1. Mức phụ cấp ngày đi biển mới nhất là bao nhiêu?
Căn cứ vào từng đối tượng khác nhau, mức phụ cấp được hưởng của cán bộ, công chức, viên chức cũng được quy định khác nhau. Trong đó, có thể kể đến:
1.1 Công chức trên tàu tìm kiếm cứu nạn hàng hải
Khi công chức, viên chức, công nhân, nhân viên trên tàu tìm kiếm cứu nạn hàng hải trong thời gian trực tiếp tham gia diễn tập, huấn luyện, tìm kiếm cứu nạn trên biển sẽ được hưởng phụ cấp ngày đi biển là 150.000 đồng/người/ngày thực tế đi biển.
Mức phụ cấp này được Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể tại Quyết định số 148/2008/QĐ-TTg ngày 20/11/2008.
1.2 Khi công chức đi công tác
Căn cứ khoản 2 Điều 6 Thông tư 40/2017/TT-BTC, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ở đất liền nếu được cơ quan cử đi công tác làm nhiệm vụ trên biển, đảo thì được hưởng mức phụ cấp như sau:
Phụ cấp lưu trú: 250.000 đồng/người/ngày thực tế đi biển, đảo
Mức phụ cấp này áp dụng cho cả những ngày làm việc trên biển, đảo và những ngày đi, về trên biển, đảo.
Ngoài ra, nếu trong một số ngành, nghề đặc thù đã được quy định chế độ chi bồi dưỡng khi đi công tác trên biển, đảo thì hưởng mức phụ cấp cao nhất, có thể là phụ cấp lưu trú ở trên hoặc là khoản chi bồi dưỡng.
1.3 Người làm việc trong quân đội
Ngoài ra, với quân nhân, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng, công chức quốc phòng công tác ở đất liền mà được cử đi công tác ở biển, đảo thì cũng được hưởng mức phụ cấp ngày đi biển hay chính là phụ cấp lưu trú là 250.000 đồng/ngày (theo khoản 3 Điều 6 Thông tư 259/2017/TT-BQP).
Tuy nhiên, nếu các đối tượng này làm nhiệm vụ như huấn luyện, tuần tra, chiến đấu, cứu nạn, vận chuyển và các nhiệm vụ khác trên tàu chiến đấu, tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư, tàu tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển, tàu vận tải phục vụ trên biển sẽ được hưởng chế độ bồi dưỡng đi biển, phụ cấp ngày đi biển và phụ cấp đặc thù đi biển.
Các đối tượng này sẽ không hưởng chế độ phụ cấp lưu trú đã nêu ở trên.
2. Công chức đi công tác còn được hưởng các khoản phụ cấp nào?
Ngoài phụ cấp ngày đi biển, cán bộ, công chức, viên chức nếu đi công tác còn được hưởng các loại phụ cấp khác nêu tại Thông tư 40/2017/TT-BTC như:
2.1 Chi phí đi lại
Chi phí đi lại được thanh toán theo hai hình thức:
- Theo hoá đơn thực tế gồm các loại chi phí:
- Chiều đi, chiều về từ nhà/cơ quan đến sân bay, ga tàu, bến xe.
- Tiền vé máy bay hạng thương gia với Bộ trưởng, Thứ trưởng; Phó trưởng các đoàn thể chính trị - xã hội ở Trung ương… và vé hang thường với các đối tượng còn lại
- Vé tàu, vé xe khách đến nơi công tác và đi theo chiều ngược lại
- Chi phí đi lại từ chỗ nghỉ đến chỗ làm việc hoặc lượt đi và lượt về từ sân bay/nhà ga/bến xe về nơi nghỉ…
- Theo mức khoán: Áp dụng với việc sử dụng xe ô tô và khoán tiền tự túc phương tiện đi công tác.
2.2 Phụ cấp lưu trú
Mức trả phụ cấp lưu trú cho người đi công tác từ ngày đầu tiên đến khi kếtthúc gồm cả thời gian đi đường, thời gian lưu trú tại nơi công tác là 200.000 đồng/ngày. Nếu đi trong ngày thì mức phụ cấp lưu trú sẽ do Thủ tươrng cơ quan quyết định, dựa trên các tiêu chí dưới đây và được ghi trong quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị:
- Số giờ thực tế đi công tác trong ngày
- Thời gian phải làm ngoài giờ kể cả thời gian đi đường
- Quãng đường đi công tác
2.3 Tiền thuê phòng nghỉ
Áp dụng cách tính theo phương thức khoán hoặc thanh toán theo hoá đơn thực tế. Nếu cán bộ, công chức, viên chức không phải thanh toán tiền thuê phòng mà đã được cơ quan, đơn vị bố trí phòng nghỉ thì không được thanh toán lại khoản thuê phòng này.
Mức thanh toán khoán trong trường hợp này như sau:
- Bộ trưởng, Thứ trưởng: 01 triệu đồng/ngày/người
- Đối tượng còn lại đi công tác ở quận, thành phố là đô thị loại I thuộc tỉnh hoặc thuộc thành phố trực thuộc Trung ương: 450.000 đồng/ngày/người
- Đối tượng còn lại đi công tác ở cấp huyện thuộc tỉnh: 350.000 đồng/ngày/người
- Đối tượng còn lại đi công tác ở các vùng còn lại: 300.000 đồng/ngày/người
Trên đây là tổng hợp mức phụ cấp ngày đi biển của công chức và các đối tượng khác mới nhất. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ chuyên gia pháp lý tại tổng đài 19006192 .