Phụ cấp phục vụ an ninh, quốc phòng là một trong những khoản thu nhập dành riêng cho người làm việc trong lực lượng vũ trang, cơ yếu. Tuy nhiên, không phải ai cũng được hưởng khoản phụ cấp này.
Đối tượng hưởng phụ cấp phục vụ an ninh, quốc phòng
Phụ cấp phục vụ an ninh, quốc phòng được quy định tại điểm đ khoản 8 Điều 6 Nghị định 204 năm 2004 của Chính phủ. Theo đó, loại phụ cấp này áp dụng với những đối tượng làm việc trong các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang và cơ yếu nhưng không thuộc diện xếp lương theo:
- Bảng lương cấp bậc quân hàm sĩ quan quân đội nhân dân, sĩ quan, hạ sĩ quan công an nhân dân;
- Bảng lương quân nhân chuyên nghiệp thuộc quân đội nhân dân và chuyên môn kỹ thuật thuộc công an nhân dân.
Cũng tại Điều 6 Nghị định 204 này, phụ cấp phục vụ an ninh, quốc phòng được tính theo 02 mức là: 30% và 50% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
Đồng thời, theo hướng dẫn chi tiết tại khoản 4 Điều 7 Thông tư 07/2017/TT-BNV mức phụ cấp phục vụ an ninh, quốc phòng được quy định như sau:
- Mức 50%: Công chức, viên chức kể cả những người làm việc theo chế độ hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, trực tiếp làm việc trong các đơn vị sản xuất tài liệu, sản xuất và lắp ráp máy mã, trang thiết bị kỹ thuật mật mã;
- Mức 30%: Các đối tượng công chức, viên chức còn lại hưởng lương từ ngân sách Nhà nước làm việc trong tổ chức cơ yếu.
Trong đó, các loại phụ cấp này được tính trả cùng kỳ lương hàng tháng và không dùng để đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Như vậy, có thể thấy, những người làm việc trong cơ quan, đơn vị công an, quân đội, cơ yếu nhưng không phải sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan công an, quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật của công an thì được hưởng phụ cấp phục vụ an ninh, quốc phòng.
Ai được hưởng phụ cấp phục vụ an ninh, quốc phòng? (Ảnh minh họa)
Đến 2021, giữ nguyên nhiều loại phụ cấp của lực lượng vũ trang
Ngày 21/5/2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương. Trong đó có nhiều thay đổi mới về các khoản phụ cấp của lực lượng vũ trang (quân đội, công an, cơ yếu).
Cụ thể, bên cạnh việc bãi bỏ hàng loạt phụ cấp và khoản chi ngoài lương, để tương quan tiền lương giữa các đối tượng công chức, viên chức, quân đội, công an và doanh nghiệp thì một số chính sách với người làm việc trong quân đội, công an được quy định như sau:
- Xây dựng 03 bảng lương: Bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an; bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an; bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an;
- Tiếp tục áp dụng các loại phụ cấp: Phụ cấp kiêm nhiệm, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp khu vực, phụ cấp trách nhiệm công việc, phụ cấp lưu động, phụ cấp phục vụ an ninh, quốc phòng, phụ cấp đặc thù, phụ cấp thâm niên nghề.
Như vậy, để duy trì sự cân bằng tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang nhân dân và doanh nghiệp thì từ năm 2021, các loại phụ cấp như phụ cấp phục vụ an ninh, quốc phòng, phụ cấp đặc thù… của quân đội, công an vẫn được giữ nguyên.
>> Năm 2021, quân đội, công an đón 3 thay đổi mới về lương, phụ cấp
Nguyễn Hương