6 quy định mới về kỷ luật công chức áp dụng từ 01/7/2020

Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, bổ sung năm 2019 chính thức có hiệu lực từ 01/7/2020 có nhiều quy định mới liên quan đến việc kỷ luật công chức. Dưới đây là tổng hợp 06 quy định đó.


1. Bổ sung thêm hình thức kỷ luật với công chức về hưu

Đây được coi là một trong những nội dung nổi bật nhất của Luật sửa đổi so với Luật Cán bộ công chức năm 2008 đang có hiệu lực.

Tại khoản 3 Điều 59 Luật 2008, khi công chức đang trong thời gian xem xét kỷ luật thì không giải quyết thôi việc. Theo đó, những quy định về kỷ luật tại Luật hiện hành chỉ áp dụng với công chức đang công tác, làm việc.

Tại Điều 8 Nghị định 34/2011/NĐ-CP, Chính phủ quy định rõ các hình thức kỷ luật đối với từng đối tượng công chức như sau:

- Công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, buộc thôi việc;

- Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc.

Căn cứ vào thực tiễn cũng như tại các quy định khác, việc không xử lý người đã về hưu, nghỉ việc mới phát hiện vi phạm đã bỏ lọt nhiều sai phạm của công chức.

Do đó, khoản 18 Điều 1 Luật sửa đổi đã bổ sung hình thức kỷ luật công chức đã nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện vi phạm trong thời gian công tác:

Công chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm gắn với hệ quả pháp lý tương ứng với hình thức kỷ luật

Có thể thấy, khi công chức nghỉ hưu hoặc nghỉ việc mới phát hiện vi phạm thì vẫn bị áp dụng các hình thức kỷ luật như trên. Ngoài ra, Luật sửa đổi còn bổ sung thêm một hình thức “xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm”. Đồng thời, việc kỷ luật vẫn gắn với hệ quả pháp lý tương ứng.

Như vậy, sắp tới đây, từ 01/7/2020, sẽ chính thức xóa bỏ việc “hạ cánh an toàn” trong suy nghĩ của một bộ phận không nhỏ công chức hiện nay.
Xem thêm


2. Kỷ luật công chức không hoàn thành nhiệm vụ

Hiện nay, căn cứ vào kết quả đánh giá, tiêu chuẩn không hoàn thành nhiệm vụ là một trong những tiêu chí đánh giá công chức. Theo đó, nếu công chức có 02 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì bị giải quyết thôi việc (khoản 3 Điều 58 Luật Cán bộ, công chức năm 2008).

Tuy nhiên, đây chỉ là hình thức áp dụng với công chức có liên tiếp 02 năm không hoàn thành nhiệm vụ mà không đề cập đến những trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ khác.

Do đó, Luật sửa đổi đã quy định cụ thể hình thức xử lý công chức không hoàn thành nhiệm vụ cụ thể tại khoản 12 Điều 1 Luật sửa đổi năm 2019:

- Cho thôi việc: Công chức có 02 năm liên tiếp xếp loại chất lượng không hoàn thành nhiệm vụ;

- Bố trí công tác khác hoặc không bổ nhiệm lại: Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có 02 năm không liên tiếp trong thời gian bổ nhiệm được xếp loại chất lượng không hoàn thành nhiệm vụ;

- Bố trí vào vị trí việc làm có yêu cầu thấp hơn: Công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong 03 năm có 02 năm không liên tiếp xếp loại ở mức không hoàn thành nhiệm vụ ở vị trí đang đảm nhận.

Xem thêm

6 quy định mới về kỷ luật công chức áp dụng từ 01/7/2020
6 quy định mới về kỷ luật công chức áp dụng từ 01/7/2020 (Ảnh minh họa)

3. Công chức tham nhũng đương nhiên bị buộc thôi việc

Nội dung này được bổ sung bởi khoản 15 Điều 1 Luật sửa đổi năm 2019.

Trước đây việc đương nhiên bị buộc thôi việc chỉ áp dụng với trường hợp công chức bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo.Thời gian áp dụng việc buộc thôi việc là kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

Tuy nhiên, đến 01/7/2019, Luật Phòng, chống tham nhũng chính thức có hiệu lực đã quy định:

Công chức bị kết án về tội phạm tham nhũng mà bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên bị thôi việc.

Để thống nhất với quy định này, Luật sửa đổi cũng bổ sung thêm quy định về việc đương nhiên bị buộc thôi việc của công chức gồm các trường hợp:

- Bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo;

- Bị kết án về tội phạm tham nhũng.

Tham nhũng là một trong những hành vi bị cấm với mọi công chức. Do đó, việc buộc thôi việc người có hành vi tham nhũng là một trong những biện pháp cần thiết và quyết liệt. Qua đó, đồng bộ quy định của hệ thống pháp luật cũng như phù hợp với thực tiễn hiện nay.

4. Công chức bị kỷ luật vẫn được xem xét bổ nhiệm lại

Hiện nay, theo Điều 82 Luật năm 2008, công chức bị kỷ luật từ khiển trách đến cách chức thì không thực hiện bổ nhiệm trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực. Hết thời hạn này, chỉ công chức không vi phạm đến mức bị kỷ luật mới tiếp tục được bổ nhiệm.

Điều này đồng nghĩa với việc, dù vi phạm ở mức độ nào thì công chức cũng sẽ không được bổ nhiệm trong thời hạn 12 tháng từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực. Quy định này dường như đã "đánh đồng" tất cả các hình thức kỷ luật, khiến việc phân chia mức độ, tính chất không còn quá cần thiết.

Do đó, để khắc phục nhược điểm này, tại khoản 17 Điều 1 Luật sửa đổi năm 2019 đã quy định rõ từng hình thức kỷ luật gắn với từng hậu quả riêng. Cụ thể, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực:

- Công chức bị khiển trách, cảnh cáo hoặc hạ bậc lương: Không bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn trong thời hạn 12 tháng;

- Công chức bị giáng chức hoặc cách chức: Không bổ nhiệm trong thời hạn 24 tháng;

- Công chức đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử: Không được bổ nhiệm;

Đáng chú ý: Hết thời hạn nêu trên, công chức không vi phạm đến mức bị kỷ luật thì tiếp tục được bổ nhiệm theo quy định.

Như vậy, từ 01/7/2020, công chức bị kỷ luật vẫn có cơ hội được bổ nhiệm lại nếu vi phạm ở mức bị khiển trách, cảnh cáo hoặc hạ bậc lương.

Xem thêm

Nhiều quy định mới liên quan đến kỷ luật công chức sắp có hiệu lực

Sắp tới, công chức sẽ bị kỷ luật "bất cứ lúc nào" (Ảnh minh họa)

5. 4 trường hợp công chức không áp dụng thời hiệu kỷ luật

Thời hiệu xử lý kỷ luật là thời hạn mà khi hết thời hạn này, công chức có hành vi vi phạm không bị xem xét kỷ luật (theo Điều 80 Luật năm 2008). Tuy nhiên, nhiều hành vi có mức độ vi phạm quá nghiêm trọng, nếu vẫn áp dụng thời hiệu thì sẽ không có hiệu quả trong công tác quản lý công chức.

Do đó, Luật sửa đổi 2019 đã bổ sung thêm các hành vi “không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật”. Điều này đồng nghĩa, dù vi phạm xảy ra tại thời điểm nào công chức đều bị kỷ luật nếu thuộc các trường hợp sau:

- Công chức là Đảng viên có vi phạm đến mức bị kỷ luật bằng hình thức khai trừ;

- Có hành vi vi phạm quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ;

- Có hành vi xâm hại lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại;

- Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp.

Xem thêm

6. Kéo dài thời hạn, thời hiệu xử lý kỷ luật công chức vi phạm

Không chỉ quy định các vi phạm không áp dụng thời hiệu, Điều 80 Luật Cán bộ, công chức còn kéo dài thời hạn, thời hiệu kỷ luật công chức.

Theo đó, thực tế việc áp dụng thời hạn và thời hiệu như hiện nay vẫn còn “bỏ lọt” khá nhiều hành vi vi phạm của công chức nên Luật sửa đổi đã kéo dài 02 khoảng thời gian này, cụ thể như sau:

Tiêu chí

Luật Cán bộ, công chức năm 2008

Luật sửa đổi Luật Cán bộ, công chức năm 2019

Thời hạn

24 tháng kể từ thời điểm có hành vi vi phạm

- Ít nghiêm trọng đến mức bị kỷ luật khiển trách: 02 năm;

- Không thuộc trường hợp trên: 05 năm

Thời hiệu

- Không quá 02 tháng;

- Có tình tiết phức tạp cần thanh tra, kiểm tra để xác minh, làm rõ thêm: Tối đa không quá 04 tháng.

- Không quá 90 ngày;

- Có tình tiết phức tạp cần thanh tra, kiểm tra để xác minh, làm rõ thêm: Không quá 150 ngày.

Nói tóm lại, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức năm 2019 đã bổ sung thêm rất nhiều quy định mới. Trong đó, nổi bật là các quy định mới về kỷ luật công chức đã nêu ở trên. Những điều này sẽ được chính thức áp dụng từ 01/7/2020.

>> Điểm mới của Luật sửa đổi Luật Cán bộ, công chức

Nguyễn Hương

Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Đề xuất tiêu chuẩn thăng quân hàm cấp tướng vượt bậc và trước thời hạn trong quân đội

Đề xuất tiêu chuẩn thăng quân hàm cấp tướng vượt bậc và trước thời hạn trong quân đội

Đề xuất tiêu chuẩn thăng quân hàm cấp tướng vượt bậc và trước thời hạn trong quân đội

Tại dự thảo Nghị định mới đây, Bộ Quốc phòng đã đề xuất quy định mới về tiêu chí, tiêu chuẩn thăng quân hàm cấp tướng vượt bậc và trước thời hạn. Theo dõi bài viết dưới đây để có thông tin cụ thể.