Hiện nay, thi giáo viên vẫn được miễn ngoại ngữ, tin học
Việc thi tuyển giáo viên hiện đang thực hiện theo quy định của Nghị định 29 năm 2012 của Chính phủ về thi tuyển viên chức được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 161/2018/NĐ-CP.
Theo đó, thi tuyển giáo viên phải trải qua 02 vòng thi và ngoại ngữ, tin học được thi ở vòng 1:
- Thi ngoại ngữ: Thi trắc nghiệm 30 câu hỏi một trong năm thứ tiếng Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc hoặc ngoại ngữ khác trong thời gian 30 phút;
- Thi tin học: Thi trắc nghiệm 30 câu hỏi theo yêu cầu vị trí việc làm trong 30 phút. Nếu thi trắc nghiệm trên máy tính thì nội dung thi không có phần tin học.
Tại Điều 7 Nghị định 29/2012/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 3 Điều 2 Nghị định 161, thí sinh được miễn thi ngoại ngữ, tin học trong các trường hợp sau:
Môn miễn thi | Trường hợp |
Ngoại ngữ | Có bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học về ngoại ngữ; |
Có bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học ở nước ngoài; | |
Tốt nghiệp đại học, sau đại học tại cơ sở đào tạo bằng tiếng nước ngoài ở Việt Nam; | |
Làm viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số là người dân tộc thiểu số hoặc có chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số được cấp có thẩm quyền công nhận; | |
Vị trí việc làm yêu cầu chuyên môn là ngoại ngữ | |
Tin học | Có bằng tốt nghiệp từ trung cấp chuyên ngành công nghệ thông tin, tin học hoặc toán - tin trở lên. |
Vị trí việc làm yêu cầu chuyên môn là tin học |
Trong những trường hợp được miễn thi ngoại ngữ, tin học này chỉ áp dụng với vòng 1. Do đó, người dự thi vẫn phải thi những môn khác ở vòng 1 như môn kiến thức chung và nếu đạt yêu cầu thì vẫn phải thi vòng 2 môn nghiệp vụ chuyên ngành.
Sẽ giảm yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học khi thi giáo viên? (Ảnh minh họa)
Sắp tới, thi giáo viên không cần chứng chỉ ngoại ngữ, tin học?
Theo phân tích trên, hiện nay vẫn có một số trường hợp được miễn thi ngoại ngữ, tin học. Tuy vậy, yêu cầu về hai loại chứng chỉ này đối với các giáo viên nói riêng và viên chức nói chung có lẽ vẫn còn phức tạp, nhiều thủ tục.
Bởi lẽ, giáo viên không chỉ phải đáp ứng điều kiện này khi tuyển dụng mà còn phải đáp ứng khi thăng hạng, trong quá trình công tác…
Vì lẽ đó cũng như thống nhất các quy định mới nêu tại Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức được sửa đổi, bổ sung năm 2019, Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định 69/QĐ-BNV.
Theo đó, với riêng viên chức, Bộ Nội vụ đã lên Kế hoạch chi tiết xây dựng Nghị định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức thay thế Nghị định 29 năm 2012 theo hướng giảm quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học khi tuyển dụng, thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Dự kiến dự thảo Tờ trình, dự thảo Nghị định và các tài liệu liên quan khi có ý kiến thẩm định sẽ được trình Chính phủ vào ngày 15/4/2020.
Tuy nhiên, dù sắp tới có thể được giảm điều kiện về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nhưng các giáo viên vẫn phải không ngừng học tập, rèn luyện ngoại ngữ, tin học bởi tại Quyết định 1659/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra mục tiêu:
- Đến năm 2025: 60% viên chức và 50% viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 trở lên theo quy định;
- Đến năm 2030: 70% viên chức và 60% viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 trở lên theo quy định và ngoại ngữ chuyên ngành.
Để thực hiện được mục tiêu đó, Thủ tướng cũng nêu rõ, sẽ thường xuyên tổ chức các kỳ thi, kiểm tra đánh giá năng lực ngoại ngữ của viên chức, kiểm tra việc cấp chứng chỉ…
Như vậy sắp tới, sẽ giảm yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học khi thi giáo viên chứ không có thông tin về việc thi giáo viên không cần chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.
>> Biểu phí thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức mới nhất
Nguyễn Hương