Trình tự, thủ tục bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý

Công chức lãnh đạo, quản lý là người được bổ nhiệm giữ chức vụ có thời hạn trong cơ quan, tổ chức. Vậy quy trình, thủ tục bổ nhiệm đối tượng này thế nào?


Hồ sơ bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý gồm những gì?

Điều 48 Nghị định 138/2020/NĐ-CP nêu rõ, hồ sơ bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý gồm:

- Tờ trình về việc bổ nhiệm do người đứng đầu cơ quan, tổ chức ký (đối với trường hợp trình cấp trên có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm); hoặc do người đứng đầu cơ quan phụ trách về công tác tổ chức cán bộ ký (đối với trường hợp người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định);

- Bản tổng hợp kết quả kiểm phiếu kèm theo biên bản kiểm phiếu ở các bước trong quy trình bổ nhiệm;

- Sơ yếu lý lịch do cá nhân tự khai, được cơ quan trực tiếp quản lý xác nhận, có dán ảnh màu khổ 4x6, chụp trong thời gian không quá 06 tháng;

- Bản tự kiểm điểm 03 năm công tác gần nhất;

- Nhận xét, đánh giá của tập thể lãnh đạo cơ quan, tổ chức về phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, đoàn kết nội bộ, về năng lực công tác, kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ trong 03 năm gần nhất;

- Nhận xét của chi ủy nơi cư trú đối với bản thân và gia đình;

- Kết luận của cấp ủy có thẩm quyền về tiêu chuẩn chính trị;

- Bản kê khai tài sản, thu nhập theo mẫu;

- Bản sao các văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của tiêu chuẩn chức danh bổ nhiệm. Trường hợp nhân sự có bằng tốt nghiệp do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp thì phải được công nhận tại Việt Nam theo quy định;

- Giấy chứng nhận sức khỏe của cơ sở y tế có thẩm quyền cấp trong thời hạn 06 tháng.

Lưu ý: Hồ sơ nhân sự bổ nhiệm phải được kê khai trung thực, chính xác, đầy đủ nội dung nêu tại các mục và phải được cấp có thẩm quyền xác nhận hoặc chứng thực.

thủ tục bổ nhiệm công chức lãnh đạo
Công chức lãnh đạo, quản lý được bổ nhiệm theo trình tự nào? (Ảnh minh họa)


Trình tự, thủ tục bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý

Theo quy định tại khoản 1 Điều 45 Nghị định 138/2020/NĐ-CP, công chức giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý thực hiện bổ nhiệm theo trình tự, thủ tục của Bộ Chính trị về bổ nhiệm cán bộ.

Riêng công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ, ngành, địa phương thì được bổ nhiệm theo quy định tại Điều 46 Nghị định 138 này như sau:

Bước 1: Xin chủ trương bổ nhiệm

- Cơ quan, đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý trình cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm bằng văn bản về chủ trương, số lượng, nguồn nhân sự và dự kiến phân công công tác với chức vụ dự kiến bổ nhiệm.

- Chậm nhất sau 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị, cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định về chủ trương bổ nhiệm.

- Chậm nhất sau 15 ngày kể từ khi có văn bản đồng ý về chủ trương bổ nhiệm của cấp có thẩm quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức tiến hành quy trình lựa chọn nhân sự.

Bước 2: Thực hiện quy trình bổ nhiệm

Với nhân sự tại chỗ:

- Trên cơ sở chủ trương, yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức và nguồn nhân sự trong quy hoạch, tập thể lãnh đạo thảo luận và đề xuất và ghi thành biên bản về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình giới thiệu nhân sự.

- Tập thể lãnh đạo mở rộng thảo luận và thống nhất về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình giới thiệu nhân sự và tiến hành giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín.

- Tập thể lãnh đạo, căn cứ vào cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu nhiệm vụ và khả năng đáp ứng của công chức; trên cơ sở kết quả giới thiệu nhân sự, tiến hành thảo luận và giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín.

- Tổ chức lấy ý kiến của cán bộ chủ chốt về nhân sự được tập thể lãnh đạo giới thiệu bằng phiếu kín theo trình tự:

  • Trao đổi, thảo luận về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu và khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của nhân sự.
  • Thông báo danh sách nhân sự do tập thể lãnh đạo giới thiệu; tóm tắt lý lịch, quá trình học tập, công tác; nhận xét, đánh giá ưu, khuyết điểm, mặt mạnh, mặt yếu, triển vọng phát triển; dự kiến phân công công tác.
  • Ghi phiếu lấy ý kiến tín nhiệm.

Trong đó, kết quả kiểm phiếu được ghi thành biên bản, không công bố tại hội nghị này.

- Tập thể lãnh đạo thảo luận và biểu quyết nhân sự.

Với nguồn nhân sự từ nơi khác

Trường hợp nhân sự do cơ quan, tổ chức đề xuất

- Gặp nhân sự được đề nghị bổ nhiệm để trao đổi ý kiến về yêu cầu nhiệm vụ công tác với với tập thể lãnh đạo và cấp ủy cơ quan, tổ chức nơi người được đề nghị bổ nhiệm đang công tác để lấy nhận xét, đánh giá với nhân sự đó; nghiên cứu hồ sơ, xác minh lý lịch.

- Thảo luận, nhận xét, đánh giá và biểu quyết nhân sự bằng phiếu kín.

Trường hợp nhân sự do cơ quan cấp trên có thẩm quyền dự kiến điều động, bổ nhiệm từ nguồn nhân sự ngoài cơ quan, tổ chức

- Trao đổi ý kiến với tập thể lãnh đạo và cấp ủy cơ quan, tổ chức tiếp nhận nhân sự về dự kiến điều động, bổ nhiệm.

- Trao đổi ý kiến với tập thể lãnh đạo và cấp ủy cơ quan, tổ chức nơi nhân sự đang công tác về chủ trương điều động, bổ nhiệm và lấy nhận xét, đánh giá của tập thể lãnh đạo và cấp ủy cơ quan, tổ chức; nghiên cứu hồ sơ, xác minh lý lịch.

- Gặp nhân sự được dự kiến điều động, bổ nhiệm để trao đổi ý kiến về yêu cầu nhiệm vụ công tác.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định về nhân sự.

Bước 3: Ra quyết định bổ nhiệm theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định.

Trên đây là quy định về thủ tục bổ nhiệm công chức vào chức vụ lãnh đạo, quản lý theo quy định mới nhất. Ngoài ra, về công chức quản lý, lãnh đạo, độc giả theo dõi thêm bài viết dưới đây:

>> Khi nào công chức được bổ nhiệm giữ chức vụ quản lý, lãnh đạo?

Đánh giá bài viết:
(2 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Đề xuất tiêu chuẩn thăng quân hàm cấp tướng vượt bậc và trước thời hạn trong quân đội

Đề xuất tiêu chuẩn thăng quân hàm cấp tướng vượt bậc và trước thời hạn trong quân đội

Đề xuất tiêu chuẩn thăng quân hàm cấp tướng vượt bậc và trước thời hạn trong quân đội

Tại dự thảo Nghị định mới đây, Bộ Quốc phòng đã đề xuất quy định mới về tiêu chí, tiêu chuẩn thăng quân hàm cấp tướng vượt bậc và trước thời hạn. Theo dõi bài viết dưới đây để có thông tin cụ thể.