Quyền lợi dành cho giáo viên nghỉ hưu chưa hưởng phụ cấp thâm niên

Giáo viên đã nghỉ hưu nhưng chưa hưởng phụ cấp thâm niên sẽ được nhận trợ cấp một lần. Vậy điều kiện hưởng trợ cấp được quy định như thế nào? Giáo viên cần làm gì để được nhận trợ cấp?

Trợ cấp cho giáo viên nghỉ hưu chưa hưởng phụ cấp thâm niên

Theo Nghị định 14/2020/NĐ-CP, giáo viên đã nghỉ hưu nhưng chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu sẽ được nhận trợ cấp một lần bằng tiền.

Cụ thể, căn cứ Điều 3 Nghị định 14, giáo viên đã về hưu sẽ được hưởng chế độ trợ cấp này khi có đủ 03 điều kiện sau:

- Trực tiếp giảng dạy, giáo dục, hướng dẫn thực hành và tham gia đóng bảo hiểm xã hội từ 05 năm (đủ 60 tháng) trở lên;

- Nghỉ hưu trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/1994 đến 31/5/2011;

- Đang hưởng lương hưu tại thời điểm 01/01/2012. Nếu bị tạm dừng hưởng lương hưu thì được trợ cấp sau khi được hưởng lại lương hưu.

Về mức trợ cấp, Điều 4 Nghị định này quy định, giáo viên sẽ được nhận trợ cấp một lần bằng tiền.

Số tiền trợ cấp = (lương hưu tháng x 10%) x số năm được tính trợ cấp

Trong đó:

- Lương hưu tháng là mức lương hưu của tháng tại thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành;

- Số năm được tính trợ cấp là tổng thời gian trực tiếp giảng dạy, giáo dục, hướng dẫn thực hành trong các cơ sở giáo dục, thời gian tham gia giảng dạy ở các lớp học được tổ chức tại các đơn vị thanh niên xung phong, nếu không liên tục thì được cộng dồn, không gồm thời gian đã hưởng phụ cấp thâm niên của lực lượng vũ trang và phụ cấp thâm niên của các ngành khác (nếu có) trong lương hưu.
Tháng lẻ từ 3 tháng đến 6 tháng được tính tròn là nửa năm; từ trên 6 tháng đến dưới 12 tháng được tính tròn là 1 năm.

Trường hợp nhà giáo đủ điều kiện hưởng trợ cấp nhưng chưa được giải quyết chế độ mà từ trần từ ngày 01/01/2012 trở về sau thì đại diện theo ủy quyền của thân nhân người từ trần (bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, con đẻ, con nuôi của người từ trần) làm hồ sơ và nhận chế độ trợ cấp theo quy định.

Người đại diện theo ủy quyền của thân nhân nhà giáo đã từ trần chịu trách nhiệm trước pháp luật về hồ sơ và khoản tiền trợ cấp nhận được.

Trợ cấp cho giáo viên nghỉ hưu chưa hưởng phụ cấp thâm niên (Ảnh minh họa)

Thủ tục nhận trợ cấp 

Để được nhận trợ cấp cho giáo viên nghỉ hưu chưa hưởng phụ cấp thâm niên, người được hưởng đến cơ quan bảo hiểm xã hội huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh nơi mình cư trú để làm hồ sơ nhận trợ cấp.

Theo Điều 5 Nghị định 14 năm 2020, hồ sơ nhận trợ cấp một lần cho giáo viên nghỉ hưu chưa hưởng phụ cấp thâm niên gồm có:

- Đối với nhà giáo đang hưởng lương hưu: Tờ khai đề nghị hưởng trợ cấp ban hành kèm theo Nghị định (Mẫu số 01).

- Đối với nhà giáo đủ điều kiện hưởng trợ cấp, chưa được giải quyết chế độ mà từ trần từ ngày 01/01/2012 trở về sau, hồ sơ bao gồm:

+ Tờ khai đề nghị hưởng trợ cấp của thân nhân, ban hành kèm theo Nghị định này (Mẫu số 02).

+ Bản chụp Giấy chứng tử hoặc Giấy báo tử hoặc Quyết định của tòa án tuyên bố là đã chết (mang theo bản chính để đối chiếu).

+ Văn bản ủy quyền theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định này (Mẫu số 03); trường hợp chỉ có một thân nhân thì không cần văn bản ủy quyền này.

Về thời hạn giải quyết, Điều 6 Nghị định 14 quy định, trong 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị của người đủ điều kiện hưởng trợ cấp, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết và chi trả trợ cấp cho người được hưởng. Trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Trên đây là các quy định về trợ cấp cho giáo viên nghỉ hưu chưa hưởng phụ cấp thâm niên. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900.6192 để được hỗ trợ.

>> Bỏ phụ cấp thâm niên, lương giáo viên không giảm mà còn thêm thưởng

>> Xem thêm các chính sách mới về giáo dục tại đây.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục