Những ai đủ điều kiện xét tuyển viên chức?
Điều 23 Luật Viên chức năm 2010 quy định, viên chức được tuyển dụng thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển. Theo đó, để quyết định tuyển dụng viên chức thông qua thi tuyển hay xét tuyển phải dựa vào quyết định của cơ quan có thẩm quyền (căn cứ Điều 5 Nghị định 29 năm 2012).
Trong thông báo tuyển dụng của cơ quan có thẩm quyền phải bao gồm các nội dung nêu tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 03/2019/TT-BNV gồm:
- Tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự tuyển;
- Số lượng viên chức cần tuyển dụng tương ứng với vị trí việc làm;
- Thời hạn, địa điểm tiếp nhận Phiếu đăng ký dự tuyển;
- Hình thức và nội dung thi tuyển hoặc xét tuyển cùng thời gian, địa điểm thi tuyển hoặc xét tuyển…
Điều kiện để xét tuyển được nêu cụ thể tại Điều 4 Nghị định 29 sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 2 Nghị định 161 năm 2018 gồm:
- Có quốc tịch và cư trú tại Việt Nam;
- Từ đủ 18 tuổi trở lên. Với một số lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, người xét tuyển có thể không cần đủ 18 tuổi;
- Có đơn đăng ký dự tuyển;
- Có văn bằng, chứng chỉ đào tạo, chứng chỉ hành nghề hoặc năng khiếu, kỹ năng phù hợp với vị trí việc làm, không phân biệt loại hình đào tạo, văn bằng, chứng chỉ, trường công lập, trường ngoài công lập…
Đặc biệt những người sau đây không được đăng ký xét tuyển gồm người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án…
Trình tự, thủ tục xét tuyển viên chức mới nhất (Ảnh minh họa)
Viên chức xét tuyển theo trình tự thế nào?
Về việc xét tuyển viên chức, khoản 5 Điều 2 Nghị định 161 năm 2018 nêu rõ, xét tuyển viên chức được thực hiện theo quy trình sau:
Bước 1: Kiểm tra điều kiện, tiêu chuẩn xét tuyển
Đây là vòng xét tuyển đầu tiên của kỳ xét tuyển vào viên chức. Tại vòng này, người dự tuyển được kiểm tra điều kiện, tiêu chuẩn nêu tại Phiếu đăng ký dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm. Nếu phù hợp được tham dự vòng thứ 2.
Sau khi kết thúc kiểu tra điều kiện, tiêu chuẩn, chậm nhất 05 ngày, người đứng đầu cơ quan tuyển dụng phải thông báo triệu tập thí sinh tham dự vòng 2 và phải tổ chức xét tuyển vòng 2 chậm nhất là 15 ngày sau khi thông báo triệu tập.
Bước 2: Tiến hành xét tuyển
Tiếp theo vòng 1 đây là vòng xét tuyển thứ 2. Người dự tuyển sẽ được phỏng vấn hoặc thực hành để kiểm tra năng lực, trình độ chuyên môn, nghiêp vụ của người dự tuyển. Việc quyết định hình thức phỏng vấn hay thực hành do người đứng đầu cơ quan quyết định.
Tuy nhiên, việc quyết định hình thức xét tuyển phải căn cứ vào tính chất hoạt động nghề nghiệp và yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng. Trong đó, thời gian dùng để xét tuyển tùy vào từng hình thức mà được quy định như sau:
- Phỏng vấn: 30 phút;
- Thực hành: Thời gian do người đứng đầu cơ quan quyết định.
Bước 3: Xác định người trúng tuyển
Để xác định người trúng tuyển, cần lưu ý, điểm phỏng vấn hoặc thực hành được tính theo thang điểm 100. Và chỉ được xác định trúng tuyển nếu người dự xét tuyển có đủ các điều kiện sau:
- Có kết quả điểm phỏng vấn hoặc thực hành từ 50 điểm trở lên;
- Chọn người có tổng điểm (đã bao gồm điểm ưu tiên) từ cao xuống thấp. Lưu ý, chỉ chọn trong phạm vi chỉ tiêu được tuyển dụng của từng vị trí việc làm;
- Nếu có 02 người trở lên có tổng điểm bằng nhau ở chỉ tiêu cuối cùng cần tuyển dụng thì người có kết quả điểm phỏng vấn hoặc thực hành cao hơn thì trúng tuyển;
- Nếu vẫn không xác định được người trúng tuyển thì người đứng đầu cơ quan tuyển dụng viên chức quyết định.
Trên đây là quy trình, thủ tục xét tuyển viên chức mới nhất. Không chỉ vậy, có một số trường hợp đặc biệt được tuyển dụng không qua thi tuyển hoặc xét tuyển nếu đáp ứng các điều kiện theo bài viết dưới đây: