Phụ cấp ưu đãi nghề là gì? Mức hưởng như thế nào?

Hiện nay, ngoài lương, công chức, viên chức còn được hưởng nhiều khoản phụ cấp, trong đó có phụ cấp ưu đãi nghề. Vậy khoản phụ cấp này là gì? Mức hưởng thế nào?


Phụ cấp ưu đãi nghề của công chức, viên chức là gì?

Cũng như các loại phụ cấp khác, phụ cấp ưu đãi theo nghề cũng mang ý nghĩa khuyến khích công chức, viên chức gắn bó lâu dài với nghề hơn. Căn cứ vào từng đối tượng công chức, viên chức mà được hưởng các loại phụ cấp khác nhau.

Theo đó, căn cứ điểm b khoản 8 Điều 6 Nghị định 204/2004/NĐ-CP, phụ cấp ưu đãi theo nghề là loại phụ cấp dành cho công chức, viên chức làm những nghề hoặc công việc có điều kiện lao động cao hơn bình thường, phải ưu tiên đặc biệt do pháp luật quy định.

Trong đó, có thể kể đến một số đối tượng như:

- Nhà giáo (kể cả những người đang thử việc, hợp đồng) thuộc biên chế trả lương, đang trực tiếp giảng dạy trong các trường công lập; cán bộ quản lý thuộc biên chế trả lương của các trường công lập, trực tiếp giảng dạy đủ số giờ… (căn cứ Thông tư liên tịch 01 năm 2006 sửa đổi năm 2018);

- Công chức, viên chức, cán bộ y tế xã trực tiếp làm chuyên môn y tế; Công chức, viên chức làm công tác quản lý, phục vụ không trực tiếp làm chuyên môn y tế tại các chuyên khoa phong tâm thần … trong đơn vị sự nghiệp công lập (Căn cứ Nghị định số 56/2011/NĐ-CP);

- Công chức, viên chức chuyên ngành kiểm lâm, bảo vệ thực vật, thú y và kiểm soát đê điều (có 02 chữ số đầu mã ngạch là 09 10, 11) thuộc biên chế trả lương trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp Nhà nước, được chuyển xếp lương theo Nghị định 204 (căn cứ Thông tư liên tịch 64/2006)...

Như vậy, có thể thấy, không phải đối tượng công chức, viên chức nào cũng được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề.

Phụ cấp ưu đãi nghề là gì? Mức hưởng như thế nào? (Ảnh minh họa)

Mức hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề của công chức, viên chức

Cũng theo quy định Nghị định 204/2004/NĐ-CP nêu trên, phụ cấp ưu đãi theo nghề của công chức, viên chức được tính theo phần trăm dựa trên tổng mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

Cụ thể:

Phụ cấp ưu đãi nghề = Hệ số phụ cấp x [Mức lương hiện hưởng + phụ cấp chức vụ lãnh đạo + phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)]

Trong đó:

1/ Hệ số phụ cấp

Gồm 10 mức là: 5%, 10%, 15%, 20%, 25%, 30%, 35%, 40%, 45% và 50%.

2/ Mức lương hiện hưởng của công chức, viên chức

Hiện lương công chức, viên chức đang được tính theo công thức:

Lương = Hệ số x mức lương cơ sở.

- Hiện nay, mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng/tháng (Nghị định 38 năm 2019 của Chính phủ).

- Hệ số lương thì phụ thuộc vào từng chức vụ, ngành nghề, lĩnh vực.

3/ Phụ cấp chức vụ lãnh đạo

Công chức, viên chức giữ chức danh lãnh đạo do bầu cử, bổ nhiệm nào thì được xếp lương chức vụ hoặc hưởng phụ cấp chức vụ theo chức danh lãnh đạo đó.

Bảng phụ cấp chức vụ lãnh đạo chi tiết được ban hành kèm Nghị định 204 và các văn bản sửa đổi, bổ sung.

4/ Phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)

Khoản phụ cấp này chỉ áp dụng với các đối tượng được xếp lương theo Nghị định 204, đã ở bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh hoặc thuộc các ngành Tòa án, kiểm sát…

Mức phụ cấp được hưởng bằng 5% mức lương của bậc lương cuối cùng. Tùy vị trí cụ thể, từ năm thứ ba hoặc năm thứ tư trở đi mỗi năm được tính thêm 1% nữa.

Trên đây là quy định hiện hành về phụ cấp ưu đãi nghề và cách tính. Có thể thấy, loại phụ cấp này được áp dụng với công chức, viên chức của những công việc có điều kiện lao động cao hơn bình thường nên được hưởng chính sách ưu đãi phù hợp của Nhà nước.

>> Bảng lương cán bộ, công chức 2021 (chính thức)

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục