Từ 01/7/2020, 4 quy định mới tác động lớn đến học sinh, sinh viên

Ngày 01/7/2020, thời điểm nhiều Luật mới có hiệu lực kéo theo nhiều chính sách mới cũng chính thức được áp dụng. Đặc biệt, học sinh, sinh viên cũng là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng không nhỏ.

Học sinh tiểu học tư thục được hỗ trợ học phí?

Trước đây, tại Điều 105 Luật Giáo dục năm 2005, học sinh tiểu học trường công lập không phải đóng học phí. Ngoài học phí, người học hoặc gia đình không phải đóng góp khoản tiền nào khác. Riêng cơ sở giáo dục dân lập, tư thục được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí.

Tuy nhiên, quy định này tới Luật Giáo dục năm 2019 đã có sự thay đổi, chỉnh sửa. Bên cạnh việc kế thừa quy định không thu học phí của học sinh tiểu học trường công như trước nay, Điều 99 Luật Giáo dục năm 2019 đã bổ sung thêm chính sách đối với học sinh tiểu học trường tư thục ở địa bàn không có đủ trường công lập:

Ở địa bàn không đủ trường công lập, học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục tư thục được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí, mức hỗ trợ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định

Như vậy, từ 01/7/2020, học sinh tiểu học trường tư thục, nơi không có đủ trường công sẽ được hỗ trợ học phí.

quy định ảnh hưởng đến học sinh, sinh viên từ 01/7/2020

4 quy định mới ảnh hưởng đến học sinh, sinh viên từ 01/7/2020 (Ảnh minh họa)

Khi nào học sinh sư phạm phải hoàn trả chi phí đào tạo?

Bên cạnh việc hỗ trợ học phí cho học sinh tiểu học tư thục tại nơi không đủ trường công lập, Luật Giáo dục năm 2019 cũng quy định hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho toàn khóa học của sinh viên sư phạm thay vì việc không phải đóng học phí, ưu tiên xét cấp học bổng, trợ cấp xã hội như trước đây.

Theo đó, Luật Giáo dục 2019 quy định:

Học sinh, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt sau 02 năm kể từ khi tốt nghiệp nếu không công tác trong ngành giáo dục hoặc không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn kinh phí đã được hỗ trợ. Thời hạn hoàn trả tối đa bằng thời gian đào tạo.

Do đó, thay vì được miễn hoàn toàn học phí và không có điều kiện ràng buộc như trước đây, hiện nay, học sinh, sinh viên sư phạm chỉ được hỗ trợ miễn, giảm học phí và bắt buộc học xong phải làm việc trong ngành giáo dục. Nếu không sẽ phải hoàn trả lại số tiền đã được hỗ trợ.

Tuy nhiên, những học sinh, sinh viên sư phạm đã được tuyển sinh trước 01/7/2020 sẽ không áp dụng theo quy định này mà tiếp tục được miễn học phí như trước đây.

Như vậy, có thể thấy, chỉ những học sinh, sinh viên sư phạm được tuyển dụng sau ngày 01/7/2020 sẽ phải hoàn trả học phí được hỗ trợ nếu:

- Không công tác trong ngành giáo dục 02 năm kể từ khi tốt nghiệp;

- Sau khi tốt nghiệp không có đủ thời gian làm việc trong ngành giáo dục theo quy định.

Học sinh cử tuyển được đảm bảo việc làm sau khi học xong

Trước đây tại Điều 90 Luật Giáo dục năm 2005, những người được cử đi học theo chế độ cử tuyển phải chấp hành sự phân công công tác sau khi tốt nghiệp. Mà nay, khoản 3 Điều 87 Luật Giáo dục 2019 đã ấn định trách nhiệm quay trở về địa phương làm việc của các đối tượng này:

Người học theo chế độ cử tuyển có trách nhiệm trở về làm việc tại địa phương nơi cử đi học, được xét tuyển và bố trí việc làm

Đây cũng là quy định mới được sửa đổi, bổ sung tại Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi năm 2019.

Cụ thể, khoản 2 Điều 37 Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, bổ sung bởi khoản 5 Điều 1 Luật sửa đổi 2019 quy định, người học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học được tuyển dụng công chức thông qua xét tuyển.

Đồng thời, các cơ sở giáo dục cũng phải tạo điều kiện thuận lợi để các đối tượng này vào học trường phổ thông dân tộc nội trú và tăng thời gian học dự bị đại học, bảo đảm chất lượng đầu ra cho người học theo chế độ cử tuyển.

Như vậy, có thể thấy, từ 01/7/2020, người học theo chế độ cử tuyển được bảo đảm công việc sau khi học xong tại địa phương nơi cử đi học.

Xem thêm

Từ 01/7/2020, học sinh, sinh viên có bị ảnh hưởng gì không?
Học sinh, sinh viên ảnh hưởng thế nào từ 01/7/2020?
(Ảnh minh họa)

Sinh viên xuất sắc được xét tuyển vào công chức

Theo quy định tại khoản 5 Điều 1 Luật sửa đổi Luật Cán bộ công chức năm 2019, công chức được tuyển dụng thông qua 02 hình thức là thi tuyển và xét tuyển. Trong đó, xét tuyển công chức được thực hiện với các đối tượng:

- Cam kết tình nguyện làm việc từ 05 năm trở lên ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn;

- Người học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp về công tác ở địa phương nơi cử đi học;

- Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng.

Đồng thời, những đối tượng này không phải thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào.

Như vậy, theo quy định của Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, hiện nay sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc sẽ được xét tuyển công chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng.

Trên đây là 04 quy định mới từ 01/7/2020 có tác động mạnh đến học sinh, sinh viên trên cả nước. Không chỉ thế, Luật Giáo dục 2019 và Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức sửa đổi còn ảnh hưởng không nhỏ đến đối tượng giáo viên trên cả nước. Có thể theo dõi thêm bài viết dưới đây:

>> Giáo viên phải nắm rõ 5 quy định mới từ ngày 01/7/2020

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Mẫu đơn công khai thông tin về tuyển sinh các khóa học thêm và hướng dẫn cách viết

Mẫu đơn công khai thông tin về tuyển sinh các khóa học thêm và hướng dẫn cách viết

Mẫu đơn công khai thông tin về tuyển sinh các khóa học thêm và hướng dẫn cách viết

Từ 14/02/2025, để tổ chức dạy thêm, giáo viên phải đăng kí kinh doanh, sau đó niêm yết trên cổng thông tin điện tử hoặc tại nơi dạy thêm. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm cách viết mẫu đơn công khai thông tin về tuyển sinh các khóa học thêm để thực hiện niêm yết.