Tạm đình chỉ công tác có phải hình thức kỷ luật không?

Công chức trong thời gian xem xét kỷ luật có thể bị tạm đình chỉ công tác. Và câu hỏi đặt ra là, liệu tạm đình chỉ công tác có phải hình thức kỷ luật dành cho công chức không?


Tạm đình chỉ công tác không phải hình thức kỷ luật

Theo quy định tại Điều 79 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 15 Điều 1 Luật sửa đổi 2019, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà công chức phải chịu một trong những hình thức kỷ luật gồm: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức hoặc buộc thôi việc.

Trong đó, giáng chức và cách chức áp dụng với công chức giữ chức vụ, lãnh đạo; hạ bậc lương áp dụng với công chức không giữ chức vụ, lãnh đạo.

Đặc biệt, nếu bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị kết án về tội tham nhũng thì đương nhiên bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.

Để hướng dẫn cụ thể các hình thức kỷ luật với công chức, tại Điều 8 Nghị định 34/2011/NĐ-CP, Chính phủ quy định:

- Công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương và buộc thôi việc;

- Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức và buộc thôi việc.

Theo Điều 81 Luật Cán bộ, công chức năm 2008, cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý công chức ra quyết định tạm đình chỉ công tác với công chức khi:

- Công chức đó đang trong thời gian xem xét, xử lý kỷ luật;

- Nếu để công chức tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý kỷ luật công chức đó.

Như vậy, có thể thấy, tạm đình chỉ công tác không phải là một trong các hình thức xử lý kỷ luật công chức. Đây chỉ có thể coi là biện pháp tạm thời giúp quá trình xử lý kỷ luật công chức diễn ra thuận lợi hơn, tránh việc công chức đó gây khó khăn cho quá trình này.


Tạm đình chỉ công tác có phải hình thức kỷ luật không? (Ảnh minh họa)

Công chức bị tạm đình chỉ công tác tối đa bao lâu?

Cũng theo Điều 81 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 nêu trên, thời hạn tạm đình chỉ công tác công chức không quá 15 ngày. Nếu trường hợp cần thiết thì có thể kéo dài thêm nhưng tối đa không quá 15 ngày.

Đặc biệt, thời gian công chức bị tạm giữ, tạm giam nhằm phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử thì được tính là thời gian nghỉ việc có lý do. Hết thời gian tạm đình chỉ công tác, nếu công chức không bị kỷ luật thì được tiếp tục bố trí làm việc ở vị trí cũ.

Riêng công chức có chức vụ, quyền hạn có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng và có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý nếu vẫn tiếp tục làm việc thì thời gian tạm đình chỉ công tác là 90 ngày kể từ ngày ra quyết định (Điều 47 Nghị định 59 năm 2019).

Trong đó, những hành vi được coi là có thể gây khó khăn cho việc xem xét, kỷ luật công chức có chức vụ, quyền hạn nêu cụ thể tại khoản 3 Điều 43 Nghị định 59/2019/NĐ-CP gồm:

- Từ chối cung cấp thông tin, tài liệu hoặc cung cấp thông tin, tài liệu không đầy đủ, sai sự thật;

- Cố ý trì hoãn, trốn tránh không thực hiện yêu cầu của người có thẩm quyền trong quá trình xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng;

- Tự ý tháo gỡ niêm phong tài liệu, tiêu hủy thông tin, tài liệu, chứng cứ; tẩu tán tài sản có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, ảnh hưởng của mình, của người khác hoặc dùng hình thức khác để che giấu hành vi vi phạm pháp luật, gây khó khăn cho việc xác minh, làm rõ.

Như vậy: Thời gian tạm đình chỉ công tác công chức tối đa là 15 ngày, nếu cần thiết phải kéo dài thì tối đa không quá 30 ngày. Riêng công chức có chức vụ thì thời gian tạm đình chỉ công tác là 90 ngày kể từ ngày ra quyết định.

Trên đây là quy định về việc tạm đình chỉ công tác công chức có phải hình thức kỷ luật không. Ngoài ra, liên quan đến việc tạm đình chỉ công tác công chức, độc giả có thể đọc thêm bài viết dưới đây:

>> Tạm đình chỉ công tác, công chức vẫn được trả lương?

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục