Giáo viên thường làm việc 42 tuần, nghỉ hè 2 tháng
Hiện nay, thời gian làm việc và nghỉ hằng năm của giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, dân tộc nội trú, bán trú, trường chuyên, lớp dành cho người khuyết tật, dự bị đại học được quy định tại Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT.
Riêng giáo viên mầm non được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chế độ làm việc tại Thông tư 48 năm 2011; chế độ làm việc của giảng viên đại học được nêu chi tiết tại Thông tư 47/2014/TT-BGDĐT.
Trong đó, với mỗi cấp học từ mầm non, tiểu học đến cấp 2, cấp 3, đại học dự bị, thời gian làm việc của giáo viên đều là 42 tuần.
Với giảng viên, thời gian làm việc thực hiện theo chế độ mỗi tuần làm việc 40 giờ và được xác định theo năm học. Trong đó, tổng quỹ thời gian làm việc của giảng viên là 1760 giờ sau khi trừ đi các ngày nghỉ.
Như vậy, thời gian làm việc của giáo viên các cấp từ mầm non, tiểu học, cấp 2, cấp 3 đến đại học dự bị như sau:
Tiêu chí | Thời gian làm việc | Thời gian nghỉ hè | |||
Giảng dạy (dạy trẻ) | Học tập, bồi dưỡng, nâng cao trình độ | Chuẩn bị năm học mới | Tổng kết năm học | ||
Mầm non | 35 tuần | 02 tuần | 02 tuần | 01 tuần | 08 tuần |
Tiểu học | 35 tuần | 05 tuần | 01 tuần | 01 tuần | 02 tháng |
Cấp 2 và cấp 3 | 37 tuần | 03 tuần | 01 tuần | 01 tuần | 02 tháng |
Dự bị đại học | 28 tuần | 12 tuần | 01 tuần | 01 tuần | 02 tháng |
Lưu ý: Căn cứ kế hoạch năm học, quy mô, đặc điểm, điều kiện cụ thể của từng trường, Hiệu trưởng bố trí thời gian nghỉ hằng năm cho giáo viên một cách hợp lý.
Như vậy, dù thời gian để giảng dạy, học tập, nâng cao trình độ, chuẩn bị năm học, kết thúc năm học… của các cấp học có khác nhau nhưng tổng thời gian làm việc thường là 42 tuần và nghỉ hè 02 tháng (08 tuần). Chỉ có thời gian làm việc của giảng viên được quy định khác với các cấp học khác.
Cách tính thời gian làm việc của giáo viên thời Covid-19 (Ảnh minh họa)
Điều chỉnh thời gian làm việc, nghỉ hè của giáo viên vì dịch
Dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, xã hội mà còn tác động mạnh đến giáo dục.
Trước đó, ngày 31/01/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 260/BGDĐT-GDTC đề nghị địa phương xem xét, quyết định cho học sinh tạm thời nghỉ học. Và đến thời điểm này, nhiều địa phương mới quyết định cho học sinh đi học trở lại.
Trong thời gian này, học sinh đã học tại nhà và giáo viên vẫn thực hiện dạy học, kiểm tra… thông qua internet, trên truyền hình. Bởi vậy, để xác định thời gian làm việc cụ thể của giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có hướng dẫn chi tiết như sau:
1/ Xác định thời gian làm việc của giáo viên
- Căn cứ tình hình thực tế việc tổ chức dạy học, giáo dục của nhà trường và hoạt động cụ thể của giáo viên để xác định số tiết thực dạy. Qua đó, quy đổi thời gian thực hiện công việc khác ra tiết dạy để xác định tổng số tiết dạy của giáo viên;
- Căn cứ điều kiện cụ thể, tính chất công việc để tính toán và quy đổi số tiết dạy phù hợp với giáo viên được giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, tổ chức dạy học qua internet, trên truyền hình…
2/ Xác định thời gian nghỉ hè của giáo viên
Bởi thời gian học tập của năm học 2019-2020 được điều chỉnh nên thời gian nghỉ hè của giáo viên cũng được tính theo thời gian thực tế từ ngày kết thúc năm học 2019-2020 đến ngày tựu trường của năm học 2020-2021.
Trong đó, căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng trường cũng như công việc của từng giáo viên, Hiệu trưởng sẽ bố trí giáo viên nghỉ hè một cách hợp lý theo quy định.
Trên đây là hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thời gian làm việc và nghỉ hè của giáo viên trong năm học 2019-2020. Các trường thực hiện theo hướng dẫn này để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho giáo viên.
>> Từ 01/7/2020, sẽ có nhiều giáo viên không phải học nâng chuẩn?
Nguyễn Hương