Quy trình xét tuyển viên chức sang công chức mới nhất

Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi có hiệu lực dẫn đến nhiều quy định về cán bộ, công chức, viên chức thay đổi. Một trong số đó là quy trình viên chức được chuyển sang công chức.

Điều kiện chuyển viên chức thành công chức

Luật Cán bộ, công chức năm 2008 không quy định trường hợp viên chức được chuyển sang công chức. Tuy nhiên, từ 01/7/2020, khi Luật Cán bộ, công chức sửa đổi có hiệu lực thì những quy định về việc chuyển từ viên chức sang công chức cũng có nhiều sự thay đổi.

Trong đó, với trường hợp viên chức được tuyển dụng vào công chức thì:

- Chính thức đưa quy định viên chức được tuyển dụng vào công chức vào Luật;

- Bổ sung thêm điều kiện mới: Viên chức phải không trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật.

Cụ thể, khoản 5 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức sửa đổi năm 2019 quy định:

Ngoài hình thức tuyển dụng thông qua thi tuyển và xét tuyển, người đứng đầu cơ quan quản lý công chức quyết định tiếp nhận người đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện của vị trí việc làm vào làm công chức đối với trường hợp sau đây:

a) Viên chức công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập;

Đồng thời, tại khoản 1 Điều 18 Nghị định 138 năm 2020, đối tượng tiếp nhận vào làm công chức gồm viên chức công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập và phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Đáp ứng đủ điều kiện đăng ký dự tuyển công chức quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật Cán bộ, công chức: Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam; Đủ 18 tuổi trở lên; Có đơn dự tuyển; có lý lịch rõ ràng; Có văn bằng, chứng chỉ phù hợp; Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt…

- Không trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật;

- Phải có đủ 05 năm công tác trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc) làm công việc có yêu cầu trình độ đào tạo chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển. Nếu có thời gian công tác không liên tục thì được cộng dồn, kể cả thời gian công tác nếu có trước đó ở vị trí công việc thuộc trường hợp là viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Như vậy, viên chức để được chuyển thành công chức thì phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn nêu trên.

Xem thêm

Quy trình xét tuyển viên chức sang công chức mới nhất

Quy trình xét tuyển viên chức sang công chức mới nhất (Ảnh minh họa)

Quy trình, thủ tục chuyển viên chức thành công chức mới nhất

Việc viên chức được chuyển sang công chức thực hiện theo quy định tại khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 18 Nghị định 138/2020/NĐ-CP như sau:

1/ Hồ sơ của người được đề nghị tiếp nhận vào làm công chức

- Sơ yếu lý lịch công chức (lập chậm nhất là 30 ngày trước ngày nộp hồ sơ tiếp nhận), có xác nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác;

- Bản sao các văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển. Trong đó, không phải nộp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nếu có bằng tốt nghiệp chuẩn đầu ra về ngoại ngữ hoặc tin học tương ứng với yêu cầu vị trí việc làm dự tuyển hoặc thuộc trường hợp được miễn phần thi ngoại ngữ, tin học.

- Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp (chậm nhất là 30 ngày trước ngày nộp hồ sơ tiếp nhận);

- Bản tự nhận xét, đánh giá của người được đề nghị tiếp nhận (về phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, quá trình công tác), có xác nhận của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác.

(Trước đây hồ sơ được thực hiện theo quy định về hồ sơ công chức).

2/ Thủ tục chuyển viên chức thành công chức

- Khi chuyển từ viên chức sang công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan quản lý công chức phải thành lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch (căn cứ điểu a khoản 4 Điều 18 Nghị định 138).

Trong đó, Hội đồng này có nhiệm vụ là kiểm tra về tiêu chuẩn, điều kiện, văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận của người được đề nghị tiếp nhận theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển; tổ chức sát hạch về trình độ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; báo cáo kết quả sát hạch.

- Khi chuyển từ viên chức sang công chức để bổ nhiệm giữ chức danh lãnh đạo, quản lý thì không phải thành lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch nhưng phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm và tiêu chuẩn, điều kiện tiếp nhận. Trong đó, quyết định bổ nhiệm đồng thời sẽ là quyết định tiếp nhận vào làm công chức:

  • Cơ quan quản lý công chức đồng thời là cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm hoặc là cấp dưới của cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm: Quyết định bổ nhiệm đồng thời là quyết định tiếp nhận;
  • Cơ quan quản lý công chức là cấp trên của cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm: Cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm phải báo cáo cơ quan quản lý công chức đồng ý về việc tiếp nhận trước khi quyết định bổ nhiệm.

3/ Hình thức và nội dung sát hạch

Xây dựng dựa trên căn cứ vào yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển.

- Hình thức sát hạch: Phỏng vấn hoặc viết hoặc kết hợp phỏng vấn và viết.

- Nội dung sát hạch, đề xuất hình thức và cách thức xác định kết quả sát hạch: Do Hội đồng kiểm tra, sát hạch chịu trách nhiệm xây dựng, bảo đảm phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển, báo cáo người đứng đầu cơ quan quản lý công chức xem xét, quyết định trước khi tổ chức sát hạch.

- Nguyên tắc làm việc của Hội đồng kiểm tra, sát hạch: Nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số. Nếu biểu quyết ngang nhau thì thực hiện theo ý kiến mà Chủ tịch Hội đồng kiểm tra, sát hạch đã biểu quyết.

Đặc biệt, Hội đồng này sẽ tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

4/ Xếp lương cho viên chức được tiếp nhận vào làm công chức

Điều 19 Nghị định 138 quy định cụ thể về xếp lương với người được tiếp nhận vào làm công chức đã có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc.

Theo đó, nếu viên chức được bố trí làm việc theo đúng ngành, nghề đào tạo hoặc theo đúng chuyên môn nghiệp vụ trước đây đã đảm nhiệm thì thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc trước đó ở trình độ đào tạo tương ứng với yêu cầu của vị trí việc làm được tiếp nhận là căn cứ để xếp bậc lương.

Viên chức sang công chức có hưởng trợ cấp thôi việc không?

Theo khoản 1 Điều 57 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP, viên chức được giải quyết thôi việc trong các trường hợp sau đây:

- Viên chức đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc:

  • Làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn: Thông báo bằng văn bản trước ít nhất 45 ngày; ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị 06 tháng liên tục đã báo trước ít nhất 03 ngày;
  • Làm việc theo hợp đồng làm việc xác định thời hạn: Không được bố trí theo đúng vị trí việc làm, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm các điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng làm việc; Không được trả lương đầy đủ hoặc không được trả lương đúng thời hạn theo hợp đồng làm việc…

- Đơn vị sự nghiệp công lập không ký tiếp hợp đồng làm việc với viên chức khi kết thúc hợp đồng làm việc xác định thời hạn…

Đồng thời, điểm a khoản 4 Điều 57 Nghị định 115/2020 nêu rõ:

Viên chức được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền đồng ý chuyển đến làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị khác trong hệ thống chính trị

Như vậy, có thể thấy, việc viên chức chuyển sang công chức không thuộc trường hợp được hưởng trợ cấp thôi việc.

Trên đây là quy trình xét tuyển viên chức sang công chức. Tùy vào vị trí xét tuyển sang công chức có giữ chức vụ lãnh đạo hay không để quyết định trình tự cụ thể. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

>> Cập nhật thủ tục xét tuyển công chức mới nhất

Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Mẫu đơn công khai thông tin về tuyển sinh các khóa học thêm và hướng dẫn cách viết

Mẫu đơn công khai thông tin về tuyển sinh các khóa học thêm và hướng dẫn cách viết

Mẫu đơn công khai thông tin về tuyển sinh các khóa học thêm và hướng dẫn cách viết

Từ 14/02/2025, để tổ chức dạy thêm, giáo viên phải đăng kí kinh doanh, sau đó niêm yết trên cổng thông tin điện tử hoặc tại nơi dạy thêm. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm cách viết mẫu đơn công khai thông tin về tuyển sinh các khóa học thêm để thực hiện niêm yết.