Thủ tục kỷ luật xóa tư cách chức vụ theo quy định mới nhất

Từ ngày 01/7/2020, cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật chính thức không còn được "hạ cánh an toàn" bởi hình thức kỷ luật xóa tư cách chức vụ đã được chính thức áp dụng. Dưới đây là quy định về hình thức này.


Xóa tư cách chức vụ là gì?

Căn cứ vào tính chất, mức độ nghiêm trọng, người có hành vi vi phạm trong thời gian công tác nhưng sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu mới phát hiện thì có thể bị xử lý hình sự, hành chính hoặc xử lý kỷ luật (căn cứ khoản 18 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức năm 2019).

Đồng thời, các hình thức kỷ luật cán bộ, công chức đã nghỉ việc hoặc nghỉ hưu trong trường hợp này được nêu tại Luật sửa đổi cụ thể như sau:

Cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm gắn với hệ quả pháp lý tương ứng với hình thức xử lý kỷ luật

Theo đó, cán bộ, công chức trong thời gian công tác mà có hành vi vi phạm pháp luật thì dù đã nghỉ việc hoặc nghỉ hưu nhưng nếu bị phát hiện, căn cứ vào mức độ, tính chất của vi phạm vẫn phải chịu một trong các hình thức kỷ luật dưới đây:

- Khiển trách;

- Cảnh cáo;

- Xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm.

Lưu ý: Việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức đã nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mà phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác gắn với hệ quả pháp lý tương ứng với hình thức xử lý kỷ luật.

Đặc biệt, cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác trước ngày 01/7/2020 - thời điểm Luật sửa đổi 2019 có hiệu lực thì vẫn bị xử lý kỷ luật theo quy định này.

Như vậy, căn cứ quy định trên, có thể hiểu xóa tư cách chức vụ là một trong những hình thức xử lý kỷ luật cán bộ, công chức đã nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mà sau đó phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác. Đây là một trong những điểm mới, đáng chú ý tại Luật sửa đổi năm 2019.

Riêng cán bộ, công chức hiện đang công tác vẫn bị kỷ luật bằng cách hình thức:

- Với công chức: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức và buộc thôi việc;

- Với cán bộ: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm.


Thủ tục kỷ luật xóa tư cách chức vụ theo quy định mới nhất (Ảnh minh họa)


2 bước xóa tư cách chức vụ từ 20/9/2020

Mặc dù hình thức kỷ luật xóa tư cách chức vụ đã được đề cập đến tại Luật sửa đổi Luật Cán bộ, công chức và được áp dụng từ ngày 01/7/2020 nhưng từ ngày 20/9/2020, khi Nghị định số 112/2020/NĐ-CP có hiệu lực thì mới có hướng dẫn chi tiết thủ tục này.

Cụ thể, căn cứ Điều 23 Nghị định 112/2020/NĐ-CP, thủ tục xử lý kỷ luật công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu mới phát hiện vi phạm được thực hiện như sau:

Bước 1: Căn cứ quyết định xử lý kỷ luật của cấp có thẩm quyền, cơ quan tham mưu về công tác cán bộ của cấp có thẩm quyền xử lý đề xuất hình thức, thời điểm kỷ luật và thời gian thi hành kỷ luật.

Riêng trường hợp chưa có quyết định xử lý kỷ luật của cấp có thẩm quyền với người đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong quá trình công tác, cấp có thẩm quyền quyết định việc xử lý kỷ luật và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Trong đó, cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật với người bị xóa tư cách chức vụ, chức danh là cấp có thẩm quyền phê chuẩn, quyết định phê duyệt kết quả bầu cử, bổ nhiệm vào chức vụ, chức danh cao nhất trừ trường hợp người giữ chức vụ, chức danh trong cơ quan hành chính Nhà nước do Quốc hội phê chuẩn thì Thủ tướng Chính phủ ra quyết định kỷ luật.

Bước 2: Cấp có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật.

Trên đây là thủ tục xóa tư cách chức vụ theo quy định hiện nay. Nếu còn thắc mắc, độc giả có thể liên hệ 19006192 để được giải đáp, tư vấn.

>> 7 điểm mới về kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục