Từ 01/7/2020, thêm trường hợp cán bộ bị buộc thôi việc
Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội cấp tỉnh, huyện, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách Nhà nước (khoản 1 Điều 4 Luật Cán bộ công chức năm 2008).
Theo đó, Điều 78 Luật này nêu rõ, cán bộ nếu vi phạm các quy định của Luật Cán bộ, công chức và các quy định khác của pháp luật thì tùy vào tính chất, mức độ vi phạm mà phải chịu một trong các hình thức kỷ luật:
- Khiển trách;
- Cảnh cáo;
- Cách chức. Việc cách chức chỉ áp dụng với cán bộ được phê chuẩn giữ chức vụ theo nhiệm kỳ;
- Bãi nhiệm.
Đồng thời, khoản 3 Điều 78 Luật Cán bộ công chức bị sửa đổi, bổ sung bởi khoản 14 Điều 1 Luật sửa đổi năm 2019 có nêu các trường hợp đương nhiêu bị buộc thôi việc của cán bộ gồm:
- Cán bộ bị Tóa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo (quy định cũ);
- Cán bộ bị Tòa án kết án về tội phạm tham nhũng (quy định được bổ sung bởi Luật sửa đổi năm 2019).
Thời điểm áp dụng hình thức kỷ luật là kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Ngoài ra, nếu cán bộ phạm tội bị Tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ chức vụ do bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm.
Như vậy, từ 01/7/2020 - Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức chính thức có hiệu lực, có 02 trường hợp cán bộ bị đương nhiêu buộc thôi việc, tăng thêm 01 trường hợp so với quy định nêu tại Luật Cán bộ, công chức năm 2008.
Từ 01/7/2020, cán bộ bị kỷ luật vẫn được giải quyết nghỉ hưu? (Ảnh minh họa)
Cán bộ trong thời hạn kỷ luật vẫn được cho phép nghỉ hưu?
Thời hạn kỷ luật cán bộ là thời gian từ khi phát hiện hành vi vi phạm đến khi có quyết định kỷ luật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Cụ thể, tại khoản 16 Điều 1 Luật sửa đổi 2019, thời hạn kỷ luật cán bộ không quá 90 ngày, nếu có tình tiết phức tạp thì có thể kéo dài nhưng không quá 150 ngày.
Đặc biệt, khoản 3 Điều 82 Luật Cán bộ, công chức được sửa đổi bởi khoản 17 Điều 1 Luật sửa đổi khẳng định:
Cán bộ trong thời hạn kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử thì không được ứng cử, đề cử, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, đào tạo, bồi dưỡng, nâng ngạch hoặc thôi việc
Trong khi trước đây, cán bộ trong thời gian bị xem xét kỷ luật thì không được giải quyết nghỉ hưu hoặc thôi việc (theo khoản 3 Điều 82 Luật Cán bộ, công chức năm 2008). Do đó, Luật sửa đổi đã cho phép cán bộ trong thời hạn kỷ luật được giải quyết nghỉ hưu cũng như đổi từ thời gian bị xem xét kỷ luật thành thời hạn kỷ luật.
Như vậy, cán bộ nếu đang trong thời hạn kỷ luật (90 ngày trong trường hợp bình thường, 150 ngày trong trường hợp có tình tiết phức tạp) thì không được giải quyết thôi việc.
Việc sửa đổi này vẫn hoàn toàn hợp lý bởi ngay sau đó tại khoản 18 Điều 1 Luật sửa đổi 2019 đã khẳng định cán bộ đã nghỉ việc, nghỉ hưu sẽ không còn được “hạ cánh an toàn”. Bởi, cán bộ vi phạm khi đang công tác thì căn cứ vào tính chất, mức độ nghiêm trọng, người có hành vi vi phạm có thể bị xử lý hình sự, hành chính hoặc kỷ luật.
Nếu sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu mới phát hiện hành vi vi phạm khi đang công tác thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà phải chịu một trong các hình thức kỷ luật như khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm gắn với hệ quả pháp lý tương ứng hình thức kỷ luật.
Có thể thấy, từ 01/7/2020, Luật đã bổ sung thêm hình thức kỷ luật cán bộ đã về hưu, nghỉ việc là “xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm”. Đồng thời, việc xử lý cán bộ vi phạm vẫn được thực hiện theo quy định của pháp luật (có thể xử lý hình sự, xử phạt hành chính hoặc kỷ luật).
Nói tóm lại, cán bộ đang trong thời gian kỷ luật vẫn được giải quyết cho nghỉ hưu nhưng sau đó nếu phát hiện vi phạm thì sẽ bị xử lý theo quy định. Đồng thời, về vấn đề kỷ luật một đối tượng khác được Luật Cán bộ, công chức điều chỉnh độc giả có thể theo dõi thêm tại bài viết dưới đây: