1. Tiêu chí đưa Đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng
Nội dung này được Ban Chấp hành Trung ương Đảng quy định cụ thể tại Hướng dẫn số 02-HD/BTCTW ngày 12/4/2021.
Theo đó, Đảng viên vi phạm nhưng chưa đến mức bị xóa tên hoặc khai trừ mà cần được giáo dục, giúp đỡ trước khi xem xét, quyết định đưa ra khỏi Đảng nếu thuộc trường hợp sau:
- Có 02 năm liền bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ.
- Đã bị kỷ luật cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng cấp bậc quân hàm, giáng chức, cách chức, đang chấp hành kỷ luật lại tiếp tục vi phạm.
- Có kết luận của cấp ủy có thẩm quyền là Đảng viên này có biểu hiện về tư tưởng chính trị, tự diễn biến, tự chuyển hóa hoặc vi phạm đạo đức, lối sống sau khi thực hiện kiểm điểm tự phê bình và phê bình hoặc thông qua kiểm tra, giám sát.
Với các trường hợp nêu trên, việc sàng lọc và đưa Đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng thực hiện theo các bước sau đây:
Bước 1: Rà soát, phát hiện Đảng viên cần được giúp đỡ, giáo dục trước khi xem xét, quyết định đưa ra khỏi Đảng
Việc đưa Đảng viên vào danh sách cần được giáo dục, giúp đỡ trước khi xem xét, quyết định đưa ra khỏi Đảng thực hiện theo hình thức bỏ phiếu kín. Nếu có 2/3 số Đảng viên chính thức trở lên đồng ý thì sẽ đưa Đảng viên này vào danh sách nêu trên.
Bước 2: Giáo dục, giúp đỡ Đảng viên
- Thông báo với từng Đảng viên việc bản thân người đó cần phải được giáo dục, giúp đỡ, khắc phục vi phạm, phản ánh (nếu có).
- Đảng viên thuộc diện này phải viết bản tự kiểm điểm, cam kết rõ việc sửa chữa, khắc phục vi phạm.
- Chi bộ họp để Đảng viên kiểm điểm và ra Nghị quyết phân công một Chi ủy viên/Đảng viên theo dõi, giúp đỡ Đảng viên đó trong thời gian 12 tháng. Việc kiểm điểm có thể thực hiện trong buổi sinh hoạt định kỳ.
Bước 3: Sàng lọc để đưa Đảng viên vi phạm ra khỏi Đảng
Sau 12 tháng ở bước 2, chi bộ sẽ họp để Đảng viên tự kiểm điểm, nêu rõ kết quả sửa chữa, khắc phục vi phạm đã cam kết. Sau đó, chi bộ thảo luận, góp ý và bỏ phiếu kín với từng trường hợp. Căn cứ vào kết quả bỏ phiếu để quyết định:
- Từ nửa số Đảng viên chính thức bỏ phiếu đồng ý công nhận sự tiến bộ của Đảng viên: Chi bộ ra Nghị quyết công nhận sự tiến bộ của Đảng viên.
- Từ 2/3 Đảng viên chính thức trở lên bỏ phiếu đề nghị xem xét đưa ra khỏi Đảng: Chi bộ ra Nghị quyết, báo cáo cấp ủy cấp trên trực tiếp xem xét, quyết định.
- Dưới ½ Đảng viên chính thức bỏ phiếu đồng ý công nhận sự tiến bộ hoặc dưới 2/3 Đảng viên chính thức bỏ phiếu đề nghị xem xét đưa ra khỏi Đảng: Chi bộ xem xét, quyết định đưa vào danh sách Đảng viên cần được tiếp tục giáo dục, giúp đỡ trước khi xem xét đưa ra khỏi Đảng sau 12 tháng.
Bước 4: Đưa Đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng
Sau khi cấp có thẩm quyền thẩm tra, xác minh vi phạm của từng Đảng viên, việc quyết định xóa tên/kỷ luật khai trừ do cấp ủy cấp huyện và tương đương xem xét, quyết định.
Nếu qua xem xét, chưa đến mức xóa tên/khai trừ thì tiếp tục giáo dục, giúp đỡ Đảng viên đó và sẽ xem xết lại sau 12 tháng.
2. Tiêu chuẩn mới về điều kiện kết nạp Đảng
Việc thi hành Điều lệ Đảng được Ban Chấp hành Trung ương Đảng hướng dẫn cụ thể tại Quy định 24-QĐ/TW ban hành ngày 30/7/2021.
Theo đó, về điều kiện được kết nạp Đảng, điểm 1.2.1 khoản 1.2 Điều 1 Quy định 24 nêu rõ, người vào Đảng phải có bằng tốt nghiệp từ trung học cơ sở trở lên (quy định cũ có thể chấp nhận cả bằng tương đương với bằng tốt nghiệp trung học cơ sở).
Ngoài ra, Quy định này còn rất nhiều điểm mới so với các hướng dẫn trước đó của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Bạn đọc có thể tham khảo thêm bài viết điểm mới của Quy định 24-QĐ/TW hướng dẫn Điều lệ Đảng.
3. Bổ sung nhiều quy định về xét tặng Huy hiệu Đảng
Ngoài Quy định 24, Ban Chấp hành Trung ương Đảng còn ban hành Hướng dẫn số 01-HD/TW để quy định cụ thể thi hành Điều lệ Đảng.
Theo đó, Hướng dẫn 01 bổ sung thêm ba nội dung về tặng, truy tặng Huy hiệu Đảng. Cụ thể:
- Đảng viên bị bệnh nặng được xét tặng Huy hiệu Đảng sớm:
+ 30,40,45, 50, 55, 60, 65 năm tuổi Đảng nhưng không quá 12 tháng so với bình thường;
+ 70, 75, 80, 85, 90 năm tuổi Đảng nhưng không được quá 24 tháng so với bình thường.
Trong khi đó, quy định cũ không yêu cầu số tuổi Đảng và chỉ xét tặng không quá 01 năm.
- Đảng viên từ trần được xét truy tặng Huy hiệu Đảng sớm, nhưng thời gian xét truy tặng sớm không quá 12 tháng so với bình thường.
4. Mức phụ cấp về công tác Đảng, đoàn thể chính trị, xã hội
Loại phụ cấp này được Hướng dẫn 05 quy định rõ như sau:
Mức phụ cấp bằng 30% của mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)
Trong đó, các đối tượng áp dụng mức phụ cấp này gồm:
- Cán bộ, công chức, người lao động làm việc ở cơ quan Đảng, đoàn thể chính trị, xã hội từ Trung ương đến cấp huyện hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.
- Cán bộ, công chức và người lao động công tác ở ủy ban kiểm tra các cấp chưa được hưởng và không được hưởng phụ cấp trách nhiệm nghề, phụ cấp thâm niên nghề.
- Người ký hợp đồng lao động từ 12 tháng trở lên trong cơ quan Đảng, đoàn thể chính trị, xã hội đã xếp lương theo các bảng lương do Nhà nước quy định thuộc chỉ tiêu biên chế đã được phê duyệt.
5. Cập nhật những điều Đảng viên không được làm
Từ ngày 25/10/2021, Quy định 37 chính thức có hiệu lực, thay thế cho Quy định số 47 năm 2011 về những điều Đảng viên không được làm.
Mặc dù vẫn giữ nguyên 19 Điều Đảng viên không được làm như quy định cũ nhưng trong 19 Điều này, Ban Chấp hành Trung ương đã bổ sung một số nội dung mới phù hợp với thực tiễn cũng như những quy định, chính sách của Đảng, Nhà nước ban hành thời gian gần đây.
Cụ thể, Điều 9 Quy định 37 đã sửa đổi, bổ sung một số hành vi nghiêm cấm như sau:
- Không được sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận giả, không hợp pháp (bổ sung so với Quy định 47).
- Nhập quốc tịch, chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, mở tài khoản và mua bán tài sản ở nước ngoài trái quy định (Quy định 47 cũ nêu “mở tài khoản ở nước ngoài trái quy định; tham gia hoạt động rửa tiền”).
Ngoài ra, Quy định 37 mới bổ sung thêm một số hành vi Đảng viên không được làm gồm:
- Đe doạ, trù dập, trả thù người khiếu nại, tố cáo; vi phạm quy định về bảo vệ người tố cáo, phê bình, góp ý; kích động, xúi giục, mua chuộc, cưỡng ép người khác khiếu nại, tố cáo (Điều 6).
- Có hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay, can thiệp để bản thân hoặc người thân được tiếp nhận, tuyển dụng, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, đề cử, ứng cử, khen thưởng… trái quy định (Điều 12).
- Tham ô (Điều 14)…
Trên đây là tổng hợp 05 quy định mới về Đảng viên cần biết trong năm 2021. Nếu còn thắc mắc khác, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192, LuatVietnam sẽ sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp.