Quy định về thi giáo viên dạy giỏi: 6 vấn đề mới

Hội thi giáo viên dạy giỏi là hoạt động nhằm tạo động lực cho giáo viên phấn đấu, hoàn thiện bản thân và nâng cao chất lượng giáo dục. Các thầy cô, đặc biệt là những người tham gia Hội thi giáo viên dạy giỏi cần chú ý các quy định về thi giáo viên dạy giỏi sau đây:

1. Không bắt buộc thi giáo viên dạy giỏi

Theo Điều 2 Quy định về Hội thi giáo viên dạy giỏi ban hành kèm Thông tư 22/2019/TT-BGDĐT, nguyên tắc của Hội thi giáo viên dạy giỏi dựa trên sự tự nguyện của giáo viên; không ép buộc, không tạo áp lực cho giáo viên tham gia Hội thi.

Như vậy, giáo viên được tự nguyện tham gia thi giáo viên dạy giỏi và không bắt buộc giáo viên phải tham gia thi giáo viên dạy giỏi các cấp.

2. Chu kỳ thi giáo viên dạy giỏi

Căn cứ Quy định về Hội thi giáo viên dạy giỏi, Hội thi giáo viên dạy giỏi được tổ chức ở 03 cấp là: Cấp trường, cấp huyện và cấp tỉnh. Trong đó:

- Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện được tổ chức theo chu kỳ 02 năm một lần. Hội thi cấp trường do nhà trường tổ chức, cấp huyện do Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

- Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh được tổ chức theo chu kỳ 04 năm một lần, do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

quy định về thi giáo viên dạy giỏi Quy định về thi giáo viên dạy giỏi mới nhất (Ảnh minh họa)

3. Tiêu chuẩn thi giáo viên dạy giỏi

Tiêu chuẩn Hội thi giáo viên dạy giỏi trường mầm non được quy định tại Thông tư 22 như sau:

Đối với Hội thi cấp trường: Giáo viên tham dự phải đảm bảo đạt chuẩn nghề nghiệp ở mức khá trở lên của năm liền kề năm tham dự Hội thi. Trong đó, đạt mức tốt với các tiêu chí sau quy định tại Thông tư số 26/2018/TT-BGDĐ:

- Đạo đức nhà giáo;

- Phát triển chuyên môn bản thân;

- Xây dựng kế hoạch nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục theo hướng phát triển toàn diện trẻ em; Nuôi dưỡng và chăm sóc sức khỏe trẻ em;

- Giáo dục phát triển toàn diện trẻ em;

- Quản lý nhóm, lớp;

- Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.

Đối với Hội thi cấp huyện :

- Đạt tiêu chuẩn của giáo viên tham dự Hội thi cấp trường;

- Có một năm được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp trường trở lên trong 02 năm trước liền kề hoặc được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp trường năm tham dự Hội thi.

Đối với Hội thi cấp tỉnh:

- Đạt tiêu chuẩn của giáo viên tham dự Hội thi cấp trường;

- Có một năm được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp huyện trong 02 năm trước liền kề hoặc được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp huyện năm tham dự Hội thi.

Tiêu chuẩn Hội thi giáo viên dạy giỏi các cơ sở giáo dục phổ thông 

Giáo viên tham dự Hội thi cấp trường phải đảm bảo đạt chuẩn nghề nghiệp ở mức khá trở lên của năm liền kề năm tham dự Hội thi, trong đó đạt mức tốt với các tiêu chí của Tiêu chuẩn Phát triển chuyên môn, nghiệp vụ được quy định tại Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT.

Đối với Hội thi cấp huyện:

- Đạt tiêu chuẩn của giáo viên tham dự Hội thi cấp trường;

- Có một năm được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp trường trở lên trong 02 năm trước liền kề hoặc được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp trường năm tham dự Hội thi.

Đối với Hội thi cấp tỉnh:

- Giáo viên tiểu học, trung học cơ sở phải đạt tiêu chuẩn của giáo viên tham dự Hội thi cấp trường; có một năm được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp huyện trong 02 năm trước liền kề hoặc được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp huyện năm tham dự Hội thi.

- Đối với giáo viên trung học phổ thông: Đạt tiêu chuẩn của giáo viên tham dự Hội thi cấp trường; có một năm được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp trường trong 02 năm trước liền kề hoặc được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp trường năm tham dự Hội thi.

4. Nội dung thi giáo viên dạy giỏi

Tại Thông tư 22 quy định nội dung thi giáo viên dạy giỏi như sau:

- Thực hành một hoạt động giáo dục (đối với trường mầm non) hoặc một tiết dạy (đối với cơ sở giáo dục phổ thông) cụ thể theo kế hoạch giáo dục tại thời điểm diễn ra Hội thi. Hoạt động giáo dục, tiết học tham gia Hội thi được tổ chức lần đầu tại nhóm, lớp với nguyên trạng số lượng trẻ em, học sinh của nhóm, lớp đó.

- Trình bày một biện pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em (với trường mầm non) hoặc một biện pháp nâng cao chất lượng giảng dạy học sinh (với các cơ sở giáo dục phổ thông) của cá nhân tại cơ sở giáo dục, nơi giáo viên đang làm việc.

Thời lượng trình bày biện pháp không quá 30 phút, bao gồm cả thời gian Ban Giám khảo trao đổi.

Biện pháp được lãnh đạo cơ sở giáo dục xác nhận áp dụng hiệu quả và lần đầu được dùng để đăng ký thi giáo viên dạy giỏi và chưa được dùng để xét duyệt thành tích khen thưởng cá nhân trước đó.

Quy định về thi giáo viên dạy giỏi mới nhất
Quy định về thi giáo viên dạy giỏi mới nhất (Ảnh minh họa)

5. Giáo viên tham gia Hội thi không được dạy trước, dạy thử

Căn cứ vào nội dung Hội thi giáo viên dạy giỏi được quy định tại Thông tư 22, giáo viên không được dạy trước (dạy thử) tiết dạy tham gia Hội thi trong năm học tổ chức Hội thi.

Tuy nhiên, giáo viên được thông báo và có thời gian chuẩn bị cho tiết dạy là không quá 02 ngày trước thời điểm thi.

6. Thời gian bảo lưu danh hiệu giáo viên dạy giỏi

Theo khoản 2 Điều 5 Quy định ban hành kèm Thông tư 22, danh hiệu giáo viên dạy giỏi được bảo lưu trong thời gian như sau:

- Danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện được bảo lưu trong thời hạn 01 năm tiếp theo năm được công nhận là giáo viên dạy giỏi;

- Danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh được bảo lưu trong thời hạn 03 năm tiếp theo năm được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.

Trên đây là nội dung quy định về thi giáo viên dạy giỏi mới nhất. Nếu còn vấn đề thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900 6192 để được hỗ trợ.

Đánh giá bài viết:
(2 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục