Thủ tục xét tuyển công chức cập nhật mới nhất

Xét tuyển là một trong hai hình thức tuyển dụng công chức hiện đang được áp dụng theo quy định tại Nghị định 138/2020/NĐ-CP. Vậy, thủ tục xét tuyển công chức mới nhất thế nào?


Ai được xét tuyển công chức?

Theo khoản 5 Điều 1 Luật sửa đổi Luật Cán bộ, công chức năm 2019, tuyển dụng công chức được thực hiện thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển hoặc do người đứng đầu cơ quan quản lý công chức quyết định tiếp nhận vào công chức.

Trong đó, hình thức, nội dung thi tuyển, xét tuyển công chức phải phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm trong từng ngành, nghề, đảm bảo lựa chọn được người có phẩm chất, trình độ và năng lực.

Riêng hình thức xét tuyển, khoản 5 Điều 1 Luật sửa đổi 2019 nêu rõ, các đối tượng được tuyển dụng thông qua xét tuyển gồm:

- Cam kết tình nguyện làm việc từ 05 năm trở lên ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn;

- Người học theo chế độ cử tuyển, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học;

- Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng. Đối tượng này được thực hiện theo quy định về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.

Đáng chú ý: Những đối tượng được xét tuyển vào công chức không phải thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức (căn cứ khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi 2019).

thu tuc xet tuyen cong chuc
Quy định mới nhất về thủ tục xét tuyển công chức (Ảnh minh họa)


Thủ tục, trình tự xét tuyển công chức áp dụng từ 01/12/2020

Trình tự, thủ tục xét tuyển công chức được Chính phủ quy định cụ thể tại Nghị định 138 năm 2020. Theo đó, công chức được xét tuyển theo thủ tục sau đây:

Bước 1: Thông báo tuyển dụng

Việc thông báo xét tuyển công chức phải thực hiện công khai:

- Ít nhất 01 lần trên một trong các phương tiện thông tin đại chúng: Báo in, báo điện tử, báo nói, báo hình;

- Đăng tải trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử;

- Niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng.

Trong đó, nội dung thông báo phải bao gồm: Số lượng biên chế công chức cần tuyển dụng, số lượng vị trí việc làm thực hiện xét tuyển; tiêu chuẩn, điều kiện; thời hạn, địa chỉ, địa điểm tiếp nhận Phiếu đăng ký dự tuyển; hình thức, nội dung, thời gian, địa điểm xét tuyển…

Bước 2: Tiếp nhận Phiếu đăng ký dự tuyển

- Cách thức nộp hồ sơ: Trực tiếp tại địa điểm tiếp nhận Phiếu đăng ký dự tuyển; qua đường bưu chính hoặc qua trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng.

- Thời hạn tiếp nhận: 30 ngày kể từ ngày thông báo tuyển dụng được công khai.

Bước 3: Tổ chức xét tuyển theo 02 vòng

1/ Vòng 01: Kiểm tra điều kiện dự tuyển tại Phiếu đăng ký dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển. Nếu đáp ứng thì được tham dự vòng 02.

Chậm nhất 05 ngày kể từ ngày kết thúc việc kiểm tra điều kiện, tiêu chuẩn tại vòng 01, Hội đồng tuyển dụng sẽ:

- Lập danh sách, thông báo triệu tập thí sinh đến phỏng vấn tại vòng 02;

- Đăng tải trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử và niêm yết công khai tại trụ sở làm việc của cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng.

2/ Vòng 02: Chậm nhất 15 ngày kể từ ngày thông báo phải tiến hành phỏng vấn vòng 02.

- Nội dung: Phỏng vấn để kiểm tra về kiến thức, kỹ năng thực thi công vụ của người dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển.

- Thời gian phỏng vấn: 30 phút (thí sinh có không quá 15 phút để chuẩn bị trước khi phỏng vấn).

- Thang điểm: 100

- Không phúc khảo kết quả phỏng vấn tại vòng này.

Bước 4: Thông báo trúng tuyển

Chậm nhất 05 ngày làm việc sau khi hoàn thành việc chấm thi vòng 02, Hội đồng tuyển dụng phải báo cáo người đứng đầu cơ quan tuyển dụng công chức xem xét, phê duyệt kết quả tuyển dụng.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có quyết định phê duyệt kết quả, Hội đồng tuyển dụng phải:

- Thông báo công khai trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng;

- Gửi thông báo công nhận kết quả trúng tuyển bằng văn bản tới người dự tuyển trong đó nêu rõ thời hạn đến cơ quan có thẩm quyền để hoàn thiện hồ sơ tuyển dụng theo địa chỉ mà người này đã đăng ký.

Bước 5: Hoàn thiện hồ sơ tuyển dụng

Người trúng tuyển phải hoàn thiện hồ sơ tuyển dụng trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo trúng tuyển. Trong đó, hồ sơ trúng tuyển gồm:

- Bản sao văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển, chứng nhận đối tượng ưu tiên (nếu có);

- Phiếu lý lịch tư pháp.

Bước 6. Quyết định tuyển dụng và nhận việc

- Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức ra quyết định tuyển dụng và gửi đến người trúng tuyển theo địa chỉ đã đăng ký chậm nhất 15 ngày kể từ ngày người trúng tuyển hoàn thiện hồ sơ.

- Người được tuyển dụng đến nhận việc trong thời hạn 30 ngày trừ trường hợp có quy định thời hạn khác trong quyết định tuyển dụng hoặc cơ quan tuyển dụng đồng ý cho gia hạn.

Trên đây là thủ tục xét tuyển công chức theo quy định mới nhất hiện nay. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900 6192 để được tư vấn, giải đáp nhanh chóng nhất.

>> 8 điểm mới về tuyển dụng công chức theo Nghị định 138/2020

Đánh giá bài viết:
(2 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Mẫu đơn công khai thông tin về tuyển sinh các khóa học thêm và hướng dẫn cách viết

Mẫu đơn công khai thông tin về tuyển sinh các khóa học thêm và hướng dẫn cách viết

Mẫu đơn công khai thông tin về tuyển sinh các khóa học thêm và hướng dẫn cách viết

Từ 14/02/2025, để tổ chức dạy thêm, giáo viên phải đăng kí kinh doanh, sau đó niêm yết trên cổng thông tin điện tử hoặc tại nơi dạy thêm. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm cách viết mẫu đơn công khai thông tin về tuyển sinh các khóa học thêm để thực hiện niêm yết.