Phụ cấp thâm niên của công chức được tính thế nào?

Hiện nay, không phải ngạch công chức nào cũng được hưởng phụ cấp thâm niên nghề. Dưới đây là quy định về các đối tượng và cách tính thời gian được hưởng loại phụ cấp này của công chức.

Công chức ngạch nào được hưởng phụ cấp thâm niên?

Hiện chưa có văn bản nào định nghĩa cụ thể về phụ cấp thâm niên của công chức. Tuy nhiên, có thể hiểu đơn giản phụ cấp thâm niên là một khoản tiền có ý nghĩa khích lệ, khuyến khích một số ngạch công chức khi họ công tác lâu năm trong ngành.

Theo khoản 8 Điều 6 Nghị định 204/2004/NĐ-CP phụ cấp thâm niên nghề là một trong những khoản phụ cấp đặc thù theo nghề hoặc theo công việc. Do đó, không phải mọi ngạch công chức đều được hưởng loại phụ cấp này.

Căn cứ khoản trên, phụ cấp thâm niên nghề chỉ áp dụng với các đối tượng sau:

- Sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp thuộc quân đội nhân dân, sĩ quan và hạ sĩ quan hưởng lương thuộc Công an nhân dân;

- Người làm công tác cơ yếu trong tổ chức cơ yếu;

- Công chức hải quan.

Tuy nhiên, đến Nghị định số 76 năm 2009, Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng các đối tượng được hưởng loại phụ cấp này gồm: Công chức được xếp lương theo ngạch hoặc chức danh chuyên ngành như kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự và kiểm lâm.

Như vậy, theo quy định hiện hành, công chức hải quan, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự và kiểm lâm được hưởng phụ cấp thâm niên.

Tuy nhiên, phải lưu rằng, theo Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phụ cấp thâm niên nghề sẽ bị bãi bỏ với một số đối tượng. Và chỉ có 03 đối tượng sau vẫn được hưởng để bảo đảm tương quan tiền lương với cán bộ, công chức:

- Quân đội;

- Công an;

- Cơ yếu.

Như vậy, từ năm 2021, ngoài 03 đối tượng này vẫn được hưởng phụ cấp thâm niên thì không còn ai được hưởng loại phụ cấp này.

Thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên của công chức

Thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên của công chức (Ảnh minh họa)

Công chức phải làm đủ 60 tháng mới được hưởng phụ cấp thâm niên?

Cũng tại Nghị định 204 nêu trên, mức phụ cấp thâm niên được tính căn cứ vào thời gian 05 năm (đủ 60 tháng) làm việc liên tục. Và được hướng dẫn cụ thể tại Thông tư liên tịch 04/2009. Theo đó, thời gian làm việc để tính hưởng phụ cấp thâm niên được xác định bằng tổng thời gian:

- Làm việc được xếp lương theo một trong cách ngạch hoặc chức danh chuyên ngành hải quan, tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm và kiểm tra Đảng;

- Được hưởng phụ cấp thâm niên nghề trong quân đội, công an và cơ yếu nếu có;

- Đi nghĩa vụ quân sự mà trước đó đang được hưởng phụ cấp thâm niên nghề;

Trong đó, nếu thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề chưa hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần mà gián đoạn thì được cộng dồn.

Đồng thời, những khoảng thời gian sau sẽ không được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề gồm:

- Thời gian tập sự;

- Thời gian thực hiện chế độ công chức dự bị;

- Thời gian làm các công việc được xếp lương theo ngạch hoặc chức danh không thuộc các trường hợp được hưởng phụ cấp thâm niên nghề;

- Thời gian làm việc trong quân đội, công an và cơ yếu không được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề;

- Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 01 tháng trở lên;

- Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn;

- Thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giam, tạm giữ để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử…

Như vậy, công chức sau khi làm việc liên tục đủ 05 năm (đủ 60 tháng) trở lên thì được tính hưởng phụ cấp thâm niên. Thời gian này có thể được cộng dồn tùy vào từng trường hợp cụ thể.

>> Thay đổi lớn về Phụ cấp thâm niên công chức, viên chức từ 2020

Nguyễn Hương

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Mẫu đơn công khai thông tin về tuyển sinh các khóa học thêm và hướng dẫn cách viết

Mẫu đơn công khai thông tin về tuyển sinh các khóa học thêm và hướng dẫn cách viết

Mẫu đơn công khai thông tin về tuyển sinh các khóa học thêm và hướng dẫn cách viết

Từ 14/02/2025, để tổ chức dạy thêm, giáo viên phải đăng kí kinh doanh, sau đó niêm yết trên cổng thông tin điện tử hoặc tại nơi dạy thêm. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm cách viết mẫu đơn công khai thông tin về tuyển sinh các khóa học thêm để thực hiện niêm yết.