Quy trình, thủ tục kết nạp Đảng viên cập nhật mới nhất

Để được đứng trong hàng ngũ Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, bên cạnh việc nắm rõ các quy định về điều kiện kết nạp, người có đơn xin vào Đảng còn phải tìm hiểu thêm chi tiết quy trình, thủ tục kết nạp Đảng viên.


Điều kiện thực hiện thủ tục kết nạp Đảng viên mới nhất

Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân; chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước; có lao động, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; có đạo đức và lối sống lành mạnh; gắn bó mật thiết với nhân dân; phục tùng tổ chức, kỷ luật của Đảng, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng.

(căn cứ khoản 1 Điều 1 Điều lệ Đảng).

Đồng thời, khoản 2 Điều 1 Điều lệ Đảng và Quy định 24 năm 2021, Hướng dẫn số 01-HD/TW cũng đưa ra các điều kiện nghiêm khắc nếu muốn được thực hiện thủ tục kết nạp Đảng viên:

- Tại thời điểm được xét kết nạp Đảng, người vào Đảng phải đủ 18 tuổi đến đủ 60 tuổi (tính theo tháng). Riêng người vào Đảng trên 60 tuổi thì chỉ được xem xét kết nạp nếu đáp ứng các điều kiện:

  • Có sức khoẻ và uy tín.
  • Đang cư trú, công tác tại cơ sở chưa có tổ chức Đảng, chưa có Đảng viên hoặc do yêu cầu đặc biệt.
  • Được ban thường vụ cấp uỷ trực thuộc Trung ương đồng ý trước khi ra quyết định kết nạp bằng văn bản.

- Phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc tương đương trở lên. Ngoài ra, với một số đối tượng sau đây, yêu cầu về trình độ học vấn có chút khác:

  • Ít nhất là hoàn thành chương trình bậc tiểu học: Người vào Đảng đang sinh sống ở biên giới, hải đảo, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn hoặc ngư dân làm việc thường xuyên ngoài biển đảo.
  • Tối thiểu phải biết đọc, viết chữ quốc ngữ: Già làng, trưởng bản, người có uy tín, đan sống ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, ngư dân làm việc thường xuyên ngoài đảo, biển (phải được đồng ý bằng văn bản của Ban Thường vụ trực thuộc Trung ương).

- Chấp hành nghiêm chỉnh Điều lệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, các Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước;

- Có đạo đức và lối sống lành mạnh; gắn bó mật thiết với nhân dân; phục tùng tổ chức, kỷ luật của Đảng, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng…

Không chỉ vậy, để được kết nạp, người có đơn xin vào Đảng phải trải qua việc thẩm tra lý lịch khắt khe với cả bản thân và gia đình về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và phải trải qua thời gian dự bị 12 tháng trước khi được kết nạp chính thức vào Đảng.

Thủ tục kết nạp Đảng viên
Để được kết nạp Đảng, phải đáp ứng các điều kiện nghiêm ngặt (Ảnh minh hoạ)

Quy trình, thủ tục kết nạp Đảng viên mới nhất

Theo quy định tại Hướng dẫn số 01-HD/TW, việc xem xét kết nạp Đảng viên được thực hiện theo các bước chính sau đây:

Bước 1: Học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng

Người vào Đảng phải học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng. Sau khi hoàn thành sẽ được cấp giấy chứng nhận do trung tâm bồi dưỡng chính tri cấp huyện hoặc tương đương cấp. Với nơi không có đơn vị này thì do cấp ủy có thẩm quyền kết nạp Đảng viên cấp.

Những đối tượng này phải tiếp tục trau dồi kiến thức, đạo đức để được đưa vào diện cảm tình Đảng.

Bước 2: Hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét kết nạp Đảng

Người vào Đảng phải tự làm đơn, trình bày rõ những nhận thức của mình về mục đích, lý tưởng của Đảng, về động cơ xin vào Đảng.

Đồng thời, người này cũng tự khai lý lịch đầy đủ, rõ ràng, trung thực, chịu trách nhiệm về những nội dung đã khai. Nếu có vấn đề chưa hiểu, không nhớ chính xác thì phải báo cáo với chi bộ.

Các đơn vị sẽ tổ chức họp, nêu ý kiến về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống… của quần chúng được đề nghị xem xét kết nạp Đảng. Đồng thời, sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm sau đó gửi hồ sơ lên cấp trên.

Bước 3: Thẩm tra lý lịch của người vào Đảng

Người được giới thiệu kết nạp vào Đảng bắt buộc phải được thẩm tra lý lịch. Không chỉ bản thân người đó mà cả cha mẹ đẻ, cha mẹ vợ (chồng) hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng, vợ/chồng, con đẻ của người vào Đảng có năng lực hành vi dân sự đầy đủ cũng phải thẩm tra lý lịch.

Nội dung thẩm tra, xác minh cụ thể gồm:

- Với người vào Đảng: Làm rõ những vấn đề về lịch sử chính trị, chính trị, về chấp hành pháp luật của Nhà nước; đường lối, chủ trương của Đảng; phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống.

- Với người thân: Làm rõ những vấn đề về lịch sử chính trị, chính trị, về chấp hành pháp luật của Nhà nước; đường lối, chủ trương của Đảng.

Lưu ý: Sau khi thẩm tra, chi bộ, cấp uỷ kiểm tra, đóng dấu giáp lai vào các trang trong lý lịch.

Thủ tục kết nạp Đảng viên
Thủ tục kết nạp Đảng viên gồm 7 bước (Ảnh minh hoạ)

Bước 4: Xét kết nạp

Sau khi được thẩm tra lý lịch, chi bộ sẽ tiến hành họp để ra đề nghị kết nạp Đảng viên. Theo Hướng dẫn 01-HD/TW năm 2021, hồ sơ Đảng viên khi được kết nạp vào Đảng gồm các giấy tờ, tài liệu sau:

- Giấy chứng nhận học lớp bồi dưỡng cảm tình Đảng.

- Đơn xin vào Đảng.

- Lý lịch và các văn bản thẩm tra lý lịch vào Đảng kèm theo.

- Giấy giới thiệu của Đảng viên chính thức và Nghị quyết giới thiệu đoàn viên ưu tú hoặc của công đoàn cơ sở, ý kiến tổng hợp về nhận xét của đoàn thể chính trị, xã hội nơi người vào Đảng làm việc hoặc của chi uỷ nơi người vào Đảng cư trú.

- Nghị quyết xét, đề nghị kết nạp Đảng viên của chi bộ, của Đảng uỷ cơ sở.

- Báo cáo thẩm định của Đảng uỷ bộ phận - nếu có.

- Phiếu Đảng viên và lý lịch Đảng viên.

Bước 5: Tổ chức lễ kết nạp

Kể từ ngày có quyết định kết nạp, chi bộ phải tiến hành kết nạp Đảng viên trong thời hạn 30 ngày làm việc (căn cứ Điều 5 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam).

Lưu ý: Lễ kết nạp phải được tổ chức trang nghiêm. Nếu kết nạp từ 02 người trở lên trong cùng một buổi lễ thì phải kết nạp từng người một.

Bước 6: Đảng viên trải qua thời gian dự bị 12 tháng để tiếp tục rèn luyện, học tập

Theo Điều 5 Điều lệ Đảng, người được kết nạp vào Đảng phải trải qua thời kỳ dự bị 12 tháng tình từ ngày chi bộ tổ chức lễ kết nạp. Trong thời gian này, Đảng viên dự bị đó phải tiếp tục giáo dục, rèn luyện dưới sự hướng dẫn của Đảng viên chính thức.

Bước 7: Chuyển Đảng chính thức

Kể từ ngày Đảng viên hết 12 tháng dự bị, trong thời hạn 30 ngày làm việc, chi bộ phải xét và đề nghị công nhận chính thức cho Đảng viên. Nếu không đủ điều kiện thì đề nghị cấp ủy có thẩm quyền ra quyết định xóa tên.

Tại Điều 4 Hướng dẫn 01, hồ sơ xét chuyển Đảng chính thức bao gồm:

- Giấy chứng nhận học lớp bồi dưỡng Đảng viên mới;

- Bản tự kiểm điểm của Đảng viên dự bị;

- Bản nhận xét của Đảng viên chính thức được phân công giúp đỡ; của tổ chức chính trị - xã hội nơi làm việc và chi ủy nơi cư trú;

- Nghị quyết của chi bộ, đảng ủy cơ sở và quyết định công nhận đảng viên chính thức của cấp ủy có thẩm quyền…

Đặc biệt, dù chi bộ họp chậm, cấp ủy chuẩn y chậm thì Đảng viên dự bị khi đã đủ điều kiện công nhận là Đảng viên chính thức vẫn được công nhận đúng thời điểm hết 12 tháng dự bị.

Trên đây là thủ tục kết nạp Đảng viên mới nhất. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp chi tiết.

Đánh giá bài viết:
(3 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục