Khi nào viên chức bị kỷ luật?
Điều 4 Nghị định 27/2012/NĐ-CP nêu rõ viên chức bị kỷ luật nếu có hành vi vi phạm trong các trường hợp:
- Thực hiện nghĩa vụ của viên chức và những việc viên chức không được làm: Có thái độ hách dịch, cửa quyền, gây phiền hà cho nhân dân, không đảm bảo yêu cầu về thời gian, chất lượng khi thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ… (theo Điều 17 Luật Viên chức);
- Vi phạm các nghĩa vụ khác đã cam kết trong hợp đồng làm việc ký với đơn vị sự nghiệp công lập;
- Vi phạm pháp luật bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật: Khi viên chức bị kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị kết án về hành vi tham nhũng… (theo Điều 57 Luật Viên chức);
- Vi phạm quy định về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãnh phí, bình đẳng giới… nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo đó, nếu viên chức vi phạm các trường hợp trên tùy vào tính chất, mức độ vi phạm sẽ phải chịu một trong các hình thức nêu tại Điều 52 Luật Viên chức năm 2010:
- Khiển trách;
- Cảnh cáo;
- Cách chức (chỉ áp dụng với viên chức quản lý);
- Buộc thôi việc.
Trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật viên chức mới nhất (Ảnh minh họa)
Viên chức bị kỷ luật theo thủ tục thế nào?
Thủ tục kỷ luật viên chức được thực hiện theo các bước quy định tại Mục 4 Nghị định 27/2012/NĐ-CP. Cụ thể:
Bước 1: Họp kiểm điểm viên chức có hành vi vi phạm pháp luật
Ngoại trừ trường hợp viên chức bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị kết án về hành vi tham nhũng thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải tổ chức cuộc họp để viên chức vi phạm tự kiểm điểm và nhận thức kỷ luật.
Khi đó, viên chức vi phạm phải làm bản tự kiểm điểm và tự nhận hình thức kỷ luật. Nếu người này không làm bản kiểm điểm thì cuộc họp kiểm điểm viên chức vẫn được tiến hành.
Đặc biệt, nội dung cuộc họp này phải được lập thành biên bản và trong biên bản phải có kiến nghị áp dụng hình thức kỷ luật với viên chức có hành vi vi phạm.
Bước 2: Thành lập và họp Hội đồng kỷ luật
Để tư vấn về việc áp dụng hình thức kỷ luật với viên chức có hành vi vi phạm pháp luật trừ trường hợp bị kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị kết án về hành vi tham nhũng, người có thẩm quyền phải thành lập Hội đồng kỷ luật.
Trong đó, Hội đồng kỷ luật kiến nghị áp dụng hình thức kỷ luật thông qua bỏ phiếu kín và sẽ tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Chủ tịch Hội đồng kỷ luật có trách nhiệm công bố kết quả bỏ phiếu kín và thông qua biên bản cuộc họp.
Bước 3: Ra quyết định kỷ luật
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc cuộc họp, Hội đồng kỷ luật phải gửi kiến nghị việc xử lý kỷ luật bằng văn bản kèm theo biên bản cuộc họp Hội đồng kỷ luật và hồ sơ kỷ luật cho người có thẩm quyền kỷ luật.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị, người có thẩm quyền ra quyết định kỷ luật hoặc kết luận viên chức không vi phạm pháp luật và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Ngoài ra, nếu tình huống của viên chức vi phạm có tình tiết phức tạp thì có thể kéo dài thời hạn kỷ luật.
Đặc biệt, với viên chức bị kết án phạt tù không được hưởng án treo hoặc bị kết án về hành vi tham nhũng thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án thì người có thẩm quyền ra quyết định buộc thôi việc viên chức vi phạm pháp luật.
Bước 4: Khiếu nại
Viên chức bị kỷ luật có quyền khiến nại với quyết định kỷ luật theo quy định của pháp luật về khiếu nại.
Ngoài quy định về trình tự, thủ tục kỷ luật viên chức vi phạm, quý độc giả có thể tham khảo thêm bài viết dưới đây về thay đổi trong việc đánh giá viên chức.