Sĩ quan là gì? Lương sĩ quan theo mức mới nhất

Sĩ quan là tên thường được dùng để gọi trong lực lượng vũ trang là quân đội nhân dân. Vậy sĩ quan là gì theo quy định của pháp luật? Đồng thời, các quy định khác liên quan đến đối tượng này như thế nào?

1. Sĩ quan là gì?

1.1 Sĩ quan là gì?

Sĩ quan là bộ phận trong lực lượng vũ trang nhân dân gồm công an nhân dân và quân đội nhân dân. Theo đó, tuỳ vào từng lực lượng mà định nghĩa sĩ quan là gì cũng được hiểu theo các nghĩa khác nhau. Cụ thể:

- Trong Quân đội nhân dân: Căn cứ vào khoản 1 Điều 1 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam sửa đổi 2008, sĩ quan trong quân đội nhân dân Việt Nam là cán bộ của Đảng và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực quân sự, được phong quân hàm cấp Uý, Tá và Tướng.

- Trong công an nhân dân: Sĩ quan được chia thành hai loại là sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật theo Điều 9 Luật Công an nhân dân năm 2018. Trong đó:

  • Sĩ quan nghiệp vụ là công dân Việt Nam được tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện và hoạt động trong lĩnh vực nghiệp vụ của công an, được phong, thăng cấp bậc hàm Uý, Tá, cấp Tướng và hạ sĩ quan.
  • Sĩ quan chuyên môn kỹ thuật là công dân Việt Nam được tuyển chọn, hoạt động trong lĩnh vực chuyên môn kỹ thuật của công an, cũng được phong các cấp bậc hàm cấp Uý, Tá và hạ sĩ quan.

1.2 Sĩ quan tiếng Anh là gì?

Sĩ quan tiếng Anh là officer. Ngoài ra, trong tiếng Anh, một số thuật ngữ được sử dụng về sĩ quan là: Quân đội nhân dân Việt Nam là Vietnam People’s Army, Trung tá là Major, Đại uý là Senior Lieutenant, Thiếu Tướng là Senior Colonel…

Toàn bộ quy định cần biết về sĩ quan
Toàn bộ quy định cần biết về sĩ quan (Ảnh minh hoạ)

1.3 Sĩ quan tại ngũ được hiểu như thế nào?

Sĩ quan tại ngũ là từ được sử dụng để chỉ sĩ quan quân đội nhân dân. Theo đó, đây là ngạch gồm các sĩ quan đang công tác trong quân đội hoặc đang được cử đi biệt phái được cử đến công tác tại các cơ quan, tổ chức ngoài quân đội.

Trong công an nhân dân thì không gọi là sĩ quan công an tại ngũ mà là sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp. Tuy nhiên, cũng có thể hiểu đây là lực lượng đang phục vụ trong công an.

1.4 Sĩ quan dự bị là gì?

Sĩ quan dự bị theo khoản 5 Điều 5 Luật Sĩ quan quân đội nhân dân năm 1999 là nguồn bổ sung sĩ quan tại ngũ. Đây là ngạch gồm sĩ quan thuộc lực lượng dự bị động viên, được đăng ký, huấn luyện, quản lý để sẵn sàng huy động vào phục vụ tại ngũ.

Trong công an nhân dân, ngạch dự bị chỉ áp dụng với công dân đã thôi phục vụ trong công an và thực hiện nghĩa vụ quân sự trong ngạch dự bị.

2. Sĩ quan có mấy cấp bậc? Gồm những gì?

Sau khi nắm được thông tin sĩ quan là gì và các khái niệm xung quanh đối tượng này, bài viết dưới đây sẽ trình bày cụ thể các khía cạnh về sĩ quan trong quân đội nhân dân Việt Nam.

Một trong số đó là cấp bậc của sĩ quan. Cụ thể, Điều 10 Luật Sĩ quan quân đội nhân dân quy định hệ thống cấp bậc quân hàm của sĩ quan gồm 03 cấp và 12 bậc như sau:

  • Cấp Uý: Thiếu uý, Trung uý, Thượng uý, Đại uý
  • Cấp Tá: Thiếu tá, Trung tá, Thượng tá, Đại tá
  • Cấp Tướng: Thiếu tướng hoặc chuẩn Đô đốc Hải quân, Trung tướng hoặc Phó Đô đốc Hải quân, Thượng tướng hoặc Đô đốc Hải quân và Đại tướng.

3. Tiêu chuẩn của sĩ quan quân đội như thế nào?

Tiêu chuẩn của sĩ quan được nêu tại Điều 12 Luật Sĩ quan quân đội năm 1999. Cụ thể như sau:

3.1 Tiêu chuẩn chung

- Có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân, Đảng và Nhà nước.

- Có tinh thần cảnh giác cách mạng cao, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được cấp trên giao phó.

- Phẩm chất đạo đức cách mạng tốt, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; phát huy dân chủ, giữ nghiêm kỷ luật, tôn trọng, đoàn kết với đồng đội, nhân dân và được tín nhiệm.

- Có trình độ chính trị, khoa học quân sự và có thể vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước vào xây dựng nền quốc phòng toàn dân hay quân đội nhân dân.

- Sĩ quan phải có kiến thức về văn hoá, kinh tế, xã hội, pháp luật và các lĩnh vực khác cũng như có thể đưa vào thực tiễn đáp ứng các nhiệm vụ được giao.

- Đáp ứng tiêu chuẩn trình độ đào tạo với từng chức vụ.

- Lý lịch rõ ràng, sức khoẻ và độ tuổi phù hợp với chức vụ, cấp bậc hàm đảm nhiệm.

3.2 Điều kiện sĩ quan dự bị lên sĩ quan chuyên nghiệp

Căn cứ Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, hiện không có chức danh sĩ quan chuyên nghiệp mà chỉ có quân nhân chuyên nghiệp và sĩ quan tại ngũ cũng như sĩ quan dự bị.

Theo Điều 39 Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, quân nhân chuyên nghiệp khi thôi phục vụ tại ngũ, còn đủ tiêu chuẩn và điều kiện của sĩ quan dự bị hoặc thôi phục vụ tại ngũ phải đăng ký sĩ quan dự bị.

Riêng quân nhân chuyên nghiệp sẽ được tuyển chọn bổ sung vào đội ngũ sĩ quan tại ngũ. Và sĩ quan dự bị cũng là đối tượng được tuyển chọn bổ sung vào đội ngũ sĩ quan tại ngũ.

Cũng tại Luật này, sĩ quan tại ngũ có thể được chuyển sang quân nhân chuyên nghiệp nếu chức vụ đang đảm nhiệm không còn nhu cầu bố trí sĩ quan và sĩ quan đó đủ điều kiện thì có thể được xét chuyển sang quân nhân chuyên nghiệp (theo Điều 34 Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam).

Do đó, hiện không tồn tại trường hợp sĩ quan dự bị lên sĩ quan chuyên nghiệp mà chỉ là sĩ quan dự bị được tuyển chọn vào sĩ quan tại ngũ khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Trong thời chiến.

- Trong thời bình thì sĩ quan dự bị chưa phục vụ tại ngũ được gọi vào phục vụ tại ngũ trong 02 năm, quân đội có nhu cầu và sĩ quan đó có đủ tiêu chuẩn.

Tiêu chuẩn tuyển chọn sĩ quan gồm những gì?
Tiêu chuẩn tuyển chọn sĩ quan gồm những gì? (Ảnh minh hoạ)

4. Lương sĩ quan quân đội [năm 2023] là bao nhiêu?

Căn cứ bảng 6 ban hành kèm phụ lục Nghị định 204/2004/NĐ-CP, lương sĩ quan quân đội năm 2023 như sau:

Đơn vị: đồng/tháng

STT

Cấp bậc quân hàm

Hệ số

Mức lương từ 01/7/2023

1

Đại tướng

10,4

18.720.000

2

Thượng tướng

9,8

17.640.000

3

Trung tướng

9,2

16.560.000

4

Thiếu tướng

8,6

15.480.000

5

Đại tá

8,0

14.400.000

6

Thượng tá

7,3

13.140.000

7

Trung tá

6,6

11.880.000

8

Thiếu tá

6,0

10.800.000

9

Đại úy

5,4

9.720.000

10

Thượng úy

5,0

9.000.000

11

Trung úy

4,6

8.280.000

12

Thiếu úy

4,2

7.560.000

13

Thượng sĩ

3,8

6.840.000

14

Trung sĩ

3,5

6.300.000

15

Hạ sĩ

3,2

5.760.000

5. Sĩ quan ra quân được bao nhiêu tiền?

Nghị định 21/2009/NĐ-CP quy định các trường hợp ra quân của sĩ quan là gì. Trong mỗi trường hợp, sĩ quan sẽ được nhận chế độ khác nhau, cụ thể như sau:

STT

Trường hợp

Chế độ hưởng

1

Nghỉ hưu

- Hưởng lương hưu

- Trợ cấp một lần khi nghỉ hưu trước hạn do dôi dư vì thay đổi tổ chức, biên chế hoặc hết hạn tuổi giữ chức vụ chỉ huy, quản lý đơn vị mà quân đội không có nhu cầu sử dụng tiếp thì được hưởng:

  • 03 tháng tiền lương/năm nghỉ hưu trước tuổi
  • 05 tháng tiền lương cho 20 năm đầu công tác.
  • Được trợ cấp ½ tháng tiền lương/năm công tác từ năm thứ 21 trở đi

2

Chuyển ngành

Tuỳ vào đối tượng chuyển sang ngành gì để được hưởng chế độ tương ứng:

- Tuyển dụng vào cơ quan, đơn vị sự nghiệp nhà nước: Ưu tiên bố trí ngành nghề chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ phù hợp; miễn thi tuyển; ưu tiên cộng điểm khi thi tuyển công chức; xếp lương phù hợp công việc mới…

- Chuyển sang cơ quan không hưởng lương từ ngân sách thì lương hưu được cộng thêm khoản phụ cấp thâm niên theo thời gian phục vụ tại ngũ.

3

Phục viên

- Không đủ điều kiện nghỉ hưu/chuyển ngành:

  • Trợ cấp tạo việc làm bằng 06 tháng tiền lương cơ sở;
  • Trợ cấp phục viên một lần bằng 01 tháng tiền lương/năm công tác
  • Chế độ bảo hiểm xã hội và chế độ khác

- Phục viên về địa phương chưa quá 01 năm thì được tuyển dụng vào cơ quan, đơn vị hưởng lương từ ngân sách: Hưởng chế độ chuyển ngành và phải hoàn trả trợ cấp phục viên một lần, trợ cấp bảo hiểm xã hội đã hưởng ở trên.

- Nếu phục viên về địa phương chưa quá 01 năm, được tuyển dụng vào cơ quan không hưởng lương Nhà nước: Hoàn trả quỹ bảo hiểm xã hội trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần đã nhận thì được tính nối thời gian đóng bảo hiểm xã hội.

4

Chuyển sang quân nhân chuyên nghiệp

- Xếp lương theo diện bố trí mới phù hợp trình độ đào tạo, thời gian giữ cấp bậc quân hàm/bậc lương hiện tại.

- Hệ số lương mới thấp hơn hệ số lương sĩ quan tại thời điểm chuyển diện thì được hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu cho đến khi được nâng lương bằng/cao hơn.

5

Chuyển sang công chức quốc phòng

- Xếp lương theo diện bố trí mới phù hợp trình độ đào tạo, thời gian giữ cấp bậc quân hàm/bậc lương hiện tại.

- Hệ số lương mới thấp hơn hệ số lương sĩ quan tại thời điểm chuyển diện thì được hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu cho đến khi được nâng lương bằng/cao hơn.

- Hưởng chế độ trợ cấp một lần…

6. Sĩ quan bao nhiêu tuổi về hưu? Xin nghỉ hưu sớm được không?

6.1 Điều kiện và chế độ nghỉ hưu của sĩ quan

Nghỉ hưu là một trong những trường hợp để sĩ quan thôi phục vụ tại ngũ. Và điều kiện để sĩ quan được được lương hưu nêu tại Điều 36 Luật Sĩ quan quân đội nhân dân theo một trong các trường hợp như sau:

- Đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội trở lên, năm 2023 thì nam đủ 55 tuổi 09 tháng, nữ đủ 51 tuổi.

- Đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội, năm 2023 nam đủ 51 tuổi 09 tháng, nữ đủ 46 tuổi và có một trong các trường hợp sau đây:

  • Đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm/đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực trên hệ số 0,7 trước 01/01/2021.
  • Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên

Hoặc để biết đầy đủ các điều kiện nghỉ hưu của sĩ quan quân đội, độc giả theo dõi bài viết này: Người làm trong quân đội nghỉ hưu năm bao nhiêu tuổi?

- Chưa đủ điều kiện nghỉ hưu ở trên nhưng quân đội không còn nhu cầu hoặc không chuyển ngành được, nam đủ 25 năm, nữ đủ 20 năm phục vụ trở lên.

Điều kiện và chế độ được hưởng khi sĩ quan nghỉ hưu
Điều kiện và chế độ được hưởng khi sĩ quan nghỉ hưu (Ảnh minh hoạ)

6.2 Chế độ được hưởng khi sĩ quan nghỉ hưu trước tuổi

Căn cứ Điều 2 Nghị định 21/2009/NĐ-CP hướng dẫn bởi Điều 3 Thông tư liên tịch 36/2009/TTLT-BQP-BNV-BLĐTBXH-BTC, khi nghỉ hưu trước hạn tuổi phục vụ cao nhất, sĩ quan được hưởng trợ cấp một lần:

  • 03 tháng tiền lương/năm nghỉ hưu trước tuổi
  • 05 tháng tiền lương cho 20 năm đầu công tác.
  • Được trợ cấp ½ tháng tiền lương/năm công tác từ năm thứ 21 trở đi

Nếu thuộc một trong các trường hợp:

- Do dôi dư vì thay đổi tổ chức, biên chế

- Hết hạn tuổi giữ chức vụ chỉ huy, quản lý đơn vị mà quân đội không có nhu cầu sử dụng tiếp thì được hưởng:

Trong đó, hạn tuổi cao nhất phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm: Cấp Uý: nam 46, nữ 46; Thiếu tá: nam 48, nữ 48; Trung tá: nam 51, nữ 51; Thượng tá: nam 54, nữ 54; Đại tá: nam 57, nữ 55; Cấp Tướng: nam 60, nữ 55.

7. Sĩ quan thi khối nào? Điểm chuẩn bao nhiêu?

Các tổ hợp xét tuyển vào các trường quân đội gồm: Toán, Lý, Hoá; Toán, Lý, tiếng Anh; Toán, Hoá, Sinh; tiếng Anh, Toán, Văn; tiếng Trung Quốc, Toán, Văn; Văn, Sửa, Địa.

Ngày 23/8/2023, Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng đã chính thức công bố điểm chuẩn trúng tuyển tại các học viện, nhà trường quân đội dao động từ 22 - 28 điểm. Trong đó:

- Trường Sĩ quan Chính trị: Khối C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý) lấy 27,62 điểm áp dụng đối với thí sinh miền Bắc.

- Học viện Kỹ thuật Quân sự: Điểm cao nhất là 26,87 điểm áp dụng với nữ có hộ khẩu thường trú tại phía Bắc);

- Học viện Hậu cần: Điểm cao nhất là 26,01 điểm với thí sinh nữ ở miền Bắc...

Xem chi tiết tại đây

Thi tuyển vào quân đội, điểm chuẩn là bao nhiêu?
Thi tuyển vào quân đội, điểm chuẩn là bao nhiêu? (Ảnh minh hoạ)

8. Câu hỏi thường gặp về sĩ quan là gì?

Ngoài các quy định liên quan đến sĩ quan là gì, một số câu hỏi mà độc giả thường thắc mắc về sĩ quan sẽ được giải đáp chi tiết tại đây:

8.1 Sĩ quan có được xăm hình không?

Hiện pháp luật không cấm công dân xăm mình, xăm chữ trên cơ thể… nhưng căn cứ Thông tư liên tịch số 50/2016/TTLT-BQP-BCA, Bộ Quốc phòng đã có câu trả lời như sau: Tiêu chuẩn chính trị tuyển chọn công dân vào phục vụ trong Quân đội là:

Trên cơ thể có hình xăm, chữ xăm có nội dung chống đối chế độ, chia rẽ dân tộc, mang tính kinh dị, kỳ quái, kích động tình dục, bạo lực. Hình xăm, chữ xăm gây phản cảm ở vị trí lộ diện, như: Mặt, đầu, cổ; từ 1/2 cánh tay trên trở xuống, từ 1/3 dưới đùi trở xuống. Hình xăm, chữ xăm chiếm diện tích từ 1/2 lưng, ngực, bụng trở lên.

(theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ)

Bởi vậy, nếu có hình xăm không thuộc các trường hợp như trên thì sẽ không ảnh hưởng đến tác phòng quân nhân. Do đó, người có hình xăm vẫn được xem xét tuyển chọn vào phục vụ trong Quân đội.

8.2 Sĩ quan quân đội có được cấp đất không?

Căn cứ khoản 7 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sĩ quan Quân đội 2014, sĩ quan quân đội được hưởng phụ cấp nhà ở và chính sách về hỗ trợ nhà ở xã hội và bảo đảm nhà ở công vụ theo quy định.

8.3 Điều kiện sĩ quan biệt phái

Sĩ quan biệt phái là sĩ quan tại ngũ được cử đi công tác ở nơi khác ngoài quân đội. Điều kiện sĩ quan được cử đi biệt phái quy định tại Điều 3 Nghị định 165/2003/NĐ-CP gồm:

- Cử đi biệt phái để làm tham mưu trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, qunả lý nhà nước về quốc phòng ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan Chính phủ.

- Làm tham mưu cho chỉ đạo, tổ chức, lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng theo yêu cầu của một số cơ quan gồm: Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước.

- Làm tham mưu giảng dạy, quản lý môn giáo dục quốc phòng tạo các tỉnh, thành phố trọng điểm, học viện, đại học, cao đẳng.

- Làm công tác nghiệp vụ, chuyên môn liên quan đến quân sự, quốc phòng trong tổ chức chính trị.

Trên đây là toàn bộ quy định về sĩ quan là gì? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp chi tiết.

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Lý do quân đội, công an không bị cắt phụ cấp thâm niên?

Lý do quân đội, công an không bị cắt phụ cấp thâm niên?

Lý do quân đội, công an không bị cắt phụ cấp thâm niên?

Một trong những điều đáng chú ý trong đợt cải cách tiền lương 01/7/2024 chính là việc bãi bỏ phụ cấp thâm niên đối với công chức, viên chức. Tuy nhiên, điều này lại không áp dụng đối với quân đội, công an. Vậy lý do quân đội công an không bị cắt phụ cấp thâm niên là gì?