ được hưởng lương phù hợp với vị trí việc làm và được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề. Trong khi đó, hiện nay, Điều 81 Luật Giáo dục năm 2005, sửa đổi năm 2009 về tiền lương của giáo viên có nêu rõ:

Nhà giáo được hưởng tiền lương, phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác ...

Có thể thấy, Luật mới đã bỏ phụ cấp thâm niên. Thay vào đó, giáo viên sẽ được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề. Phụ cấp này được quy định tại Nghị định 113 năm 2015 và chỉ áp dụng với người vừa dạy lý thuyết, vừa dạy thực hành là nghệ nhân ưu tú trở lên hoặc người có trình độ kỹ năng nghề cao, dạy thực hành trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Đây cũng là tinh thần của  Nghị quyết 27 năm 2018 của Bộ Chính trị khi xác định sẽ bỏ phụ cấp thâm niên nghề với toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức mà chỉ giữ lại khoản phụ cấp này với quân đội, công an, cơ yếu.

Như vậy, mặc dù giáo viên bị mất một khoản tiền không nhỏ khi phụ cấp thâm niên bị bãi bỏ nhưng phạm vi được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù theo nghề lại được mở rộng hơn.

Trên đây là 03 quy định mới về chính sách tiền lương mà mọi giáo viên cần phải nắm vững để tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

>> Năm 2020, tăng nhiều khoản phụ cấp của giáo viên 

Nguyễn Hương

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Đề xuất tiêu chuẩn thăng quân hàm cấp tướng vượt bậc và trước thời hạn trong quân đội

Đề xuất tiêu chuẩn thăng quân hàm cấp tướng vượt bậc và trước thời hạn trong quân đội

Đề xuất tiêu chuẩn thăng quân hàm cấp tướng vượt bậc và trước thời hạn trong quân đội

Tại dự thảo Nghị định mới đây, Bộ Quốc phòng đã đề xuất quy định mới về tiêu chí, tiêu chuẩn thăng quân hàm cấp tướng vượt bậc và trước thời hạn. Theo dõi bài viết dưới đây để có thông tin cụ thể.